Trao đổi với Báo Giao thông về dự thảo Nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, dự thảo có nhiều điểm mới để kiểm soát tài sản, phòng chống tham nhũng.
Kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm
“
Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để trình Chính phủ. Đây sẽ là cơ sở rất quan trọng giúp các cơ quan nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách có hiệu quả.
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ
”
Vì sao TTCP xây dựng Nghị định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập lúc này, thưa ông?
Việc kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng. Tại Việt Nam, chúng ta thực hiện việc này từ năm 1998. Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết, đánh giá thì kê khai tài sản còn mang nặng tính hình thức
Để kiểm soát tốt hơn tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, thì phải xây dựng quy định khả thi hơn. Luật Phòng chống tham nhũng 2018 đã có nhiều quy định mới và dự thảo Nghị định này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật.
Dự thảo Nghị định lần này có thay đổi đối tượng kê khai, ông có thể nói rõ hơn về quy định này?
Đối tượng kê khai trong quy định mới rộng hơn nhưng lại ít hơn theo đúng quy định của Đảng là mở rộng dần đối tượng kê khai, nhưng việc kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm.
Rộng hơn ở chỗ được chia thành 2 loại: Kê khai lần đầu và kê khai hàng năm. Kê khai lần đầu đối với tất cả mọi người, gồm cán bộ, công chức, riêng viên chức từ cấp phó phòng trở lên. Số lượng kê khai lần đầu sẽ rất lớn, nhưng nếu không có gì biến động về tài sản, thu nhập thì năm sau đối tượng kê khai lần đầu không cần kê khai lại và chỉ phải kê khai bổ sung nếu tài sản tăng thêm từ 300 triệu đồng hoặc khi được dự kiến bổ nhiệm lãnh đạo.
Còn diện kê khai hàng năm gồm giám đốc sở trở lên, những chức danh, công việc liên quan tới công tác cán bộ, tài sản công, tài chính công, việc giải quyết cụ thể với dân và tổ chức. Đây là những người được coi là có “nguy cơ” và cơ hội tham nhũng cao.
Khắc phục việc kê khai “hình thức”
Vậy dự thảo Nghị định lần này sẽ khắc phục việc “mang nặng hình thức” như ông nói thế nào?
Trước đây, việc kê khai tài sản chỉ là tiếp nhận bản kê khai rồi sau đó vào sổ. Dự thảo lần này quy định phải thành lập cơ quan bán chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và thực hiện tiếp nhận phân loại, đọc nghiên cứu bản kê khai đó, nếu thấy bất thường thì xác minh, kiểm tra ngay. Cơ quan này sẽ tiến hành xác minh ngẫu nhiên các bản kê khai tài sản.
Đồng thời, trước đây các bản kê khai được quy định công bố qua hai hình thức là niêm yết tại cơ quan và thông qua các cuộc họp, nhưng thực tế cho thấy việc công khai qua các cuộc họp mang nặng tính hình thức. Dự thảo đề xuất chỉ còn một hình thức là công khai ở trụ sở trong vòng 30 ngày, niêm yết tại các vị trí thuận tiện để cán bộ, công chức, người lao động tiện theo dõi, quan sát. Khi công khai phải lập biên bản, ghi ngày tháng và lưu trữ để các cơ quan thanh tra đối chiếu, xử lý sau này.
Trường hợp các cơ quan không công khai sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tổ chức việc kê khai, công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định thì sẽ bị kỷ luật.
Riêng những công chức, cán bộ có phụ cấp 0,9 trở lên phải nộp bản kê khai về TTCP để theo dõi, giám sát. Với lãnh đạo cấp cao diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
Nhưng thực tế, có nhiều trường hợp quan chức tẩu tán tài sản hoặc chuyển giao tài sản cho người thân, người quen để hợp thức hóa kê khai... Dự thảo mới có tính đến yếu tố này không, thưa ông?
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập kể cả tài sản ở nước ngoài, vẫn kiểm soát được vì chúng ta đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Việc này các nước thực hiện theo công ước, sẽ có hỗ trợ nhau bằng cách chia sẻ thông tin. Nhưng quy định mới này dù cố gắng đến đâu cũng chỉ giải quyết được phần nào đó, còn phần rộng hơn là quản trị Nhà nước.
Nếu chỉ quản lý được tài sản của những người có quyền hạn là chưa đủ, bởi người kê khai còn có vợ, con, có nhiều mối quan hệ khác. Nghĩa là quản lý chỉ về phần “tĩnh”, còn về phần “động” cần phải có giải pháp. Những vụ việc điển hình thời gian qua đã chứng minh, việc quản lý phần “động” cần chặt chẽ hơn.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng có những cựu cán bộ nhận hối hộ hàng triệu USD bằng tiền mặt nhưng không ai kiểm soát được. Vậy, tiền mặt được quản lý thế nào trong dự thảo Nghị định mới này?
Việc kiểm soát tài sản thu nhập của quan chức đã quy định trong Luật và trong Nghị định sắp tới thì cũng là mảng quan trọng nhưng cùng với đó phải có các biện pháp khác.
Ngay trong Luật Phòng chống tham nhũng đã có biện pháp đó là đổi mới phương thức thanh toán là giảm bớt chi tiêu tiền mặt. Nếu chỉ kê khai và kiểm soát thì chỉ là phần “tĩnh”, ở đây phải kiểm soát được cả phần “động”. Khi quan chức giao dịch số tiền lớn thì cái đó phải quản lý được. Để quản lý tốt thì phải hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, chuyển sang giao dịch bằng chuyển khoản điện tử.
Cảm ơn ông!
(PS st Theo Báo Giao thông)