Vì sao số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không tăng theo quy luật?

Ngày đăng: 06:50 02/04/2020 Lượt xem: 243

Vì sao số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không tăng theo quy luật?


Dân trí Ban chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 nhận định, số ca nhiễm bệnh hiện không tăng theo quy luật. Thời gian tăng từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày trong khi trung bình thế giới là 30 ngày…

Chiều 1/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch bệnh Covid-19) họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Vì sao số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam không tăng theo quy luật? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì một cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng khái quát 3 giai đoạn của cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Giai đoạn 1 đã kết thúc thành công với việc khống chế, điều trị khỏi hoàn toàn cho 16 ca bệnh.

Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới.

Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca.

Tính đến ngày 1/4, cả nước có 212 ca bệnh thì 63 ca đã khỏi bệnh, 43 ca đã âm tính từ 2 lần trở lên, 54 ca đã âm tính 1 lần, hiện còn 149 ca bệnh đang điều trị (tính cả 54 ca đã âm tính 1 lần), chưa có bệnh nhân tử vong. Số ca bệnh tại Việt Nam hiện đứng thứ 88 thế giới và thuộc danh sách 1 trong 5 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong.  

Ban chỉ đạo quốc gia nhận định, đến nay, số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới mà chậm hơn rất nhiều.  Lý do là do Việt Nam đã thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và và hiệu quả.

Do đó, Ban chỉ đạo quốc gia thống nhất quan điểm, trong thời gian tới cả hệ thống cần tiếp tục tập trung thực hiện thật tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo để triển khai phòng, chống dịch hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong từng thời kỳ. Chỉ thị 16 về cách ly xã hội vừa được Thủ tướng ban hành rất quan trọng và rất kịp thời để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới.

Bản chất thực hiện cách ly xã hội chính là giãn cách xã hội. Theo đó, người dân cần hạn chế đi ra ngoài, tiếp xúc xã hội, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2 m).

Về ổ dịch bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khoẻ  được hơn 44.000 trường hợp đã đến viện này từ ngày 12/3 (gồm  4.700 bệnh nhân nội trú, 1.300 bệnh nhân ngoại trú, 30.000 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.000 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan.

Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét ngiệm toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả 100% âm tính.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý thông tin, qua điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố đã xác định được 16.714 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm từ ổ dịch và tổ chức cách ly theo quy, triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng cả test thử nhanh và xét nghiệm trên máy.

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, hiện tại, ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được quản lý và kiểm soát.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế huy động thêm lực lượng cùng với TP. Hà Nội để xét nghiệm trên máy cho toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian sớm nhất.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết thêm, hiện các bệnh viện của Hà Nội đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất, máy móc để có thể điều trị cho 1.000 người mắc Covid-19. Năng lực xét nghiệm của Hà Nội có thể đạt khoảng 1.800 mẫu/ngày. Thủ đô cũng đã tính toán các phương án điều trị trong tình huống có số lượng người mắc tăng đột biến lên nhiều lần…

Ý nghĩa việc công bố dịch trên toàn quốc 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc ngày 1/4/2020 có 3 mục tiêu.

Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.

Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.

Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.

Phương Thảo
(PS st Theo Dân trí)


tin tức liên quan