"Toàn cảnh Euro 2020". TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 01:51 15/07/2021 Lượt xem: 439
TOÀN CẢNH EURO 2020
Hoàng Văn Kính


 
       24 đội tuyển lọt vào vòng bảng Euro 2020 gồm có: Thổ Nhĩ Kì, Ý, Xứ Wales, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Bỉ, Nga, Hà lan, Ukraine, CH Czech, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Scotland, Hungary, Slovakia và Bắc Macedonia. 24 đội được chia bốc thăm thành 6 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội . Trong số 24 đội có 2 anh tài lần đầu tiên góp mặt tại các kì Euro là: Phần Lan và Bắc Macedonia, ngược lại Đức là đội có số lần tham dự nhiều nhất với 12 kì. “ Cỗ xe tăng Đức” và “những chú bò tót” Tây ban Nha là 2 đội giàu thành tích nhất: mỗi đội 3 lần vô địch.
       Cũng như các kì trước, ở vòng bảng các đội thi đấu vòng tròn 1 lượt chọn ra 2 đội dẫn đầu mỗi bảng và 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất ở các bảng để lọt vào vòng 16 đội. Đây cũng là giải đấu đặc biệt vì nó diễn ra ở 12 thành phố khác nhau ở các nước châu Âu. Trận khai mạc diễn ra vào ngày 11/6 giữa Thổ Nhĩ Kì và chủ nhà Italia trên sân Rome, vòng bảng kết thúc vào ngày 23/6. Vòng 16 đội diễn ra từ ngày 26-29/6. Tứ kết từ 2-3/7. Bán kết từ 6-7/7. Chung kết ngày 11/7 tại London Anh.
       Một tháng ăn bóng đá, ngủ bóng đá người hâm mộ được chứng kiến nhiều trận đấu hay bùng nổ và thăng hoa với quá nhiều cảm xúc, diễn ra kịch tính từ đầu đến cuối, nhiều đường bóng hấp dẫn, nhiều bàn thắng đẹp và cả những pha bóng…thật như đùa ngoài cả sự tưởng tượng của những người hài hước nhất. 16 đội bóng tên tuổi lớn của Châu Âu đã vượt qua vòng bảng, mặc dù có những thời điểm những gã khổng lồ như Tây-ban-nha, Bồ-đào nha, Croatia và cả cỗ xe tăng Đức nữa phải trải qua những giây phút lo âu, thấp thỏm với cơn ác mộng sẽ sớm phải chia tay giải đấu. Chính điều ấy là chất “ ma túy ” gây nghiện làm nên sức hấp dẫn của môn thể thao vua. Một Hungari đã vùng lên mạnh mẽ để tìm lại vinh quang của thời quá khứ làm cả sân vận động Allizan Arena thấp thỏm chờ đợi khi vươn lên dẫn trước 2-0, hay như trên sân vận động Krestosky cổ động viên Ba-lan đã mơ về cú lội ngược dòng ngoạn mục khi Robert lewandoski san bằng tỷ số 2-2 trước Thụy Điển.
       Rất nhiều lần các sân vận động đã phải dậy sóng, chứng kiến rất nhiều pha lập công ở đỉnh cao của nghệ thuật bóng đá như tình huống tổ chức tấn công san hòa 1-1 cho Bỉ mà Kevin De Bruyne xử lí trong trận gặp Đan Mạch, cú vẩy má điệu nghệ của Luka Modric trước Scotland, bàn thắng từ giữa sân của Patrik schick , cú sút bóng từ xa làm “ nổ tung” cả sân vận động của Andreas Christensen, tình huống lao lên như một vận động viên điền kinh của Cristiano Ronaldo trước đội tuyển Đức… Đội hình chiến thuật cũng được biến hóa một cách linh hoạt, cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức thường chọn cách phòng ngự từ xa ngay trên phần sân của đối phương. Trong nhiều trận Bồ-đào-nha và Pháp còn chơi pressing trên cả phần sân của đối phương.
       Euro 2020 đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc. Đó là sự phục hưng của Italia; sự trỗi dậy của Hungari; sự tiếc nuối cho Mbappe của Phap; những giọt nước mắt và sự thổn thức của cả thế giới khi phải chứng kiến Christian Erichsen đổ gục trên sân mà không hề va chạm với ai hay sự ngậm ngùi, nuối tiếc khi phải chứng kiến các cầu thủ Hungari ngẩng cao đầu từ giã giải đấu.
       Có lẽ đấy cũng là xu thế chung của bóng đá thế giới. Bóng đá tấn công giờ đã trở thành phương thức chung cho sự lựa chọn của các đội, kể cả khi phải đối đầu với những đội bóng trên cơ – các đội bóng yếu thế hơn cũng chọn cách đánh nhanh, phản công nhanh ngay khi có thể, thậm chí sãn sàng chơi “ tất tay” mà không hề run sợ.
 
Vòng bảng với nhiều kỉ lục
       Khác với những kì Euro trước, Euro 2020 đánh dấu sự lên ngôi của bóng đá tấn công. Đây là giải đấu có số bàn thắng cao kỉ lục ở vòng bảng với 94 bàn được ghi trong 36 trận đấu, tỷ lệ ghi bình quân 2,62 bàn/ trận đấu ( đứng thứ 3 trong lịch sử các kì EURO), nhiều trận có tỷ số 3-0, 3-1 điển hình như Thổ nhĩ kí – Ý ( 0-3 ), Áo-Bắc Macedonia ( 3-1 ), Croatia-Scotland ( 3-1 )... Có những trận đấu thậm chí có tới 5 bàn thắng cho 2 đội như: Hà Lan-Ukraine ( 3-2 ), Thụy Điển-Ba lan ( 3-2 ), Tây ban nha-Slovakia ( 5-0 ). Tất cả các đội dự giải đều ghi được bàn thắng. Trong số 36 trận đấu có tới 60 cầu thủ đã ghi được bàn thắng, Hà lan là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất với 8 lần làm rung lưới đối phương, xếp sau là Ý, Bỉ, Bồ đào nha với 7 bàn; Đức 6 bàn; Tây ban nha 5 bàn. Nếu chỉ tính các đội lọt vào vòng 16, Anh là đội có hàng công kém nhất chỉ tung ra được vẻn vẹn có 22 cú sút, ghi được 2 bàn vào lưới đối phương. Trong khi Đan Mạch có 61 cú sút, Pháp 60, Thụy Sỹ 47, Hà Lan 46, Tây Ban Nha 45. Có 2 đội không thắng trận nào là Thổ Nhĩ Kì và Bắc Macedonia, mỗi đội bị thủng lưới tới 8 lần, ngược lại Hà Lan, Ý, Bỉ là những đội toàn thắng. Tây ban Nha có tỷ lệ kiểm soát bóng tới 68,7% tiếp đến Đức 61,3%; Bỉ 57,7%; Ý 57,7; Đan Mạch 57,3%. Có tới 97 thẻ vàng được trọng tài rút ra, bình quân 2,69 thẻ/trận. Ba lan là đội bị nhiều thẻ phạt nhất với 9 thẻ ( trong đó có 1 thẻ đỏ ), ngược lại Bồ Đào Nha, Ý, Anh, Bỉ và Hà Lan mỗi đội chỉ bị 1 thẻ vàng. Với 5 bàn ghi được vào lưới đối phương, Ronaldo là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất. Có 6 cầu thủ sút hỏng quả phạt đền, điều chưa từng có trong lịch sử vòng chung kết Euro. 8 pha đá phản lưới nhà, tất cả đều thuộc đội thua cuộc ( trong đó có 3 thủ môn đốt lưới nhà = cả 5 kì euro gần đây nhất cộng lại )
       Số lượng đá hỏng phạt đền cao kỉ lục với 6/14 quả. Bồ Đào Nha hòa 2-2 Pháp là trận đầu tiên trong lịch sử Euro có đến 3 quả phạt đền ( không kể đá luân lưu 11m) 4 trận trong lượt cuối bảng E và F có tới 18 bàn được ghi , con số cao nhất trong một ngày thi đấu của lịch sử Euro
       Tây ban nha là đội đầu tiên trong lịch sử bóng đá châu Âu kể từ giải năm 2000 thực hiện không thành công cả 2 quả phạt đền Hà Lan toàn thắng cả 3 trận vòng bảng tại 3 giải vô địch châu ( 2000, 2008, 2020) Italia sau 3 trận toàn thắng ở vòng bảng đạt chuỗi trận bất bại của chính họ với 30 trận liên tiếp không thua
       Có 3 đội toàn thắng ở vòng bảng là Bỉ, Italy và Hà Lan. Có 2 đội không được điểm nào là Bắc Macedonia và Thổ Nhĩ Kì. Ba Lan, Scotlan và Hungari rời giải mà không có được trận thắng nào.
 
Vòng 1/8 sôi động
       Sau 8 trận đấu vòng 16 đội, 4 cặp đấu tứ kết Euro 2020 được xác định với những bất ngờ “ ngoài sức tưởng tượng” khi cả Pháp, Đức, Hà Lan, Bồ Đào Nha đều bị loại, trong đó đáng buồn nhất là đương kim Bồ Đào Nha và ĐKVĐ Thế giới Pháp, để lại những giọt nước mắt ngậm ngùi cay đắng cho người hâm mộ.
       Nếu Bồ Đào Nha kém cạnh hơn bị quỷ đỏ ( Bỉ ) loại như là một lẽ đương nhiên, thì ĐKVĐ Thế giới để thua bởi đòn trừng phạt của “ kẻ yếu” Thụy Sĩ là “ nỗi đau đớn” như chính HLV Didier Deschamps phải cay đắng thừa nhận sau đó. Chính thái độ ngạo mạn, coi thường đối thủ khi đã dẫn trước 3-1 khiến họ phải ôm hận. Chỉ trong 10 phút cuối trậnThụy Sĩ đã vùng lên gỡ hòa và thắng ngược trong loạt đá luân lưu 11m định mệnh.
       Theo chân chú gà trống Go-loa, “ông lớn” cỗ xe tăng Đức cũ kĩ, già nua, mệt mỏi cũng gục đổ trước sức trẻ và tham vọng của tuyển Anh, họ đã rửa được mối hận sau hơn nửa thế kỉ đều thua tuyển Đức ở những vòng đấu loại trực tiếp. Trước đó Hà Lan “ số má ” hừng hực khi thế cũng “ bay màu” sớm nhất khi để thua CH Séc với tỷ số 0-2. CH Séc là đội bóng mang đến bất ngờ thú vị đầu tiên ở vòng 1/8, đã làm đảo lộn mọi dự đoán, buộc HLV Frank De Boer phải rời khỏi chiếc ghế nóng. Chính tinh thần Christian Eriksen ( cầu thủ bị gục ngã trên sân lúc đang thi đấu ) đã mang đến cho những “ Chú lính chì” Đan Mạch sức mạnh ý chí không thể cản nổi để họ hạ đo ván Xứ Wales với tỷ số không tưởng: 4-0.
       Nhưng chính Thụy Sĩ mới là cái tên “ gây bão” nhất bởi hạ bệ Pháp theo cái cách điên rồ nhất. Đấy không phải là sự ưu ái của Chúa mà là một phần thưởng xứng đáng cho niềm tin, lăn xả, không nao núng trước đối thủ lớn. Tây Ban Nha cũng suýt phải trả cái giá như thế trước Croatia khi họ đã dẫn trước 3-1 rồi để cho đối thủ vươn lên gỡ hòa 3-3. Nhưng dẫu sao họ cũng còn tỉnh táo để rồi giành lại tấm vé vào tứ kết mà có lúc tưởng như đã nằm trong tay đối thủ.
       Lọt vào vòng tứ kết, 4 ông lớn, 4 cái tên được ưa thích, 4 thần tượng của bóng đá châu Âu: Italia, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh chỉ có Bỉ là thể hiện được sức mạnh vượt trội, những đội còn lại cũng chẳng dễ dàng gì. Một Tây Ban Nha phải toát mồ hôi hột, một Italia bị Áo kém cạnh hơn cầm chân phải sang đến hiệp phụ mới được thở phào nhẹ nhõm, Anh thì quá nhọc nhằn để vượt qua được Đức .
 
Tứ kết của những ông lớn
       Mặc dù được đánh giá cao hơn và có bàn thắng sớm hơn ( ngay ở phút thứ 8 sau tình huống đá phản lưới nhà của một cầu thủ Thụy Sỹ ), nhưng Tây Ban Nha đã phải rất chật vật giành chiến thắng đi tiếp. Sang đầu hiệp 2 Thụy sỹ gỡ hòa 1-1. Đến phút 77 Tây Ban Nha được lợi thế chơi hơn người do Remo Freuler của Thụy Sỹ phải nhận thẻ đỏ trực tiếp. Chơi lấn lướt, ép sân, hơn người nhưng những chú “bò tót” đã không tận dụng được lợi thế này, để trận đấu kéo dài hết 2 hiệp phụ và chỉ giành được chiến thắng nhờ một chút may mắn trong loạt đá luân lưu định mệnh.
       Italia đã dễ dàng vượt qua Bỉ với với tỷ số 2-1. Sức trẻ đã chiến thắng sự già cỗi và bảo thủ. Đoàn quân của HLV Roberto Mancini đã cống hiến một trận đấu hay, tân công đẹp mắt với lối chơi áp đảo, liên tục dồn ép đối thủ về bên sân nhà. Từ phút thứ 31 đến phút 44 họ lần lượt ghi 2 bàn thắng do công của: Nicolo Barella và Lorenzo Insigne. Những nỗ lực của tuyển Bỉ chỉ giúp họ gỡ được 1 bàn trên chấm 11m ở phút bù giờ cuối cùng của hiêp 1 do công của tiền đạo Lukaku. Tuyển Anh ghi tên mình vào bán kết với tỷ số 4-0 trước Ucraina. Tam sư đã lập nên kì tích chưa từng có trong các kì Euro khi trở thành đội bóng đầu tiên ghi được 3 bàn thằng bằng đầu trong một trận đấu và họ cũng lập nên một kì tích khi lần đầu tiên giữ sạch lưới trong 7 trận liên tiếp. Nếu như 4 trận của vòng bảng và 1/8 họ chỉ ghi được có 4 bàn thắng thì riêng trận tứ kết với Ucraina họ đã ghi được 4 bàn thắng. Vận may không đến với Ucraina một lần nữa như ở vòng đấu bảng và vòng 1/8, có thể nói Ucraina là đội bóng yếu nhất của vòng 1/4, họ thi đấu rời rạc, mờ nhạt, thua kém đối thủ trên mọi phương diện.
       Đội tuyển Đan Mạch đã nối dài câu chuyện cổ tích tại Euro 2020 bằng tấm vé vào bán kết sau khi hạ tuyển Séc với tỷ số 2-1. Hai bàn thắng của Thomas Delaney và Kasper Dolberg đã giúp những “ chú lính chì” giành trọn niềm vui. Với chiến thắng này lần đầu tiên Đan Mạch góp mặt ở một kì bán kết Euro kể từ sau chức vô địch trên đất Thụy Điển cách đây 29 năm. 2-1 là kết quả hoàn toàn xứng đáng sau những gì tuyển Đan Mạch đã thể hiện trân sân Baku, họ đã chơi một thứ bóng đá đáng sợ giầu năng lượng, hiệu quả, hợp lí. Sau tiếng còi khai cuộc Đan Mạch đã chủ động tràn lên tấn công và chỉ 5 phút sau họ đã ghi bàn thắng. Đến phút thứ 42 từ một tình huống lên bóng nhanh ở cánh trái Joakim Maehle thực hiện pha đẩy má ngoài đẳng cấp tạo điều kiện cho Kasper Dotberg băng vào đệm bóng nhân đôi cách biệt. Sang hiệp 2, nhờ có sự thay đổi người hợp lí đã giúp đội CH Séc tạo ra sức ép rất lớn về phía khung thành đối phương, trước khi có bàn thắng rút ngắn tỷ số
còn 1-2. Đây là trận đấu khá hay, cân tài cân sức, mặc dù bị loại nhưng việc được vào đến tứ kết có thể được xem là thành công đối với CH Séc.
       “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Italia chơi thăng hoa với thứ bóng đá giầu năng lượng pressing toàn thân, đẩy nhah nhịp độ tấn công mỗi khi giành được bóng. Tây Ban Nha đang tìm lại được bản sắc của thứ bóng đá Titi-Taka. Đan Mạch và Anh chơi thứ bóng đá khoa học trong triển khai thế trận, chờ thời cơ, công thủ nhịp nhàng.
 
Bán kết cân sức cân tài
       Trận bán kết 1 giữa Italia và Tây Ban Nha là một trận đấu hay, trước khi vào trận theo thống kê các chỉ số đối đầu đều nghiêng về đội bóng của xứ sở “Bò tót”. Có điểm chung của 2 đội là không có một chân sút cự phách, không phụ thuộc vào cây săn bàn nào, nhưng lại là 2 đội ghi nhiều bàn thắng nhất và dứt điểm trung bình mỗi trận nhiều nhất giải. 2 đội từng có 34 lần chạm trán nhau trong quá khứ, ưu thế nghiêng về Tây Ban Nha với 12 chiến thắng, hòa 13 và chỉ để thu 9 trận. Lần đụng độ gần đây nhất năm 2017 chiến thắng 3-0 nghiêng về Tây Ban Nha. Tại chung kết Euro 2012 Tây ban Nha cũng giành chiến thắng 4-0 trước Italy giành chức vô địch. Nhưng ở trận bán kết thứ nhất này, Tây Ban Nha lại để thua Italia trên chấm phạt luân lưu 11m mặc dù chơi rất tốt, triển khai bóng mạch lạc trong hai hiệp đấu chính và phụ trên sân Wembley họ sở hữu tới 908 đường chuyền, 70,1 % thời lượng kiểm soát bóng, 16 cú dứt điểm nhưng lại thiếu những chân sút quyết đoán biến cơ hội thành bàn thắng. Italia chơi phòng thủ chặt chẽ, về lí thuyết họ chơi theo sơ đồ 4-3-3, nhưng khi mất bóng chuyển nhanh sang sơ đồ 4-4-2, tao thành 2 lớp phòng thủ trước cầu môn. Mặc dù giành chiến thắng nhưng HLV Roberto Mancini phải thừa nhận “ Một trận đấu khó khăn…”. Cho tới hết bán kết, Tây ban Nha là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất với 13 pha lập công.
       Trận thứ 7 của Euro 2020 phải thi đấu 2 hiệp phụ. Nhìn chung dư luận đánh giá tuyển Anh có phần nhỉnh hơn Đan Mạch. Một trận đấu quá hay, Đan Mạch chơi phòng thủ chặt bên sân nhà và phản công nhanh khi có cơ hội, họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy thực lực sức mạnh của mình khi có mặt tại trận bán kết. Ngược lại tuyển Anh có nhiều lợi thế hơn, họ được chơi trên sân nhà Wembley, có hàng phòng thủ chắc chắn vào đến bán kết chưa bị thủng lưới bàn nào, có hàng tiền đạo toàn những gã “ khổng lồ” như Harry Kane, Ma Gay… và có phần nào được ông trọng tài chính người Hà Lan Danny Makkelie ưu ái khi mà thủ thành Kasper Schmeichel của Đan Mách bị đèn laze chiếu vào mắt trong pha cản phá quả 11m hoặc ngó lơ khi trong sân có đến 2 quả bóng trong tình huống dẫn đến quả penanty cho tuyển Anh. Hoặc Sterling cố tạo ra một tình huống ngã trong vòn cấm để tuyển Anh được hưởng quả phạt 11m. Thậm chí ông trọng tài này còn chẳng thèm tham khảo VAR! Cả những HLV kì cựu như Mourinho hoặc Wenger đều lắc đầu không sao hiểu nổi. Ở đâu cũng vậy, trọng tại luôn được mệnh danh là “ vua trên áo đen trên cỏ”. Người hâm mộ tiếc cho tuyển Đan mạch, họ mở tỷ số dẫn trước ở ngay phút thứ 30 của hiệp 1, phải đến gần cuối hiệp tuyển Anh mới gỡ hòa. Tỷ số hòa 1-1 buộc 2 đội phải đá sang 2 hiệp phụ và họ phải nhận một cái kết đắng với tỷ số 2-1 có phần oan uổng. Có lẽ đấy cũng là một phần của bóng đá, một phần làm nên sự hấp dẫn của bóng đá. Dẫu sao thì “ Tam sư” cũng đã chiến thắng, nhưng nhiều chuyên gia bóng đá trên thế giới cho rằng: đây là một chiến thắng “ô nhục”, chẳng vẻ vang gì nhưng cũng phải mất 55 năm chờ đợi, lần đầu họ có mặt tại một trận chung kết Euro.
 
Đường tới trận chung kết
       Để tới được trận chung kết Euro 2020, Italia đã có 6 trận toàn thắng ghi được 12 bàn vào lưới đối phương, bị thủng lưới 3 bàn. Tuyển Anh có 5/6 trận thắng, ghi được 10 bàn, để thủng lưới 1 bàn. Trong 5 lần đối đầu trực tiếp gần đây nhất giữa 2 đội tuyển, Italia chiếm ưu thế với 2 trận thắng, 2 trận hòa và 1 trận thua ghi được 6 bàn thắng. Tuyển Anh chỉ giành được 1 trận thắng, 2 trận hòa, 2 trận thua, ghi được 5 bàn. Xét về lịch sử đối đầu, Italia có bề dầy thành tích hơn hẳn tuyển Anh.
       Nắm trong tay đầy đủ các lợi thế: thiên thời, đia lợi, nhân hòa, tuyển Anh nhập cuộc với tâm thế được đánh giá nhỉnh hơn. Được đá trên sân nhà, được hàng triệu khán giả nhà cổ vũ cuồng nhiệt cả trong và ngoài sân, ghi bàn thắng ngay từ phút thứ 2 của trận đấu, dẫn bàn ở loạt sút luân lưu 11m, nhưng rất đáng tiếc những lợi thế ấy không được tận dụng để mang lại chức vô địch cho tuyển Anh, buộc họ phải ôm hận sau 55 năm chưa sờ được tay vào chiếc cúp vô địch.
       Đúng là gừng càng gia cang cay, độ tuổi trung bình của Itali là 27,7 ( cao thứ 12 trong số 26 đội ) đã chiến thắng sức trẻ của tuyển Anh, tuổi trung bình 25,2 ( thấp thứ 2 giải đấu ). Thất bại của tuyển Anh phần lớn do sai lầm “ chết người” của ông HLV của tuyển Anh khi để 3 cầu thủ còn rất trẻ mới vào thay người đá luân lưu 11m, thậm chí 2 cầu thủ còn chưa được chạm bóng: Jadon Sancho (21 tuổi), Marcus Rashford ( 23 tuổi ) và Bukayo Saka (19 tuổi ) và cả 3 đều đá hỏng dâng chiếc cúp vàng cho tuyển Ý.
       Trận chung kết hấp dẫn, kịch tính. Sau khi bị dẫn bàn ngay ở phút thứ 2 của trận đấu, Italia lúng túng, không thể chơi theo đúng sở trường, họ bối rối, vội vã và thiếu chuẩn xác dẫn đến mất kiểm soát không gian quen thuộc 2/3 sân đối phương. Nhưng tất cả đã thay đổi khi bước vào hiệp 2, đội Anh đã thận trọng quá mức cần thiết để bảo toàn tỷ số mong manh 1-0. Họ chuyển sang đội hình 5-4-1 lùi sâu về sân nhà tạo thành tuyến phòng ngự nhiều lớp. Chính sai lầm ấy đã khiến Italia phát huy được sở trường, lấy lại quyền kiểm soát trận đấu, họ đã sử dụng những pha bóng cố định để khoan thủng hàng phòng ngự dầy đặc của tuyển Anh và cũng từ một tình huống như thế, tỷ só đã được san hòa 1-1. Tiếc cho tuyển Anh, họ đã khai cuộc rất tuyệt nhưng chỉ vì đi sai một nước mà hỏng cả ván cờ.
       So sánh thuần túy mấy số liệu cho thấy: Italia giành chức vô địch là hoàn toàn xứng đáng. Họ kiểm soát bóng 62%, Anh 38%. Họ có 841 đường chuyền, Anh có 440. Họ có 20 pha dứt điểm, Anh 6. Họ có 6 cú dứt điểm chính xác, Anh 1. Riêng trong hiệp 2, Italia cầm bóng tới 71%, tung ra 8 cú sút ( so với 3 của Anh ), thắng trong tranh chấp 12 lần ( gấp đôi đội Anh ). Tuyển Anh đã phải trả giá cho 2 sai lầm cơ bản: khi rút về phòng ngự, nhường sân cho tuyển Italia và thay người không hợp lí dẫn đến thất bại liên tiếp của 3 quả luân lưu 11m. Gareth Southgate và nước Anh khao khát giơ cao chiếc cúp nhưng họ không hội tụ đủ những phẩm chất cần thiết để biến ước mơ thành hiện thực.
       Một mùa Euro sôi động đã qua đi để lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lúc đại dịch Covid đang hoành hành. Dù thắng hay thua, dù ở chân trời nào thì bóng đá cũng luôn là một sợi dây liên kết mọi người lại với nhau.
       Xin chúc mừng đội tuyển ITALIA, họ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu: VÔ ĐỊCH EURO 2020.


Đội tuyển ITALIA 
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan