"Tình hình biển Đông có những diễn biến căng thẳng"

Ngày đăng: 07:26 29/03/2021 Lượt xem: 222

                  "Tình hình biển Đông có những diễn biến căng thẳng"

                                                 Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Tình hình biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo Thượng tướng Phan Văn Giang.


 

Chiều 28/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội XIII, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND VN, Thứ trưởng Quốc phòng, đã truyền đạt chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".

Theo ông, trong những năm tới, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới, tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Đặc biệt một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới.

Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

"Riêng về tình hình biển Đông vẫn có những diễn biến căng thẳng, phức tạp, đang đặt ra thách thức mới về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo", ông nói.

Chủ trương của Việt Nam là "phải giải quyết một cách bài bản, căn cơ, lâu dài, kiên định, nhưng phải có sách lược mềm dẻo, đúng đắn" để phù hợp với các tình huống trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

"Tất nhiên trong quá trình thực hiện, có những việc chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế", Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng nói.

tinh hinh bien dong co nhung dien bien cang thang
Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Quốc phòng, giới thiệu về những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam chiều 28/3. Ảnh: Hoàng Phong

Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, Đại hội XIII xác định phương hướng, mục tiêu "xây dựng Quân đội nhân dân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại"; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại.

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; bước đầu đạt được kết quả quan trọng, đảm bảo sự cân đối và tương đối đồng bộ giữa quân, binh chủng, giữa cơ quan đơn vị, giữa lực lượng thường trực và dự bị động viên.

Sau 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, quân đội có 11 quân khu, sau đó đã giải thể, sáp nhập, giờ chỉ còn 7 quân khu. Quân khu Thủ đô cũng chuyển thành Bộ tư lệnh thủ đô để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.

"Ngày xưa một quân khu có thể 5-7 sư đoàn, bây giờ mỗi quân khu chỉ còn lại một sư đoàn đóng quân; cùng với đó là các quân đoàn không thường trực, đoàn kinh tế quốc phòng và đơn vị hỏa lực, lực lượng phục vụ bảo đảm sẵn sàng nhân đôi, nhân ba như trong chiến tranh trước đây đã thực hiện", Thượng thướng Phan Văn Giang nói.

Từ 2016 tới nay, Quân đội giảm, điều chỉnh 800 tổ chức biên chế. Đơn cử như trong lĩnh vực đào tạo, Quân đội quyết định giải thể các trường nghề; tăng cường quân số cho các nơi trọng yếu, biên giới...

Để xây dựng quân đội hiện đại, công nghiệp quốc phòng cũng từng bước phát triển, đáp ứng một phần vũ khí cho lực lượng vũ trang, tiến tới "tự lực, tự cường trang bị cho quân đội và đáp ứng một phần cho kinh tế - xã hội".

Thượng tướng Phan Văn Giang cũng nêu rõ, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Đại hội XIII của Đảng xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên", là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế.

"Kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là "phương thức hữu hiệu" để bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói.

Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII được truyền trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 67 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.

Lần đầu tiên gần một triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của nghị quyết Đại hội XIII.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan