Kỷ niệm của vị Trung tướng với nguyên Tổng bí thư không quan cách

Ngày đăng: 07:14 09/08/2020 Lượt xem: 348


Kỷ niệm của vị Trung tướng với nguyên Tổng bí thư không quan cách


                                        Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Trong cảm nhận của Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, ông Lê Khả Phiêu là người sâu sát, không bao giờ quan cách, sống chân thành, được mọi người kính quý.  


 

Ngày 28/5, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên vào thăm ông Lê Khả Phiêu đang điều trị tại khoa A11, bệnh viện Trung ương quân đội 108. 

Khi bước chân vào phòng bệnh, chúng tôi thấy ông đã nặng lắm rồi. Mắt nhắm nghiền, hơi thở nông. Tôi cầm tay lay gọi. Ông mở mắt nhìn, nhận ra chúng tôi, mà chẳng nói được gì. Cùng lúc, ông và chúng tôi đều nghẹn ngào cảm xúc, cứ thế nước mắt trào ra. Xót thương ông vô cùng. Tiên lượng xấu, thời gian không còn nhiều nữa.

Rạng sáng 7/8, một người bạn báo tôi hung tin: Ông Lê Khả Phiêu vừa từ trần. Dù không bất ngờ nữa nhưng tôi vẫn đau buồn, tiếc thương ông vô cùng. Trong tâm trí tôi hiện về những kỷ niệm với ông. 

Người truyền dạy, mở mang kiến thức cho cán bộ trẻ

Về cương vị công tác, giữa ông Lê Khả Phiêu với tôi là một khoảng cách rất lớn.

Nhưng về phương diện tình cảm cá nhân, trong suốt mấy chục năm qua, tôi luôn coi ông vừa là Thủ trưởng, vừa là người Thầy, người Anh kính mến. Đối lại, trên mọi cương vị, kể cả khi là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông luôn dành cho tôi tình cảm thân thương, coi tôi như một người em. 

 
Kỷ niệm của vị Trung tướng với nguyên Tổng bí thư không quan cách
Tác giả chúc mừng sinh nhật Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 27/12/1999 

Trong xưng hô, cán bộ các cấp thường gọi ông bằng Thủ trưởng hoặc gọi theo chức danh. Nhưng với tôi, từ lần gặp đầu tiên đến tận bây giờ, tôi luôn gọi ông bằng anh một cách trân trọng. 

Tôi biết ông Lê Khả Phiêu từ hơn nửa thế kỷ trước. Năm 1965, khi còn chiến đấu ở Lào, tôi mới nghe tên ông chứ chưa gặp. 

Tôi tiếp xúc và được làm việc với ông hồi ở chiến trường Trị Thiên. Trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, ông là Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 9, chỉ huy chiến đấu lập công xuất sắc ở thành phố Huế. 

Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức, rồi Cục phó Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên. 

Hồi đó, tôi là cán bộ cấp phân đội. Một số lần lên Quân khu, tôi được nghe ông giảng bài trong lớp tập huấn hoặc chủ trì trong các hội nghị.

Là người trưởng thành trong chiến đấu từ cơ sở, với sự trải nghiệm thực tiễn phong phú, tác phong sâu sát tỉ mỉ, ông Lê Khả Phiêu đã truyền dạy, mở mang kiến thức cho chúng tôi - những cán bộ trẻ trưởng thành trong chiến đấu chưa qua các trường lớp - những bài học quý cả về lý luận và thực tiễn. 

Năm 1983 - 1984, tôi công tác trong Tổ đại diện Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị tại Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, dưới quyền lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Chính trị, rồi Phó Tư lệnh về Chính trị. Ông thường xuyên sâu sát xuống chỉ đạo đơn vị cơ sở của các mặt trận trên toàn chiến trường.  

Từ năm 1988, ông về làm Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, thì tôi công tác ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Văn phòng Tổng cục Chính trị, rồi về Cục Chính sách tháng 3/1992.

Chân thành, dân dã

Giữa tháng 4/1992, tôi tham gia đoàn cán bộ của Tổng cục Chính trị do ông Lê Khả Phiêu - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục dẫn đầu đi thăm Trường Sa. 

