Nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội Đảng

Ngày đăng: 07:51 15/10/2020 Lượt xem: 276

             Nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội Đảng

                                                 Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Năm 2020, số đơn thư tố cáo tăng hơn 20%, chủ yếu tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn, có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, trong đó, nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp…


Thông tin được đưa ra trong báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020 của Chính phủ, do Tổng thanh tra Lê Minh Khái ký, gửi đến Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 10 sắp diễn ra. Đây là một vấn đề của năm 2020, năm cả nước tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội Đảng - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trong một hội nghị về giải quyết tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài.

Với số liệu tính từ 1/8/2019 đến 31/7/2020, báo cáo nêu, tổng số đơn thư các loại (khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh) tăng 1,6% do số đơn tố cáo tăng 20,8%. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tại một số địa phương và tại trụ sở tiếp công dân Trung ương có thời điểm diễn biến phức tạp, nhất là trong thời gian trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai tại một số địa phương; việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ; liên quan đến môi trường; tranh chấp hợp đồng mua bán nhà chung cư, bầu ban quản trị; quản lý sử dụng nhà chung cư, vi phạm trật tự xây dựng, công tác quy hoạch xây dựng; mua bán nhà theo Nghị định 61/CP; chế độ, chính sách của giáo viên.

Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người là các vụ việc cũ, chưa được giải quyết dứt điểm, có những vụ việc nằm trong kế hoạch kiểm tra, rà soát của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ  hoặc là những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền; nhiều vụ việc đã được các cấp, các ngành tiến hành kiểm tra, rà soát nhưng công dân không đồng ý tiếp tục khiếu nại, tố cáo với thái độ bức xúc, gay gắt.

So với năm 2019 tăng 20,8% số đơn  nhưng giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước; có lối sống, sinh hoạt không đúng mực, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Trong đó, nhiều người bị tố cáo là nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm tỉ lệ 64,8% ; tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm tỉ lệ 4,5% , chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm tỉ lệ 2,8%.

Về nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại tố cáo, bên cạnh những nguyên nhân cũ như hạn chế trong thực thi pháp luật, một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, do tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao... còn có yếu tố khác là năm 2020 cả nước tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng được xác định là một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là tố cáo.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, UB Pháp luật của Quốc hội nhận xét, những nguyên nhân chủ yếu được nêu tại báo cáo của Chính phủ vẫn là những nguyên nhân như đã được nêu trong nhiều báo cáo các năm qua nhưng chưa có sự đi sâu, phân tích làm rõ sự khác biệt của năm 2020 so với các năm trước, chưa chỉ ra được đâu là nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Phải chăng là do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình khiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội? Hay là do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước? Một bộ phận cán bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật như báo cáo chỉ ra cũng cần làm rõ - báo cáo thẩm tra đặt vấn đề.

Theo cơ quan thẩm tra, khi có vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra thì việc giải quyết của cơ quan nhà nước chưa kịp thời, không phù hợp với pháp luật, không hợp lý, hợp tình, không được người dân đồng tình cũng cần được thẳng thắn chỉ rõ địa chỉ cụ thể.

UB Pháp luật đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung làm rõ đâu là nguyên nhân đích thực, chủ yếu để tập trung giải pháp quyết liệt thực hiện nhằm kịp thời khắc phục, góp phần xử lý hiệu quả việc khiếu nại, tố cáo thời gian tới.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan