Đức gửi tàu chiến đến Biển Đông - bước ngoặt chiến lược
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Chính phủ Đức vừa thông báo đang có kế hoạch cử tàu chiến Đức tới các cảng Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, đi qua Biển Đông vào mùa hè năm nay.
Đây là động thái đáng chú ý khi Đức đang dần thay đổi chiến lược và cách nhìn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Berlin không có lãnh thổ hải ngoại giống như Anh hay Pháp.
|
Tàu Nordrhein-Westfalen - một trong 4 chiếc thuộc lớp tàu hộ tống mới nhất (lớp Baden-Wurttemberg) của Hải quân Đức. Ảnh: Naval Today |
Kế hoạch này được thông báo trong tuần đầu tiên nhậm chức của ông Biden, khi Mỹ đang cử nhóm tàu sân bay tác chiến Roosevelt vào Biển Đông cùng lúc Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh cho phép cảnh sát biển nổ súng chống lại tàu thuyền nước ngoài được cho rằng đang vi phạm vùng nước thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.
Luật này sẽ hạn chế nghiêm trọng quyền tự do hàng hải của các nước, trong đó có Đức, khi phần lớn các vùng nước tại Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách đều không phù hợp với Công ước Luật biển 1982.
Quan hệ khăng khít về thương mại
Đức và Trung Quốc đã có một quan hệ khăng khít, đặc biệt về thương mại, từ thời Thủ tướng Helmut Kohl. Ông từng nhận định “Trung Quốc nắm giữ chìa khóa cho sự thịnh vượng lâu dài của Đức”.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Đức, sau Mỹ (132,8 tỷ USD) và Pháp (119,5 tỷ USD), theo số liệu năm 2019. Lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc là 107,5 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng giá trị xuất khẩu của EU sang Trung Quốc.
Năm 2020, khi giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh do đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại thì giá trị xuất khẩu hàng hoá Đức sang Trung Quốc vẫn duy trì như mức trước khủng hoảng. Trung Quốc vẫn có thặng dư thương mại với Đức lên tới 15,2 tỷ USD. Nước này vẫn là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Đức.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã sử dụng chiếc chìa khóa kinh tế mà Helmut Kohl nói đến để “khóa nước Đức” không có những hành động quyết đoán đối với các hành vi cưỡng chế các nước nhỏ ở Biển Đông. Thái độ và chính sách của Đức với Trung Quốc ảnh hưởng mạnh tới chính sách của châu Âu, nhất là trong bối cảnh Anh rời EU.
Tỉnh táo hơn với Trung Quốc
Vì vậy, quyết định cử tàu chiến vào biển Hoa Đông và Biển Đông của Đức cần được nhìn nhận như một bước ngoặt trong cuộc tranh chấp địa chính trị của Mỹ và đồng minh với Trung Quốc. Nó xảy ra vào thời điểm Đức chuẩn bị có Thủ tướng mới. Đây là bước đi mới trong thực thi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Đức mới thông qua tháng 9/2020.
Đối phó với các hành động hiếu chiến muốn phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ, cần phải có sự hợp tác và chiến lược chi tiết giữa các nước thay cho một cách tiếp cận "linh hoạt và thực dụng" của từng nước.Cũng trong tháng đó, lần đầu tiên Đức cùng Anh và Pháp, ba nước lớn của châu Âu ra công hàm chung lên án các yêu sách không phù hợp với UNCLOS của Trung Quốc ở Biển Đông, bác bỏ việc áp dụng đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo xa bờ thuộc quốc gia ven biển, kêu gọi các nước liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và quyền tự do hàng hải, hàng không qua Biển Đông cần được tôn trọng.
Nước Đức đang cùng các nền dân chủ như Mỹ, Nhật, Pháp và Anh theo đuổi một chính sách tỉnh táo, hợp lý hơn về một Trung Quốc mở cửa.
Sự chú ý ngày càng tăng của Đức về trật tự dựa trên luật pháp và thị trường mở tại Ấn Độ - Thái Bình Dương là tín hiệu cho thấy lập trường lâu đời của Đức tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi tránh đối đầu trong các vấn đề chính trị đã kết thúc.
Quyết định này của nước Đức xuất phát từ chính quyền lợi của họ. Đức không thể đứng ngoài các chiến dịch FONOP (tuần tra tự do hàng hải) mà Mỹ khởi xướng và được Anh, Pháp, Australia ủng hộ. Châu Âu cần có trách nhiệm nhiều hơn với an ninh của mình và không chỉ phụ thuộc vào Mỹ.
Hoạt động của tàu chiến Đức tại biển Hoa Đông và Biển Đông còn nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước khu vực, đặc biệt là ASEAN, chống lại các hành vi sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, góp phần bảo đảm an ninh và hòa bình cho khu vực và thế giới.
( C. H sưu tầm)