Trên tờ The Guardian, một bác sĩ (không nêu tên) than thở về tình trạng của các nhân viên y tế đang đối phó đại dịch: "Tôi làm việc trong khoa truyền nhiễm của một bệnh viện lớn ở Anh. Đây đã thành nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Đó là "vùng đỏ" - một trong những khu vực dễ lây nhiễm nhất. Tất cả các bệnh nhân ở đây đều dương tính, một số bị bệnh nặng đến mức họ cần được chăm sóc đặc biệt. Chúng tôi biết một số người có thể sẽ chết", vị bác sĩ cho biết.
|
Các bác sĩ Anh hiện chỉ còn được dùng khẩu trang y tế thông thường. Ảnh: AFP.
|
Một tuần trước, các bác sĩ ở khoa này được mặc đầy đủ bộ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), bao gồm khẩu trang FFP3 (có khả năng bảo vệ đường hô hấp cao), tấm che mặt, áo choàng và hai đôi găng tay.
Nhưng giờ họ được khuyên không nên bận tâm tới những thứ đó. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế công cộng Anh, các bác sĩ chỉ còn được đeo khẩu trang y tế thông thường, một đôi găng tay ngắn và tạp dề bằng nhựa không che cả người như áo choàng.
Những thay đổi này mâu thuẫn với hướng dẫn của WHO và châu Âu mà theo đó, người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải được trang bị PPE đầy đủ.
"Tôi cảm thấy kinh hoàng. Tôi nghiêm túc xem xét về việc có tiếp tục làm bác sĩ hay không. Tôi có thể ổn. Tôi trẻ và khỏe mạnh. Nhưng tôi sợ sẽ lây cho những bệnh nhân khác, một căn bệnh có thể giết chết họ. Và đó là rủi ro xảy ra khi không có đồ bảo hộ thích hợp. Thật kinh khủng, không thể tả được. Đây không phải là cúm mùa. Đây là một loại virus mới với tỷ lệ tử vong cao hơn và chúng ta biết rất ít về nó", bác sĩ cho hay.
Người này cũng không thể tin hoặc hiểu lý do Bộ Y tế hạ cấp tiêu chuẩn sử dụng đồ bảo hộ. Tại sao lại đưa ra hướng dẫn mâu thuẫn với tiêu chuẩn quốc tế? Khẩu trang y tế thông thường không đủ sức bảo vệ họ với loại virus mới này.
Vị bác sĩ này đang mất niềm tin vào lãnh đạo cả trong lĩnh vực y tế và chính trị. Dường như không có kế hoạch nào cả. Nước Anh đã có nhiều tuần để chuẩn bị nhưng vẫn bị thiếu đồ bảo vệ PPE. "Rõ ràng, đang rất cần các bác sĩ. Tại sao phải hy sinh chúng tôi khi thiếu bác sĩ như vậy?", người này cho hay. "Họ đang khiến tôi không thể làm công việc của mình. Tôi bị sốc. Tôi cảm thấy bị phản bội. Ai sẽ chăm sóc bệnh nhân của chúng ta nếu các y bác sĩ bị bệnh hoặc chết?".
Trong khi đó, bác sĩ Nishant Joshi, bệnh viện đa khoa Luton và Dunstable, cho rằng ngoài việc hạ tiêu chí đồ bảo vệ, nước Anh còn có quy định khó hiểu khác là không xét nghiệm cho những người có triệu chứng nhẹ.
Ai có triệu chứng sẽ tự cách ly ở nhà 7 ngày và sau đó đi làm. Các y bác sĩ cũng vậy. Nếu có triệu chứng nhẹ, họ cũng không được kiểm tra.
"Bạn quay trở lại làm việc vào ngày thứ 8 trong khi thậm chí không biết mình có mắc bệnh hay còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác hay không. Chính phủ theo dõi dịch thế nào nếu họ không có số liệu?", Joshi đặt câu hỏi.
Giám đốc WHO kêu gọi các nước tăng cường làm xét nghiệm và các bác sĩ Anh đã đệ trình một bản kiến nghị trực tuyến với hơn 50.000 người yêu cầu chính phủ cung cấp xét nghiệm cho các nhân viên y tế. Tuy nhiên, chính phủ Anh không làm vậy.
"WHO đã chỉ rõ trong hướng dẫn của mình rằng kiểm tra và sau đó theo dõi những người tiếp xúc (với bệnh nhân) cực kì quan trọng. Tuy nhiên, chính phủ thậm chí không kiểm tra những người đang bị phơi nhiễm khi làm việc ở tuyến đầu chống dịch như chúng tôi", Joshi nói.
Ngày 20/3, Bộ Y tế Anh đã có một lá thư đề nghị 65.000 y bác sĩ đã nghỉ hưu của nước này quay trở lại làm việc để bổ sung nhân lực cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch. Chính phủ Anh cũng cam kết sẽ cung cấp đủ trang bị bảo hộ cho các nhân viên y tế.
Ánh Dương (The Guardian)