Đề tài lai giống Bò tót Bác nông dân và anh Tiến sỹ. Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:48 17/10/2020 Lượt xem: 471
Đề tài lai giống Bò tót
Bác nông dân và anh Tiến sỹ.

Hoàng Văn Kính

 
          Hôm rồi tôi với anh bạn đi khám bệnh định kì về, đến một cái ngã ba bỗng có thằng cũng đi xe máy vào cua tạt qua đầu may chỉ bị loạng choạng xe không đổ. Anh bạn chửi: Đi với đứng, ngu như bò. Tối hôm ấy đang ngồi xem tivi thấy chiếu clip về một đàn bò lai 11 con gầy trơ xương vì đói ăn tôi chợt nhớ đến câu: Ngu như bò. Rồi lại nghĩ: giá như nó không ngu thì chắc Nhà nước đã không phải mất tiền tỷ mà cũng chẳng có chuyện ầm ào tốn bao nhiêu giấy mực và làm dậy sóng dư luận. Và liên tục mấy hôm sau cái đoạn clip ấy khiến ai xem cũng phải sót xa về hình ảnh đàn bò rừng ốm đói và suy kiệt gầy trơ xương, nhiều con không còn đủ sức để đứng dâỵ và ngao ngán lắc đầu về cách làm khoa học của một số “ nhà khoa học” và cách sử dụng “ tiền chùa” của họ. Đây cũng có thể coi là một điển hình nữa về sự lãng phí và thái độ vô trách nhiệm của một số quan chức.
        Đấy là 11 con bò thuộc đề tài nghiên cứu khoa học “ Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” do Trưng tâm ứng dụng khoa học – Công nghệ ( KH&CN) tỉnh Lâm Đồng làm chủ trì và do Tiến sỹ Lê Xuân Thám nguyên Giám đốc Sở ( KH&CN) tỉnh Lâm Đồng làm chủ đề tài.
        Có một điều rất lạ là cùng thời điểm ấy cũng chỉ cách một hàng rào gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn ngụ tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái tự nhiên được trời thương khoảng từ năm 2009-2012  cho một con bò tót rừng ( F0) vượt rào tìm đến giao phối với các con bò cái nhà ông nuôi và cho ra đời hơn 20 con bò tót lai F1. Năm 2012 dự án của Tiến sỹ Lê Xuân Thám đã mua lại 10 con lai F1 ( 5 đực và 5 cái), số còn lại gia đình ông Chuẩn giữ lại một cặp vừa đực và cái. Từ 2 con này tiếp tục giao phối với bò nhà đã cho ra 2 con bò tót lai F2 ( một đực và một cái). Hiện nay  thế hệ bò tót lai F3 đã xuất hiện tại nhà ông Chuẩn.
        Đàn bò nhà ông Chuẩn được chăn thả ngay trong khu vườn nhà và theo các phóng viên đi khảo sát thực tế tại đây thì bằng mắt thường cũng nhận thấy bò đực và bò cái lai F1 to, khỏe khác thường so với bò nhà. Sừng, móng, vóc dáng không thể lẫn được với những con bò nhà. Hai con F1 hung dữ nên ông Chuẩn phải dùng dây neo vào cọc, khi thấy người lạ đến gần nó chồm lên như không còn gì để mất.
        Khi được hỏi, ông Chuẩn cho biết việc chăm sóc bò tót lai không khác gì so với bò nhà nhưng lượng cỏ, cám viên và cỏ lên men nhiều hơn. Vào những thời điểm giao mùa ông bổ xung thêm các loại Vitamin và khoáng chất có bán rộng rãi tại các hàng thuốc thú y. Ông bảo: nuôi chúng không khó, chỉ cực nhất là phải làm hàng rào cẩn thận tránh bị bắt trộm cũng như chúng phá rào bỏ đi hoặc ra ngoài húc chết bò nhà.
        Nhìn ngược lại đàn bò của Dự án kia. Chúng được nuôi trong khuôn viên chuồng khoảng 500m2, trong đàn có 3 con ốm trơ xương, 5 con phần mông và hông những mảnh xương được bọc da nhô hẳn lên, 2 con còn lại có khá hơn nhưng phần mông cũng đã lộ xương . Còn lại con thứ 11 lai F2 có màu vàng, thân hình nhỏ như bò nhà đang mang thai.


Dàn bò tót lai F1 gầy trơ xương khi dự án kết thúc. Ảnh: An Bình.
 
        Sở dĩ đàn bò này thiếu ăn đến mức suy kiệt vì sau khi kết thúc dự án ( 6-2019) UBND tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đã đồng ý bàn giao và tiếp nhận đàn bò nhưng sau hơn một năm vẫn chưa triển khai và cũng chẳng ai cấp kinh phí để tiếp tục nuôi chúng. Thế là hơn một năm chúng được chăm sóc toàn bằng cỏ khô mà cũng chưa được lưng dạ dầy.
        Đây là dự án cấp Quốc gia chứ không phải sự bốc đồng của một ai đó, dự án được Bộ khoa học & Công nghệ cấp kinh phí 2,5 tỷ đồng,  2 sở  KH&CN Ninh Thuận, Lâm Đồng góp thêm 700 triệu đồng. Dự án kết thúc tháng 6-2019, sau khi nghiệm thu, Bộ KH&CN đánh giá: Công trình hoàn thành mục tiêu khoa học, gìn giữ nguồn gen quý hiếm bò tót – bò nhà và tạo tiền đề để nghiên cứu, cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt.
        Nghiệm thu đánh giá là như vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn không như vậy. Có thể khảng định dự án này đã thất bại hoàn toàn. Lúc đầu dự án kì vọng có từ 10 con F1 sẽ phát triển được đàn bò F2 gồm 40 con trong đó có 5 con đực. Rồi mục tiêu này được điều chỉnh rút xuống còn…3 con và số lượng con đực xuống còn 1 con nhưng trên thực tế mặc dù đã khiêm tốn như vậy mục tiêu này cũng không đạt được. Không hiểu khi nghiệm thu, đánh giá Bộ KH&CN dựa vào tiêu chí nào để đánh giá “ thành công”?
        Vấn đề được nhiều người quan tâm là: Một bác nông dân chân chất, chẳng học hàm học vị gì, không có chút kiến thức nào về khoa học, sinh học, cũng chẳng cần phải nặn ra một cái đề tài  để xin tiền Nhà nước, bản thân cũng chẳng lấy đâu ra bạc tỷ ấy vậy mà lại có đàn bò lai cứ tròn căng, đẻ sòn sòn đã sang thế hệ F3. Chẳng cần phải đầu tư bạc tỷ mà vẫn cứ rung đùi, rủng rỉnh đếm tiền, thế mới lạ chứ. Nếu làm phép so sánh đơn thuần xem ai hơn ai thì chắc mọi người đều dễ nhận thấy ( tôi cũng xin nói một lời xin lỗi nếu sự so sánh trên là khập khiễng giữa người có học và không có học, giữa có tiền và không có tiền). Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao chỉ cách nhau có một hàng rào mà giữa anh Tiến sỹ đang làm đề tài khoa học kia lại không trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thành công của bác nông dân thậm chí có thể cùng liên kết để tìm giải pháp tối ưu cho sự thành công để cùng nhau phục vụ Tổ quốc, chỉ cần bên ấm trà là xong  mà chẳng cần phải bầy vẽ hội thảo nọ, hội thảo kia. ( Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ai đời một ông Tiến sỹ được học hành tử tế lại hạ mình hỏi kinh nghiệm lai bò với một thằng nông dân môi thâm, mắt toét. Làm thế còn ra cái chó gì ). Tôi nhớ  một nhà triết học cổ đã nói: “ Mọi lí thuyết đều là mầu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”.


Con bò tót lai F1 (lớn) và F2 của gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn. Ảnh: Hữu Phương.
 
        Tôi vẫn cho rằng: đây là một đề tài hữu dụng nhưng nó đã trao nhầm người nên thành đề tài vô dụng và Nhà nước lại mất tiền tỷ vào đấy. Tiền ấy là mồ hôi, nước mắt của người dân.
        “ Ngu như bò” là câu nói cửa miệng để chỉ những kẻ bất tài, làm không được mà chỉ biết phá. Nhưng thật oan uổng, con bò đâu có ngu đến thế, nó cũng khốn lắm chứ khi biết vượt rào đúng thời điểm để kiếm con lai, chỉ có mấy năm đã có cả một đàn chắt. Có lẽ nên nói: Ngu như…thì chuẩn hơn.
        Anh bạn tôi bảo: Chết, nói như thế có sợ phạm húy…?

 
Hoàng Văn Kính
tin tức liên quan