Đó là phần mở đầu trong bài phát biểu tâm huyết của đồng chí Vũ Mão tại cuộc Tọa đàm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) tổ chức ngày 19-12-2018.
Có lẽ vì có điểm xuất phát như vậy nên sau này dù ở nhiều cương vị khác nhau, như: Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội... đồng chí Vũ Mão vẫn coi quân đội là ngôi nhà lớn của mình và Báo QĐND là tờ báo “nhà mình”.
Tôi được gặp bác Vũ Mão lần đầu vào giữa năm 1994, khi ấy tôi được Ban biên tập Báo QĐND giao nhiệm vụ theo dõi kỳ họp Quốc hội khóa IX. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp. Chuyện “chất vấn” không còn “kín”, “nội bộ” nữa mà trở nên công khai, minh bạch, được nhân dân theo dõi, giám sát nên rất nhiều đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ lo lắng. Đồng chí Vũ Mão khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng là tác giả của đề án này, liên tục gặp gỡ các nhà báo theo dõi phiên họp vừa để lắng nghe ý kiến của dư luận, vừa để tiếp thu sự góp ý của các nhà báo. Khi nghe tôi giới thiệu là phóng viên Báo QĐND, đồng chí thân mật nói: "Mình từng là người chiến sĩ, luôn yêu quý Báo QĐND. Nếu cần tài liệu hoặc có những vấn đề chưa rõ, bạn cứ hỏi mình, đừng ngại...".
|
Đồng chí Vũ Mão (giữa) và các đại biểu tại cuộc Tọa đàm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Báo Quân đội nhân dân và Cục Tuyên huấn tổ chức năm 2018. Ảnh: TRỌNG HẢI. |
Từ đó, tôi luôn coi bác Vũ Mão là "người nhà" của báo, không ngại ngần khi phỏng vấn và nhiều lần đi nhờ xe cùng bác khi tác nghiệp.
Năm 2004, khi chuẩn bị cho các số báo Tết Giáp Thân, Ban biên tập Báo QĐND yêu cầu phóng viên của báo tìm những chuyện hay, lạ, hấp dẫn bạn đọc, tôi nhớ ngay đến bác Vũ Mão, một trong những người đã soạn thảo bức thư gửi thế hệ mai sau ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và là người trực tiếp đặt hai bức thư giống hệt nhau ở hai khối bê tông. Một khối thả xuống lòng sông Đà làm đập, còn một bức đặt bên bờ sông Đà. Bác Vũ Mão khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Khi nghe tôi đề nghị phỏng vấn xung quanh những bí mật, giai thoại về hai bức thư này, bác Vũ Mão suy nghĩ một lát rồi nói: "Đây là bí mật, tôi định giữ đến lúc “về thế giới bên kia”, nhưng với Báo QĐND, tôi sẽ hé mở một số nội dung cần thiết". Thế là trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của Báo QĐND số Tết năm ấy có bài phỏng vấn “Bức thư gửi thế hệ mai sau ở Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã được chuẩn bị như thế nào?”. Bài báo gây sự chú ý đặc biệt của bạn đọc. Rất nhiều nhà báo sau này đã lấy tư liệu từ bài báo đó, bởi đồng chí Vũ Mão chỉ trả lời duy nhất vấn đề này trên Báo QĐND.
Năm 2015, khi chuẩn bị loạt bài tham dự “Giải báo chí 70 năm Quốc hội Việt Nam”, tôi tìm đến bác Vũ Mão (khi đó đã nghỉ hưu) xin phỏng vấn và sau đó nhờ bác đọc lại loạt bài này. Đề nghị của tôi lại được đáp ứng, bác đã sửa khá nhiều chi tiết. Đến khi loạt bài được trao giải A, tôi nói vui với bác: “Giải này lẽ ra cháu phải chia tặng bác hai phần ba”. Bác cười và bảo: “Bạn nhớ đến tôi là quý rồi”.
Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là sức làm việc của bác Vũ Mão, bởi lẽ ngoài công việc chuyên môn của một chính trị gia, mỗi năm bác cho ra đời ít nhất một cuốn sách và thường xuyên có bài đăng tải trên các báo. Ngoài viết báo, sáng tác văn thơ, bác còn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam với 5 tập ca khúc đã xuất bản, đặc biệt là tập "Khúc ca bạn bè năm châu" với 64 ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng trên thế giới. Sáng cùng bác đi tiếp xúc với cử tri ở Nam Định, tối về, tôi thấy bác đã có ngay một bài hát vận động cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội.
Từ khi được nghỉ hưu (năm 2008), sức viết của bác lại tăng thêm gấp nhiều lần. Bác tham gia hầu hết các cuộc tọa đàm, hội thảo do Báo QĐND tổ chức. Với cách nói dí dỏm, hài hước, thỉnh thoảng còn “pha” thơ, “pha” nhạc, các tham luận của bác Vũ Mão luôn thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Lần gần đây nhất vào cuối năm ngoái, khi tham dự Tọa đàm “Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân”, bác Vũ Mão đã trình bày tham luận về “Hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân nước bạn”. Bác kể: “... Đối với đất nước Campuchia, Quân đội ta đã làm nhiệm vụ quốc tế rất vẻ vang là giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và góp phần giúp đất nước Chùa tháp hồi sinh. Cùng với cứu giúp nhân dân nước bạn, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giúp người dân nước bạn chống đỡ với nạn đói cũng thật cảm động. Khi đó, lương thực, thực phẩm của bộ đội rất hạn chế, nhưng các đơn vị bộ đội ta đặt nhiệm vụ cứu sống nhân dân bạn lên hàng đầu, bớt khẩu phần của mình để giúp người dân nước bạn. Nhân dân Campuchia đã gọi Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia là “Đội quân nhà Phật”. Đó là phần thưởng cao quý dành tặng Bộ đội Cụ Hồ”.
Một con người luôn tươi trẻ như bác Vũ Mão tưởng chừng như không thể ốm đau. Thế nhưng quy luật nghiệt ngã của cuộc đời vẫn cứ đến. Bác Vũ Mão đã đi về với tổ tiên, với đồng chí, đồng đội cũ... Còn chúng tôi, những cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QĐND vẫn luôn nhớ giọng nói sang sảng của bác lúc đọc tham luận, kể chuyện và âm thanh ngọt ngào, ấm áp của bác lúc ngâm thơ và hát ca trong tòa soạn “báo nhà”.
ĐỖ PHÚ THỌ
(PS sưu tầm)