Trường Sơn -ký ức thời trai trẻ, bài dự thi của PHạm Văn Hùng

Ngày đăng: 02:00 15/10/2018 Lượt xem: 627

  Bài dự thi “ HÀO KHÍ TRƯỜNG SƠN”
 



                         TRƯỜNG SƠN - KÝ ỨC THỜI TRAI TRẺ


                                                                    Phạm Văn Hùng
                                Chủ tịch Hội TTTS - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
                                           

Thấm thoát đã hơn 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã thành công vang dội. Với những ai đã từng đi qua chiến tranh, những ai đã từngđọc, nghe và viết về cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ ấy, đều thấm đượm trong tim hình ảnh một con đường: Với hơn 2 vạn người cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi bạt ngàn; hơn 3 vạn người bị thương trở về nhà không còn nguyên vẹn….Đường Trường Sơn - Hồ Chí  Minh đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một huyền thoại, một kỳ tích của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm. Một con đường thể hiện khí phách anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Và tôi, người may mắn được tham gia vào cuộc kháng chiến ấy, cũng là một trong những người may mắn được trở về. Sợ hãi, buồn vui, đau thương, mất mát đã trở thành những kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi và bao đồng đội khác ở Trường Sơn ngày nào. Ký ức về một thời trai trẻ vẫn còn đó, vẹn nguyên. Một ký ức - không thể nào quên.

Ngày 15/2/1965, hơn 16 tuổi, tạm biệt gia đình, thầy cô, bạn bè và quê hương Thái Bình yêu dấu, tôi cùng 14 anh em trong xã tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Sau 3 tháng huấn luyện, chúng tôi được biên chế về đại đội 23 - Bộ tư lệnh Công binh, bổ sung cho chiến trường Trường Sơn. Mỗi chúng tôi được nhận 2 bộ bà ba màu đen, 2 bộ Pha Thét Lào cùng khí tài, máy đẩy, các khoang thuyền lên đường ra trận.Với khí thế hừng hực của tuổi thanh xuân, chẳng bao lâu, chúng tôi đã qua Cổng trời, đến ngã ba Lằng Khằng.Tại đây, tôi được chứng kiến một chiến công oai hùng của đại đội pháo cao xạ 37 của đồng chí Nguyễn Viết Xuân: Bắn hạ được máy bay F4H của Mỹ. Nhiều đồng chí đã hy sinh và bị thương. Đồng chí Nguyễn Viết Xuân bị thương nặng. Trong lúc cánh tay bị dập nát vẫn cắn răng chịu đựng. Anh nhờ đồng đội lấy dao cắt một phần còn dính vào cơ thể, đứng thẳng hô vang “ Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Câu nói ấy, hình ảnh ngoan cường ấy cứ khắc sâu mãi trong tâm trí chúng tôi, khích lệ tôi luôn cầm chắc tay súng, dũng cảm đương đầu với mọi hiểm nguy trên chiến trường.

Đại đội 23 chúng tôi có 4 trung đội rải quân từ ngầm Thà Khống nằm trên đường số 9. Cầu đã bị bom Mỹ phá sập. Trung đội anh Thuấn  được bổ sung và ở lại đây bảo đảm vượt sông cho các phương tiện vào chiến trường. Thà Khống ác liệt lắm, vì thế nên lính ta làm thơ rằng “ Em ơi hãy lấy chồng đi/ Anh qua Thà Khống mong chi ngày về”.

Trung đội tôi ở lại Thà Khống khoảng 10 ngày thì được lệnh đi tiếp vào trong. Qua Sê Con đến Sê Công (sông Bạc) vào đầu mùa khô năm 1966. Ngày đầu tiên bắc phà đưa xe qua sông, một đống chí đã hy sinh. Đó là anh Nông Văn Dìn, anh bị ngã xuống dòng Sông Bạc trong giá lạnh và mãi mãi không trở về. Bốn ngày sau, chúng tôi mới tìm được anh ở phía hạ lưu, cách bến phà gần 500 m, thi hài anh được an táng tại đầu bến ngầm B.Thế nhưng, ngay sau đó, bom Mỹ đã cày lên làm baymất mộ, không tìm được nữa. Mọi người đau đớn, xót xa.

Cùng với anh Tuyên, anh Hánh lính 63, anh Vy lính 64, tôi lính 65 phụ trách 2 khẩu 12 ly 7 hiệp đồng cùng trận địa pháo 37 ở phía  nam Sông Bạc để đánh trả máy bay Mỹ. Trong trận đầu mùa khô năm 1967, tiểu đội chúng tôi bắn được 1 chiếc máy bay F4H. Bốn chúng tôi được thưởng mỗi người 1 cân đường và 1 hộp sữa bột, được đón mấy đồng chí văn nghệ xung kích lên biểu diễn. Niềm vui đánh thắng kẻ thù như được nhân lên gấp bội.

Chiến công nối tiếp chiến công, ở phía bờ nam, đơn vị 37 ly bắn cháy tại chỗ chiếc A.D6 khi chúng đánh bom xuống bến. Máy bay cháy nhưng không thấy phi công nhảy ra. Chúng tôi đoán già đoán non là phi công chết trong buồng lái. Nhưng sự thật không phải như thế, hai tên phi công đã bị xích chân vào ghế bay buộc chúng phải liều chết. Thử hỏi?Tinh thần như thế thì làm sao mà thắng nổi “ Bộ đội Cụ Hồ”.

Rời khẩu đội 12 ly 7, tôi được giao nhiệm vụ trinh sát đếm bom, phá bom trong khu vực ngầm C. Tổ trinh sát có tôi và anh Bùi Văn Bài cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày. Trong một tháng, máy bay Mỹ thả rất nhiều các loại bom: bom bi, bom bướm, bom nổ chậm, bom từ trường, nhằm ngăn chặn tuyến đường huyết mạch của ta. Cứ chạy xe qua là bom nổ ngay, làm cho lính lái xe, công binh và cả trinh sát phá bom chúng tôi vô cùng lúng túng. Chỉ đến khi có cán bộ kỹ thuật Phòng Công binh xuống hướng dẫn cách phá bom từ trường phà mới thông, đường không còn bị tắc nữa. Xe lại bon bon chở hàng hóa, vũ khí vào chiến trường. Thế là tại đây, tôi và anh Bài đã phá gần 200 quả bom từ trường từ sau mùa khô năm 1967, 1968.

Sau đó, tôi và anh Bài lại được điều về làm trinh Sát phá bom tại ngầm B, nơi có bản Bạc Nội. Một hôm, máy bay thả pháo sáng ném bom từ tối đến sáng. Chúng tôi cố thủ ở hầm chữ A gốc cây sung đầu bến. Bom đánh nhiều đến nỗi mất liên lạc với đài quan sát của khẩu đội 12ly7 do anh Tuyên, anh Hánh, anh Vi, anh Qua phụ trách. Khoảng 1gio 30, một quả bom phát quang đánh trúng phần đuôi nơi gốc cây sung. Sức ép của bom đã làm chúng tôi ho sặc sụa, ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy khói bom vẫn bao quanh hầm, ngực như có vật gì chèn ép khó tả. Hai anh em bò ra  hít thở, lấy lại sức tiếp tục kiểm tra khí tài vượt sông giấu ở gần đó đặng báo cáo về đơn vị. Song do đường dây hữu tuyến bị cắt đứt nên chúng tôi không báo cáo được. Khi bom nổ, trên đài quan sát, ánh sáng lóe lên khiến các anh thấy rõ căn hầm tôi và anh Bài trú ẩn  còn trơ khung gỗ. Do không liên lạc được với chúng tôi, các anh báo về đơn vị cho y tá cùng anh em mang võng đi ứng cứu. Nhưng do vướng bom bi, vừa đi vừa phá bom  nên đến sáng các anh mới tới nơi. Chạy lại gần hầm, các anh sửng sốt kêu gọi thất thanh mà không thấy ai thưa. Lúc bấy giờ, tôi và anh Bài đang chèo thuyền vớt cá ngoài sông Bạc. Gặp nhau, anh em mừng mừng tủi tủi, ôm chầm lấy nhau không nói nên lời. Anh y tá nói “ tưởng các anh đã chết”, nhưng may mắn đêm đó, cả đơn vị an toàn tuyệt đối và còn vớt được bao nhiêu là cá do bom Mỹ hiến tặng.

    Có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi. Mùa mưa năm ấy, tôi cùng anh Hánh đem muối vào bản Bạc Nọi đổi lấy gạo, sắn, ngô về ăn dè phòng khi lương thực chưa vào được. Đi bộ từ sáng sớm đến xế chiều mới vào được nhà trưởng bản. Tối đó, chúng tôi được bà con trong bản mỗi người một thứ ai có gì thì mang đến thết khách “Tà Hán Việt Nam”. Tối đó, chúng tôi được trưởng bản xếp ngủ ở góc tốt nhất nhà sàn.Vì đi đường mệt, lại được ăn bữa cơm no, hai anh em lăn ra ngủ. Nửa đêm trời lạnh, tôi thức giấc. Em Lụt, em Sa con của trưởng bản nằm bên cạnh nhìn sang.Tôi hồi hộp, xốn xang, cái cảm giác của người lính trên Trường Sơn khi bất ngờ thấy người con gái ra sao, nó động viên người lính như thế nào, chỉ có người lính mới hiểu. Lý trí mách bảo tôi “ đừng có mà léng phéng”.Trái tim tôi nhắc nhở mình “ vì cuộc sống bình yên của họ, hãy làm tốt nhiệm vụ người lính” Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở về đơn vị với gạo nếp, sắn, ngô và có cả vài con gà nữa.

    Sáng ngày 22/12/1968, tôi và anh Bài vác súng đi kiểm tra ngầm B, hướng dẫn cho bộ binh vượt ngầm sang bờ nam sông Bạc. Vừa xuống ngầm được mươi mét anh Bài phát hiện phía thượng lưu có con nai đang uống nước. Anh Bài giơ tayra lệnh, tôi cũng ra lệnh theo. Anh em bộ binh tưởng có biệt kích nên nhanh chóng lấy súng lên đạn lách cách. Rồi, tiếng AKcủa anh Bài nổ, anh em nằm rạp xuống mặt nước, ba lô quần áo ướt sũng. Song không thấy súng nổ tiếp nữa, anh em hỏi tôi “ Có gì mà bắn đấy?”. Lúc ấy anh Bài nói to “Tôi hạ được con nai to lắm, anh em kéo lên bờ và mang dao găm mà cắt thịt, ai lấy bao nhiêu thì lấy”. Bữa ấy cả đại đội bộ binh đi qua và C39 của tôi có thực phẩm ra trò mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Suốt 4 năm sống ở ngầm đá Bạc, việc phá bom đã rèn luyện cho tôi tinh thần dũng cảm và gan dạ.Tôi được chi bộ tin tưởng và giao cho anh Tăng Văn Bình, lính 64, người Nghệ An theo dõi giúp đỡ, hướng dẫn viết lý lịch để chi bộ kết nạp Đảng. Đúng ngày 19/5/1969, tại trận địa này, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng.

  Mấy ngày sau, tôi được cử đi học lái máy ủi về làm đường, san lấp hố bom. Đêm 25/5 vừa đi được vài km từ ngầm B thì bị máy bay “ Bóng Ma”AC 130 phát hiện. Chúng nã đạn 23 ly làm cháy xe.Tôi và lái xe bị thương. Phụ xe hy sinh trên đường đến trạm xá binh trạm.Thật day dứt là chúng tôi còn chưa kịp hỏi tên nhau.

 Nóng ruột vô cùng, rồi 20 ngày điều trị vết thương ở trạm xá binh trạm 35cũng qua đi.Tôi được về D963 đoán 967 học sửa chữa ô tô. Kết thúc khoá học 6 tháng, tôi  được bổ sung về Q300. Đây là xưởng đại tu ô tô của đoàn 559 đóng tại đường Coong Le. Hàng đêm, chúng tôi sửa chữa, kích kéo những xe hư hỏng hoặc sa lầy. Gần 5 năm ở Q300, chúng tôi có 2 lần phải đem cả xưởng về Tân Kỳ và Nghĩa Đàn để vừa làm, vừa học, vừa chỉnh quân vì ở chiến trường thiếu thốn lương thực, thực phẩm, vả lại ra ngoài này thì cũng đỡ  một phần cho anh em ở lại.

 Hiện ở Vũng Tàu có tôi và anh Nguyễn Văn Nhiều cùng đơn vị, Bốn - người Nghệ An ở lại Đông Hà Quảng Trị. Đa phần, anh em Q 300 là người Hà Nội. Cứ những năm chẵn là anh em tổ chức gặp nhau tại Hà Nội. Mỗi  dịp như thế, những câu chuyện về một thời  trai trẻ với những cống hiến và hy sinh có dịp được ôn lại. Câu chuyện trở nên bùi ngùi,  xúc động khi những người Cựu chiến binh “gặp lại nhau đây, ai còn ai mất?...”.Trên chiến trường năm xưa, dễ gì mà khóc.Vậy mà giờ đây, nước mắt tuôn trào vì nhắc đến những đồng đội đã hy sinh ngay trước mắt mình. Còn nữa, những đồng đội bị hành hạ đau đớn bởi những căn bệnh quái ác mà thủ phạm là chất độc da cam Dyoxin do quân đội Mỹ rải xuống Trường Sơn. Một số thì hy sinh khi làm nhiệm vụ ở km 24 đường 20 Quyết thắng. Khi những trận chiến cuối cùng kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đơn vị tôi có anh Cơ - Hà Tây, anh Bích - Thanh Hoá và em Nội, anh Đài là thanh niên xung phong cùng xã tôi đã hy sinh trong trận ném bom của Mỹ vào nơi trú quân…

    Cứ như thế, khắc khoải, nhớ nhung, hoài niệm về một thời  tuổi trẻ  được sống và chiến  đấu vì lý tưởng cao đẹp, được đóng góp một phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được sát cánh bên những đồng đội thân thương, được chung vui niềm vinh dự và tự hào của bộ đội Trường Sơn.

    Mong gặp lại những đồng đội năm xưa, những anh em thuộc C39 và Q 300 ngày nào là ước nguyện từng ngày trong tâm trí tôi. Câu chuyện của tôi đến được với mọi người là một vinh hạnh, tôi hy vọng một cầu nối huyền thoại sớm giúp chúng ta gặp lại nhau.Và xin mượn trang giấy này, tôi cầu chúc tất cả BÌNH AN.

                                                                                                                     Vũng Tàu tháng 10 năm 2018
        



 Phạm Văn Hùng, số 91 Huỳnh Khương An - Phường 3 - TP Vũng Tàu -Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
 Điện thoại: 0906. 376. 295. Hoặc 02543. 531. 616. Phamhung531616@gmail.com
 
 
tin tức liên quan