Kết luận của Ban Bí thư: Sai phạm trong tuyển cán bộ xử lý thế nào?
Kết luận của Ban Bí thư: Sai phạm trong tuyển cán bộ xử lý thế nào?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Theo Kết luận của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ công chức viên chức, những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức sau ngày 28/12/2017 không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thì thu hồi quyết định tuyển dụng. Còn với trường hợp tương tự diễn ra trước ngày đó có hướng xử lý khác.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh IT).
Góp phần ngăn chặn tiêu cực
Mới đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Kết luận số 71-KL/TW (viết tắt Kết luận 71) về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông báo kết luận số 43, ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị.
Nói về ý nghĩa của Kết luận 71, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Đảng một lần nữa nhấn mạnh việc ngăn chặn đưa vào bộ máy những cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện; ngăn chặn cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện từ lúc tuyển dụng nhưng lợi dụng Đại hội Đảng để lọt vào đội ngũ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. “Việc Ban Bí thư có Kết luận như nêu trên cũng là một bước góp phần vào ngăn chặn tiêu cực trong công tác cán bộ. Từ đó giúp cho công tác cán bộ nói chung và công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đi vào nề nếp, chặt chẽ”, TS Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Trong Kết luận 71 của Ban Bí thư có nêu: Không thu hồi quy định đối với những trường hợp được tuyển dụng không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục từ thời điểm 28/12/2017 trở về trước nhưng đã hoàn thiện đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được người đứng đầu cơ quan quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhận xét, đánh giá hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức, uy tín tốt, trong thời gian công tác không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức. Trường hợp chưa hoàn thiện đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải hoàn thiện. Quá thời hạn này mà chưa hoàn thiện được thì thu hồi quyết định tuyển dụng.
Đối với những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức sau ngày 28/12/2017 không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thì thu hồi quyết định tuyển dụng.
Lấy mốc thời gian từ kết luận của Bộ Chính trị
Có thể thấy việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình trước hay sau ngày 28/12/2017 đều là vi phạm. Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, chúng ta đã có Luật cán bộ công chức, viên chức và Nghị định của Chính phủ quy định rõ việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, cùng là sai phạm thì nên xử lý hết chứ không nên loại trừ ra. Từ đó cán bộ, công chức được tuyển vào làm việc trong các cơ quan của Nhà nước thấy không thể nào không chấp đúng pháp luật; đối với lãnh đạo (người có thẩm quyền tuyển dụng) thấy phải làm nghiêm túc, không thể xuê xoa trong tuyển dụng. Còn trường hợp quy định của pháp luật không còn phù hợp thì chỉnh sửa.
Nếu đưa ra điều kiện để giải quyết tồn tại mà tồn tại này lại từ quá trình trước đó thực hiện không đúng thì trong quá trình giải quyết rất dễ xảy ra việc lợi dụng để hợp thức hóa.
Mặc dù nêu quan điểm như vậy nhưng TS Nguyễn Tiến Dĩnh lại cho rằng, sở dĩ trong Kết luận 71 có chỉ đạo như nêu trên, Ban Bí thư đã phải xem xét toàn diện rồi mới đưa ra hướng giải quyết để không tạo sự xáo trộn lớn khi rà soát, xử lý sai phạm trong tuyển dụng cán bộ.
Ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh VNE).
Trao đổi với PV, ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, đối với công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, trong quá trình thực hiện phải bổ sung các quy định để triển khai cho chuẩn chỉ. Công tác cán bộ phải đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, đảm bảo theo các quy định và các hướng dẫn.
Lý giải tại sao có mốc thời gian trước và sau ngày 28/12/2017, với hai hướng xử lý những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, ông Hưng cho biết, đó là ngày có Thông báo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị. Lấy mốc thời gian đó làm căn cứ phân ra các loại sai phạm trong công tác tuyển dụng để có cách xử lý. Giống như Luật, khi sửa đổi bổ sung điều này, điều kia cũng có mốc thời gian để Luật có hiệu lực thi hành.
Về sai phạm trong công tác tuyển dụng, theo ông Hưng có trường hợp làm sai, có trường hợp làm thiếu, vì có những vấn đề do văn bản hướng dẫn Luật chưa đầy đủ, chưa thống nhất dễ dẫn tới khi thực hiện còn việc này, việc kia. Kết luận 71 của Ban Bí thư nhằm đảm bảo sự đồng bộ, liên thông thống nhất giữa các quy định của Đảng với quy định của Nhà nước trong công tác tuyển dụng.
( C. H sưu tầm)