Chuyện về quảng trường Ba Đình và những ô cỏ xanh

Ngày đăng: 06:50 01/09/2020 Lượt xem: 1.263

Chuyện về quảng trường Ba Đình và những ô cỏ xanh

ANTD.VN - Chữ quảng dịch theo tiếng Hán có nghĩa là rộng, còn trường (tràng) là cái sân. Nhưng để được gọi là quảng trường theo quan niệm của châu Âu thì cần thêm một điều kiện, ở đó phải có một công trình văn hóa, cung điện, lâu đài, hay tòa thị chính…
Chuyện về quảng trường Ba Đình và những ô cỏ xanh  ảnh 1

Tại sao lại là quảng trường Tròn?

Khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, họ đã đưa quy hoạch đô thị kiểu phương Tây áp dụng vào các đô thị Việt Nam trong đó có Hà Nội. Họ lấy con người sống ở đô thị là trung tâm nên quy hoạch phải phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đi lại và không gian sống. Từ năm 1883 về sau, vườn hoa, công viên, quảng trường đã xuất hiện ở Hà Nội trong quá trình xây dựng thành phố.

Sau khi tòa nhà chính của Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) hoàn thành năm 1906, tiếp đó là các công trình xung quanh cũng đưa vào sử dụng, đại diện Phủ Toàn quyền đã cho xây quảng trường ở phía trước. Vì lô đất trước mặt dự tính để xây trường học (sau đó xây trường Albert Sarrau, nay là Văn phòng Trung ương Đảng) nên quảng trường buộc phải làm dịch về bên phải.

Quảng trường được thiết kế hình tròn khiến mọi thứ nhìn mềm hơn, bớt đơn điệu và cứng. Quảng trường hình tròn cũng giúp làm giảm xung đột giao thông ở khu vực này khi số phương tiện giao thông cá nhân tăng lên trong tương lai. Cổng phụ của phủ nằm ở vòng cung quảng trường với 3 cửa ra vào ghép lại với nhau thành hình tròn như một dấu chấm duyên dáng.

Họ đặt tên là quảng trường Puginier (vị linh mục có quan hệ mật thiết với chính quyền Pháp và là người đã xây Nhà thờ Lớn Hà Nội). Chính giữa sân rộng là một bồn hoa hình tròn, trồng rất nhiều loại hoa. Vì quảng trường hình tròn, bồn hoa ở giữa cũng hình tròn, cổng vào Phủ Toàn quyền cũng hình trăng khuyết nằm trên chu vi của quảng trường nên người dân Hà Nội gọi đó là quảng trường Tròn.

Trong nhiều năm, đất quanh quảng trường vẫn bỏ trống, chỉ có trường Albert Sarrau và câu lạc bộ thể thao dành cho Tây (phố Hoàng Văn Thụ hiện nay). Năm 1922, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long có ý định sửa sang lại khu vực quanh phủ và quảng trường, ông ta giao cho kiến trúc sư Hebrard vẽ lại tổng thể. Nhưng trên đường về Pháp thì ông này bị chết trên tàu biển, vì thế bản thiết kế bị bỏ trong ngăn kéo.

Năm 1930, Phủ toàn quyền cho xây “Direction des finanses et de l’Eureqistrement” (Nha Tài chính và trước bạ nay là Bộ Ngoại giao) do kiến trúc sư Cerruti thiết kế theo phong cách kiến trúc Đông Dương. Năm 1938, một lần nữa Toàn quyền Brèvié muốn quy hoạch lại cả khu vực, nhưng do Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra nên kế hoạch không thực hiện được.

Chuyện về quảng trường Ba Đình và những ô cỏ xanh  ảnh 2

Quảng trường Ba Đình đầu thế kỷ 20, khi đó được người Pháp gọi là vườn hoa Pugininer

Dấu ấn lịch sử

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp và nắm quyền ở Đông Dương, chính phủ thân Nhật do ông Trần Trọng Kim làm Thủ tướng được thành lập. Ông Trần Trọng Kim đã mời bác sỹ Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội. Và một trong những việc đầu tiên của Thị trưởng Trần Văn Lai là cho bỏ đi nhiều bức tượng ở Hà Nội liên quan đến thực dân Pháp. Tiếp đó, ông cho đổi tên phố từ chữ Pháp sang chữ quốc ngữ, bỏ các tên phố mang tên quan chức Pháp, các vua Nguyễn để thay bằng tên các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và các thương gia có tinh thần dân tộc, ông cũng cho đổi tên các vườn hoa, quảng trường.

Và quảng trường Puginier đổi thành Ba Đình. Ba Đình là căn cứ chống Pháp của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa. Tuy nhiên việc đổi tên mới chỉ thực hiện trên giấy tờ, chưa triển khai trên thực tế vì những khó khăn về kinh phí.

Sau khi quân Nhật thất bại phải đầu hàng Đồng Minh, Cách mạng tháng Tám thành công. Tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945.

Thời kỳ Pháp tạm chiếm (1947-1954) quảng trường Ba Đình được đổi tên thành vườn hoa Hồng Bàng. Sau năm 1954, quảng trường lấy lại tên Ba Đình và nơi đây thường xuyên diễn ra sự kiện lớn với hàng vạn người tham dự, vì thế bồn hoa bị phá bỏ. Để có một lễ đài, chính phủ đã phá cổng tròn, xây lễ đài kiên cố bằng gạch và gỗ gần sát với đường Hùng Vương. Năm 1958, lễ đài này lại bị phá để xây lễ đài mới cao 18 mét. Phía dưới lễ đài chính có 3 cổng đi vào Phủ Chủ tịch, 2 bên có 2 lễ đài phụ là những bậc cao dần.

Chuyện về quảng trường Ba Đình và những ô cỏ xanh  ảnh 3

Quang cảnh ở vòng xoay Pugininer với cổng vườn Bách Thảo gần đó trong ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2-9-1945

Ý tưởng táo bạo

Ngày 3-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thi hài của Người quàn tại nhà Quốc hội và lễ truy điệu diễn ra ngày 9-9-1969 tại quảng trường Ba Đình với 10 vạn đồng bào tham dự.

Năm 1970, Bộ Chính trị có ý định xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị trí lăng được quyết định đặt tại quảng trường Ba Đình. Theo kế hoạch sẽ khởi công xây lăng vào khoảng mùa khô năm 1972, nhưng tháng 4-1972, Mỹ ném bom trở lại miền Bắc nên kế hoạch phải hoãn lại. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, vì thế việc xây dựng lăng Bác được thực hiện và chính thức khởi công vào ngày 2-9-1973. Cùng với việc xây lăng, quảng trường Ba Đình cũng được thiết kế, cải tạo và xây dựng lại. Cuối năm 1973 đầu 1974, Nhà nước đã tổ chức thi thiết kế quy hoạch quảng trường Ba Đình.

Trong hồi ký của kiến trúc sư Nguyễn Khởi, thành viên ban xây dựng lăng có viết: “Tôi còn nhớ, trong một buổi nói chuyện, ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác Hồ) có kể với tôi rằng, mỗi buổi diễu hành, diễu binh, các chiến sỹ bộ đội hoặc lực lượng công nông tham gia các sự kiện thường phải tập hợp từ rất sớm và đứng đến trưa nên rất mệt. Có trường hợp đã bị ngất xỉu do trời nắng nóng, mà nền quảng trường lại là bê tông nên càng nóng. Chính những trao đổi, bàn bạc qua lại đó đã khiến tôi nảy ra ý tưởng tại sao không thiết kế quảng trường Ba Đình là những thảm cỏ thay vì bê tông. Tôi trình bày với ông Vũ Kỳ, ông hỏi lại tôi rất kỹ chuyện đó dưới góc độ chuyên môn kiến trúc để trình bày với Bộ Chính trị. Vài hôm sau, ông Vũ Kỳ thông báo lại với tôi là Bộ Chính trị đã đồng ý làm nền quảng trường Ba Đình là thảm cỏ”.

Dù Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, nhưng về chuyên môn vẫn phải có cuộc họp với các chuyên gia Liên Xô vì họ đang thực hiện việc xây dựng công trình. Sau khi nghe Nguyễn Khởi trình bày, kiến trúc sư Garon Ixacovich đã đặt ra nhiều câu hỏi và ông đã nhận được những giải đáp rất khoa học. Và phương án làm các ô cỏ vuông xen giữa những con đường nhỏ rải bê tông sỏi được chọn.

Để hiện thực hóa các ý tưởng, kiến trúc sư Nguyễn Khởi và Garon Ixacoyich bàn bạc, tham khảo thêm ý kiến của kỹ sư trồng trọt và quyết định chọn cỏ gừng. Đây là loại cỏ mọc khỏe, đan chặt vào nhau thành tấm trên mặt đất, chịu được sự dẫm đạp của con người. Rồi họ cùng đến Viện Vật liệu xây dựng đặt những tấm bê tông rải sỏi trên bề mặt có màu nâu nhạt điểm xuyết những hạt màu đen cho đẹp mắt. Khoảng tháng 5-1974, bản thiết kế chính thức được phê duyệt và sau đó được thi công để kịp tiến độ dự án.

Ngày 2-9-1975, Nhà nước đã long trọng tổ chức lễ míttinh đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Một lễ duyệt binh hoành tráng cũng diễn ra ở quảng trường Ba Đình. Trên những ô cỏ xanh mướt là hàng vạn người dân hân hoan vẫy chào khi đoàn quân tiến qua lễ đài…

(PS st Theo An ninh Thủ đô)
tin tức liên quan