CÔNG BỘC VÀ VĂN HÓA XIN LỖI Bài 3: “Biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa” (Tiếp theo và hết)
CÔNG BỘC VÀ VĂN HÓA XIN LỖI
Bài 3: “Biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa” (Tiếp theo và hết)
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
76 năm trước, Bác Hồ đã dạy: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”. Học tập và làm theo Bác, chúng ta phải quán triệt sâu sắc quan điểm, nhận lỗi phải đi đôi với sửa lỗi, nhận ra sai lầm thì phải có biện pháp khắc phục, sửa chữa sai lầm. Có sửa chữa, khắc phục thì lời xin lỗi mới có giá trị. Muốn sửa chữa thì phải ra sức làm, chứ không thể làm qua loa, đại khái, làm chiếu lệ, làm cho có, đối phó...
Mắc khuyết điểm, đừng đổ lỗi do cơ chế
Lời dạy của Bác Hồ đã hội tụ đầy đủ nội hàm của văn hóa xin lỗi. Bản chất của văn hóa xin lỗi chính là giải quyết hài hòa, hiệu quả hai mệnh đề, nhận biết sai lầm và ra sức sửa chữa, khắc phục sai lầm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ở đâu và lúc nào điều ấy cũng được thể hiện trọn vẹn. Có những kiểu, những cách nhận lỗi lại hóa thành đổ lỗi, do người phạm lỗi bao biện, ngụy biện. Theo dõi những phiên tòa xét xử một số vụ án tham nhũng nổi cộm gần đây, dư luận không khỏi bức xúc khi ở đó, nhiều bị cáo đã có kiểu nhận lỗi bao biện, như: “Lỗi của tôi là quá tin cấp dưới!”, “Lỗi của tôi là quá nhiệt tình!”, “Tôi phạm lỗi là do cơ chế!”... Tất nhiên, với những bằng chứng xác thực, thuyết phục, tòa án và các cơ quan tư pháp có đủ căn cứ để luận tội mà không cần phụ thuộc vào những kiểu nhận lỗi, đổ lỗi như trên.
Thế mới biết, để đưa những đối tượng tham nhũng, tha hóa trong nội bộ Đảng ra trước ánh sáng công lý là cuộc đấu tranh cực kỳ gian nan, phức tạp và khó khăn. Ngay cả khi sự thật được phơi bày, biện pháp để cho đối tượng phạm tội ăn năn, hối cải cũng không phải việc dễ dàng. Có lỗi, để né tránh nhận lỗi thì người ta phải nghĩ ra cách đổ lỗi. Một trong những cách đổ lỗi khá phổ biến đó là do... cơ chế. Nào là tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nào là do cơ chế quản lý lỏng lẻo, nào là cơ chế kiểm soát chồng chéo... Kiểu đổ lỗi này là một dạng của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống. Việc đổ lỗi do cơ chế, trong nhiều trường hợp, là cái cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng. Vấn đề này không phải đến bây giờ Đảng ta mới đề cập, mà ngay sau ngày nước nhà độc lập, Bác Hồ đã dự liệu và nhắc nhở. Trong "Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” ngày 1-3-1947, Bác căn dặn: Các đồng chí phạm lỗi nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta. Phải kiên quyết khắc phục những khuyết điểm trên thì chúng ta mới đi đến hoàn toàn thắng lợi.
Với sự siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị, những lỗi do cơ chế và kiểu đổ lỗi do cơ chế đã và đang từng bước được đẩy lùi. Trong chương trình làm việc giữa Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vào ngày 3-9-2020, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đã lưu ý, việc để xảy ra những hạn chế, khuyết điểm không được đổ lỗi do cơ chế, vì cũng cơ chế ấy nhưng nhiều nơi làm tốt. Có khuyết điểm, yếu kém thì phải mạnh dạn đấu tranh phê bình, chỉ rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Trong việc xử lý cán bộ vi phạm phải cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, kích động của phần tử xấu nhằm chia rẽ nội bộ. Những vi phạm, khuyết điểm cần kiểm điểm sâu sắc, thẳng thắn hơn nữa.
|
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Thực tế ở TP Hồ Chí Minh cũng là bài học kinh nghiệm chung cho cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở các địa phương khác và trong cả nước. Cho đến nay, có thể nói, cơ chế bảo đảm cho sức chiến đấu, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và môi trường công tác, cống hiến của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) đã được quy định chặt chẽ, ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Đó là môi trường thuận lợi để công bộc phát huy năng lực cống hiến, tận hiến vì dân. Khi vi phạm khuyết điểm, mắc sai lầm phải dũng cảm nhận và ra sức sửa chữa. Cần nói không với kiểu tư duy đổ lỗi do cơ chế. Làm được như vậy chính là chúng ta thúc đẩy văn hóa xin lỗi trong trường văn hóa nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh, lồng ghép các mô hình, cuộc vận động
Cần nhắc lại để có sự thống nhất cao về nhận thức, đó là, không phải đến bây giờ Đảng ta mới chú trọng củng cố, xây dựng văn hóa xin lỗi của CB, ĐV, mà đây là việc làm thường xuyên, là nội dung giáo dục đi theo con người suốt cả cuộc đời. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được dạy những điều hay, lẽ phải, khi có lỗi thì biết khoanh tay xin lỗi, khi được giúp đỡ thì biết thưa, dạ, cảm ơn. Cũng bởi vì đó là những hành vi ứng xử diễn ra hằng ngày, hằng giờ nên nó là thứ dễ bị coi nhẹ, bỏ qua, lãng quên. Thế nên mới phải hình thành, nâng tầm lên thành một giá trị, một hình thức văn hóa trong chuỗi giá trị văn hóa của con người, của CB, ĐV. Muốn ngăn chặn hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thì cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, phải nỗ lực thực hiện, xây dựng cho bằng được giá trị văn hóa, trường văn hóa ấy.
Văn hóa là những gì còn lại sau khi những thứ khác bị mất đi. Để có văn hóa xin lỗi thì trong tư duy, nếp sống, tư tưởng của công bộc phải gạt bỏ, tẩy chay hết những biểu hiện gian dối, chiếu lệ, đối phó. Lời xin lỗi thực tâm có thể tạo nên sức mạnh lớn lao của cả tập thể, cộng đồng, xã hội, biến những mâu thuẫn ngàn cân nhẹ tựa lông hồng. Để có sự thực tâm ấy, đòi hỏi CB, ĐV phải có quá trình tu dưỡng, rèn luyện, giáo dục và tự giáo dục bền bỉ, nghiêm khắc. Đảng ta có tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là bệ đỡ vững chắc cho hệ tư tưởng tiến bộ của Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc. CB, ĐV có môi trường thuận lợi, lý tưởng để học tập, phấn đấu, tu dưỡng và cống hiến.
Trong giai đoạn này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang hòa chung bầu không khí dân chủ, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Việc kiên định mục tiêu kép, vừa thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội đã tạo môi trường thuận lợi cho ngày hội lớn của toàn dân vào ngày 23-5 sắp tới. Chương trình hành động của từng ứng cử viên đã được công bố rộng rãi. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã và đang diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Trong môi trường dân chủ, thuận lợi và thách thức đan xen, chúng ta cần tiếp tục triển khai lồng ghép, phối hợp các mô hình, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng. Đề án Văn hóa công vụ được phê duyệt theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ, xin lỗi là tiêu chí đứng ở vị trí thứ hai trong hành vi ứng xử của văn hóa công vụ: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép”, gắn với “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”. Đó là những kỹ năng công sở, công bộc phải rèn luyện thành thói quen, thành nhu cầu tự thân.
Quán triệt tinh thần về văn hóa nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... là những chương trình hành động cách mạng phải luôn được hâm nóng, triển khai đồng bộ, thường xuyên ở các cấp, các ngành, các địa phương.
Quy luật phát triển của văn hóa là hành trình giao thoa, sàng lọc, tiếp biến. Tạo môi trường, không gian hành động bằng sự lồng ghép các mô hình, không ngừng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các cuộc vận động, các chương trình, phong trào hành động chính là cách để cán bộ hạn chế mắc khuyết điểm. Khi lỡ mắc khuyết điểm, sai lầm, dù với bất cứ lý do gì cũng cần đến văn hóa xin lỗi. Khi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh trở thành dòng chủ lưu của văn hóa trong Đảng thì văn hóa xin lỗi, theo đó cũng được lành mạnh, trong sạch hóa.
Đảng cũng như cơ thể con người. Khi chúng ta có sức khỏe, có sức đề kháng đủ mạnh và ý thức văn hóa phòng dịch bệnh tốt thì không có gì phải lo lắng sự xâm nhập của các loại virus độc hại.
PHAN TÙNG SƠN
( C. H sưu tầm)