Cuộc gọi lúc nửa đêm của Phó chủ tịch tỉnh tới Bộ trưởng Quốc phòng
Cuộc gọi lúc nửa đêm của Phó chủ tịch tỉnh tới Bộ trưởng Quốc phòng
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu QH Hà Sỹ Đồng trao đổi với Tuần Việt Nam ngay sau phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của QH.
Cùng các lãnh đạo khác của tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng đã có những đêm thức trắng sau đêm 17/10 khi lũ lên bất ngờ, gây thảm họa sạt lở. Ông là người trực tiếp gọi điện thoại cho Bộ trưởng Quốc phòng…
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của QH chiều qua, ông đưa ra đề xuất ngoài hoãn tăng lương, có thể giảm phụ cấp kể cả của đại biểu QH, để dồn nguồn lực ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân miền Trung bị các trận lũ vừa qua tàn phá nặng nề.
|
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng |
Hoãn tăng lương, giảm phụ cấp để có 50 nghìn tỉ giúp dân
Vì sao ông đưa ra đề xuất này?
Ngân sách TƯ hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tái sản xuất cho người dân vùng bão lũ rất hạn hẹp. Vừa qua, Đảng, Chính phủ, MTTQ, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã cùng chung tay, cả nước vì miền Trung giúp người dân vượt qua khó khăn.
Chính phủ đã đưa ra giải pháp hoãn tăng lương. Tôi rất đồng tình và kiến nghị ngoài hoãn tăng lương có thể cắt giảm phụ cấp của các cấp ngành, kể cả đại biểu QH để cùng cả nước chung tay giúp người dân gặp hoạn nạn trong lũ lụt lịch sử vừa qua.
Theo tính toán của ông, nếu các đề xuất được thông qua, chúng ta có bao nhiêu tiền cho nguồn lực ứng phó thiên tai, giúp dân tái thiết cuộc sống?
Ước tính sơ bộ nếu hoãn tăng lương, chúng ta có khoảng trên 40 nghìn tỉ đồng. Cộng thêm việc giảm phụ cấp các cấp ngành thì có khoảng 50 nghìn tỉ. Đây là khoản tiền tương đối lớn để đầu tư ứng phó thiên tai, lũ lụt, giúp dân tái thiết cuộc sống.
Đưa ra đề xuất này, ông có lường trước đến phản ứng của các cán bộ công chức, viên chức hay đại biểu QH?
Điều này Chính phủ đã dự kiến và tôi mạnh dạn đề xuất thêm ý kiến nhỏ của cá nhân mình. Như tôi đã chứng kiến ngay sau đợt thiên tai vừa rồi, nhà nhà nhường cơm sẻ áo, người người làm từ thiện. Tôi thấy rõ tinh thần đoàn kết của con người, dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước hiện nay, tôi tin tưởng với việc làm ý nghĩa và thiết thực như vậy, nhiều người sẽ đồng tình ủng hộ.
Tính mạng con người là trên hết
Và nếu đề xuất của ông được thông qua, số tiền có được sẽ chi trả và thực hiện những hạng mục nào?
Hiện có những người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhà cửa, của cải trôi theo nước lũ, ruộng vườn bị bồi lấp bùn lắng, gia súc gia cầm, cây cối không còn gì. An toàn tính mạng con người là trên hết, nên đầu tiên cần giúp những người không có nhà ở bằng cách hỗ trợ một phần, hay cho vay để họ ổn định cuộc sống.
|
Ông Hà Sỹ Đồng cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị trực tiếp tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Quang Vĩnh |
Những vùng nằm ở ven sông suối dễ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống gây nguy hiểm cho người dân cần được quy hoạch tái định cư, để người dân có nơi ở tốt hơn, an toàn hơn. Người dân cũng rất cần được hỗ trợ cây giống, con giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn đào tạo để có định hướng nghề mới, không sản xuất theo phong tục tập quán trước đây. Cần nghiên cứu và triển khai quy hoạch canh tác theo từng vùng khí hậu, lường trước được hậu quả biến đổi khí hậu để trồng trọt những cây ngắn ngày, thậm chí là cực ngắn ngày để có thể thu hoạch trước mùa mưa bão…
Cần khắc phục các sự cố trên các tuyến giao thông thôn bản, hỗ trợ xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ, di dời người dân từ những vùng sạt lở nguy hiểm tới nơi an toàn. Những người bị trắng tay sau thiên tai có thể được hỗ trợ tạo sinh kế mới…
Mất mát quá lớn
Miền Trung thường xuyên xảy ra thiên tai, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ nào chứ không để xảy ra thiệt hại lại đi cứu trợ?
