Câu chuyện bi hùng về người mẹ chôn sống con cách đây 52 năm. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:13 26/04/2021 Lượt xem: 3.088
Câu chuyện bi hùng về người mẹ
chôn sống con cách đây 52 năm.

Hoàng Văn Kính

 
         Hàng năm, cứ đến  dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn của đất nước: 30/4 – 1/5, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9…,  nhân dân cả nước lại tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có nhiều nghĩa cử cao đẹp tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhưng đâu đó còn có sự hy sinh nữa cũng cao cả, vĩ đại không kém lại ít được nhắc đến hoặc có thể đã bị lãng quên, đó là những người mẹ để bảo vệ dân làng trước sự tàn sát của giặc Mỹ đã tự tay chôn sống đứa con bé bỏng do mình dứt ruột đẻ ra.
          Đi từ khu vực chợ Hiệp Hòa xuôi về thượng nguồn sông Thu Bồn, hỏi tên bà Năm Nghê bất kì người dân nào cũng xốt sắng, tận tình dẫn đường chỉ lối đến nhà bà. Ở đây cả những đứa trẻ cũng biết câu chuyện bà Năm Nghê tự tay chôn sống đứa con của mình để cứu sống dân làng trước sự truy sát gắt gao của bọn Mỹ Ngụy. Vì nỗi ám ảnh ấy  mà mấy chục năm qua bà luôn sống  trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nửa khôn nửa điên dại có đêm nhớ thương con bà băng sông mang nhang đi khắp vùng khấn vái tìm kiếm.
          Vào một đêm mưa gió đầu tháng 10 năm 1969, máy bay Mỹ rải hàng chục tấn bom tàn phá thôn Trà Linh thuộc xã Quế Tân, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam quê hương bà ( nay là thôn Linh Kiều thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức ). Vùng thượng nguồn của sông Thu Bồn lúc đó được coi là chiếc nôi của Cách mạng nên nơi đây cũng là chiến trường ác liệt bọn Mỹ Ngụy thường đổ quân càn quyét.
          Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chúng càng tăng cường đánh phá. Bộ đội và du kích xã Quế Tân đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi một máy bay, bắn cháy 2 tầu chiến, tiêu diệt hơn 50 tên lính Mỹ. Chúng điên cuồng trả thù và vào buổi sáng một ngày đầu tháng 10 năm 1969 địch  ném bom rải thảm, điều nhiều tầu chiến ngược sông Thu Bồn, huy động lính thủy quân lục chiến nhằm hủy diệt khu căn cứ Cách mạng. Bà Lê Thị Nghê ( chồng mới chết cách mấy ngày vì B52 ) dắt con gái bé bỏng mới 4 tuổi và bế trên tay đứa con trai mới 3 tháng tuổi đi cùng 200 người dân thôn Trà Linh chạy vào ẩn nấp trong hang Hòn Kẽm . Cả tuần liền chạy trốn, phải sống chui rúc trong hang đá lương thực, thực phẩm mang theo không còn. Không có cái ăn, cái đói hoành hành. Thời gian đầu bà còn được mọi người giúp đỡ, mấy ngày sau ai cũng cạn kiệt lương thực, ai cũng đói khát, khổ nhất là bọn trẻ.
          Chưa lần ra được nơi trú ẩn của dân làng bọn giặc càng điên cuồng, chúng khoanh vùng sục xạo từng mét đất, bới từng ngọn cỏ. Lúc này ngoài phải chịu đựng cái đói người dân trong hang còn phải tuyệt đối im lặng để tránh bị chúng phát hiện, giết chết.
          Mẹ đói ăn, không còn một giọt sữa nên con cũng  khát sữa quay quắt. Đứa bé Lê Tân mới 3 tháng tuổi ngày đêm gào khóc, dỗ thế nào cũng không chịu nín. Đêm 8/10/1969 bên ngoài cửa hang trời vẫn mưa, tiếng súng ùng oàng ngày một gần nơi 200 dân làng ẩn nấp. Tiếng trẻ khóc ngằn ngặt vọng ra phía ngoài hang. Hàng trăm gương mặt đói ăn, hốc hác toát lên nỗi lo sợ hướng ánh mắt về phía mẹ con bà Năm Nghê.
          Cố dỗ dành, bịt miệng con lại nhưng vẫn không ngăn được tiếng khóc của đứa trẻ khát sữa. Mọi người vô cùng sợ sệt.
          Bà nam Nghê ghì chặt đứa con đang khóc vào lòng: Mẹ không muốn giết con, nhưng để dân làng được sống con phải chết…Mẹ xin lỗi con…Rồi bà vội cởi chiếc áo đang mặc cuốn con trai lại, ôm con bò lên  miệng hang. Mưa rơi hòa lẫn hai hàng nước mắt, hai tay bà móc đất để chôn sống đứa con mới 3 tháng tuổi mà bà đã phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày. Bà bới đất đến đâu, 10 đầu ngón tay rỉ máu đau đớn, trái tim bà như muốn vỡ vụn. Người mẹ không nỡ bóp chết con mình, bà đặt con xuỗng cái hố chính tay mình bới rồi lấp đất lên. Lớp đất ướt khẽ chuyển động, người mẹ  gạt nước mắt, xóa mọi dấu vết. Vừa lúc ấy có bước chân kẻ địch tiến lại gần, bà lao vội vào trong hang, hàm răng cắn chặt vào môi tứa máu để không bật ra tiếng khóc.
          Sau này, khi về già vừa thương con, vừa nhớ con nhiều lúc bà như điên, như dại ngày ngày ôm chiếc khăn từng cuốn con trai ngày xưa đi khắp làng trên xóm dưới hát ru, đêm mưa gió bà lại đốt nhang cầu khấn, một mình đi vào rừng tìm mộ con.
          Để an lòng mẹ,  vợ chồng cô con gái cùng Chính quyền địa phương đã quyên góp tiền xây ngôi mộ gió trước cửa hang núi Hòn Kẽm bây giờ.
          Cùng ở huyện này, bà Lê Thị Tịch cũng phải hy sinh con mình để bảo vệ dân làng. Năm nay đã 85 tuổi, bà sinh được 3 người con, chồng bà là Bộ đội chính quy của Huyện. Ông hy sinh năm 1969 trong lúc cùng đồng đội tập kích bọn Mỹ đang đổ bộ và bị trúng đạn, sau này được công nhận Liệt sỹ. Đứa con trai lớn bị trúng bom chết lúc 10 tuổi, bà gửi cô con gái thứ hai cho một người quen nuôi dậy còn mình vừa tham gia tiếp tế cho Bộ đội vừa nuôi cậu con trai út mới hơn một tuổi.
          Chỉ ít tháng sau khi chồng và đứa con đầu lòng chết bà Tịch cùng khoảng 50 dân làng phải chạy giặc vào hang Hố Dù trên núi. Đến ngày thứ năm, thứ sáu nước uống và lương thực mang theo đều cạn kiệt. Đói, khát hoành hành Không thể dỗ được đứa con ngày đêm gào khóc. Trước sự sống chết của dân làng, người mẹ phải dứt ruột bỏ đứa con bé bỏng vừa mới lẫm chẫm biết đi của mình.

 

Cho con bú trước khi bị kẻ thù hành quyết (ảnh minh họa)
 
          Đau là vậy nhưng các mẹ đã tự nguyện chấp nhận sự hy sinh bằng tính mạng của những đứa con bé bỏng để cứu sống dân làng. Chẳng ai muốn thế, nhưng tình thế lúc ấy… buộc các cụ phải làm thế.
         Điều các mẹ được an ủi, bù đắp là cái chết của những đứa trẻ vô tội đã được đền đáp, dân làng được an toàn, đất nước được thống nhất. Lúc về  già  con cháu hiếu nghĩa, xóm làng yêu thương, quý trọng.
          Câu chuyện cảm động khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Là một người lính, tôi đã từng chứng kiên nhiều đồng đội anh dũng hy sinh, mất mát nào cũng đau thương, sự hy sinh nào cũng cao cả nhưng khi được nghe câu chuyện về những bà mẹ phải tự tay chốn sống đứa con mình dứt ruột đẻ ra thì tôi không cầm được nước mắt và luôn cầu mong mọi sự tốt đẹp nhất đến với các mẹ
           Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có sự hy sinh cao cả như thế, mới có những người mẹ vĩ đại như thế.
          Cũng có nhiều người thắc mắc: Phải chôn sống đứa con đẻ của mình  để cứu sống cả trăm người mà sao các cụ không được hưởng các chế độ hiện hành, không được tôn vinh?. Câu hỏi này cũng day dứt trong tôi mà không thể tìm được lời giải.
          Danh chính, ngôn thuận không có bất kì sự tôn vinh nào, nhưng sự hy sinh của các mẹ để cứu sống dân làng đã làm rung động cả triệu con tim, để lại sự thương tiếc và lòng biết ơn của mỗi người dân  từ thế hệ này qua thế hệ khác.
           Những người mẹ vĩ đại của một dân tộc vĩ đại.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan