Bài 2: Ba giải pháp lớn tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng
Bài 2: Ba giải pháp lớn tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
“Năm cầm” chính là phương thức cầm quyền rường cột, cốt yếu nắm chắc Thời và Thế trong tất thảy công việc thuộc phương thức cầm quyền của Đảng
Bài viết trước đã nêu 2 trong 3 giải pháp với lãnh đạo của Đảng, và bài này sẽ nêu giải pháp còn lại, trong đó tập trung vào “năm cầm”.
“Năm cầm” trong phương thức cầm quyền của Đảng
Từ phương châm khái lược đó, công việc của Đảng là người lãnh đạo, là người cầm quyền, và làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, hiện nay, việc tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng bao hàm những công việc gì, chúng như thế nào... Có thể hình dung gồm năm loại công việc chủ yếu sau đây:
Một là, cầm “Đạo”. Đó chính là con đường mà Đảng phải đi, nền tảng mà Đảng phải giữ, nguyên tắc mà Đảng phải nắm lấy và phát triển bằng mọi giá, nếu Đảng tiếp tục cầm quyền: Con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng tư tưởng chính trị là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu, phát triển những tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu cho nền tảng tư tưởng chính trị đó, hiện diện bằng cương lĩnh và tất cả quyết sách chính trị của Đảng.
Chỉ có như vậy, Đảng mới thật sự là Đảng mácxít chân chính. Nói cụ thể, tất cả điều này khẳng định tính chính danh, địa vị pháp lý cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đây là vấn đề cơ bản, có tính bất biến, chi phối đối với (và trong) công việc đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng.
Hai là, cầm “Cương”. Đó là toàn bộ công việc trên phương diện pháp lý và những nguyên tắc căn bản và chủ yếu của Đảng làm nên rường cột bảo đảm cho Đảng được tổ chức và hoạt động một cách chính danh, khoa học và tất yếu trên vị thế và vai trò là một đảng duy nhất cầm quyền, ngang tầm yêu cầu phát triển đúng đắn của đất nước và chịu trách nhiệm lịch sử trước nhân dân về sự cầm quyền của mình. Đây là công việc có nghĩa rường cột.
|
Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: TTXVN |
Về cơ chế tổ chức và vận hành trong Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ bao trùm và xuyên suốt, theo hướng tinh, gọn, hiện đại và hiệu quả. Không thể tổ chức những bộ máy song trùng giữa Đảng và các thành viên khác trong hệ thống chính trị.
Về cơ chế vận hành hệ thống chính trị, hoàn thiện mối quan hệ Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ, theo hướng Đảng hóa thân trong bộ máy nhà nước và các thành viên khác của hệ thống chính trị; đồng thời hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đúng Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Đảng và các quy chế trong Đảng (đối với cán bộ, đảng viên của Đảng), chứ không phải là người đứng bên trên hay bên cạnh.
Đồng thời, ở góc độ khác, cần thấu triệt điều mà lâu nay chưa được chú trọng thỏa đáng rằng, Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật. Nhà nước của ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, cho nên việc giám sát, xây dựng và bảo vệ Đảng là quyền, trách nhiệm và lợi ích của nhân dân, bằng và thông qua pháp luật và các quy chế khác.
Vì, cầm quyền, hiểu theo nghĩa nào đó, chính là sự tương tác; và vì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử về sự cầm quyền của mình. Đó là điều chắc chắn về đạo lý, mà Đảng “là đứa con nòi”, phải giữ gìn và bảo vệ vô điều kiện một cách xứng đáng.
Điều cần khẳng định và kiên quyết thực thi ở đây là, trên phương diện pháp lý, không một ai, một tổ chức nào của Đảng được phép đứng ngoài hay đứng trên Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đứng ngoài hay đứng trên Hiến pháp và pháp luật, đứng ngoài sự giám sát của nhân dân.
Ba là, cầm “Tướng”. Phương thức Đảng cầm quyền trên phương diện tổ chức, thiển nghĩ là phải cầm “Tướng”, chứ không phải cầm quân. Đây là công việc then chốt.
Vì, Đảng là người mang sứ mệnh và trọng trách lãnh đạo, như trên đã kiến giải. Điều này đòi hỏi Đảng tự nhiên phải nắm lấy và không thể nhường hay buông công việc then chốt là cầm “Tướng” với cương vị là người lãnh đạo; và Đảng phải ra những quyết sách chi phối quyết định đối với các “tướng” cầm quân ở các thành viên khác trong toàn bộ hệ thống chính trị nước ta, xét trong toàn bộ sự cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trên cơ sở pháp lý và Điều lệ Đảng.
Đảng không làm thay những việc của những vị “tướng” cầm quân, mà chỉ cầm và nắm lấy đội ngũ “tướng”, ở bất cứ phương diện nào dù kinh tế hay chính trị, quốc phòng hay đối ngoại, dù là thành viên nào của hệ thống chính trị Việt Nam. Nói như Trần Hưng Đạo, hơn 750 năm trước, rằng, “việc quân cốt là ở dùng tướng”, “chọn dùng tướng giỏi”.
Bốn là, cầm “Tâm”. Một trong những sức mạnh vô địch của Đảng là sức mạnh văn hóa, đạo đức của Đảng; và chính điều này góp phần làm nên vị thế lịch sử của Đảng và được nhân dân trao cho “đứa con nòi” của mình vai trò lãnh đạo nhân dân và dân tộc, giữa trùng điệp các đảng phái chính trị đủ loại khác nhảy ra mưu đoạt vũ đài lịch sử với Đảng lúc sinh thời và những lúc cam go mất còn nhất của lịch sử nước nhà.
Ấy là cái “Tâm” của Đảng làm nên cái Tín và cái Tâm của đồng bào mình đối với Đảng và sống chết với Đảng vậy. Cái Tín tỏa từ trong Đảng làm nên cái Tín trong nhân dân và trong đồng chí, bạn bè quốc tế, tất cả làm giàu thêm và nhân lên sức mạnh vô địch của cái Tâm, cái Tín đối với Đảng.
Trong Đảng, ai cũng phải giữ bổn phận tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, phải “giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, để thực thi đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường đoàn kết quốc tế; lấy cái “tâm” làm gốc, giữ nguyên tắc đảng làm đầu. Đảng phải cầm lấy “tâm”, giữ điều “tín” ở tầm chiến lược, dù ở đâu, ở lúc nào hay dù với ai, và nhất quyết “không gây thù oán với một ai”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, như thuật “Tâm công” của ông cha ta 600 năm về trước.
Đảng mất lòng tin ở bạn bè, đồng chí, đối tác là mất lớn, mất lòng tin ở nhân dân có nguy cơ lâm vào vòng sinh tử và mất tất cả. Có Tâm mới có Tín, cầm Tâm mới cầm được Tín! Mỗi vị tướng mà Đảng “cầm” phải là và xứng đáng là một tấm gương sáng về Tâm về Tín. Nhân dân tin sẽ yêu và soi vào gương ấy!
Vì vậy, cầm “Tâm” để nâng tầm Tín là phương lược cầm quyền mang ý nghĩa tồn vong, thành bại đối với Đảng từ trong lịch sử, mà hiện nay cần kíp hơn bất cứ lúc nào.
Năm là, cầm “Thời”. Đây chính là tầm nhìn thời cuộc của Đảng. Không cầm nổi thời, Đảng thật khó thành công về phương thức trong công cuộc cầm quyền.
Ở đây, hội tụ khả năng tiên liệu thời thế mang tầm nhìn chiến lược, sự mẫn cảm thời cuộc trong Đảng, trong nước và trên thế giới một cách toàn cục và sâu sắc, là một trong những tiền đề xây dựng quyết sách chính trị chiến lược đúng đắn, lộ trình, bước đi và hệ giải pháp cầm quyền then chốt và chủ yếu nhất của Đảng... là vấn đề có ý nghĩa căn bản, mệnh hệ, mà trước hết từ trong việc cầm “Thời” của Đảng.
Về điều cầm “Thời” này, hơn 750 năm trước Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế”; và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1942, trong bài thơ Học dịch kỳ (Học đánh cờ), Người cũng viết: “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế/ Kiên quyết thời thời yếu tấn công/ Thác lộ song xa dã một dụng/ Phùng thời nhất tốt khả thành công” (Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công/ Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công).
Tới đây, xin phỏng theo minh ý của cụ Ức Trai, gần 600 năm trước, tức năm 1426, để vận về Đảng trong việc cầm “Thời”: Rằng, Đảng giỏi cầm quyền là ở chỗ ưu thời mẫn thế, ở chỗ hiểu thấu và biết nắm lấy thời thế. Và rằng, được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn; mất thời và không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại nên nguy; sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng bàn tay.
Có thể nói gọn lại, “năm cầm” trên chính là phương thức cầm quyền rường cột, cốt yếu nắm chắc Thời và Thế trong tất thảy công việc thuộc phương thức cầm quyền của Đảng, ngõ hầu vừa không bỏ sót quyền của chính mình, vừa khắc phục sự “cầm” nhầm quyền của người khác, của các thành viên khác trong hệ thống chính trị nước ta.
Hơn lúc nào hết, hiện nay, để tiếp tục đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng ngang tầm trọng trách lịch sử trong tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thiển nghĩ ba giải pháp tối thiểu ấy, Đảng dứt khoát phải nắm lấy thật toàn vẹn và thật chắc chắn, quyết không buông!
Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản