Bác Hồ - Người đặt nền móng ngoại giao cách mạng Việt Nam Bài 2: Kiên trì tìm con đường hòa bình cho dân tộc (Tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 08:10 19/05/2020 Lượt xem: 232
Bác Hồ - Người đặt nền móng ngoại giao cách mạng Việt Nam

               Bài 2: Kiên trì tìm con đường hòa bình cho dân tộc                                                                                                           (Tiếp theo và hết)


                                                    Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc luôn kiên trì tìm con đường hòa bình để đem lại hòa bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền dân tộc.


Mục tiêu cuối cùng là phải có hòa bình

Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đi rất nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia các hội nghị quốc tế. Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Versailles. Bản yêu sách này bao gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. “Việc tham gia các hội nghị quốc tế đã cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rằng, mục tiêu cuối cùng là phải có hòa bình, chứ không phải là tiếp tục đấu tranh”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama nhấn mạnh.

Khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn coi trọng hòa bình, Đại sứ Saadi Salama chia sẻ rằng, khi lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh chống lại kẻ thù, Người luôn tìm cách giải quyết bằng biện pháp hòa bình và có những chỉ đạo rõ ràng. “Nhưng những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đạt được thành quả như mong muốn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Do đó, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác là đấu tranh. Việt Nam không thể tiếp tục bị đô hộ, làm nô lệ cho kẻ đến từ nước ngoài”, Đại sứ Palestine khẳng định.

Bài 2: Kiên trì tìm con đường hòa bình cho dân tộc (Tiếp theo và hết)
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu. 

Đồng tình với quan điểm trên, GS, TS Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia St.Petersburg (LB Nga), nhấn mạnh bất cứ dân tộc nào cũng mong muốn hòa bình và những điều tốt lành, đồng thời dẫn lời Bác Hồ: “Tuy phong tục mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr. 397, NXb Chính trị Quốc gia-Sự thật-2011). Nhưng các dân tộc trên thế giới vẫn buộc phải tham gia vào các cuộc chiến tranh: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh Lạnh”, tâm lý chiến, chiến tranh tổng hợp, chiến tranh kinh tế, chiến tranh sinh học…. “Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình và không cam chịu mang ách gông cùm, nô lệ. Chính vì thế, Việt Nam luôn đấu tranh vì độc lập, tự do và hòa bình dân tộc”, GS, TS Vladimir Kolotov nhấn mạnh.

Lan tỏa tư tưởng hòa bình và nhân ái

Là một người Nga, nhưng GS, TS Kolotov đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói về mối nhân duyên với Việt Nam, ông Kolotov cho hay: “Từ khi còn bé, tôi đã đọc nhiều bài báo và xem phim nói về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của đất nước các bạn. Những cảnh trong phim đã gây ấn tượng sâu sắc, vì thế tôi bắt đầu quan tâm đến lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cũng theo GS, TS Kolotov, trong quá trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã học được ở Bác rất nhiều điều. Ông nói: “Giới khoa học có nhận xét rằng, khi nhà nghiên cứu quan tâm nhiều đến đối tượng nào thì thường xuất hiện hiện tượng phản xạ, tức là đối tượng nghiên cứu bắt đầu ảnh hưởng đến chủ thể nghiên cứu. Càng nghiên cứu sâu, tôi càng bị hút vào các mê trận nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Chúng tôi coi tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam”.

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tư tưởng Hồ Chí Minh có một nội dung nổi bật nhất, đó là tư tưởng về văn hóa hòa bình, là nhân văn, nhân ái, là tình hữu nghị giữa các dân tộc. “Tư tưởng về đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hòa hiếu với các nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị rất lớn lao trong thời đại này. Nếu chúng ta tập trung tuyên truyền, quảng bá tốt điều này thì công cuộc đổi mới, phát triển đất nước Việt Nam sẽ được bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ mạnh mẽ hơn”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, điều cần thiết hiện nay là làm lan tỏa tư tưởng của Bác tới mọi tầng lớp trong xã hội. “Chúng ta không nói Bác Hồ là Thánh Hồ Chí Minh như nhân dân Ấn Độ gọi Mahatma Gandhi là Thánh Gandhi, bởi chữ "Bác" gần gũi hơn nhiều. Chúng ta đã có viện nghiên cứu rất sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng để làm lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh tới thế hệ sau, không gì tốt hơn bằng sự giáo dục dựa trên nghiên cứu giá trị văn hóa. Chúng ta cần làm cho những giá trị của Người ngày càng lan tỏa khắp thế giới”, nhà ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan