- Anh đợi chú về để thông báo tin buồn này: Bác Tòng nhà mình mất rồi...
Thế rồi anh ôm lấy tôi. Bỗng chốc, ký ức về vị tướng Trường Sơn anh hùng và bình dị ùa về trong tôi...
“Bác Tòng nhà mình” là cách gọi thân mật của hầu hết cán bộ chính trị Binh đoàn 12 dành cho Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Tòng, Phó chủ tịch Hội Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12.
|
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: HỘI TRƯỜNG SƠN.
|
|
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng tặng quà các cháu thiếu nhi nơi đơn vị từng đóng quân. Ảnh : HỘI TRƯỜNG SƠN. |
Có sự trùng hợp khá thú vị, ngày tôi ra đời cũng là ngày Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nhập ngũ (năm 1965). Năm 1987, khi tôi về cơ quan Binh đoàn 12 làm phóng viên Báo Trường Sơn và là sĩ quan trẻ nhất cơ quan binh đoàn lúc đó thì đồng chí Nguyễn Bá Tòng đã là Trung tá, Trưởng ban Chính trị Bộ Tham mưu binh đoàn. Nghe Đại tá Trần Bút, Phó tham mưu trưởng Binh đoàn 12, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu giới thiệu đồng chí là anh hùng trên tuyến lửa Trường Sơn, tôi còn không tin bởi đồng chí Tòng hiền khô và rất bình dị. Giờ hoạt động thể thao đồng chí thường đi trồng rau với cánh thanh niên chúng tôi và kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện lý thú ở chiến trường. Chúng tôi thích nhất khi nghe chuyện ông đã vô hiệu hóa cây nhiệt đới của Mỹ thả xuống trên đường Trường Sơn vào đầu năm 1970. Lúc đó ông là tiểu đội trưởng thuộc Ðại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông, mở đường tránh, phá bom, lấp hố bom, cứu chữa thương binh, hướng dẫn các đoàn xe đêm đêm đưa hàng vào chiến trường trên cụm trọng điểm ATP.
Theo ông mô tả thì cây nhiệt đới trông giống như một cây rừng khô được máy bay Mỹ thả xuống trên đường Trường Sơn. Bên trong cây chứa ba tầng linh kiện điện tử gồm các loại bóng bán dẫn, tụ, kháng... được bao bọc bằng lớp nhựa dày hỗn hợp rất cứng, một khối pin lớn và một mi-crô nối với ăng-ten. Ăng-ten gồm bốn râu, một râu thẳng lên trời, ba râu xòe ba góc. Nguyên lý hoạt động của cây nhiệt đới là thu phát chấn động mặt đất, đối với người và xe ô tô để gọi máy bay Mỹ đến ném bom hủy diệt. Nắm bắt được nguyên lý này, đơn vị của ông đã gom các cây nhiệt đới, dùng vải buộc các cần ăng-ten để vô hiệu hóa rồi mang đến đặt ở những nơi cần mở đường hoặc những nơi núi đá, Sau đó mở vỏ bọc ăng-ten, dùng máy nổ hoặc đài bán dẫn, có khi chỉ là một con chuột buộc vào để gây tiếng động. Thế là chỉ vài giờ sau đó, máy bay Mỹ lao đến trút bom. Bộ đội ta tha hồ thu hồi đá dăm để làm đường. Cũng có khi dụ máy bay đến ném bom ở sông suối, sau đó bộ đội ta vớt cá để cải thiện...
Khi biết tôi yêu nữ nhân viên của Phòng Cơ yếu, ông động viên tôi: “Thúy nó đảm đang lắm, chú thấy cháu và nó hợp đấy”. Và thế là ông báo cáo Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Trần Bút, báo cáo Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị Nguyễn Tức rồi cùng các cơ quan tiến hành tổ chức đám cưới cho chúng tôi ngay tại hội trường binh đoàn.
Ngay sau khi nghỉ hưu (năm 2007), Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng tham gia ngay vào Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ nhất (tháng 7-2011), ông được bầu làm Phó chủ tịch hội. Đại hội nhiệm kỳ II (tháng 9-2016) ông tiếp tục được bầu làm Phó chủ tịch hội, phụ trách công tác truyền thống-lịch sử.
Với chiếc xe máy cà tàng, ông rong ruổi mọi ngõ ngách của phố phường Hà Nội để thăm hỏi hội viên ốm đau. Nhiều lần vợ chồng tôi cảm thấy áy náy vì để thủ trưởng đến thăm mà lại không đến thăm thủ trưởng, ông cười xòa: “Chú nghỉ hưu rồi, có thời gian, vợ chồng cháu là cán bộ đương chức, công việc bận…”. Ông còn phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức đi thăm, tặng quà bà con nghèo ở những nơi từng đóng quân, những trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.
Khi gần đến ngày lễ, ngày kỷ niệm truyền thống, ông thức thâu đêm để viết bài và nhờ tôi biên tập đăng báo. Gần đây nhất, ông đã viết bài về Trung đoàn 98 mở đường thần tốc đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 9-8-2019.
Cách đây gần một tháng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng điện mời vợ chồng tôi đến nhà ông ăn cơm và sẽ kể cho tôi nghe chuyện ngày Tết ở Trường Sơn để đăng trên Báo Quân đội nhân dân Xuân Canh Tý (2020). Vậy mà ngày ông hẹn cũng là ngày ông ra đi mãi mãi, để lại nỗi nhớ thương cho rất nhiều người.
Trước lúc ra đi, ông đã kịp thăm lại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn một vạn đồng đội của mình. Ông kịp đọc bản tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc gia nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, trong đó có đoạn viết rất cảm động : “Huyền thoại đường Trường Sơn không phải tự nhiên mà có hay do thêu dệt bằng trí tưởng tượng, mà huyền thoại đó đánh đổi bằng sự hy sinh, được bồi tụ bằng trí tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo, ý chí quyết tâm của nhiều thế hệ người Việt Nam…”
ĐỖ PHÚ THỌ
PS st Theo Quân đội Nhân dân online