Vì sao số liệu thu hồi tài sản tham nhũng thuộc danh mục “Tối mật”?

Ngày đăng: 09:12 21/06/2020 Lượt xem: 280

Vì sao số liệu thu hồi tài sản tham nhũng thuộc danh mục “Tối mật”?

Dân trí Bộ Tư pháp lý giải việc đề xuất quy định bí mật nhà nước độ “Tối mật” gồm cả các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng đang gây xôn xao dư luận.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 19/6, bà Phan Thị Hồng Hà - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã giải đáp thắc mắc xung quanh việc Bộ Tư pháp đề xuất đưa số liệu thu hồi tài sản tham nhũng vào danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật” đang gây băn khoăn dư luận.

Theo bà Hà, dự thảo Quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý. Trong đó nội dung này căn cứ theo quy định Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

Cụ thể, Khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về phạm vi bí mật nhà nước bao gồm nhiều nội dung, trong đó có thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở đó, các đơn vị của Bộ Tư pháp trong các lĩnh vực của mình đã đề xuất các nội dung đưa vào dự thảo.

Vì sao số liệu thu hồi tài sản tham nhũng thuộc danh mục “Tối mật”? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Phan Thị Hồng Hà - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp).

“Chúng tôi cũng căn cứ trên quy định của luật để đưa vào dự thảo để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị nhằm có cái nhìn đầy đủ hơn trước khi có sự rà soát và ban hành chính thức"- bà Hà cho hay.

Như Dân trí phản ánh trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã ký công văn gửi các bộ ngành Trung ương, UBND các địa phương đề nghị nghiên cứu, góp ý về dự thảo Quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp.

Theo đó, danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực này được xây dựng theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, là văn bản hành chính cá biệt, được xây dựng theo ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.

Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định mức độ Tuyệt mật gồm các lĩnh vực: Chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề xuất danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành tư pháp gồm 2 mức độ là Tối mật và Mật.

Trong đó, bí mật nhà nước độ “Tối mật” thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp gồm các văn bản, tài liệu, số liệu tuyệt đối, cơ sở dữ liệu, đề án, chiến lược các lĩnh vực công tác của các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự; các báo cáo, tài liệu, số liệu liên quan đến vụ việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phức tạp, kéo dài; các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng.

Thông tin hội nghị, các buổi làm việc, các hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ kiện, tranh chấp có yếu tố nước ngoài mà Bộ Tư pháp là đại diện cho Chính phủ Việt Nam. Các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản khác do Bộ Tư pháp chủ trì, soạn thảo có liên quan đến an ninh quốc gia, phòng thủ đất nước, phòng chống tội phạm…

Thế Kha
(PS st Theo Dân trí)


tin tức liên quan