Trước hết, cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để người dân có tính chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. Thứ hai, cần xác định biến đổi khí hậu có những tác động rất mạnh tới đời sống và sản xuất nhân dân, nên cần rà soát quy hoạch lại khu dân cư, để dân ở những vùng an toàn hơn.
Thứ ba là gia cố và nâng cấp các công trình xung yếu ở những vùng thiên tai có thể xảy ra để các công trình có tính chống chịu cao hơn. Thứ tư, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn để khi sự cố xảy ra, chúng ta chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Người dân sống gần rừng, trong rừng thì sinh kế gắn với rừng. Nhưng chúng ta chưa tạo được sinh kế mới cho dân, chưa chuyển đổi nghề cho họ nên các hoạt động đốt rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở một số nơi.
|
Lực lượng chức năng giúp dân sơ tán |
|
Cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng giúp dân dọn dẹp sau lũ |
Để giảm thiểu việc này, và bảo đảm đa dạng sinh học, chúng ta cần bố trí quy hoạch lại dân cư, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, những người sống dựa vào rừng để họ có cuộc sống ổn định; đào tạo chuyển hướng sản xuất mang tính bền vững để đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Cuộc họp khẩn lúc 2h đêm
Ngay sau vụ sạt lở vùi lấp cán bộ chiến sỹ thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 337 tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã họp khẩn cấp lúc 2h đêm, cuộc họp kéo dài đến mấy giờ, thưa ông?
Ngay sau khi nhận được điện thoại thông báo về vụ việc, chúng tôi tổ chức cuộc họp kéo dài gần 1 giờ đồng hồ để phân công trách nhiệm, chia các đoàn.
Có đoàn ứng cứu tại chỗ những nơi đang bị ngập lụt vùng đồng bằng, có đoàn trực tiếp lên ứng cứu cán bộ chiến sỹ Đoàn kinh tế quốc phòng 337. Đây là nơi nguy hiểm nhất và xa nhất, với trách nhiệm của Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, tôi xung phong làm trưởng đoàn cùng với một Phó chủ tịch UBND đi trong đêm đến hiện trường, tìm mọi giải pháp khắc phục đường sá để đưa các phương tiện, huy động lực lượng máy móc con người tại chỗ để ứng cứu Đoàn 337 cũng như một số hộ dân ở nơi sạt lở.
Được biết, ông đã trực tiếp gọi điện cho Bộ trưởng Quốc phòng?
Trước khi bước vào cuộc họp khẩn trong đêm, chúng tôi nắm được đây là đơn vị kinh tế quốc phòng của Quân khu 4 và trực thuộc Bộ Quốc phòng. Dù đêm khuya, nhưng với trách nhiệm từ chính quyền địa phương, tôi đã gọi điện tới Bộ trưởng Quốc phòng để báo cáo tình hình ở khu vực sạt lở.
Bộ trưởng trước hết đề nghị chính quyền địa phương trực tiếp hỗ trợ, huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời, giúp đỡ Đoàn 337 với điều kiện tốt nhất, và cứu người là ưu tiên trên hết. Nếu có khó khăn và khẩn cấp thì trực tiếp gọi lại để Bộ trưởng hỗ trợ.
Cũng ngay trong đêm đó, Bộ trưởng đã gọi điện và giao nhiệm vụ cho một Thứ trưởng cùng một số đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 4, yêu cầu có mặt ngay, cùng địa phương thành lập Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp tìm kiếm người mất tích của Đoàn 337 cũng như tìm kiếm người dân ở vùng nguy hiểm.
( C. H sưu tầm)