Muốn phồn vinh - hạnh phúc phải có khát vọng

Ngày đăng: 01:50 26/01/2021 Lượt xem: 230

            Muốn phồn vinh - hạnh phúc phải có khát vọng


                                       Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Tinh thần này không có gì quá cao siêu mà đơn giản dễ hiểu như lẽ sống, bắt nguồn từ sự khởi đầu tốt đẹp: muốn phồn vinh, hạnh phúc thì phải có khát vọng.


 

Những ngày này truyền thông và xã hội đang hướng tới sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Một điểm mới tạo nhiều sự quan tâm trong Đại hội XIII chính là tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy giá trị con người với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc”.

Yếu tố Hạnh phúc - một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII khiến tôi nhớ tới câu chuyện đã từng chia sẻ với bạn bè mình. Một thời gian sau khi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, có người bạn đã gửi link thông tin về tôi trên trang Wikipedia và hỏi rằng, công việc của nữ chính trị gia là gì?

Khi đó tôi đang đi trao quà Tết cho các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các xã một huyện miền núi.

 
 
 
Muốn phồn vinh - hạnh phúc phải có khát vọng
Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh quá khó khăn đúng nghĩa là “nghèo xơ nghèo xác”, những mảnh đời bất hạnh lo chạy cơm từng bữa, tôi trả lời bạn mình rằng: “Làm chính trị là lo cơm áo gạo tiền cho dân nghèo, kết nối nguồn lực hỗ trợ cho họ về sinh kế, chỉ mong sao có ngày họ được sống an vui". Bạn tưởng rằng tôi đang nói đùa mà không tin đó là câu trả lời nghiêm túc.

Mới đây nhất, khi chúng tôi tổ chức Gala kỷ niệm 10 năm một chương trình thiện nguyện dành cho trẻ em nghèo hiếu học của tỉnh Phú Yên. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian để phỏng vấn các trẻ từng là nhân vật được trợ giúp, khi hỏi về ước mơ, phần lớn các em đều mong mình được tiếp sức đến trường, vì nghèo quá nên được đi học là một hạnh phúc.

Ở quê tôi, những đứa trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số có thể đi bộ cả ngày bằng đôi chân trần dưới trời nắng nóng trên các đoạn đường đèo quanh co để tìm nhặt các loại vỏ chai, bán kiếm tiền phụ giúp gia đình có thêm bữa ăn. Các em vẫn được đến trường, hưởng các chính sách của nhà nước nhưng nếu không bươn chải thêm thì đời sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình vẫn thiếu trước hụt sau và nguy cơ bỏ học là rất cao, đó là một sự thật.

Hạnh phúc đối với  trẻ em nghèo tuy đơn giản nhưng thật sự để có được hạnh phúc chúng cần phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều, thậm chí phải trải qua những thiệt thòi, mất mát lớn lao.

Thế nhưng, đôi khi lại có những nghịch lý muốn cười ra nước mắt, bởi thực tế có nhiều người dân có thói quen ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ mà không muốn vượt qua số phận để thay đổi cuộc đời. Có không ít người nghèo nhất định không chịu thoát nghèo, vì thoát nghèo là “ mất hết” các nguồn lực bảo trợ, tâm lý người nghèo họ luôn ẩn chứa những nỗi bất an...

Lẽ nào, “vòng đời” của một hộ nghèo chỉ quanh quẩn với thoát nghèo rồi lại tái nghèo? Liệu rằng các chương trình hay dự án dành cho người nghèo có thật sự mang lại các lợi ích hài hòa như mong muốn hay không, và tác động chung của nó với người dân là gì?

Không thể phủ nhận các chính sách an sinh xã hội của ta luôn mang ý nghĩa và giá trị rất nhân văn, nhưng có lẽ một số chính sách đã bỏ qua yếu tố khai thác tiềm năng, giá trị con người, là phát huy sức mạnh nội tại, là khát vọng vươn lên… Ở góc độ nào đó, tôi hiểu rằng yếu tố Khát vọng- Hạnh phúc luôn phải gắn liền với nhau. Khát vọng chính là tâm thế và hạnh phúc được đánh giá bằng cả một quá trình cùng xây và cùng hưởng.

Sự tiếp cận mới mẻ có tính nhân văn này trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII liên quan chặt chẽ đến các chính sách an sinh mà người dân chính là đối tượng chịu sự tác động và thụ hưởng. Bởi một chính sách tốt sẽ luôn dẫn đến một xã hội được kiến tạo tốt đẹp, và ngược lại một xã hội được kiến tạo âm tính, thụ động sẽ dẫn đến những sai lệch trong tư duy, cách nghĩ, thậm chí là sự lệch chuẩn.

Và vì thế, tiếng nói của người dân hay của doanh nghiệp rất cần được phát huy, được góp sức một cách thực chất trong khâu đánh giá tác động chính sách. Nói vậy để thấy rằng, vai trò của nhân dân là vô cùng lớn, là chủ thể đặc biệt, không thể tách rời.

Tôi vô cùng kỳ vọng và đặt nhiều niềm tin vào tinh thần này trong văn kiện của Đại hội XIII. Bởi từ đó, mỗi một chủ trương, một chính sách của Đảng và Nhà nước khi được ban hành sẽ luôn có tính triết lý đúng đắn, mang hơi thở của cuộc sống, xuất phát từ con người, vì con người.

Tinh thần này không có gì quá cao siêu mà đơn giản dễ hiểu như lẽ sống, bắt nguồn từ sự khởi đầu tốt đẹp: muốn phồn vinh, hạnh phúc thì phải có khát vọng.

Phạm Minh Hiền (Đại biểu Quốc hội khóa XIV)

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan