Lúa hè thu được mùa được giá
Tiếp nối thành công của vụ đông xuân, vụ lúa hè thu ở các tỉnh ĐBSCL cũng rất trọn vẹn vì lúa trúng mùa, được giá trong bối cảnh xâm nhập mặn đe dọa.
Tại Hậu Giang, nông dân rất phấn khởi vì năng suất lúa vụ hè thu 2020 đạt hơn 6 tấn/ha, cao hơn vụ trước tới 500 - 700kg/ha; đáng phấn khởi hơn là giá lúa cũng ở mức cao, thương lái mua lúa tươi của nông dân tại ruộng với giá từ 5.300 - 6.500 đồng/kg. Với mức giá này nông dân đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha.
Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019. Đây chính là động lực để các tỉnh, thành ĐBSCL tập trung tăng diện tích lúa thu đông.
Nhiều nông dân ở TP.Cần Thơ cũng cho biết, vụ lúa hè thu năm nay nhìn chung trúng mùa nhờ ít sâu bệnh, năng năng suất lúa đạt bình quân khoảng 6,5 - 7 tấn/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha, cao nhất trong nhiều năm qua.
Tại Đồng Tháp, năng suất lúa vụ hè thu cũng đạt tới 7 tấn/ha; giá lúa loại thường được thương lái thu mua khoảng 5.200 đồng/kg, lúa dài 5.500 đồng/kg, lúa thơm 5.900 đồng/kg trở lên. Theo nhiều nông dân, đã lâu rồi họ mới được tận hưởng một vụ lúa hè thu trúng kép như vậy.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đánh giá, vụ lúa hè thu 2020 ở ĐBSCL đã thắng lợi trọn vẹn trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, sự chủ động trong điều chỉnh lịch thời vụ đã giúp khắc phục được những bất lợi này.
Có thể thấy, thị trường gạo xuất khẩu sôi động do nhu cầu tăng đã tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2020 ước đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 194 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,9% thị phần.
Tăng tốc sản xuất lúa thu đông
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 7/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% so với năm 2019.
Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019. Đây chính là động lực để các tỉnh, thành ĐBSCL tập trung tăng diện tích lúa thu đông để đón thời cơ giá thị trường đang tốt, tình hình thời tiết, nguồn nước được dự báo thuận lợi.
Theo kế hoạch, Bộ NNPTNT chỉ đạo tăng diện tích vụ thu đông ở ĐBSCL lên hơn 800.000ha (tăng khoảng 50.000ha so với vụ thu đông 2019).
Hiện, ĐBSCL đã bước vào mùa mưa, xâm nhập mặn ở các cửa sông giảm dần và được đẩy lùi ra xa nội đồng. Nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, trong năm 2020, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam Bộ, thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào cuối tháng 9.
Đây là điều kiện thuận lợi cho cho sản xuất vụ lúa thu đông 2020. Vì vậy, nhiều tỉnh đã tăng diện tích so với kế hoạch ban đầu.
Tính đến ngày 15/7/2020, vùng ĐBSCL đã xuống giống được 215.600ha lúa thu đông, bằng 102,2% cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá.
Để bảo đảm sản xuất vụ đông xuân thắng lợi cả về diện tích, năng suất và giá trị, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khuyến cáo, các địa phương cần tập trung sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao và giảm gieo cấy các giống lúa có phẩm cấp gạo trung bình; giảm gieo sạ, sử dụng máy cấy và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân...