Trời hửng sáng, trục đường chính xuyên qua thôn Mộc Hoàn Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, Hà Nội hối hả ôtô vào ra chở cải bắp, su hào, súp lơ tỏa đi khắp các chợ nội thành. Một anh taxi lâu lâu chạy vào làng, ngỡ ngàng vì hai chiếc ôtô 4 chỗ có thể tránh nhau trên đường.
Một năm trước, đoạn đường liên thôn dài 120 mét này chỗ rộng nhất chỉ gần 3 mét, nhiều đoạn gồ ghề, vỡ nát. "Một xe ôtô chạy vào, xe máy phải lùi lại để nhường. Còi xe xin đường chói tai cả ngày", ông Phùng Văn Hải, 54 tuổi, nhà ở đầu ngõ, kể.
Cống nước ven đường khi ấy còn lộ thiên, mùa hè hôi thối nồng nặc, ngày mưa nước dềnh lênh láng. Ngày cưới con gái ông Hải vài năm trước, khách đến phải bịt mũi, nhăn mặt.
|
Ông Hải phá tường nhà mình để làm gương cho các hộ trong thôn hiến đất. Bức tường khi đó cũng mới xây không lâu, tốn vài chục triệu đồng. Ảnh: P.H.
|
Cuối năm 2018, làng trên xóm dưới thôn Mộc Hoàn Đình nô nức vì sắp được xã bỏ tiền nâng cấp đường. Ngồi uống nước cùng hàng xóm, ông Hải nói vu vơ: "Dịp này mà đường xóm mình được mở rộng thì tốt biết mấy. Cả thôn cùng trồng màu, ôtô vào được, bán rau chả phải dễ hơn bao nhiêu". Nghe vậy, người hàng xóm hùa vào: "Ông từng là phó thôn, ông đứng lên vận động, may ra mới làm được".
Sau lời động viên, ba đêm liên tiếp, ông Hải thao thức. "Giờ người ta sẵn sàng kiện nhau vì một phân đất, làm sao để kêu gọi hiến đất mở đường. Nhưng nếu không tận dụng bây giờ thì chẳng bao giờ làm được!", ông vật mình nghĩ. Ngày thứ 4, ông đến từng nhà vận động.
Nhà đầu tiên, người ta bảo ông lo chuyện bao đồng: "Bao năm đường như thế, vẫn sống tốt đấy thôi!". Nhà thứ hai kêu không có tiền đóng góp. Nhà thứ 3, người ta nói: "Nhà ông ở mặt đường nên mới sốt sắng mở rộng để đẹp nhà ông, nhà tôi ở phía trong không liên quan!". Ông Hải nản lòng, lủi thủi quay về.
Trên đường, ông gặp cụ hàng xóm hơn 80 tuổi. Nhìn thấy dáng thất thểu của ông, cụ gọi giật lại: "Tôi có 500.000 đồng, gửi ông xây đường cho nó rộng rãi". Nhìn bà cụ, ông Hải rưng rưng. Thay vì quay về, ông vòng lại tiếp tục đến từng nhà. Sau gần hai tuần, ông đến đủ 60 hộ trong xóm. Người tiếp, người không, có nhà đi tới đi lui 4 lần.
Tháng 11/2018, ông Hải mời các hộ đến nhà mình bàn việc. Chỉ có 30 hộ tham gia. Ông đề xuất mỗi nhà lùi vào 50 cm, lấy đất cả hai bên đường, mọi người đều phản đối.
Ngay sáng hôm sau, ông Hải gọi người đến đập tường rào nhà mình rồi lùi vào gần 40 cm. Tổng diện tích mở rộng đường là 8,5 m2. Hàng xóm chạy qua hỏi, có người chỉ bĩu môi, nhưng ông kệ.
Sau hai ngày đập tường rào, ông Hải lại mời các hộ đến bàn việc lần 2. Lần này có khoảng 40 gia đình tham gia. "Nhìn thấy số hộ tăng lên mà tôi mừng quá. Việc làm của mình bắt đầu có tác dụng", ông nói.
Mở đầu cuộc họp, ông Hải nói: "Đây là cơ hội tốt để mở rộng đường của xóm. Thế hệ tôi và các ông các bà đã già, chúng ta chưa có ôtô nhưng sau này các con các cháu sẽ có. Vậy chúng cần đường lớn để đi".
"Làm được thì tốt quá", một số người trước đây phản đối bắt đầu lên tiếng. Cuộc họp trở nên rôm rả. Họ bàn nhau việc này sẽ ảnh hưởng đến gia đình họ như thế nào:
"Nhà tôi mới xây cái cổng kiên cố hết vài chục triệu, giờ các ông đập đi thì làm sao?", "Bể nước ngầm nhà tôi ở ngay mặt đường, lùi vào thì xây lại thế nào, gia đình lấy nước đâu mà dùng?"... Câu hỏi liên tiếp được đưa ra.
"Chúng tôi cam kết đập đến đâu xây trả đến đó’, ông Hải khẳng định. Kết thúc cuộc họp, số người ủng hộ vượt quá số người phản đối.
Ngày 31/12/2018, họ họp lần thứ ba, bầu ra "ban vận động mở đường", ông Hải làm chỉ huy. 30 hộ ở mặt đường chính nhận lùi vào ít nhất 32 cm. 60 hộ của cả xóm ủng hộ mỗi nhà 2 triệu đồng để xây lại tường, cổng, hàng rào đã phá. Khi chính thức xây đường, nhiều nhà còn lùi vào tới nửa mét.
|
Đoạn đường qua thôn Mộc Hoàn Đình sau cải tạo, rộng gần 5m. Ảnh: Hải Hiền.
|
Hơn một tháng làm đường, ông Hải sáng ra đồng, tối đi giám sát công trình. Những nhà bị phá bể nước, ông ưu tiên xây lại trước. Nhà bị phá tường, hàng rào, ông huy động xây trả lại nhanh để tránh nguy cơ bị mất cắp. Những hộ kinh doanh ở ngã 3 được xây tường bảo vệ phía trong, sau đó mới đập tường bên ngoài để việc làm ăn không bị ảnh hưởng.
Cả xóm như công trường, gấp rút để kịp đón Tết. Mỗi khi lấy đất nhà nào, Ban vận động đều mang theo tấm bảng - ghi tên người ủng hộ - để ở cửa nhà đó.
"Việc này nhằm khích lệ những gia đình chưa đóng góp. Thậm chí nhiều nhà không phải ở trong xóm thấy vậy cũng ủng hộ, người 500.000 đồng, người một triệu đồng, kể cả những hộ nghèo", ông Hải hồi tưởng.
10 ngày trước Tết nguyên đán 2019, đoạn đường qua xóm dài 120 mét hoàn thành. Từ bề rộng gần 3 mét ban đầu, khi khánh thành, chỗ hẹp nhất là 4 mét, nơi rộng nhất lên tới 5 mét, hai xe con tránh nhau thoải mái.
|
Ông Phùng Văn Hải đứng trước cổng nhà mình đã làm lại. Ông được vinh danh Người tốt việc tốt của thành phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: Hải Hiền.
|
"Cán bộ xã không ngờ việc mở rộng đường của thôn Mộc Thôn Đình lại được mọi người ủng hộ và thành công như vậy. Cách làm của ông Hùng cũng được những người nơi khác đến để học hỏi", bà Nguyễn Thị Hiền, bí thư chi bộ, phó chủ tịch HĐND xã Vân Côn cho hay.
Chiều 28/11/2019, trước cổng làng Mộc Hoàn Đình, hai chiếc ôtô lướt qua nhau trong im lặng. Đang hái rau cải ở ruộng nhà mình gần đó, ông Hải ngẩng đầu lên, chống tay cho đỡ mỏi, nở nụ cười.
Hải Hiền