Chấp nhận hy sinh để máy bay không lao vào đám đông
Những ngày cuối tháng 12, khi cả nước kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chị Thủy (ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) lại không khỏi bùi ngùi xót xa.
"Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tận cùng đớn đau ấy và tưởng như nó mới diễn ra đây thôi. Hôm ấy, khi đang chạy xe máy trên đường, bỗng dưng có điện thoại mời tôi vào ngay đơn vị của chồng. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi chạy xe thẳng vào đơn vị anh ấy mà quên mất rằng khi qua cổng gác của đơn vị bộ đội, ai cũng phải xuống xe", chị Thủy bồi hồi nhớ lại.
Anh Dương Văn Thanh chồng chị hy sinh ở tuổi 49, tấm lịch trên bàn làm việc của anh đã ngừng lại vào chiều ngày 29/4/2005.
Thượng tá Dương Văn Thanh bấy giờ là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan không quân Nha Trang. Chiều ngày 29/4/2005, trong khi anh đang làm nhiệm vụ huấn luyện học viên Đào Việt Hưng trên máy bay huấn luyện phản lực L-39 trên bầu trời vịnh Nha Trang thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật.
Chỉ huy bay đã nhiều lần ra lệnh cho các phi công nhảy dù nhưng phi công Dương Văn Thanh đã yêu cầu học viên Đào Việt Hưng nhảy dù trước, bảo toàn sinh mạng, còn mình chấp nhận hy sinh, bình tĩnh hướng máy bay ra phía biển, cố tránh không để máy bay lao vào Khu du lịch trên đảo Hòn Tre đang đông kín người.
Sau này khi tìm tới hiện trường, lực lượng cứu hộ của Trường Sĩ quan không quân (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã thấy xác máy bay dưới đáy biển, còn phi công Thanh đã hy sinh trong tư thế đang ngồi trong buồng lái.
Đến năm 2007, Thượng tá Thanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Phi công trẻ dũng cảm nối nghiệp cha
Người lính Dương Lê Minh (sinh năm 1984) là con trai của anh Thanh. Thời điểm anh Thanh hy sinh, Minh đang là học viên của Trường Sĩ quan không quân. Sau sự ra đi của chồng, thấy nghề phi công quá nhiều bất trắc, chị Thủy khuyên con trai không nên nối nghiệp cha nhưng Minh vẫn nuôi ước mơ được bay trên bầu trời.
Phi công Dương Lê Minh là học viên Khóa 32 của Trường Sĩ quan không quân. Khi học đến năm thứ 3, Minh chuyển sang học lái cánh quạt ở công ty bay dịch vụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh tốt nghiệp ra trường năm 2007.
Cùng năm này, Minh được phong quân hàm Trung úy sau khi tốt nghiệp loại giỏi. Đến năm 2008, Minh được Công ty bay Dịch vụ Miền Nam gửi đi tu nghiệp ở nước ngoài chương trình lái máy bay trong khoảng 2 năm.
Về nước, Minh công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc này, phi công Minh bay trực thăng dịch vụ chở công nhân, máy móc, vật tư, phương tiện… từ đất liền ra giàn khoan và ngược lại.
Không ai ngờ rằng, 11 năm sau sự ra đi của chồng, tai ương lại bất ngờ giáng xuống đứa con trai của chị Thủy.
Ngày 18/10/2016, Thiếu tá phi công Dương Lê Minh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay. Sự hy sinh của Dương Lê Minh đã để lại nỗi bàng hoàng, đau đớn tột độ cho gia đình, đặc biệt là chị Thủy.
Cách đây 2 năm, vào tháng 7/2018, chị Lê Thị Minh Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng". Có thể nói, chị là người Mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất nước hiện nay.
Trước khi nghỉ hưu mới đây, chị có thời gian dài công tác, cống hiến tại Bệnh xá Công an Khánh Hòa với quân hàm Thiếu tá. Có lẽ, niềm động viên lớn nhất của chị lúc này là 3 đứa cháu nội, ngoại. Hiện nay, chị sinh sống ở Nha Trang, thi thoảng vào TPHCM thăm các cháu để khuây khỏa, vơi bớt đi những nỗi đau quá lớn của cuộc đời.
Công Thi - Hải Đăng
(PS st Theo Dân trí)