Bác Hồ - Người đặt nền móng ngoại giao cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 08:05 19/05/2020 Lượt xem: 417


           Bác Hồ - Người đặt nền móng ngoại giao cách mạng Việt Nam


                                               Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm con đường hòa bình cho dân tộc. Trong hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác đã tiếp xúc, làm việc với rất nhiều chính khách, nhà khoa học, học giả và người dân các nước để vận động họ ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Không chỉ mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, mà Bác Hồ còn là người đầu tiên tạo nên nền móng ngoại giao cho cách mạng Việt Nam.


Bài 1: Cẩm nang nghệ thuật ngoại giao

Chiếm vị trí quan trọng, cốt lõi trong toàn bộ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao của Người. Phương pháp dự báo, nắm đúng thời cơ, ngoại giao tâm công và “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là những bài học quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết lại cho ngành ngoại giao Việt Nam.

Nắm thời cơ giành độc lập

Bên lề Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài (2010-2020) do Bộ Ngoại giao tổ chức gần đây, khi nói về di sản ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết, thế giới vô cùng ngưỡng mộ cách nắm thời cơ giành độc lập trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Dy Niên, nắm thời cơ vô cùng quan trọng và nếu chỉ chậm một tuần, Việt Nam khó có thể giành được thắng lợi. Bác Hồ chọn đúng thời cơ “khoảng trống quyền lực” khi thực dân Pháp bị phát xít Nhật hất cẳng khỏi Đông Dương, sau đó Nhật đầu hàng đồng minh, từ đó Người đã lãnh đạo nhân dân ta giành chính quyền và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Nguyễn Dy Niên còn kể lại rằng: Đúng một tuần sau ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng, ngày 17-10-1954, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đến Hà Nội, với cương vị Chủ tịch Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát tại Việt Nam. Mục đích chuyến thăm này là nhằm thuyết phục Việt Nam thực thi đúng các nội dung của Hiệp định Geneva. “Sau này, Thủ tướng Nehru nói rằng, nhiệm vụ của ông hoàn thành mà không cần nói một lời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán được mục đích đến Hà Nội của ông Nehru nên khẳng định ngay điều mà Việt Nam sẽ làm để thực thi Hiệp định Geneva. Hơn nữa, thực hiện hiệp định này cũng là ý nguyện của người dân Việt Nam và đúng với tư tưởng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Dy Niên nói. 

Bác Hồ - Người đặt nền móng ngoại giao cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại Phủ Chủ tịch, ngày 17-10-1954. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Ảnh tư liệu.

Bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và “ngũ tri”

Là một chuyên gia nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, trong quá trình tìm kiếm hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc nắm vững nguyên tắc và linh hoạt trong xử lý vấn đề. Hai nguyên tắc lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đấu tranh là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Người còn nói: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến” là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, còn “ứng vạn biến” là thay đổi nhiều cách.

Theo ông Nguyễn Dy Niên, thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nắm vững mục tiêu, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, khôn khéo, mau lẹ và kịp thời để ứng phó thích hợp với từng hoàn cảnh, từng tình thế, từng đối tượng trong từng trường hợp và vấn đề cụ thể. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại là sự kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong đấu tranh ngoại giao; trong nhận biết, tạo dựng và nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. “Nhưng muốn thực hiện được nguyên tắc này thì phải có trí tuệ, phải biết cách thuyết phục đối phương, tập hợp lực lượng trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Dy Niên giải thích.

Làm theo lời dạy của Bác Hồ, chúng ta đã gặt hái nhiều thành công trên các bàn đàm phán. Ông Nguyễn Dy Niên lấy ví dụ: “Tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đưa ra những lập luận mà đối phương không thể nào bác bỏ được. Đến Henry Kissinger, nhà ngoại giao giỏi nhất của Mỹ thời kỳ đó, cũng phải cúi đầu. Thậm chí, có những lúc đồng chí Lê Đức Thọ dùng những lời lẽ đanh thép, nặng nề lên án chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ mà Henry Kissinger vẫn phải lắng nghe và không đưa ra được lý lẽ để phản bác”. 

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh còn thể hiện trong việc thực hiện nhân nhượng có nguyên tắc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn "5 cái biết" (ngũ tri) của triết lý phương Đông: Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. “Trong đàm phán “biết dừng” là rất quan trọng. Căng quá thì sẽ đứt mà dừng non cũng không được. Vì vậy, tìm “điểm rơi” trong đàm phán ngoại giao rất quan trọng, ông Niên giải thích.

Những tư tưởng, bài học quý báu về nắm thời cơ, chọn “điểm rơi”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” hay “5 cái biết”… của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cẩm nang nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay cũng đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, học tập.

(còn nữa)

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan