Nữ chiến sĩ Trường Sơn ký ức bi hùng và tấm lòng thiện nguyện,dự thi của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 07:49 28/09/2018 Lượt xem: 637



Bài dự thi “Hào khí Trường Sơn”


     NỮ CHIẾN SĨ TRƯỜNG SƠN KÝ ỨC BI HÙNG VÀ TẤM LÒNG THIỆN NGUYỆN
 


Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ và hi sinh, hàng triệu người con Việt Nam đã bên nhau chiến đấu vượt qua mọi thử thách, ác liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong những người con ấy có nhiều thiếu nữ đã vâng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc anh dũng lên đường đi chiến đấu, hi sinh quảng đời non tơ đẹp đẻ nhất của mình ở tuổi 14, 15, dám can trường vượt qua những khốc liệt, gian khổ góp sức mình giải phóng quê hương. Hòa bình về vẫn sáng mãi phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, sống có trách nhiệm với xã hội, giàu lòng nhân ái, thiện nguyện. Lê Thị Vân, Trưởng ban liên lạc Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Phú Yên là một người như thế.

1. Thiếu nữ quân y 14 tuổi

Mới gặp chị Lê Thị Vân, tôi đã có cảm tình vì liên tưởng đến nhân vật “Chị Vân” trong bộ phim “Nổi Gió”, càng có cảm tình hơn khi thấy chị cùng các nữ chiến sĩ Trường Sơn viếng các anh hùng liệt sĩ và chăm chỉ trồng, chăm sóc hoa tại cụm tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ tiểu đoàn 12, trung đoàn Ngô Quyền hi sinh trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Tôi tìm đến nhà chị ở 200 đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên để được biết thêm về người phụ nữ này.

Chị kể: Chị sinh năm 1956, ở nông trường Lệ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình; chứng kiến tội ác của Mĩ - Ngụy, nhiều người dân vô tội bị bom đạn giặc giết hại, xóm làng tan hoang, rụi cháy, sống li tán, chia lìa. Nhà ở gần viện quân y 112, chị theo các mạ, các chị vào viện thăm thương binh, biết được thương binh của ta ở các chiến trường về viện 112 rất nhiều, nhu cầu chăm sóc, giúp đỡ rất lớn. Chính những hình ảnh đó đã giác ngộ tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc cho người con gái Quảng Bình. Tháng 7/1971, 14 tuổi khi vừa hết lớp 7, chị xin phép mẹ để cùng bạn bè xung phong phục vụ thương binh, mong được ra tiền tuyến, góp sức chia lửa cùng ba chị đang chiến đấu ở chiến trường B. Được chấp thuận vào viện quân y 112 làm nhiệm vụ của một hộ lý. Bệnh viện 112 thu dung điều trị thương binh, bệnh binh từ Đoàn 559, mặt trận B3, B4 và cả nhân dân. Là bệnh viện tuyến đầu của miền Bắc nên lưu lượng thương, bệnh binh vô cùng lớn, và ngày càng tăng. Năm 1971 thương binh về có thời điểm 4.000/ca/ngày, đa phần rất nặng. Chị ở khoa nội truyền nhiễm, nói là khoa nội nhưng cũng như khoa ngoại đều phải tiếp nhận và cứu chữa thương binh. Làm nhiệm vụ của hộ lý được hai tháng, chị được cử học lớp y tá, tốt nghiệp được điều về khoa ngoại.


 


Bà Lê Thị Vân dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ


2.  Ký ức bi hùng, kỉ niệm sâu sắc của chiến sĩ quân y viện 112

          Từ năm 1971, để đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ, Viện 112 phát động phong trào thi đua: “Tất cả vì thương binh thân yêu”, “Mỗi người làm việc bằng hai”... Bác sĩ, nhân viên làm việc 24/24 giờ quên ăn, quên ngủ. Bất kể thời gian nào, cứ có thương, bệnh binh là tiếp nhận, tải thương, cứu chữa… Có nhiều hôm kiệt sức lã đi, vừa tỉnh là tiếp tục công việc. Không hiểu sao lúc đó tinh thần làm việc của mọi người lại cao đến thế? Làm việc quên hết mọi thứ, chỉ khi xong nhiệm vụ rồi là thiếp đi, có lệnh là bùng dậy đi ngay. Làm không kịp ăn, đến bữa cầm được bát là đứng và lấy và để, bỏ đũa xuống là đi. Khi thương binh ít khiêng bằng cáng, nhiều thì cõng. Chị chỉ 38 kg nhưng cõng thương binh trên 50 kg, băng băng dưới mưa bom, bão đạn địch. Đa số thương binh về đến viện 112 vết thương đã nhiễm trùng vì không có thuốc chữa. Nhiều thương binh vết thương sinh giòi, mủ xanh, mủ vàng, nằm bất động. Các bác sĩ, y sĩ của bệnh viện giỏi và rất nhiệt thành, số đông thương binh được phẩu thuật, chữa khỏi tiếp tục chiến đấu, số chuyển ra Bắc an toàn, thương bệnh binh mất ở bệnh viện không nhiều chủ yếu là nhiễm trùng uốn ván, sốt ác tính. Chị Vân kể: Lúc cao điểm thì lo cho thương binh, tình hình tạm ổn, máy bay không bắn phá thì vừa điều trị vừa xây dựng công sự. Kêu gọi dân công hỏa tuyến Quảng Ninh, Lệ Thủy ủng hộ vật chất cây, ván, dụng cụ và cả công sức cùng bộ đội làm lán trại, làm hầm điều trị sâu dưới đất bảo đảm sức chứa hàng nghìn thương binh an toàn. Lúc đó, thiếu thốn trăm bề, chi viện miền Bắc chưa kịp, nguồn từ trong dân ngày càng khan hiếm. Bệnh viện kêu gọi phát huy sáng kiến, tăng năng suất hiệu quả công tác. Xe tải thương từ chở 3 thương binh nằm trên cáng, thay bằng cát đổ lên thùng xe trải bạt, mỗi xe chở được 7 thương binh, mượn thuyền dân vận chuyển để giảm xóc. Nhiều sáng kiến pha chế thuốc, nước rửa vết thương, tận dụng tối đa việc tái sử dụng lại các y cụ như: mài lại kim, luộc ống tiêm, giặt băng, gạc… để tái sử dụng nhiều lần. Tổ chức lắp đặt hệ thống dẫn nước từ hồ Cẩm Ly về phục vụ cho sinh hoạt toàn viện…

          Đầu năm 1972, thương binh về quá nhiều, bác sĩ theo ca mổ không có giờ nghỉ: Bác sĩ Hồ Sĩ Tiệp, bác sĩ Bột, y sĩ Thịnh... Nhiều nữ y tá, cứu thương đang trong ngày hành kinh nhưng vẫn đi tải thương, có chị băng huyết nhưng vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ. Chạy bom, chạy đạn như cơm bữa, ngủ vắt búng vào hút máu no tròn to bằng ngón chân cái. Sốt rét tóc rụng rồi mọc, mọc rồi rụng, chải đầu tóc ra cả nắm, trên đầu còn vài cọng lơ thơ, toàn là chấy. Tôi rợn cả tóc gáy, trong đầu liên tưởng đến lời bài hát: “Đẹp lắm chứ? Anh hùng Lắm chứ? Sáng ngời lên những cô gái Việt Nam…” thật là “Anh hùng lắm chứ!”.

          Chị kể: - Thương cho mấy anh miền Bắc ghé binh trạm được nghe tiếng, thấy bóng dáng nữ “Giải phóng quân” họ vui mừng ra mặt. Cứ muốn tỏ ra ta đây là lính cựu nhưng khi được hỏi thì mặt đỏ gay, ngọng nghịu không nói được nên lời. Đi được thời gian lại viết thư ngỏ lời yêu thương, thế mới thương. Chị có cả ba lô thư của bộ đội từ các chiến trường gửi về, sau giải phóng thất lạc đâu hết, tiếc quá. Các anh bộ đội đa phần là sinh viên miền Bắc viết thư rất hay. Thư viết về sự khốc liệt của chiến trường, gian khổ hi sinh của nữ quân y, những thương yêu mãnh liệt, sự khát khao hòa bình cháy bỏng… bằng những ngôn từ như có cánh với cách nhìn thật tinh tế, rất lạc quan…

          Thế rồi, những ngày hừng hực khí thế của giải phóng, tin chiến thắng vang dội khắp đó đây. Đêm đêm, từng đoàn xe quân sự nối đuôi nhau chi viện cho chiến trường, rộn ràng, sáng rực cả tuyến đường Trường Sơn, cả miền Nam. Tiếng chào nhau, lời hẹn ngày chiến thắng nhiều hơn, gần hơn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, kết thúc 21 năm trường kỳ chiến đấu gian khổ. Cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chung. Nhiệm vụ kết thúc các chị đạt được ước mơ nhỏ bé “Hòa bình về với mẹ!”, các chị về với đời thường, những cô ba anh dũng, chị hai anh hùng trở thành những người con, người vợ, người mẹ trên trận tuyến mới.



                                                          Bà Lê Thị Vân và cháu ngoại


3. Sáng mãi truyền thống “Bộ đội Trường Sơn”, “Bộ đội Cụ Hồ”


Sau giải phóng, chị Vân về công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên cho đến ngày về hưu. Ở cương vị nào chị cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người đảng viên của Đảng, tô đẹp truyền hống anh hùng “Bộ đội Trường sơn”. Chị tích cực tham gia các phong trào của hội cựu chiến binh, hội truyền thống “Đường Hồ Chí Minh”. Đặc biệt từ khi Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn được thành lập năm 2016, với vai trò là trưởng ban, chị đã có nhiều nổ lực góp phần xây dựng hội hoạt động hiệu quả, chị là trung tâm đoàn kết thu hút được nhiều chị em tham gia. Năm 2016 có 36 hội viên, nay 91 hội viên. Mới được thành lập nhưng chị đã cùng ban liên lạc nhanh chóng quyên góp xây dựng quỹ vốn, vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng được ba ngôi nhà tình nghĩa tặng cho ba chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Chị Bùi Thị Bông, thôn Bàn Nham Nam, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa, nhà 70 triệu đồng. Chị Đàm Thị Cầu, khu phố 9, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, nhà 40 triệu đồng. Chị Lê Thị Lý, thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, nhà 45 triệu đồng. Thăm và tặng 38 suất quà trị giá 14 triệu đồng cho hội viên gặp khó khăn, tặng quà cho chiến sĩ tân binh 1,7 triệu đồng. Hướng tới kỉ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn tổ chức đêm văn nghệ quần chúng chủ đề “Âm vang Trường Sơn”, xin kinh phí tổ chức cho nữ chiến sĩ Trường Sơn về thăm chiến trường xưa… để lại nhiều cảm xúc sâu sắc. Giúp đỡ chị em ở vùng sâu vùng xa mượn vốn, hỗ trợ giống, kinh nghiệm sản xuất, tinh thần vượt khó “Bộ đội Trường Sơn” làm kinh tế xây dựng cuộc sống. Duy trì nề nếp việc thắp nến tri ân, viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn của dân tộc. Chị Bùi Thị Mão, hội viên nữ chiến sĩ “Bộ đội Trường Sơn” Phú Yên, nhận xét: “Chị Vân nữ chiến sĩ Trường sơn có tinh thần đồng đội rất cao, nhiệt tình chăm lo đến đời sống của hội viên, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Tự nguyện hi sinh việc nhà, cả kinh phí gia đình để lo công việc chung, vận động chị em đoàn kết thương yêu nhau xây dựng hội”. Chị em trong hội nữ chiến sĩ Trường Sơn Phú Yên chủ yếu từ miền Bắc di cư vào làm ăn ở các xã miền núi xa xôi, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhưng được động viên, quan tâm nên chị em trong hội yên tâm, chủ động chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình, tham gia phong trào cách mạng ở địa phương. Việc làm không lớn nhưng ý nghĩa lớn, việc làm thầm lặng nhưng không phải ai cũng dám hi sinh và làm được. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường 8, thành phố Tuy Hòa nhận xét: “Bác Lê Thị Vân, một cựu chiến binh gương mẫu, luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, tích cực hoạt động thiện nguyện, luôn tỏa sáng hình ảnh phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” để thế hệ hôm nay học tập./.

                                                                                              Nguyễn Bá Thuyết




Tác giả: Nguyễn Bá Thuyết
(Sinh ngày 27/9/1963.Thường trú: 67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên.Bộ đội nghỉ hưu, Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên.ĐT: 0944 258 548.Gmail: thuyetminh63@gmail.com)

tin tức liên quan