 
Kỷ niệm của vị Trung tướng với nguyên Tổng bí thư không quan cách
Ông Lê Khả Phiêu - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (thứ 2 từ phải sang) đi thăm Trường Sa, tháng 4/1992. Tác giả đứng ngoài cùng bên phải

Mục đích chuyến đi là thăm và làm việc với lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, qua đó, nắm tình hình đời sống sinh hoạt, tình hình triển khai và kết quả hoàn thành nhiệm vụ, tình hình và kết quả công tác Đảng, công tác chính trị. Theo phạm vi chức năng, các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết một số vấn đề vướng mắc nổi cộm, đồng thời tổng hợp các ý kiến đề đạt. 

Ý kiến gì thuộc phạm vi quyền hạn của mình thì trực tiếp có ý kiến giải quyết tại chỗ. Những vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của cấp trên thì tổng hợp nghiên cứu đề đạt. 

Toàn bộ chuyến đi trên biển đảo hơn 10 ngày, ông Lê Khả Phiêu cùng ăn ở sinh hoạt với chúng tôi. Phong cách công tác và sinh hoạt của ông là sâu sát, cụ thể, thân tình, dân chủ, không bao giờ quan cách. Ông sống chân thành, dân dã, được mọi người tôn trọng, kính quý. 

Luôn quan tâm công tác chính sách với quân đội, hậu phương quân đội

Cuối năm 1993, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị. Ngày trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi, mà thực chất là giao nhiệm vụ cho tập thể Cục Chính sách - ông Lê Khả Phiêu nói đại ý rằng: Thời gian tới, Nhà nước cải cách sửa đổi toàn bộ hệ thống chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách xã hội. 

Những chính sách đó đều có tác động trực tiếp đến quân đội và hậu phương quân đội. 

Theo tiến trình chung, Bộ Quốc phòng xúc tiến việc nghiên cứu đề nghị các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội: Chính sách, chế độ đối với bộ đội làm nhiệm vụ ở những địa bàn khó khăn gian khổ, biên giới, hải đảo; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng công tác trong các thành phần chuyên môn kỹ thuật trọng yếu của lực lượng không quân, hải quân; Chính sách BHXH đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; Chính sách đối với hậu phương quân đội…

Yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng về chính sách (thương binh, liệt sỹ, mất tin, mất tích, mộ liệt sỹ, khen thưởng…) sau mấy chục năm chiến tranh với khối lượng lớn, tính chất càng về sau càng khó khăn, phức tạp, bức xúc. 

Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi Cục Chính sách phải là cơ quan tham mưu đắc lực cho Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng trong việc nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu đề nghị chính sách cũng như chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những chính sách đã được ban hành. 

Cục Chính sách là cơ quan trung tâm giúp Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp nghiên cứu chính sách với Bộ LĐ-TB-XH và các bộ, ngành khác ở Trung ương.

Sau khi giao nhiệm vụ và căn dặn tôi một số điều cần chú ý trong lãnh đạo chỉ huy Cục, ông Lê Khả Phiêu hỏi tôi có ý kiến gì không.

Tôi không đề đạt gì, chỉ cảm ơn và hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên giao, mong Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan hữu quan tạo điều kiện giúp đỡ, phối hợp trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Mấy chục năm qua, với mọi hoàn cảnh, trên từng cương vị, trong cảm nhận của tôi, ông Lê Khả Phiêu là một người tài năng, đức độ, vừa có tầm vừa có tâm. 

Ông sống thanh bạch, liêm khiết, luôn luôn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, chống các tệ nạn tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. 

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực ở tầm vĩ mô, ông Lê Khả Phiêu luôn quan tâm đến công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, từ vai trò chỉ đạo vĩ mô ở tầm chiến lược đối với toàn quân toàn quốc, đến những việc làm thiết thực, giải quyết các trường hợp cụ thể.

Nhiều lần ông gọi tôi đến báo cáo tình hình và chỉ thị những vấn đề cần triển khai nghiên cứu và những việc phải làm ngay. Ông đã chỉ đạo nhiều nội dung sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ đối với quân đội mà đối với toàn Đảng, toàn dân, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa sâu sắc. 

Viết bài này, tôi xin được coi đây là nén hương lòng kính viếng ông Lê Khả Phiêu - người tôi tôn kính đến trọn đời!

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu

(Nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật; Nguyên Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng)

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan