Ngày 6/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng thủ đô.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay dự án đường vành đai 4 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).
Theo tính toán của Hà Nội, tổng mức đầu tư của dự án nếu xây dựng đường cao tốc khoảng 105.000 tỷ đồng; cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m khoảng 25.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng), dù cao hơn phương án cao tốc đi bằng 20.000 tỷ đồng, nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.
Ông Thể cho rằng, để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn mình quản lý.
Đại diện các tỉnh nêu ý kiến, đường vành đai 4 được hoàn thành sẽ đem lại nguồn lực phát triển rất lớn không chỉ đối với các tỉnh, thành có tuyến đường đi qua, mà các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh đều đề xuất Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, hội nghị đã thống nhất tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường vành đai 4 theo hình thức đầu tư hỗn hợp, đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo.
Hội nghị cũng thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; đồng thời nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng quốc lộ 18 (phía bắc sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường vành đai 4.
Về phương án tài chính, hội nghị thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng đầu tư theo hình thức hỗn hợp, gồm: Đầu tư công và phương thức PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cho toàn tuyến, bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT.
Thời gian hoàn thành dự án dự kiến trong 2 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ này, phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, cơ chế, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình.
Võ Hải
( PS st Theo VnExpress)