LẬT SỬ - MỘT BIỂU HIỆN CỦA "DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH" ĐANG DIỄN RA RẤT NGHIÊM TRỌNG. Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 1)

Ngày đăng: 06:59 21/09/2020 Lượt xem: 543
LẬT SỬ - MỘT BIỂU HIỆN CỦA "DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH"
ĐANG DIỄN RA RẤT NGHIÊM TRỌNG

Thiếu tướng Hoàng Kiền
 
               
         PHẦN THỨ HAI
 
LẬT SỬ, RỬA TỘI CHO CÁC NHÂN VẬT ĐÃ BỊ LỊCH PHÊ PHÁN, LÊN ÁN
         Hiện nay đang có trào lưu xét lại các nhân vật đã từng là tay sai cho thực dân Pháp, đã ghi vào sử sách suốt từ thời pháp thuộc cho đến nay. Họ tiến hành với nhiều hình thức rất thâm độc, xảo quyệt và ráo riết. Đã có nhiều hội thảo, bài viết đăng trên báo, videoclip trên mạng. Xin tổng hợp nêu ba nhân vật: Phan Thanh Giản, Hoàng Cao Khải, Trương Vĩnh Ký để những ai có quan điểm chống lật sử xem xét đấu tranh.
1. PHAN THANH GIẢN
         Họ đang rửa tội cho Phan Thanh Giản.
         Một video clip trên mạng xã hội đăng bài:
        Tiểu sử Phan Thanh Giản - Cuộc đời đầy bi kịch của kẻ sĩ, là niềm tự hào của đất Nam Kỳ lục tỉnh. Họ ca ngợi ông ta hết lời, những điều lịch sử đã ghi là oan uổng bi kịch.....( ai quan tâm xem sẽ thấy). Một bạn gửi cho tôi, tôi vừa xem hết sáng nay, tôi nói những vấn đề lớn về lật sử đang diễn ra ở đây. Bạn ấy nói có bằng chứng không, tôi nói hãy xem bài tôi đăng ngay sáng nay.
         Ngày 29/09/2008 Báo Tuổi trẻ đã có bài viết này.
         Phan Thanh Giản - nỗi oan 150 năm
       Đã 141 năm, kể từ ngày 4-8-1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời cụ là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ. Và chuyện ấy đã thành sự thật.
         Khi thăm mộ và đền thờ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri tháng 8 vừa qua, chúng tôi thấy rất nhiều vòng hoa đang còn tươi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) đến viếng nhân ngày giỗ của cụ ngày 4 tháng 8.
         Nghĩa là đám giỗ cụ đã được tỉnh long trọng tổ chức, chỉ một tuần trước khi chúng tôi đến Bến Tre. Dịp này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
...
         Thật vui khi được biết, ngày 24-1-2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục Di sản văn hóa đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học... Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết công bằng. Như vậy Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”.
         Cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất (1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
        Năm 1834, cụ được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc. Năm 1848 đổi sang Thượng Thư Bộ lại; năm 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ; năm 1853 Thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ mật viện; năm 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán…
         Những năm 1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục trong ba năm 1856-1859, là bộ Quốc sử đồ sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.
CÒN PHÊ PHÁN THÌ SAO
         Đang có rất nhiều ý kiến phê phán việc rửa tội, thăng công cho Phan Thanh giản, cả báo, bài viết và video clip trên mạng xã hội.
* Nhắc lại đoạn văn này:
         "Tháng 8 năm 1963 đã có một hội nghị chuyên đề lớn với sự đồng thuận cao của những nhà cách mạng và văn hóa, học giả lớn như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh, Ca Văn Thỉnh… đánh giá tổng quát: “Để mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan Thanh Giản là đồng phạm".
* Phan Thanh Giản đã giao 6 tỉnh miền Tây cho Pháp, thực dân Pháp cại trị Việt Nam gồm hai phần, Lục tỉnh Nam kỳ là của họ, còn lại với danh nghĩa do triều đình nhà Nguyễn quản lý họ thực hiện chế độ bảo hộ . Thực chất Nhà Nguyễn là bù nhìn, thực dân Pháp cai trị hết, nhưng về pháp lý, 6 tỉnh miền Tây đã được Phan Thanh Giản thay mặt triều đình Nhà Nguyễn ký giao cho Pháp.
* Ý kiến của ông Trần Huy Liệu
         Bài viết được báo Văn nghệ tp HCM đăng lại ngày 25/8/2017:
         Chung quanh việc đánh giá lại Phan Thanh Giản. 25/08/2017
         Lts: Gần Đây, Nhiều Người Trong Giới Sử Học, Và Không Chỉ Trong Giới Sử Học, Đề Xuất Việc Đánh Giá Lại Phan Thanh Giản. Phan Thanh Giản Thì Vẫn Thế, Vẫn Còn Đó Nguyên Vẹn Những Sự Kiện Đời Ông, Quanh Ông; Nhưng Cái Nhìn Nhiều Người Về Ông Đã Khác. Lòng Người Thay Đổi Chứ Không Phải Nhu Cầu Về Sử Học Thay Đổi.
         Nhiều Bạn Đọc Gửi Thư Đến Chúng Tôi, Thắc Mắc Có, Tán Dương Có, Và Đề Nghị Chúng Tôi Có Ý Kiến. Để Góp Một Tiếng Nói Vào Việc Chung, Và Để Mở Đầu, Chúng Tôi Đăng Lại Bài Của Viện Sĩ Trần Huy Liệu, Nguyên Phó Chủ Tịch Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc Lâm Thời, Nguyên Viện Trưởng Viện Sử Học Trên Tạp Chí Nghiên Cứu Sử Học Cách Đây Gần Nửa Thế Kỷ. Đổi Mới Bao Giờ Cũng Rất Cần, Nhưng “Đổi Mới” Trong Nhìn Nhận Nhân Vật Này Thế Nào Để Vừa Công Bằng Lịch Sử, Vừa Khoan Dung, Nhân Ái, Thấu Tình Đạt Lý?
         Tôi không muốn nhắc lại những tài liệu mà các bạn đã dẫn ra và những ý kiến mà các bạn đã phát biểu, mà qua cuộc thảo luận, tôi muốn đề ra một vài nét lớn trong những điểm nhận định chung.
         Điều thứ nhất mà chúng tôi nhận thấy là: Trong khi bình luận một nhân vật lịch sử nào, chúng ta phải đặt người ấy vào hoàn cảnh lịch sử lúc ấy. Chúng ta không đòi hỏi những người sống xa thời đại chúng ta, không cùng một giai cấp với chúng ta, cũng phải có một lập trường tư tưởng như chúng ta. Nhưng để đánh giá họ, chúng ta chỉ cần xem tư tưởng và hành động của họ có phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của đông đảo nhân dân đương thời không? Có theo chiều hướng tiến lên của thời đại không? Đối với Phan Thanh Giản hồi ấy, chúng ta không đòi Phan phải thoát ly ý thức hệ của giai cấp phong kiến. Nhưng trong khi những nhân sĩ yêu nước trong giai cấp phong kiến và đông đảo nhân dân kiên quyết đánh Tây để giữ lấy nước, thà chết không làm nô lệ thì Phan trước sau vẫn theo chiều hướng đầu hàng, từ ký nhượng 3 tỉnh miền Đông đến ký nhượng 3 tỉnh miền Tây. Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân. Tuy vậy, trong số các bạn tham gia thảo luận, vẫn còn có bạn không phủ nhận tội lỗi của Phan, nhưng vẫn muốn “giảm nhẹ tội cho Phan một bậc” (Danh từ của pháp luật là giảm đẳng). Trước tòa án lịch sử, vị “trạng sư bất đắc dĩ” ấy viện cớ rằng: chủ trương đầu hàng không phải riêng gì họ Phan, mà là cả giai cấp phong kiến nói chung, mà người đứng đầu là vua Tự Đức, cũng như Nam kỳ và toàn bộ đất nước bị mất vào tay giặc Pháp còn vì nhiều duyên cớ khác, đâu phải chỉ vì mấy chữ ký của Phan Thanh Giản. Vậy chúng ta có muốn kết án thì phải kết án giai cấp phong kiến mà thủ phạm phải là Tự Đức, còn Phan Thanh Giản chỉ là tòng phạm thôi.
         Lời bào chữa của vị “trạng sư” kể trên có lý không, có đứng vững được không? Chúng ta không phủ nhận giai cấp phong kiến nhà Nguyễn hồi ấy đã hết sứ mạng lịch sử và đường đi theo chiều hướng thỏa hiệp và đầu hàng. Nhưng một sự thực mà chúng ta không được phép chối cãi là: trên bước đường phân hóa, chính trong giai cấp phong kiến lúc ấy cũng còn có phái chủ chiến và phái chủ hòa (nghĩa là phái đầu hàng). Chưa nói đến sự cố lúc ấy: giặc Pháp mới để chân đến Nam kỳ, các tầng lớp nhân dân đương hăng hái đánh giặc cứu nước, mà ngay chính Tự Đức, một tên vua phải đứng “trước vành móng ngựa” về tội làm mất nước ta, cũng từ chỗ lưng chừng đến chỗ đầu hàng, chớ chưa phải đã cam tâm dâng nước cho giặc từ đầu. Nếu ngày nay, trước từng sự kiện lịch sử phải tìm ra trách nhiệm, cái gì cũng đổ chung cho giai cấp phong kiến theo lối “hầm bà là” cả, vậy thì làm thế nào để phân biệt những người yêu Tổ quốc, theo chính nghĩa, giết giặc cứu nước với những kẻ hàng giặc dâng nước cho giặc? Làm thế nào có thể phân biệt những người giữ thành chết theo thành như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Nguyễn Thúc Nhận… với những người dâng thành hiến đất cho giặc theo kiểu Phan Thanh Giản? Không. Chưa nói đến bản án lịch sử muôn đời, dư luận nhân dân đương thời biểu hiện trong 8 chữ đề cờ của dân quân Tân An Gò Công mà thủ lĩnh là Trương Định cũng đã rõ ràng lắm. Nó kết án giai cấp phong kiến mà triều đình Huế là đại diện đã “bỏ dân” và kẻ trực tiếp phụ trách là Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đã ký nhượng đất nước cho giặc. Dư luận nhân dân rất sáng suốt cũng như bản án rất công minh. Nếu vị “trạng sư” nào còn muốn bào chữa cho một bị cáo đã bị bắt quả tang từ non 100 năm trước thì chỉ là tốn công vô ích!
         Nói cùng mà nghe, ngay đến Tự Đức, một người đứng đầu trong hàng ghế bị cáo, đã có lúc trước những yêu sách của địch đã phải than: “Theo họ thì có nước như không, đã chịu nhục mà đời đời bị vạ…” và khi nghe tin Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp ký nhượng 3 tỉnh miền Đông đã phải nói: “Hai tên kia không những là tội nhân của bản triều, mà còn là tội nhân của thiên cổ”… Thì ra, trên bước đường đầu hàng của giai cấp phong kiến nói chung, Phan Thanh Giản còn bước mau, bước trước hơn Tự Đức và trước dư luận phẫn khích của nhân dân. Tự Đức cũng không dám thốt ra những câu nói ngược lại ý chí của họ. Như vậy, trong giai đoạn đau thương của Tổ quốc, kẻ làm mất nước ta là bọn phong kiến đầu hàng mà đứng đầu là Tự Đức. Nhưng trước từng sự kiện lịch sử, mỗi người lại có trách nhiệm riêng tùy theo cương vị của mình. Vị trạng sư nào ngụy biện đến đâu cũng không thể lập luận hồ đồ, đem giai cấp phong kiến và Tự Đức làm cái “bung xung” để che giấu tội lỗi của Phan Thanh Giản đã dâng toàn bộ lục tỉnh Nam kỳ cho giặc được!
         Điều thứ hai mà chúng tôi nhận thấy là: trong khi qui định trách nhiệm của Phan Thanh Giản trước lịch sử, chúng ta đã phân tích rõ ràng với những án từ phân minh. Tuy vậy, còn có người viện những đức tính liêm khiết của Phan ra để mong được “chiếu cố” và “thông cảm”. Cũng có người còn cho Phan là một nhà ái quốc và thức thời, chỉ vì thương dân, muốn tránh nạn binh đao nên đã chủ trương hòa hiếu với giặc. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại điều kiện chủ quan và khách quan bấy giờ để chứng minh rằng: Nếu vua tôi nhà Nguyễn biết dựa vào nhân dân để kiên quyết kháng chiến thì nước ta hồi ấy sẽ không bị mất; tôi chỉ nhấn mạnh vào cái quan niệm về đạo đức tư cách của con người thế nào cho đúng. Những người có lòng chiếu cố đến Phan Thanh Giản chỉ mới nhìn vào tư đức của ông mà không nhìn vào công đức của ông. Ở vào thời thế nước ta hồi ấy, mỗi người công dân còn có cái đạo đức nào cao hơn là yêu nước thù giặc, hy sinh quên mình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trái lại, còn cái gì xấu hơn là theo giặc, chống lại cách mạng, phản lại quyền lợi tối cao của Tổ quốc. Đối với Phan Thanh Giản, công đức như thế là đã bại hoại rồi; mà công đức đã bại hoại thì tư đức còn có gì đáng kể? Trong số các bạn tham gia thảo luận, có bạn còn viện những chứng cớ tỏ ra rằng ngay cả đến tư đức của ông cũng không có gì đảm bảo. Nói thế thôi. Điều này không quan trọng lắm. Chúng ta đánh giá con người của Phan không phải nhìn vào những đức tính thông thường, mà chính là nhìn vào tiêu chuẩn đối với dân, với nước của Phan.
         Ở đây còn một điểm phải trang trải nữa là Phan có yêu nước không? Những người thương Phan còn muốn cố cắt nghĩa rằng: Phan chủ trương sai lầm nhưng không phải không có lòng yêu nước. Thực ra, yêu nước không phải là một danh từ trừu tượng, mà phải biểu hiện một cách cụ thể. Trong lúc quân giặc bắt đầu giày xéo lên Tổ quốc, bao nhiêu văn thân nghĩa sĩ, hào lý cùng các tầng lớp nhân dân đều lao mình vào cuộc giết giặc cứu nước, bài phú “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” vang lên, vậy mà riêng Phan Thanh Giản 3 lần dụ Trương Định bãi binh, 4 lần làm môi giới cho Pháp, đưa thư của giặc cho Trương và khuyên nhân dân không nên “bội nghịch” với giặc, vậy chúng ta có thể tặng hai chữ yêu nước cho Phan cả về mặt khách quan lẫn chủ quan được không? Phạm vi “yêu nước” cũng rất rộng, nhưng danh từ ái quốc không thể chứa một nội dung phản quốc. Một người đã có “thành tích” như Phan, dù ai muốn nhìn theo cách nào chăng nữa, cũng không thể lạm dụng hai chữ ái quốc để gắn vào một cách dễ dàng, vì như thế chẳng những hồ đồ trong việc nhận thức Phan mà còn là nhòa nhoẹt cả ý nghĩa yêu nước nữa.
        Điều thứ ba mà tôi muốn nhấn mạnh vào là cái chết của Phan. Thật ra, với những hành động kể trên, nếu Phan không kết thúc bằng một cái chết khá “đặc biệt” thì có lẽ dư luận đối với Phan cũng không có gì phức tạp lắm vì hành động của Phan đủ để nói lên Phan là người thế nào rồi. Theo tôi, chủ trương của Phan đã dẫn Phan đến chỗ bế tắc mà chỉ có thể kết cục bằng một cái chết. Nói một cách khác, cái chết của Phan là tất nhiên, là rất biện chứng trong chỗ bế tắc của Phan. Tuy vậy, có người vẫn ca tụng Phan là không tham sống sợ chết. Ở đây, tôi không muốn nhắc lại những cái “ngoắt ngoéo” trong giờ phút cuối cùng của Phan mà nhiều bạn đã vạch ra để chứng tỏ là Phan không phải không tham sống sợ chết. Tôi chỉ đặt câu hỏi là: Có những trang hào kiệt không tham sống sợ chết để làm nên một việc gì tốt đẹp thì cái không tham sống sợ chết ấy mới có ý nghĩa; còn Phan Thanh Giản nếu quả có không tham sống sợ chết chăng nữa thì để làm nên cái gì? Nói rằng Phan chết để giữ trọn tiết nghĩa chăng? Thì, cái sống của Phan đối với dân, với nước đã mất hết tiết nghĩa rồi, còn nói gì cái chết. Nói rằng Phan chết để giữ trọn đạo lành (tử thủ thiện đạo) hay làm nên điều nhân (sát thân thành nhân) theo câu châm ngôn của Nho giáo mà Phan là một tín đồ chăng? Thực ra, cái chết của Phan khác với cái hy sinh của các bậc nghĩa liệt khác, không phải để giữ “đạo lành” cho đến chết, cũng chẳng phải liều chết để làm nên một điều “nhân” vì cái gọi là “đạo lành”, là điều “nhân” lúc đó là giết giặc cứu nước, là theo nguyện vọng của nhân dân, trái lại là đạo dữ, là bất nhân, là phản bội. Thôi chúng ta hãy làm một việc ngay thẳng là trả cái chết của Phan Thanh Giản lại cho Phan Thanh Giản, cái chết do chính “tác giả” tạo ra, qua một quá trình dài lâu dẫn đến chỗ không lối thoát. Dầu sao, cái chết của Phan cũng chỉ có thể chấm dứt con đường bế tắc của Phan, chớ không thể xóa được tội danh của Phan trước tòa án dư luận nhân dân và lịch sử.
         Điều thứ tư mà chúng ta không thể bỏ qua được là: trong khi kết án Phan Thanh Giản, chúng ta một mặt không để Phan trốn tránh trách nhiệm do Phan trực tiếp phụ trách; một mặt khác, chúng ta cũng không quên gắn liền Phan với triều đình Huế mà Phan là đại diện, với giai cấp phong kiến mà Phan là tiêu biểu. Như mọi người đều biết, khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm nước ta thì cũng là lúc giai cấp thống trị tức giai cấp phong kiến nước ta đã hết nhựa sống, đương hãm vào thế bí. Do đó, trước nạn ngoại xâm, tư tưởng thỏa hiệp đầu hàng đã dần dần thấm vào tầng lớp trên của giai cấp phong kiến. Mặc dầu trong quá trình phân hóa còn có phái chủ chiến, nhưng tư tưởng đầu hàng vẫn ngày càng phát triển và trở thành tư tưởng chủ đạo của giai cấp phong kiến. Bị uy hiếp trước uy vũ của văn minh Tây phương, luận điệu cầu an của Phan Thanh Giản nhắc lại chuyện cũ như “Hán Văn Đế hòa với Hung Nô” hay “Tống Chấn Tôn hòa với Khiết Đan” đã nói lên tư tưởng của giai cấp thống trị bấy giờ một mặt thì tự kiêu, cho những nước ngoài đều là mọi rợ; trái lại, một mặt khác lại tự ti sợ địch, dọn sẵn con đường đầu hàng. Thật thế, nếu triều đình Huế kiên quyết kháng chiến, Tự Đức không có những chỉ thị “nước đôi” thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp sẽ không dám tùy tiện dâng đứt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho giặc. Chẳng những thế, sau khi Phan Thanh Giản đã ký nhượng 3 tỉnh miền Đông, trước sự công phẫn của nhân dân, Tự Đức cũng đã phải kết án Phan. Lâm là “tội nhân của thiên cổ”, nhưng rồi Phan vẫn là người tín nhiệm của triều đình Huế, được triều đình giao cho trọng trách, để rồi một lần nữa, dâng nốt 3 tỉnh miền Tây cho giặc. Như thế, Phan Thanh Giản phải chịu trách nhiệm trực tiếp những việc mà ông đã làm, nhưng cũng quán triệt tinh thần và đường lối đầu hàng của triều đình Huế mà ông là đại diện. Ấy là chưa kể sau khi 6 tỉnh Nam kỳ đã mất và Phan Thanh Giản đã chết, triều đình Huế vẫn đi theo chiều hướng đầu hàng cho đến khi nước ta bị mất hoàn toàn về tay giặc Pháp. Như vậy, kết tội Phan Thanh Giản phải gắn liền Phan với triều đình Huế và bản án Phan Thanh Giản là nằm trong hồ sơ bản án hàng giặc bán nước của triều Nguyễn.
         Xung quanh Phan Thanh Giản còn “viền” nhiều sự việc khác của giai đoạn lịch sử chồng chất những sự biến phức tạp. Nếu chúng ta không nhằm vào khâu chính của sự vật, không dùng phương pháp khoa học để phân tích đặng nhận rõ người và việc thì không thể giải quyết được vấn đề.
8/1963
Giáo sư – Viện sĩ Trần Huy Liệu
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 463
         * Phan Thanh Giản là người thế nào?
( trích Tuần báo Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh cách đây 4 năm, trước báo thanh niên gần 2 năm)
         LTS: Bến Tre có nhiều nhân vật đáng là niềm tự hào chẳng những của một xứ dừa mà còn là của cả nước ta về lòng TẬN TRUNG VỚI NƯỚC, TẬN HIẾU VỚI DÂN như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thị Định, Ca Văn Thỉnh… Tuy nhiên trên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, số Xuân Bính Thân 2016 với bài “Xứ dừa – nơi sinh ra những con người huyền thoại” của tác giả Đinh Hữu Quang đã đưa Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký sánh ngang những tên tuổi ấy là một việc làm lộn sòng lịch sử. Chuyện này xưa rồi nhưng lâu lâu lại rộ lên theo dòng thời cuộc nên “người yêu sử” xin lược lại tích cũ trình với bà con Bến Tre và bạn đọc gần xa về hai nhân vật lịch sử đầy tai tiếng này.
         Dù đã qua hơn thế kỷ, nước mất thì dân ta đã giành lại được. Chủ quyền về tay dân ta rồi. Tội ác ngoại bang dù chồng chất cũng xếp sang một bên, lấy hiếu hòa làm trọng. Con dân một nước dần quên đi mọi bất đồng, hợp quần cùng nhau xây dựng cơ đồ. Tổ quốc như mẹ hiền rộng lòng tha thứ bao dung. Đào xới quá khứ để ân oán hơn thua chỉ làm người sống bất yên, người nằm xuống không sao nhắm mắt. Nhưng khi đã đặt ra phải bàn cho rành rẽ, nếu không sẽ biến sai thành đúng, biến tội thành công, dẫn người đọc đi đến chỗ lẫn lộn phải trái, trắng đen, không nhận rõ chính tà. Trong lúc giới thanh niên đang dấy lên phong trào “Cùng thắp lên ngọn lửa yêu sử”, nhắc lại lời dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thế nhưng có một thế lực từ sau khi nước nhà được thống nhất và hoàn toàn độc lập, dưới chiêu bài “đổi mới” để xuyên tạc lịch sử, cứ âm mưu tái dựng những nhân vật từng hợp tác đắc lực với ngoại bang làm hại giống nòi như những tấm gương lớn một lòng vì nước vì dân!
         Về Phan Thanh Giản, tác hại của việc ông làm, những tư liệu lịch sử rất phong phú còn rành rành ra đó, đặc biệt thư tịch nằm trong các kho lưu trữ ở mẫu quốc Pháp còn phong phú hơn trong các thư khố nước bản xứ một thời vong quốc.
         Có thể lược sử con người này như sau: Ông là người Lục tỉnh Nam kỳ đầu tiên đỗ Tiến sỹ năm Bính Tuất (1826), được các vua tiền triều nhà Nguyễn quan tâm ưu ái ngay từ lúc mới nhập triều. Làm đại quan hơn 40 năm (1826-1867) qua ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức. Ngược tới vua Gia Long có thể coi là thời kỳ hưng vượng nhất của vương triều Nguyễn – một nhà nước phong kiến tập quyền độc lập, cai quản một quốc gia thống nhất từ Bắc vào Nam trong điều kiện tương đối yên ổn không có họa ngoại xâm. Thế nhưng Phan Thanh Giản lại là người có công đầu với nước Pháp trong việc dối vua lừa dân, tích cực triệt tiêu lực lượng kháng chiến và tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Ngay từ buổi đầu đã đứng về phái chủ hòa dẫn tới chủ hàng. Từ việc lược quyền vua ký hàng ước nhục nhã 1862 để mất ba tỉnh miền Đông đến việc thông đồng với giặc, năm 1867 mở rộng cửa thành Vĩnh Long dâng nốt ba tỉnh miền Tây cho giặc, coi như xóa sạch công lao 300 năm các triều vua chúa Nguyễn mở mang bờ cõi ở phía Nam, đẩy nhanh quá trình xóa quốc danh Việt Nam trên bản đồ thế giới. Cái tội “mại quốc” cả trong sử sách và bia miệng lưu truyền không là quá đáng và không sao xóa được.
         Tháng 8 năm 1963 đã có một hội nghị chuyên đề lớn với sự đồng thuận cao của những nhà cách mạng và văn hóa, học giả lớn như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Duy Anh, Ca Văn Thỉnh… đánh giá tổng quát: “Để mất nước, các vua nhà Nguyễn là chính phạm, các triều thần trong đó có Phan là đồng phạm. Riêng trong sự kiện hai lần dâng thành giao đất cho giặc để mất cả Nam kỳ thì Phan là chính phạm bởi tính bạc nhược, hèn nhát, thỏa hiệp với giặc. Chủ hòa thực chất là chủ nghĩa đầu hàng – Đó là bản chất của giai cấp phong kiến cầm quyền lúc suy vi”. Thiết nghĩ đó là sự đánh giá rất độ lượng, có thể tình đúng mức do yêu cầu lịch sử lúc đó.
         Bản chất của con người Phan Thanh Giản đã bị nhà đại ái quốc Phan Bội Châu phanh phui: “Gan dê lợn mà mưu chuột cáo”! Thật vậy, chỉ sau bốn năm quân Pháp với lực lượng ít ỏi đánh chiếm Trung kỳ không được đành quay vào đánh chiếm mấy thành lũy phía Nam. Giữa lúc bị mắc kẹt ở mặt trận nam Trung Hoa, tư lệnh quân viễn chinh Pháp Bonard dùng kế hoãn binh, cho người ra Huế yêu cầu cử phái đoàn vào Nam hội nghị với yêu cầu bàn chuyện giảng hòa và Nam triều bồi thường chiến phí!
         Tự Đức là ông vua nhu nhược chỉ quẩn quanh với mấy vần thơ phú và chăm lo việc xây lăng tẩm cho mình, ngay từ đầu đã chao đảo nghiêng về phái chủ hòa nên khi quân Pháp yêu cầu nghị hòa thì vua sung cho Phan chức “Nghị hòa chánh sứ” cùng Binh bộ thượng thư Lâm Duy Hiệp làm phó sứ.
         Trước khi đi thương nghị, Phan-Lâm được vua Tự Đức ban ngự tửu và tuyên chỉ: “Phàm mọi chi tiết như thù đáp giao ước về việc nghị hòa cần phải cẩn thận. Thêm nữa nên cố gắng đạt đến việc đình chiến, ngõ hầu xứng đáng với nhiệm vụ khanh được giao phó”. Nhà vua gửi gắm cả vận mệnh quốc gia với mệnh đế vương của mình vào tay viên cận thần già tin cẩn: “Đất nước hôm nay đang bị dồn vào ngõ cụt khó khăn. Muốn đưa nó thoát ra, chỉ có bàn tay của những người tôi trung tài năng tận tụy. Đừng vì một sự yếu đuối hay vội vàng nào đó mà làm thiệt hại đến vận mệnh và danh dự của cả giang san đang được giao phó vào tay các khanh. Cầu mong cho các khanh được sớm trở về đầy vinh quang vì đã bảo vệ danh dự của non sông và giữ gìn được sự vẹn tròn lãnh thổ!”
         Một tháng sau, bầy tôi trở về với bản hòa ước trong tay gồm 12 điều khoản, trong đó khoản 3 ghi rõ ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn được nhượng đứt cho nước Pháp cùng những điều khoản bồi thường bất công rất chi là nhục nhã! Ngay lập tức nhân dân cả nước phẫn nộ kết tội “Phan-Lâm mại quốc” và các phong trào yêu nước tiếp nhau nổi lên chống Pháp đều coi việc làm của Phan như một vết nhơ lịch sử! Người phương Nam đương thời để lại câu ca dao lưu truyền trong dân chúng: “Thà thua xuống láng xuống bưng / Kẻo ra đầu giặc lỗi chung quần thần”. Vua Tự Đức than trời: “Ôi! Con dân mấy triệu, tội gì mà khổ thế? Thật là đau lòng. Hai người không những chỉ là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân muôn đời của hậu thế”!
         Vậy là chính những người đương thời từ triều đình tới thần dân đều đã công khai kết tội Phan-Lâm bán nước! Chẳng thể gọi là bị ép oan để bày chuyện chiêu tuyết cho con người ấy.
         Trước sự đã rồi, vua và triều thần đành vớt vát bằng việc giao cho Phan cai quản Vĩnh Long và Lâm cai quản Khánh Thuận ở hai đầu giáp ranh ba tỉnh miền Đông để có điều kiện giao tiếp với người Pháp ở Gia Định, ngõ hầu bắc mối giao lưu thân thiện Đông-Tây, tiến tới có thể chuộc được lỗi lầm. Phan lại được vua giao làm Chánh sứ qua Y-pha-nho và Pháp xin chuộc lại những gì đã mất với lời ủy thác: “Đất ba tỉnh này là xương máu của dân, chuộc lại là chuộc tội cho ta để cho dân thỏa lòng nguyện vọng”. Phan hứa mập mờ: “Nếu có thể đem đổi ngói lấy vàng thì lúc nào thần cũng sẵn sàng”! Sau nửa năm chầu chực Pháp hoàng Napoléon III, dâng nhiều cống vật mà vẫn trở về trắng tay và bộc lộ ra tâm địa của viên quan bạc nhược trước sức mạnh của quân cướp nước: “Sự giàu có, mạnh mẽ và các việc khôn khéo của nước Pháp nói ra không hết”! Thì ra với Phan Thanh Giản “ngói” đây là mảnh đất ba trăm năm nhân dân ta cùng tiền triều nhà Nguyễn đổ bao mồ hôi xương máu dày công khai phá và “vàng” đây là sự yên ổn để vua tôi ngồi yên ghế vị mặc cho dân chúng lâm vào cảnh nô lệ điêu linh! Vì việc thương lượng với Pháp xin hồi lại đất không thành Phan Thanh Giản mới bị vua Tự Đức phạt tội “cách lưu”!
         Năm 1865, trước tình hình nguy ngập, vua Tự Đức phục chức cho Phan Thanh Giản và sung Kinh lược sứ trấn ba tỉnh miền Tây với lời căn dặn: “Không khuất phục tình hình một cách thụ động!”. Suốt mấy năm được giao trấn thủ tiền phòng trong tình thế thịt treo trước miệng hổ vuốt mèo mà Phan không tỏ ra ăn năn chuộc lỗi tìm cách gỡ ra thế bí, trái lại tích cực hỗ trợ cho quân chiếm đóng mau chóng bình định mảnh đất phương Nam bằng những việc làm mà anh linh tiên tổ không thể dung tha như thẳng tay đàn áp và khống chế những thủ lĩnh nghĩa quân bất phục tùng thi hành hiệp ước! Một mặt chỉ điểm cho giặc về những người yêu nước, một mặt dâng sớ về triều xin trị tội, thuyên chuyển khỏi nơi cứ địa hoặc cách chức những chủ soái nghĩa quân như Trương Định, Trần Văn Thành, Trịnh Quang Nghị, Võ Duy Dương… đồng thời bắn tin cho giặc: “Bản chức sẽ không ngăn cản sự xâm lược bằng một sự kháng cự mà chúng tôi hiểu là vô ích” và nói hoạch toẹt ra: “Nếu quý quốc lấn tới, quả nhân không chống cự”! Đến khi thấy đoàn tầu thuyền nhà binh Pháp đậu kín trước thành Vĩnh Long “là một thành khá kiên cố, địa thế rất dễ phòng thủ” và tướng giặc cho người mang thơ nói toạc ra ý họ “quyết định chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ vì lý do các quan quân triều đình ở đây ủng hộ phong trào chống Pháp”. Phan ra lệnh không kháng cự và dẫn đám thuộc hạ xuống tầu trách yêu giặc “vin cớ nhỏ mọn mà làm tổn thương đại nghĩa” (!) và ngọt nhạt đẩy đưa: “Tôi có quyền giữ đất chớ không có quyền giao đất. Xin cho tôi hỏi lại ý kiến triều đình”! Lũ sài lang thừa dịp kéo vào chiếm thành mà không tốn một viên đạn! Sau đó quan Khâm sai viết công thư – thực chất là thư dụ hàng như ông đã từng làm mấy lần bất thành với Trương Định, gửi các quan tướng giữ thành An Giang và Hà Tiên với lời lẽ không tìm thấy ở đâu trong lịch sử: “… Người nào thuận theo lòng trời thì còn, người nào nghịch theo lòng trời thì chết mất. Chúng ta yếu ớt không thể chống nổi người Phú-lang-sa. Các quan văn cũng như các tướng võ hãy bẻ gãy giáo gươm và giao thành trì khỏi chống lại”! Ông ta biện lẽ: “Bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đen tai họa rớt trên đầu họ” và khuyên dụ dân hãy tin vào giặc vì “những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”! Đó là sự dối trời lừa dân có một không hai. Thế là chỉ trong năm ngày cả ba tỉnh thành hừng hực khí thế chống ngoại xâm bỗng lọt vào tay giặc! Chẳng những Phan đã ngoan ngoãn giao thành, lại còn lệnh cho thuộc hạ mở rộng cửa kho và ngân khố lấy lúa gạo và tiền nộp thêm cho quân phản phúc gọi là thanh toán bồi thường năm năm chiến phí theo cái gọi là hòa ước 1862!
         Bốn tháng sau, vua Tự Đức ra chỉ dụ giao cả cho Tôn nhân Phủ và đình thần xem xét công tội để bàn định việc xử trí. Bản án ngày 17/4/1868 triều thần nghị xử rằng: “Viên Khâm lược sứ với trách nhiệm giữ gìn đất đai mà lại ươn hèn đến thế, sẽ phải phân biệt xử trị để răn khí tiết bề tôi và để nhân tâm có bề phấn chấn mới phải. Trước hết cách chức và truy thâu lại phẩm hàm và ghép vào tội xử trảm giam hậu”. Cùng năm đó vua Tự Đức bút phê “truy đoạt chức tước, phẩm hàm và đục bia Tiến sỹ, để lại muôn đời cái án trảm hậu” với Phan Thanh Giản!
         Tuy nhiên bên sự đánh giá chính thống như thế vẫn có những thế lực bênh vực thậm chí còn bốc thơm đơm đặt đủ điều cho nên con người ông, việc làm của ông, cái chết của ông vẫn là đề tài cho hậu thế tranh cãi dài dài. Vậy những ý kiến trái chiều kia có tự bao giờ và xuất phát từ đâu?
         Thật ra khi người Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam thì lực lượng họ không phải là quá mạnh, nội tình vương triều Paris cũng lắm chuyện rối ren. Thế nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó cực kỳ bê bối. Triều đình thì hủ bại. Dù khí thế yêu nước của dân chúng rất cao nhưng không có chỗ dựa và không hợp thành một liên minh chặt chẽ. Trong khi bộ máy chiến tranh của Pháp dày dặn kinh nghiệm đối phó, dưới bóng cây Thánh giá càng dễ lợi dụng những yếu tố xã hội và con người ở các quốc gia xa xôi lạc hậu thì những người như Phan Thanh Giản là tác nhân thúc đẩy mau chóng quá trình mất nước, tất nhiên lọt vào tầm ngắm để đội quân viễn chinh ấy khai thác và điều khiển bằng đủ những mưu mô thâm trầm xảo quyệt. Cuộc chiến xâm lược xứ An Nam xa xôi không được triều đình Paris tập trung ủng hộ nhưng lại sớm thu được thắng lợi trọn vẹn mà ít hao người tốn của. Đương nhiên những người như Phan được coi như có công đầu với đội quân viễn chinh xâm lược Pháp. Khi Phan còn sống cũng như khi chết đều được Bộ chỉ huy quân viễn chinh chăm sóc chu đáo tận tình, kèm thư gửi tới gia đình với những lời chia buồn thống thiết: “Nơi triều đình trừ một mình ngài thấy rõ đâu là ích nước lợi dân… Người Pháp quốc hằng bền một lòng tôn trọng quan lớn Phan Thanh Giản và gia đình của ngài. Bổn trấn hứa sẽ hết lòng bảo bọc cho con cháu ngài hoặc muốn ra mà giúp việc nhà nước hay là muốn tước lộc chi thì bổn trấn cũng vui lòng ban ơn theo như ý”. Và người Pháp đã làm đúng như lời hứa. Ngay cả khi hai con ông là Phan Liêm và Phan Tôn có cầm súng chống Pháp một thời gian nhưng thua trận và bị bắt, người Pháp cũng rộng lòng tha và giao cho triều đình An Nam trọng dụng. Tất nhiên lại cầm binh đi đánh những người Việt Nam “nổi loạn”! Tên tuổi ba cha con họ Phan đều được nhà nước thực dân – tất nhiên là cả chính quyền bản xứ lệ thuộc “bảo tiết tôn vinh” như những tấm gương về lòng yêu nước thương nòi! Dù cho dân chúng bất bình nhưng chính sử triều Nguyễn bù nhìn chẳng dám nói đó là sự sỉ nhục đối với lịch sử nước nhà! Trải hàng trăm năm thân phận “thuộc quốc phiên bang” mấy ai được săm soi góc cạnh ngọn ngành? Sự ngộ nhận đã thành nếp nghĩ, chỉnh sửa lại không là điều dễ! Phải chăng đó là tàn dư của văn hóa thực dân?
         Vậy thì ai đã phục chức cho Phan? Tự Đức chết năm 1883, sau thời kỳ u ám “tứ nguyệt tam ngôi”, rồi xảy ra sự kiện Hàm Nghi. Dưới sự bảo trợ của người Pháp, hoàng tử Chánh Mông lên ngôi với đế hiệu Đồng Khánh. Tân vương vốn sính Tây được coi như một “sản phẩm Pháp tại Việt Nam”. Quả nhiên Đồng Khánh là ông vua đầu tiên công nhận nền bảo hộ của nhà nước Đại Pháp. Để được lòng “nước mẹ”, tân vương ra sắc chỉ khôi phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sỹ cho Phan Thanh Giản sau những lời khen: “Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái Sơn, văn chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời”. Tất nhiên bia được dựng lại sau hai thập niên bị đạp đổ! Đồng Khánh làm vua được ba năm thì chết. Qua hai triều vua Thành Thái và Duy Tân, người Pháp không “dụ” được. Năm 1916, sau cuộc nổi dậy do Hội “Việt Nam Quang Phục” phát động ở năm tỉnh Trung kỳ (Nam, Ngãi, Huế, Trị, Bình) thất bại, bốn nhà chí sỹ là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị xử chém, vua Duy Tân, Thành Thái cùng số phận với vua Hàm Nghi, bị đi đày biệt xứ. Chính quyền bảo hộ đưa Khải Định là con vua Đồng Khánh lên ngôi. Năm 1924, vua Khải Định sắc cho quan dân tỉnh Thủ Dầu Một thờ phụng Phan công như “thần hộ quốc an dân”, ý để thưởng công đã giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp! Kế đến năm 1933, con Khải Định là vua Bảo Đại cũng sắc cho quan dân tỉnh Vĩnh Long thờ phụng Phan công nội dung như thế, ý để thưởng công đã giao nốt ba tỉnh miền Tây cho Pháp! Việc làm ấy có nghĩa là triều Nguyễn hài lòng đã hoàn tất sứ mạng lịch sử chí ít cũng là giao toàn bộ xứ Nam kỳ vào tay người Pháp! Vậy thì thực chất việc phục chức và tôn vinh Phan Thanh Giản chính là ý đồ của chủ nghĩa thực dân. Việc chiêu tuyết và khôi phục chức sắc cho Phan được ba triều vua tồi tệ nhất trong lịch sử 13 đời vua triều Nguyễn đã bị chính Hội nghị sử học năm 2008 loại ra ngoài vòng lịch sử thì mọi việc chiêu tuyết cho Phan Thanh Giản vào mọi thời điểm đương nhiên nào có giá trị gì.
         Thực ra càng xem xét kỹ tư liệu lịch sử càng nhận ra con người này rất phức tạp và có nhiều khuất tất.
       Phan là người không có bản lĩnh cầm quân: Triều thần đã tổng luận: Về tài thì hơi kém! Lúc đi đánh giặc thường bỏ chạy. Từng năm lần bị giáng cấp, hai lần bị cách lưu. Vậy khi gặp giặc mạnh chưa đánh đã chủ hòa là điều không lạ.
          Nếu bạn đọc tiếp cận tư liệu lưu trong thư khố Pháp, xem thư Phan gửi các quan tướng quân đội viễn chinh như Hải quân Trung tướng Bonard, Đề đốc Rigault De Genouilly, Đề đốc Lagrandière… thấy rõ đó là con người phản phúc, không khác chi là “tay trong” của giặc! Hẳn không còn ai bốc thơm Phan về lòng trung quân ái quốc!
