Mệnh lệnh và trách nhiệm công dân - Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:17 30/03/2020 Lượt xem: 380
Mệnh lệnh và trách nhiệm công dân
Hoàng Văn Kính

         Ngày 27 tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân hãy là một Chiến sỹ phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp: Tạm đình chỉ cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28/3 đến hết 15/4. Dừng các hoạt động, các sự kiện tập trung 20 người một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở; giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, dừng tất cả các hoạt động Văn hóa, Thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hàng hóa thiết yếu. Hạn chế việc di chuyển của các người dân nhất là các tỉnh, thành phố có dịch; hạn chế các chuyến bay, các dịch vụ vận chuyển hành khách; tạm dừng các hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại…
         Virus Covid-19 không lây qua trung gian mà lây từ người sang người, qua tiếp xúc gần. Do đó thực hiện việc cách li là giải pháp hàng đầu để chống dịch.
         Chỉ đạo quyết liệt, đồng thời cũng là mệnh lệnh hành chính của người đứng đầu Chính phủ. Bổn phận của mỗi người dân chúng ta dù ở lứa tuổi nào, thành phần xã hội nào, tầng lớp nào cũng đều phải nghiêm túc thực hiện một cách triệt để. Như vậy không chỉ thể hiện trách nhiệm, làm tròn nghĩa vụ công dân với xã hội, với đất nước trong hoạn nạn mà còn để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cả những người sống quanh mình.
         Từ thành công trong cuộc chiến chống đại dịch ở Trung Quốc nơi khởi nguồn của dịch, Hàn Quốc, Nga…cho thấy: nếu sớm được cách li, xử lí triệt để nguồn bệnh, kịp thời ngăn chặn không để mầm bệnh lây lan ra cộng đồng cùng với các giải pháp khác thì chắc chắn sẽ khống chế được dịch. Ngược lại một số nước dịch bệnh “ đổ bộ” muộn hơn nhưng thiếu các giải pháp đồng bộ và quyết liệt nên số ca bệnh và tử vong cao đột biến. Chỉ riêng ngày 21/3 Italia đã có thêm 917 ca tử vong trong vòng 24h. Như vậy ở nước này đã có tổng cộng 9.134 người thiệt mạng, xếp sau là Tây Ban Nha với 5.138 ca và thứ 3 là Trung Quốc với 3.292 ca tử vong.
         Khi dịch bệnh bước vào giai đoạn cao trào, đã có nhiều dự đoán lo ngại, cho rằng sẽ có khoảng 50% dân số Trung Quốc sẽ nhiễm víu Covid-19 và tỉ lệ tử vong sẽ là 1% ( tương đương 7 triệu người ). Tuy nhiên số ca bị nhiễm thực tế chỉ 80.000 người và số ca tử vong trên 3.500 người. Những ca mới phát hiện gần đây hầu hết từ nước ngoài trở về. Theo đánh giá của các Chuyện gia, bí quyết thành công ở chỗ họ đã kiên quyết thực hiện cách li,  xóa bỏ các ổ dịch, phong tỏa cả thành phố Vũ Hán với hơn 50 triệu dân. Huy động một lực lượng hùng hậu nhân viên Y tế, Quân đội, Công an tới các ổ dịch truy lùng đến tận cùng nguồn lây nhiễm. Ở Hàn Quốc 80% số ca nhiễm là do lây nhiễm tập thể, trong đó 61% có liên quan đến tín đồ của Giáo phái Tân Thiên Địa và họ đã có một loạt các biện pháp để quản lí các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như: các địa điểm sinh hoạt tôn giáo, phòng hát Karaoke, nhưng nơi vui chơi công cộng…Còn ở Nga để các li nguồn lây bệnh, họ đã sớm đóng cửa tuyến Biên giới dài hơn 4.000km với Trung Quốc ngay từ cuối tháng 1 và sớm thiết lập các khu vực cách li, đồng thời tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để sớm xác định những trường hợp cần cách li.
         Ở Việt nam chúng ta, ngay từ đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt để khống chế dịch. Ngoài việc cách li cả xã Sơn Lôi đã mang lại hiệu quả, cho nhiều bài học quý, chúng ta còn tổ chức nhiều điểm cách li tập trung, khoanh vùng có dịch, đo thân nhiệt, khuyến khích cách li tại gia đình cùng với các giải pháp khác nữa…
         Là công dân có trách nhiệm với cộng đồng mỗi người dân phải tự giác thực hiện nghiêm chỉnh việc cách li, đấy là mệnh lệnh sinh tử bắt buộc. Tụ tập đông người, không đeo khẩu trang là nguồn lây chính, phát tán con Covid-19 ra cộng đồng. Lúc này không có việc không ra ngoài, không tập trung hội họp, không đến nơi đông người là hành động thiết thực nhất thể hiện tinh thần yêu nước của mỗi công dân. Lúc này “ Ở nhà là yêu nước”, có thể mỗi người phải hy sinh một chút lợi ích cá nhân nhưng nó là hành động thiết thực để cứu cả xã hội. Ở Ấn Độ họ đặt ngoài đường quan tài và hình tượng chiếc đầu lâu bên cạnh với câu ghi chú: Ở nhà hay ở trong quan tài. Cũng từ thực tế những bài học kinh nghiệm ấy mà nhiều sự kiện trọng đại trên thế giới như Hội nghị thượng đỉnh G20 đã phải chuyển sang hình thức họp trực tuyến. Olimpic 2020 đã bị hủy bỏ. Hầu hết các quốc gia đã cho học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học, chuyển qua hình thức học trực tuyến, một loạt các nước đã phải hoãn giải bóng đá, đóng cửa các tụ điểm tập trung đông người, khu vui chơi giải trí…Ở nước ta hầu hết các lễ hội đầu năm, lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng, Giải đua xe Công thức một, các giải bóng đá… đã bị tạm dừng hoặc hủy bỏ.
         Các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Sở dĩ ở các nước châu Âu, Bắc Mĩ và một số quốc gia khác dịch bệnh phát triển nhanh, số người nhiễm bệnh và tử vong cao đột biến là do ngay từ đầu họ không thực hiện việc kiểm soát bệnh một cách chặt chẽ và quyết liệt, không cách li, khoanh vùng, không khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều quốc gia như Italia, Tây Ban Nha… đã phải đóng cửa Biên giới, cấm các chuyến bay, bắt buộc người dân không ra đường, ra ngoài phải đeo khẩu trang... Vương quốc Anh được mệnh danh là quốc gia bảo thủ vậy mà họ cũng đã phải từ bỏ thuyết “ Miễn dịch cộng đồng” nghĩa là cứ để mặc cho nạn dịch tự do lan tràn cho đến lúc tốc độ lây nhiễm chậm lại và chỉ tập trung cứu chữa những trường hợp nặng. Có lẽ cũng vì cái chủ thuyết “ bảo thủ” ấy mà ông Thủ tướng Boris Johnson đã bị nhiễm virus Covid-19 và buộc họ phải chuyển qua cách chống dịch mà Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đã và đang làm là: Ngăn chặn, cách li, kể cả phong tỏa nghiêm ngặt.
         Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19: Các quy định, hướng dẫn phòng chống bệnh đã rất đầy đủ. Đây là lúc cần phát huy cao độ tinh thần kỉ luật, ý thức trách nhiệm kỉ cương phép nước trong thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tất cả các tổ chức, cá nhân phải nghiêm túc chấp hành, nếu vi phạm cần phải được xử lí nghiêm, lên án mạnh mẽ.
         Trong lúc đại dịch đang hoành hành, mỗi người dân chúng ta hãy thể hiện tình yêu quê hương, đất nước bằng hành động thiết thực: hãy thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đấy là hành động yêu nước thiết thực nhất lúc này.

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan