Theo một nguồn tin mật từ quân đội Trung Quốc, trong một vụ việc hồi tháng 4, tàu chiến 2 nước tiếp cận nhau trong phạm vi 100 m. 

"Những vụ việc như vậy cho thấy sự thiếu tin tưởng chính trị giữa 2 quân đội" – nguồn tin này khẳng định với báo South China Morning Post (SCMP) nhưng không tiết lộ tên chiến hạm.

Bắc Kinh và Washington đã tăng cường triển khai tàu chiến đến khu vực khi các tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz phải tạm ngưng hoạt động vào cuối tháng 3 vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19), trong khi các tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh và Sơn Đông dường như không bị ảnh hưởng.

Cảnh báo xu hướng nguy hiểm giữa Mỹ - Trung trên biển Đông - Ảnh 1.

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hàng hải tại Trường ĐH Peking (Trung Quốc) Hu Bo, những tàu chiến mới được Mỹ triển khai bao gồm tàu tấn công đổ bộ USS America. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc cũng đã triển khai số lượng tàu chiến tương tự.

 

Ông Hu khẳng định Washington tiến hành những đợt triển khai mới vì lo ngại Bắc Kinh có thể tận dụng "khoảng trống quyền lực" trên biển Đông khi 2 tàu sân bay Mỹ nêu trên bị Covid-19 tấn công. Cũng theo ông Hu, 2 phía phần lớn duy trì sự chuyên nghiệp và kiềm chế trong vụ việc hồi tháng 4 song vẫn có rủi ro những vụ việc như vậy dẫn đến tính toán sai lầm và leo thang thành xung đột quân sự.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến 2 nước tiếp xúc gần. Trước đó, vào tháng 10-2018, ảnh chụp trên không của Hải quân Mỹ cho thấy một tàu khu trục Trung Quốc tiếp xúc trong phạm vi 41 m và suýt va chạm với tàu khu trục Mỹ USS Decatur trong một lần đối đầu căng thẳng trên biển Đông. Ông Hu cho rằng 2 nước cần đề ra một cơ chế giải quyết khủng hoảng hiệu quả để tránh tính toán sai lầm.

Cảnh báo xu hướng nguy hiểm giữa Mỹ - Trung trên biển Đông - Ảnh 2.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Cao Lực (Theo SCMP)
(PS sưu tầm)