         Phan có là người liêm chính thật không? Ông Tiến sỹ Phan Hiển Đạo làm Đốc học tỉnh Định Tường có ra hợp tác với giặc vì mơ hồ tin vào “tình thân ái giữa các dân tộc bên hai bờ đại dương” của quan trên. Nhưng sau nhận ra mình lầm lỡ nên lánh qua tỉnh Vĩnh Long (vì Định Tường không còn thuộc Nam triều nữa). Ông đưa thơ xin diện kiến trình rõ sự tình, bị Phan sổ toẹt với lời phê độc: “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã bị thất thân, sao cho là trinh được). Ông Tiến sỹ Đạo hổ ngươi trở về quê Mỹ Tho, viết cáo trạng tạ lỗi với dân chúng rồi uống thuốc độc mà chết! Trong khi quan Khâm lược giấu kín nỗi lòng tới lúc lâm chung mới tỏ chân tình với viên quan giặc Ansart rằng ông dành dụm được mấy ngàn quan (1.000 quan lúc bấy giờ tương đương với 700 lạng bạc) và mong muốn ký thác cho các quan Tây đưa mấy đứa cháu lên Sài Gòn học thành tài! Vậy Phan có thanh bần như đời ca tụng?
         Cho đến cái chết của quan Khâm sai đại thần thật ra cũng không bi tráng như nhiều người lầm tưởng. Ông ta biết khi đặt bút ký chấp nhận yêu sách của giặc là xóa sạch đi công lao 300 năm khai phá của các bậc tiên vương tiên chúa thật “đáng tội chết” rồi. Dù nói rằng “lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống” (!) nhưng không như Hoàng Diệu treo cổ chết ngay trong thành Hà Nội, Võ Duy Ninh tự thương chết ngay trước thành Gia Định, Nguyễn Tri Phương quyết chết theo Hà thành thất thủ. Trái lại, Phan thủng thẳng ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại thành Vĩnh Long, tỉnh táo sắp xếp mọi việc chu đáo. Ông gởi một lá sớ lên vua Tự Đức: “Việc cõi Nam kỳ một chốc đến thế này, không thể ngăn cản nổi. Nghĩ tội đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho Quân phụ. Đức Hoàng thượng rộng xét xưa nay, biết rõ trị loạn…” và gởi thư cho các tướng giặc để trần tình với lời lẽ rất chi là hoan hỷ. Ông cũng ngỏ lòng với cha Marc là muốn theo đạo Thiên Chúa! Ông căn dặn các con hãy qui phục nước Pháp, sống hòa bình với họ và chăm chỉ cần lao, ráng học hỏi cho bằng người Tây Âu để phò vua giúp nước may ra sau này làm vẻ vang cho Tổ quốc! Nghe ngóng động tĩnh từ triều đình vẫn bặt tin. Biết rằng tội kia không thoát chết! Gần một tháng sau thì ông “tuyệt cốc” (nhịn ăn). Nửa tháng không chết, ông uống á phiện pha với dấm thanh. Trong thời gian ấy nhiều quan lại cả tây và ta đến thăm, cho thuốc ông một mực từ chối. Theo thơ tường trình của Thiếu tá Ansart gởi lên Tổng tham mưu trưởng kể về những giờ cuối đời của ông quan này: “Lúc các ông quan (Nam triều) còn lại ở Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, chúng tôi đã phải gần như ép ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút giải độc. Nhưng ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi và chỉ còn có mình ông với chúng tôi (ba sỹ quan Pháp) thì ông đã thuận mọi điều. Hai lần ông hỏi cha Marc: Tôi có thoát được chăng? Than ôi, khi đó đã quá muộn”! Cái chết nào cũng bi. Chết bình thường thì thương. Chết vì nghĩa thì tráng. Chết có toan tính thì hài!
         Có người bày đặt chuyện cụ Đồ Chiểu đã làm thơ khóc thương ông quan già họ Phan này rất chi là thống thiết. Tuần báo Văn nghệ TP.HCM số 55, Thứ Năm ngày 26/3/2009, nhà giáo Phạm Thị Hảo, giảng viên môn Văn học cổ Trung Quốc tại Đại học Sư phạm TP.HCM đã có bài: “Viết về Phan Thanh Giản, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng bút pháp Xuân Thu”, giảng giải rành mạch ý tứ thâm sâu của cách “đối” thơ Hán-Nôm là như thế nào. Những câu thơ ý tại ngôn ngoại, tưởng khen mà chê, tưởng thương mà giận, tưởng bi mà hài. Tấm liễn Phan nhân để lại có 11 chữ nhưng cụ Đồ cố ý ghi “Minh tinh chín chữ lòng son tạc” đã như lời mắng nhiếc nặng nề: Phan chết đi chỉ thành quỷ chứ không thể thành thần được!
         Tự Đức đã giãi lòng trong thơ: “Khí dân triều trữ cữu – Mại quốc thế gian bình – Sử ngã chung thân điếm – Hà nhan nhập miếu đình” (Bỏ dân ta nhận lỗi – Bán nước thế gian bình – Mai này ta nằm xuống – Mặt nào nhìn tổ tông)! Bởi nhà vua gửi vàng không chọn mặt! Sao đại sự cứ dựa vào kẻ “mại quốc cầu vinh”?! Đấy là mối oan nghiệt của người cầm quyền quốc gia tối thượng khi đã đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc dưới cái bệ ngọc ngai vàng thì không thể nhận ra kẻ ngay gian, chính tà, sẽ là rước họa cho mình, cho nước!
         Trong bài viết của mình, tác giả Đinh Hữu Quang trích dẫn lời danh nhân Hoàng Bình Trọng: “Dùng Chí luyện Thơ, dùng Thơ luyện Chí/ Chí truyền Thơ lay động đất trời”, khác nào sự mai mỉa với Phan đại nhân thi sỹ?!
          Đừng để bị lôi kéo vào ý đồ thâm hiểm của một thế lực bất minh. Họ không từ thủ đoạn nào tô son trát phấn bốc thơm con người ấy, kể cả dưới hình thức văn học – nghệ thuật để đánh lạc hướng dư luận, tạo ra những cái gọi là “góc khuất đáng thương” làm cho công chúng từ cảm thương đến có cảm tình mà dễ dãi quên đi những tỳ vết đã hằn sâu trong lịch sử.
         Xin nhắc lại :
         Mời người đọc xem và đánh giá về nhân vật này .

         ( Phần hai còn nữa )
 
tin tức liên quan