Quyền được ‘rối loạn’ Thứ năm, 7/11/2019, 05:14 (GMT+7) Người cha dáng hình to lớn, gương mặt góc cạnh và bộ râu quai nón chưa cạo sạch đột nhiên ngồi bệt xuống đất, mắt nhìn lên trần nhà, thẫn thờ. Tôi chợt thèm ngồi xuống cạnh anh như hai người bạn. Một lúc sau, anh đưa tay quệt nhẹ giọt nước nơi khóe mắt, ngồi lại lên ghế, ngượng nghịu nói lời xin lỗi rồi tiếp tục buổi khám cho con. Hai vợ chồng anh là dân lao động, không khá giả gì nhưng đồng thuận "dù nghèo vẫn cố cho thằng Tèo đi học". Anh làm công nhân một xí nghiệp, chị buôn gánh bán bưng ở một chợ nhỏ gần nhà tại TP. HCM. Thấy sức học của cậu con trai lớp 5 đuối dần, họ cũng chạy vạy hỏi thăm khắp nơi, cho con ăn thức ăn "bổ não", dành dụm tiền mua thuốc uống "để thông minh hơn" cho con. Nhưng cả năm, con không tiến bộ mà ngày càng sợ học. Tìm hiểu mãi, cuối cùng anh cũng đưa được con tới khám chỗ tôi để kiểm tra xem "đầu nó có bị gì không". Con anh, bé trai 10 tuổi, rất ngoan nhưng mỗi tội "lười học". Em học giỏi hai năm đầu cấp một, nhưng đến lớp ba thì bị mất tập trung, tránh né việc học. Ba mẹ áp dụng đủ mọi cách từ năn nỉ, hứa hẹn thưởng cho đến đe dọa, đánh đập, la mắng, nhưng em cứ thấy tập vở là tìm cách né. Ở trường, cho dù cô kèm cặp đủ kiểu, con vẫn sợ học. Vũ là một cậu bé có nét thông minh làm sáng bừng gương mặt. Em hợp tác tốt với tôi trong mọi yêu cầu. Khi kết thúc phần đánh giá, cậu bé rụt rè "Con bị gì vậy bác sĩ?". Tôi nói con cần phải gặp thêm một chuyên viên tâm lý để thực hiện đo chỉ số thông minh trước khi có chẩn đoán. "Dạ, con cũng muốn được đánh giá", cười bẽn lẽn, em bảo có lúc thấy mình không nhớ nổi một dòng, rất khó tập trung, dù đã cố gắng, dù không muốn ba mẹ buồn. Có khi em thấy mình không "ngu", thậm chí còn "khôn" hơn mấy đứa bạn cùng lớp, nhưng cũng có lúc lại cảm thấy mình "ngu như bò". Khi được thông báo chẩn đoán, người cha xúc động mạnh, không ngồi vững trên ghế nên đã ngồi bệt xuống sàn phòng khám. Khi đã bình tĩnh hơn, anh tâm sự, hóa ra là "nó" có bệnh. Vậy mà vợ chồng anh không biết, "trước giờ cứ chửi bới, đánh nó miết". Anh nghẹn giọng bảo, thấy mình có lỗi nhiều quá. Con anh mắc chứng rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD), dạng kém chú ý đơn thuần. Đây là một trong những rối loạn thường gặp nhất làm cho trẻ gặp nhiều khó khăn khi đi học. Theo thống kê, trung bình có khoảng 5 đến 6 % trẻ ở độ tuổi cấp một mắc rối loạn này. Rối loạn có thể tiếp tục phát triển cho đến lúc trưởng thành. Có ba dạng rối loạn: dạng chỉ đơn thuần bị kém chú ý, dạng chỉ đơn thuần bị tăng động, và dạng kết hợp cả hai. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thuốc chữa hết rối loạn, chỉ có thuốc giúp cải thiện tình trạng của rối loạn cũng như kết hợp thêm huấn luyện cho phụ huynh, giáo viên những kỹ thuật giúp trẻ điều chỉnh hành vi. Ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, phụ huynh cần sử dụng kỹ năng điều chỉnh hành vi - là những kỹ thuật không bạo lực dựa trên nền tảng của trị liệu tâm lý - có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng rối loạn mà ít phải dùng đến thuốc. Ở trẻ lớn hơn, những kỹ thuật điều chỉnh hành vi vẫn khuyến khích được áp dụng cho đến khi không còn hiệu quả phải kết hợp dùng thuốc. Chỉ khoảng 75% số bệnh nhân đáp ứng tốt với thuốc điều trị thông thường. Không phải người mắc ADHD nào cũng cần phải dùng thuốc. Michael Phelps được chẩn đoán mắc rối loạn này lúc 9 tuổi. Thầy giáo đã nhận xét là anh sẽ "không bao giờ có thể thành công". Cuối cùng, nhờ bơi lội, Michael Phelps đã giành được 28 huy chương tại các kỳ Olympic, trong đó có 23 huy chương vàng thế giới. "Điều quan trọng là tôi đã nói ra và tìm sự giúp đỡ", kình ngư nói với báo chí. Sự luyện tập nghiêm túc và có lẽ sự mềm mại của nước đã giúp anh sống tốt với ADHD. Bố của Vũ suy nghĩ hồi lâu về những giải pháp hiện có. Việc dùng thuốc có lẽ là phương thức phù hợp với điều kiện của gia đình và em, chỉ trừ vấn đề kinh phí. Anh ngần ngừ đôi chút rồi rụt rè "bác sĩ chịu khó chờ em một chút". Anh rút vội cái bóp túi quần sau, hạ thấp xuống dưới mép bàn. Đếm đi, đếm lại vài lần, người cha giọng cương quyết: "Bác sĩ cứ ghi toa, em có lỗi với nó nhiều, bây giờ là lúc em phải chuộc lại lỗi lầm". Cũng may là thuốc có tác dụng, Vũ học tốt dần lên. Những lần gặp sau với tôi cả hai cha con đều vui vẻ. Kết quả thi học kỳ đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời người đàn ông "dữ dằn". Anh cười hể hả, "rất lâu rồi, tôi mới có lại được cảm giác tự hào về nó. Tôi đi họp phụ huynh, nghe giáo viên chủ nhiệm đọc tên con mình học giỏi mà thấy muốn khóc". Có lẽ việc điều trị cũng là một gánh nặng kinh tế cho gia đình nên trước Tết 2017, anh gặp riêng tôi, định nói gì đó nhưng rồi im lặng. Và không thấy hai cha con tái khám nữa. Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số trẻ mắc ADHD. Một vài nghiên cứu cho thấy cứ 100 học sinh cấp một có khoảng 5 - 7 trẻ mắc rối loạn này. Không nhiều phụ huynh và giáo viên bắt đầu quan tâm đúng mức đến nhóm trẻ này. Phần lớn các con bị xem học sinh cá biệt, là hư, lười. Và vì vậy, các em thường bị la mắng, đánh đòn hoặc bị bỏ lơ vì "không dạy được". Chỉ một số ít trẻ may mắn được đánh giá, chẩn đoán xác định và giáo dục đặc biệt. Chẩn đoán và điều trị ADHD có thể phức tạp, nhưng khó hơn hết là thuyết phục được cha mẹ của những trẻ mắc rối loạn hiểu rõ và chấp nhận con mình. Với nhiều trẻ, khi mà khả năng ngôn ngữ chưa đủ sức để diễn tả được mọi điều, mỗi hành vi của con đều mang một ý nghĩa nào đó. Hiểu được, chấp nhận trẻ để có giải pháp phù hợp là điều cần thiết. Thử hỏi, nếu một đứa trẻ bị sốt, con sẽ được ba mẹ cho đi khám, được chăm sóc nhiều hơn. Với một đứa trẻ gặp khó khăn trong học tập, hành vi, giao tiếp, nếu ba mẹ chấp nhận đó có thể là một rối loạn, con sẽ được đưa đi khám và điều trị. Còn ngược lại, nếu người lớn cho rằng các con là những đứa trẻ ngỗ nghịch, lười học, khó ưa, đáng bị phạt bằng đòn roi hoặc đe dọa thì hậu quả càng nặng nề. Bên cạnh thái độ đúng, hiểu và thông cảm của cha mẹ, gia đình, người xung quanh, các con còn cần môi trường giáo dục đặc biệt. Con vẫn có thể học cùng với bạn bè đồng lứa với sự đồng hỗ trợ thích hợp của giáo viên, chuyên viên tâm lý học đường và phụ huynh. Hoặc các em có thể theo đuổi những môn năng khiếu mà em ưa thích, nơi mà không cần sự tập trung chú ý quá lâu nhưng khuyến khích sự vận động thể chất ở cường độ cao, như điền kinh, bơi lội, khiêu vũ thể thao... Đáng tiếc, theo tôi biết, không có nhiều môi trường như vậy. "Khi nào, những chuyện này sẽ chấm dứt?", sau khi đã kể về rối loạn ADHD của mình với vô số những lần đi điều trị, John Huy Trần – vũ công, biên đạo múa nổi danh đã hỏi tôi trong một buổi giao lưu: "Khi nào cộng đồng hiểu và trao quyền được khác người cho những đứa trẻ đặc biệt?" Phạm Minh Triết PS st Theo VnExpress