Thứ trưởng Y tế nói về chiến lược chống dịch mới tại TP.HCM
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Chiến lược chống dịch mới tại TP.HCM sẽ không còn đặt nặng truy vết, thay vào đó tập trung điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.
Có mặt tại điểm nóng Covid-19 ở TP.HCM suốt 45 ngày qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ với VietNamNet về tình hình hiện tại.
- Theo ông với những dữ liệu hiện tại, TP.HCM đã chạm đỉnh dịch chưa? Trong 10-14 ngày tới, chúng ta có thể kiểm soát được tình hình?
Đỉnh dịch hay chưa rất khó nói vì chỉ nói đến số ca ca mắc mới. Nếu chúng ta áp dụng tốt Chỉ thị 16, giãn cách xã hội chặt thì trong 2 tuần tới, số mắc sẽ giảm nhưng tình hình điều trị không thể tiên lượng được vì có một số bệnh nhân trở nặng nhanh. Số ca tử vong, số mắc bệnh chuyển nặng, nguy kịch vẫn nổ ra.
- TP.HCM sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 1/8, các biện pháp phòng chống dịch sau đó có thể giảm xuống Chỉ thị 15+ không, thưa ông?
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn
Với tình hình hiện tại, chắc chắn TP.HCM vẫn phải áp dụng Chỉ thị 16 sau ngày 1/8, thậm chí phải siết hơn nữa. Đến ngày 1/8, thành phố sẽ có đánh giá tình hình cụ thể.
Trong 2 ngày 22/7 và 23/7 vừa qua, thành phố đã liên tiếp có Chỉ thị 12 và công văn 2468 để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
- Cách đây 2 tuần trong cuộc họp ở Bộ Y tế ông từng đề xuất phải thay đổi chiến lược chống dịch Covid-19 sang giảm nhẹ tác hại, tập trung điều trị. Và hiện tại,, TP.HCM bắt đầu áp dụng chiến lược mới, vậy có đồng nghĩa không còn cần tập trung truy vết, phong toả?
Trong mỗi giai đoạn dịch sẽ cần có những chiến lược khác nhau, thay đổi phù hợp với mục tiêu đặt ra. Giai đoạn trước khi F0 chưa nhiều, chúng ta có thể truy vết 1 F0 được vài chục F1, thậm chí hàng trăm người nhưng hiện nay, biến thể Delta lây rất nhanh, mỗi ngày TP.HCM có thêm 4.000 – 6.000 F0, việc tập trung truy vết không còn phù hợp.
Với chiến lược mới, chúng ta vẫn truy vết nhưng không còn đặt nặng, mục tiêu không phải truy tìm, phát hiện nữa mà tập trung cho điều trị để cứu chữa các bệnh nhân, bảo vệ những người có bệnh lý nền, người già, giảm tỉ lệ tử vong.
Để giảm tác hại của dịch Covid-19, chúng ta phải nâng cao năng lực điều trị, từ trang thiết bị đến con người.
- Khả năng điều trị hiện tại của TP.HCM ra sao? Thành phố đã lập tới 16 bệnh viện dã chiến và đã tiếp nhận hơn 6.000 người chi viện, số lượng này đã tạm đủ chưa?
Nói chung vẫn cần phải cố gắng. Công tác tiếp nhận người bệnh tại các cơ sở ban đầu, các cơ sở điều trị vẫn phải tăng cường thêm nhân lực, trang thiết bị. Hiện tại một số bệnh viện rất khó khăn về nhân lực, đặc biệt ở các bệnh tuyến quận, huyện. Trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế vẫn phải tiếp tục cố gắng, chiến đấu để bảo vệ các bệnh nhân.
- TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm, đến nay đã cách ly được bao nhiêu F0 tại nhà?
Theo thống kê của thành phố đến chiều 28/7, TPHCM đã cách ly tại nhà được hơn 37.000 F0 và F1. Sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phân loại F0 để giảm tải cho hệ thống y tế.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
( C. H sưu tầm)