Kết quả bầu cử Tổng thống tranh cãi và nguy cơ bất ổn xã hội sẽ đặt quốc hội, toà án và quân đội Mỹ vào tình thế khó xử.
|
Ảnh: AP |
Giữa lúc kết quả bầu cử chưa được công bố nhưng ưu thế đang nghiêng về ông Joe Biden, Tổng thống Donald Trump liên tiếp kiện ở nhiều bang và biểu tình hậu bầu cử diễn ra ở nhiều nơi, cơn ác mộng với nhiều người đang dần trở nên rõ hơn. Đó là, điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng từ chối thừa nhận thất bại.
Theo Financial Times, ông Trump liên tục tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử vì có gian lận và kết quả bỏ phiếu qua thư sẽ mất nhiều tháng hay năm mới rõ ràng.
Trong khi đó, Joe Biden – đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã cáo buộc Tổng thống cố “đánh cắp” cuộc bầu cử. Ông Joe Biden tuyên bố, sẽ cho quân đội áp tải ông Trump rời Nhà Trắng nếu không tự nguyện rút lui.
Toà án tối cao và Quốc hội sẽ giữ vai trò quyết định ai là Tổng thống. Tuy nhiên, các học giả nhấn mạnh việc giải quyết tranh cãi bầu cử nên dựa vào thiện chí và sự sẵn sàng thoả hiệp. Nói một cách ngắn gọn, một ứng viên và đảng của họ phải chấp nhận đã thua.
Edward Foley, một giáo sư tại đại học bang Ohio chuyên nghiên cứu về tính chất dễ bị tấn công của hệ thống bầu cử Mỹ cho hay, cả hai bên đều coi bầu cử là một bài kiểm tra sống còn với đất nước nên họ khó thừa nhận thất bại.
“Một ứng viên không thể tự mình tạo ra một cuộc khủng hoảng. Họ cần các thể chế trong hệ thống ủng hộ động thái của mình”, ông Foley nói. Giáo sư này giải thích cụ thể rằng ông Biden hay ông Trump không thể tự mình tạo nên một cuộc khủng hoảng bầu cử nếu không nhận được sự trợ giúp từ các bộ máy liên bang và bang.
Năm 2000, trận chiến tại toà án giữa ông Al Gore và George W.Bush về việc kiểm phiếu ở Florida đã được đẩy tới Toà án tối cao. Phán quyết dừng tái kiểm phiếu của toà, tạo lợi thế cho ông Bush. Ông Al Gore đã thừa nhận thất bại, thay vì tiếp tục đẩy cuộc chiến lên Quốc hội.
Bất cứ một tranh chấp bầu cử nào hầu như đều diễn ra theo 3 giai đoạn sau ngày bầu cử. Các bang có thời gian tới tận ngày 8/12 để giải quyết bất cứ tranh chấp nào liên quan tới bỏ phiếu, các đại cử tri nhóm họp tại tiểu bang để bỏ phiếu vào ngày 14/12.
Quốc hội mới bầu sau đó sẽ kiểm phiếu vào ngày 6/1 trong một buổi họp chung do phó Tổng thống kiêm chủ tịch Thượng viện Mike Pence chủ trì.
Nếu vẫn chưa tìm được người chiến thắng sau 6/1, Mỹ sẽ bước vào giai đoạn ba và Quốc hội sẽ quyết định kết quả bầu cử, còn gọi là bầu cử ngẫu nhiên.
Trong trường hợp, vẫn chưa có Tổng thống nào được chọn vào ngày nhậm chức 20/1/2021, quyền Tổng thống sẽ là người lãnh đạo đất nước. Theo luật kế nhiệm, bà Nancy Pelosi – Chủ tịch Hạ viện, đảng viên Dân chủ sẽ đảm nhiệm vai trò này nếu bà giữ được vị trí hiện nay trong Quốc hội mới.
Tuy nhiên, nếu cả đảng Cộng hoà và Dân chủ đều tuyên bố ứng viên của mình là người chiến thắng thì bà Pelosi không thể can thiệp. Việc quyết định ai là Tổng thống mới trong bối cảnh chưa từng có này sẽ dựa vào sức ép của công chúng và chính trị cho tới khi hai bên thoả hiệp.
Các lãnh đạo Lầu Năm Góc khẳng định, quân đội không đóng vai trò nào trong mọi tranh chấp bầu cử và đã công khai khuyên ông Trump không viện dẫn Đạo luật Chống nổi loạn năm 1807, vốn cho phép Tổng thống có quyền triển khai quân đội để dẹp bất ổn xã hội.
Tuy nhiên, trong một thư ngỏ công khai được công bố hồi tháng 9, hai chiến lược gia quân sự - đều là cựu binh, kiến nghị Tướng Mark Milley nêu yêu cầu quân đội Mỹ buộc ông Trump rời Nhà Trắng nếu ông từ chối rời nhiệm sở.
Xem thêm: Bầu cử Mỹ 2020
Hoài Linh