Keo sơn tình đồng đội,dự thi của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 07:44 18/10/2018 Lượt xem: 963
Bài dự thi Hào khí Trường Sơn
 

                                                     KEO SƠN TÌNH ĐỒNG ĐỘI
      
                                                                               Ký sự của  Nguyễn Bá Thuyết 

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đã kết thúc hơn 43 năm; nhiều người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hi sinh; linh hồn của họ trở nên bất tử hóa thành hào khí non sông, thịt xương của họ hòa vào lòng đất mẹ vun đắp cho cuộc sống thêm phồn vinh. Những người may mắn sống sót trở về với đời thường đầy biến động, họ luôn đau đáu về một thời chiến đấu oai hùng, bi thương; hướng lòng mình về những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến hào. Những tình cảm máu thịt đã hối thúc họ không toan tính công lao, tiền bạc; chắt bóp một phần thu nhập, dành dụm từng món quà con cháu cho, chi tiêu tằn tiện, nhón thời gian tuổi cuối đời để chăm lo cho những người anh em, đồng bào một thời sống chết bên nhau. Họ lặn lội ra Bắc, vào Nam, về khắp miền rừng núi để tìm hài cốt, kết nối thông tin, xây mộ liệt sĩ, giúp đỡ những gia cảnh khó khăn... Tiếp nối truyền thống đạo đức cao cả, đẹp đẽ của con người Việt Nam. Hôm nay, xin được giới thiệu một con người, một cựu chiến binh (CCB) như thế, ông là Phạm Trung Mạo, thường trú C1/23, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh.

1. KEO SƠN TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Có được số điện thoại, tôi gọi và xin được gặp ông. Như đã hẹn, xuống bến xe miền Đông lúc 4.30 ngày 15/9/2018 (thứ bảy), còn sớm tôi khoác ba lô dọc phố Đinh Bộ Lĩnh tìm chỗ uống cà phê chờ thời gian trôi. 7 giờ 20 tôi gọi. Ông hỏi: Em đang ở đâu?  Dạ, ở đường Đinh Bộ Lĩnh! Em cứ ở đó sẽ có xe đến đón! Xe đưa tôi đến 25 Phan Đăng Lưu. Mở cửa thấy người đàn ông khoảng ngoài 70 tuổi, dáng khỏe mạnh, hiền lành. Chắc chắn đó là ông rồi! Tôi quay lại tính tiền nhưng tài xế cho biết đã được ông thanh toán từ trước. Ông nói: Mình là Phạm Trung Mạo và anh ôm lấy tôi như người thân thiết từ lâu, dẫn tôi lên thang máy... Giới thiệu đây là nhà người bạn, cũng là CCB, 73 tuổi. Khi tôi đến đã khá đông, tôi nhìn bao quát một lượt để nhận diện từng người lần đầu quen biết. Đánh giá nhanh họ đều rất vui vẻ, mến khách. Họ là CCB, lớp đàn anh, lớp thanh niên, sinh viên xếp bút nghiên tham gia chiến đấu chống Mỹ, cùng thời với Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Lê Bá Dương... Họ đứng dậy chào hỏi, bắt tay rất thân thiện, nhiệt tình "đậm chất lính"

Về lai lịch ông Phạm Trung Mạo, sinh năm 1947, tại xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, Tỉnh Hải Dương; nhập ngũ tháng 6/1965; vào Nam chiến đấu tháng 2/1966. Với gần 10 năm ở chiến trường miền Nam, ông đã tham gia nhiều trận đấu ác liệt, luôn là người lính có tinh thần “dũng cảm ngoan cường, mưu trí tiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Từ chiến sĩ binh nhì phấn đấu thành người chính trị viên tiểu đoàn Tiểu đoàn 7 (Tiểu đoàn 11) đặc công, Trung đoàn 10 (ngô Quyền). Ông đã cùng Tiểu đoàn lập nên nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân; cá nhân ông Phạm Trung Mạo được tặng thưởng: 5 Huân chương chiến công (1 hạng Nhì, 4 hạng Ba), 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhì, 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang, 4 Huy hiệu dũng sĩ diệt Mĩ, 1 Huy hiệu dũng sĩ diệt xe cơ giới, 1 Huy hiệu dũng sĩ quyết thắng, 5 năm liền chiến sĩ thi đua, 15 bằng khen và nhiều phần thưởng khác.

Tháng 6/1986, ông về hưu với cấp hàm thiếu tá, thương binh 2/4, thương tật 67%, nhiễm chất đọc da cam. Ông sinh ba người con, ảnh hưởng chất độc chiến tranh nên chỉ nuôi được một con trai, nay đã có gia đình riêng. Sau khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục lao động để góp phần nâng cao cuộc sống gia đình; tích cực kết nối thông tin, tìm mộ liệt sĩ, giúp đỡ đồng đội, thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn. Là một người ít nói, thích hành động thực tiễn, có tư duy tình cảm sâu sắc. Ông đã làm tất cả những gì có thể để xây lên một mái Nhà bia tâm linh dành cho gần 200 đồng đội Tiểu đoàn 11 hi sinh trong trận  Mỹ Thành, tỉnh Phú Yên.

2. BI TRÁNG MỸ THÀNH - BẢN HÙNG CA BẤT TỬ

Nghiên cứu từ nhiều tư liệu: Lịch sử Phú Yên, lịch sử trung đoàn 10 (Ngô Quyền), các bài viết của nhiều tác giả đăng trên các báo, tạp chí, kể cả nhật ký, tham khảo ý kiến của các ông Vũ Tiến Vinh, Tiêu Anh Thẻ, Nguyễn Văn Ngọc là những nhân chứng trực tiếp tham gia trận chiến đấu của tiểu đoàn 11, trung đoàn Ngô Quyền tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng đầu tháng 4/1968 và trực tiếp nghe ông Mạo kể; kết nối, kiểm chứng các thông tin cho thấy trận chiến đấu ấy đã diễn ra vô cùng oanh liệt, như một khúc tráng ca bất tử.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, 1968 trên toàn miền Nam nói chung và chiến trường Phú Yên nói riêng diễn ra từ đêm 31/1/1968, (Giao thừa, Tết Mậu Thân), quân và dân ta đã đồng loạt tiến công vào tất cả các tỉnh lị, trung tâm đầu não của Mỹ - Ngụy ở miền Nam. Tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm chủ một số thành phố, tỉnh đường trong thời gian khá dài. Bị đánh đòn chí mạng, đầu tháng 3/1968 địch điên cuồng phản kháng khắp các chiến trường Quảng Trị, Huế, Sài Gòn - Gia Định... Chúng tập trung lực lượng đánh phá hòng tiêu diệt các trung tâm đầu não kháng chiến của ta, nguy hiểm nhất là chúng đầu độc nguồn nước các sông, suối hòng triệt đường sinh sống của quân giải phóng.

Để "chia lửa chiến trường", ta đẩy mạnh hoạt động ở đồng bằng, thành phố nhằm phân tán tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, buộc chúng phải chuyển hướng về đồng bằng và đô thị đối phó. Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Ngô Quyền sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch tại đèo Cù Mông chia cắt địch giữa (Phú Yên - Bình Định).  Đầu tháng 3/1968, Tiểu đoàn 11 rút về vùng núi Sơn Hòa, Phú Yên bổ sung lực lượng từ miền Bắc vào và được tăng cường hỏa lực; quân số hơn 200 tay súng, do đồng chí Trần Minh Hộ tiểu đoàn trưởng, đồng chí Phan Ly chính trị viên chỉ huy. Có nhiệm vụ vận động tiêu diệt địch nống lấn dành dân, dành đất ở khu vực Tuy Hòa. Đêm 03/4/1968, tại Sơn Hòa, Tiểu đoàn làm lễ Tuyên thệ trước cờ Tổ quốc: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", thề chiến đấu anh dũng tiêu diệt địch bảo vệ vùng giải phóng Phú Yên. Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị Tiểu đoàn theo bờ sông Ba, hướng Tuy Hòa truy giặc. Suốt đêm 04/4 quyết tâm tìm diệt nhưng không gặp địch. Gần sáng ngày 05/4/1968, không thể tiếp tục hành quân, Tiểu đoàn tạm dừng lâm thời chuyển vào phòng ngự tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng. Nhân dân, chính quyền địa phương thấy bộ đội về rất phấn khởi, mang bánh trái mời bộ đội ăn, mang dụng cụ ra giúp bộ đội xây dựng công sự. Xã Hòa Thắng, cách thị xã Tuy Hòa khoảng 6 km về phía tây, có trục đường số 7 (quốc lộ 25) chạy qua; đây là khu vực có những làng nhỏ, người dân có tinh thần cách mạng rất cao, có lực lượng dân quân chiến đấu, dẫn đường. Quanh làng có nhiều lũy tre gai, có con kênh nhỏ xuyên qua, bên những mái nhà dân đơn sơ, giữa cánh đồng đan xen những khu gò hoang và nghĩa địa nhỏ. Địa hình không có nhiều thuận lợi cho một tiểu đoàn tăng cường lâm thời phòng ngự.

Sáng ngày 5/4/1968 địch đánh hơi biết chủ lực của ta đang ở làng Mỹ Thành. Chúng điều động Trung đoàn 47 Ngụy, Trung đoàn 28 sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), Lữ đoàn dù 173 Mỹ đến bao vây. Vừa bao vây, vừa bắc loa kêu gọi nhân dân rời khu vực chiến sự để chúng "tiêu diệt bọn giặc cộng sản", kêu gọi "các bạn thanh niên miền Bắc hạ súng đầu hàng, để hưởng lượng khoan hồng chánh nghĩa quốc gia". Mặc cho chúng rêu rao, nhân dân vẫn muốn cùng bộ đội chung chiến hào chiến đấu. Được cán bộ, chiến sĩ ta động viên, hướng dẫn bà con mới chịu rời làng. Sau nhiều giờ kêu gọi không thành, chúng gọi pháo từ hạm đội 7, núi Nhạn, gò Đá trút đạn xuống làng Mỹ Thành; dùng máy bay ném bom chà xát nhằm tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 11. Quân ta đào hầm sâu trong các lũy tre, gốc cây to, bờ mương dấu kín lực lượng. Sau hơn hai giờ dùng hỏa lực, máy bay đánh phá, địch tiến công nhiều mũi, nhiều hướng, nhiều tầng lớp vào trận địa ta. Tiểu đoàn 11 chỉ huy hỏa lực, bộ binh bình tĩnh chờ địch vào đúng tầm bắn hiệu quả nổ súng, diệt địch ngay loạt đạn đầu. Xe tăng, xe bọc thép M113 của địch ngùn ngụt cháy; súng máy 12,7 ly bắn cháy 2 máy bay, hạ nòng cùng DKZ, cối 82 và bộ binh tiêu diệt địch. Cán bộ các cấp của Tiểu đoàn bám sát trận địa chỉ huy, động viên bộ đội chiến đấu dũng mãnh. Sau nhiều giờ quần lộn, mặc dù quân số địch áp đảo gấp hơn ta đến 20 lần, có xe tăng, bọc thép và hỏa lực chi viện nhưng đã bị Tiểu đoàn 11 đã bẻ gãy mọi đợt tiến công. "Lúc 17 giờ ngày 05/4, ta vẫn giữ vững trận địa, ban chỉ tiểu đoàn còn đầy đủ; tuy nhiên, bộ đội hi sinh hơn một nửa, nhiều đồng chí bị thương, đạn các loại chỉ còn khoảng 1/3 cơ số, nhưng tinh thần chiến đấu vẫn rất cao", ông Vũ Tiến Vinh kể.

Tiến công không thành, địch cho lui quân; gọi pháo, máy bay tiếp tục bắn phá, cày xới hủy diệt làng Mỹ Thành. Bom đạn địch chà đi, xới lại gần như san phẳng mọi thứ có trên mặt đất. Từ cành cây, ngọn cỏ, bờ tre không ở đâu, không một tấc đất Mỹ Thành không có dấu vết đạn bom. Khoảng nửa đêm 5/4, Tiểu đoàn 11 tổ chức mở đường máu 2 lần ra hai hướng nhưng bất thành, Tiểu đoàn trưởng hi sinh, Chính trị viên bị thương nặng. Lúc 3 giờ sáng ngày 06/4, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Quách Tá Ngọc một lần nữa chỉ huy mở đường máu ra hướng sông Ba nhưng vẫn không thành, đồng chí Quánh Tá Ngọc hi sinh. Lúc này, người có kinh nghiệm nhất trong chiến đấu còn lại là y tá Vũ Tiến Vinh, bằng kinh nghiệm của mình ông hướng dẫn cho anh em nhanh chóng rời trung tâm trận địa, ra rìa làng để hạn chế tổn thất. Rạng sáng ngày 06/4, Tiểu đoàn 11 hi sinh gần hết; số còn lại đa phần bị thương, phân tán ẩn nấp khắp nơi. Hơn 10 đồng chí được một cán bộ địa phương dẫn về chùa Tây Long, Mỹ Hòa (chùa Thầy Mười) dấu trong hầm bí mật. Trong đó có đồng chí Phạm Trung Mạo. Đồng chí Lê Hồng Phiếm, người Hà Tĩnh bị lòi ruột, trong vòng tay đồng chí Mạo, trước lúc trút hơi thở cuối cùng đồng chí Phiếm còn dặn: "Mạo ơi! Có chỉ vàng trong túi quần của anh, mày đem cất đi, mai sau chiến thắng bán mua bò mà khao anh em!", đồng chí Mạo vuốt mắt cho người anh em, lòng nén bao căm thù, uất hận... lúc này hỏa lực địch chuyển bắn cầm canh.

Sáng ngày 06/4, địch vào làng Mỹ Thành sục sạo, chúng bắt được ba cán bộ ta bị thương nặng, hôn mê sâu và chiến sĩ Thoại. Địch tra khảo chiến sĩ Thoại, Thoại trả lời: "Tôi không quen đường mới bị thất lạc, cả tiểu đoàn đã rút về hậu cứ, ở đây không còn ai!". Không khai thác được gì, bọn lính Nam Triều Tiên tức tối dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát vào bụng Thoại, lúc đó một số cán bộ, chiến sĩ của ta ẩn nấp gần đó. Hí hửng với công trạng bắt được bốn tù binh ta nên bọn giặc không lùng sục nữa. Chính trị viên tiểu đoàn Phan Ly, Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Lý Bá Tư, y tá Nguyễn Văn Nghị và chiến sĩ Thoại sau này bị giặc đày ra Côn Đảo giam cầm. Chiều tối ngày 06/4, địch tạm cho lui quân, làng Mỹ Thành tang thương đổ nát, lửa âm ỉ cháy khét, tanh nồng.

Khoảng 2 giờ sáng  07/4, Phạm Trung Mạo chỉ huy 10 chiến sĩ đang ẩn nấp ở chùa Thầy Mười quyết tâm tìm đường máu thoát vòng vây. Ông Mạo kể: "Là chiến sĩ liên lạc nên mình nắm khá rõ địa hình, dẫn anh em ra sát bờ tre, gần chợ Phong Niên, sờ xích xe tăng giặc lạnh ngắt, nhìn rõ từng bao cát công sự địch. Mình hô xung phong! Tất cả bất ngờ đồng loạt ném lựu đạn, nổ súng, bắn cháy một xe M113, diệt nhiều tên địch. Kẹp AK, vọt tiến xé vòng vây, vừa bắn vừa chạy giữa đội hình địch, hết đạn tiếp tục chạy...". Bị bất ngờ bọn địch ngỡ là bị đặc công ta tập kích, chúng bắn loạt xạ, 6 đồng chí của ta trúng đạn hi sinh, đồng chí Mạo và bốn anh em chạy thoát ra bờ sông. Cũng trong thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc tiểu đội trưởng liên-trinh (liên lạc, trinh sát) và đồng chí xã đội phó người Phú Yên, quen thuộc địa hình đã dẫn được 11 anh em luồn lách bụi bờ, bơi qua sông Ba. Ngày 07/4, bọn địch cho trực thăng, xe quân sự bốc phần lớn lực lượng và chuyển những tên chết, bị thương rời khỏi Hòa Thắng. Đêm 07/4, Vũ Tiến Vinh tập hợp số anh em còn sống sót lại lợi dụng đêm tối lần tìm về hậu cứ. Tiểu đoàn 11 vào trận trên 200 đồng chí, thoát  về căn cứ tại Sơn Hòa còn 24 anh em, bị bắt 4, còn lại đã anh dũng hi sinh tại Mỹ Thành. Ngày 08, 09/4, bọn giặc vào làng tìm lại xác của đồng bọn còn sót lại; chúng sai những tên chiêu hồi khiêng xác bộ đội ta dồn về Gò Rừng và Gò Điền, vùi xuống hố bom, đổ xăng thiêu, rồi lấp đất. Chiều 09/4/1968 lính Nam Triều Tiên dựng hai tấm bia tại hai gò đất nơi vùi xác liệt sĩ Tiểu đoàn 11.

Trận chiến đấu Mỹ Thành mãi mãi đi vào tâm trí của người dân Phú Yên như một bản hùng ca bất tử, khắc vào xương cốt những người anh em Tiểu đoàn 11 còn sống sót suốt chiều dài cuộc chiến tranh và mãi đến hôm nay.

3. NHÀ BIA TÂM LINH, TẤM LÒNG ĐỒNG ĐỘI

Trong số 24 anh em còn sống sót, sau này trở thành nòng cốt xây dựng Tiểu đoàn 11, với bề dày thành tích hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân. Nhiều đồng chí phát triển thành cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn như: Dương Công Hàm, Vũ Tiến Vinh, Tiêu Anh Thẻ, Vũ Văn Ngọc, Phạm Trung Mạo... Đến nay, còn sống 7 người, đều đã tuổi "Thất thập cổ lai hi", thương binh, nhiễm chất độc da cam, bệnh tật đủ thứ, chỉ còn ông Vũ Tiến Vinh, Phạm Trung Mạo khá ổn định, tỉnh táo. Biết bao nhiêu lần về Mỹ Thành, Hòa Thắng thăm đồng đội, đốt nén tâm nhang là bấy nhiêu lần Phạm Trung Mạo và những người còn sống khao khát nuôi ước nguyện xây một “Mái nhà bia tưởng niệm”, “chia một phần những thứ mình có được” cho những người anh em một thời nhường cơm, sẻ áo. Ông Mạo tâm sự: "Theo chiến tranh ác liệt, hối hả; Mình không kịp nhớ đồng đội. Hòa bình đã 43 năm rồi, Mình muốn bớt một phần vật chất của mình để xây mái nhà bia như mái lán ngày xưa trong rừng để đồng đội có chốn đi về bên nhau sinh hoạt, đọc thư, hát hò... Đêm đêm Mình thường nằm mơ thấy anh em nằm la liệt khắp nơi, xương cốt tả tơi. Thương anh em nhiều lắm!"

Nhà bia liệt sĩ, tâm linh tại Gò Điền, Mỹ Thành, nơi gần 200 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 hi sinh đã khánh thành trong niềm vui mừng của đồng đội, thân nhân liệt sĩ và nhân dân địa phương. Tuy không cao to, nhưng là sự nổ lực cố gắng không mệt mỏi của nhiều cá nhân CCB Trung đoàn Ngô Quyền,; trong đó, ông Phạm Trung Mạo là người khởi xướng ý tưởng và đóng góp nhiều công lao.

Từ ngày gặp mặt mặt lần đầu tiên (11/6/2014) của CCB Trung đoàn Ngô Quyền chiến đấu tại Phú Yên, ông Mạo đã nuôi ý tưởng xây dựng Nhà bia ở Mỹ Thành, nhưng "lực bất tòng tâm". Cuối năm 2017, theo lời giới thiệu của ông Long Hải, bạn chiến đấu, ông Mạo gặp được anh Nguyễn Đức Phương, quê Bến Tre, con một CCB thời chống Mỹ. Sau khi tìm hiểu anh Khương đồng ý, Khương nói: "Cháu đồng ý cưa đôi, cháu góp 100, chú Mạo 100 triệu nhé!" và được anh Châu Thanh, một CCB tiểu đoàn 11, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, góp 30 triệu đồng. Mừng như bắt được vàng, ông Mạo bàn với Ban Liên lạc Trung đoàn Ngô Quyền, ra Phú Yên gặp đại tá Đặng Phi Thưởng anh hùng LLVT và đại tá Lưu Công Thục là CCB Trung đoàn Ngô Quyền, liên hệ với địa phương xin xây dựng nhà bia. Được sự đồng tình của các bên liên quan, mọi thủ tục nhanh chóng được hoàn thành. Ngày 03/8/2018 công trình khởi công, theo thiết kế dự toán của Ban Doanh trại/ Bộ CHQS tỉnh Phú Yên khả năng phát sinh còn khá lớn, ông Mạo đã gọi điện về nhà dặn con mình sẵn sàng giúp đỡ. Ông Lưu Công Thục được giao nhiệm vụ giám sát thi công, gần một tháng trời ông Thục đã không quản nắng mưa luôn bám sát công trình, sau bao khổ nhọc công trình cũng hoàn thành.

Ngày 31/8/2018, trong không khí phấn khởi, linh thiêng của buổi lễ khánh thành ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã phát biểu: "Tôi rất xúc động khi về đây chứng kiến một công trình tâm linh được khánh thành. Xúc động nhất, đó là bằng tình cảm của những người lính, các CCB đã dành dụm, đóng góp đồng lương ít ỏi của mình cùng xây dựng một công trình có ý nghĩa đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Mậu Thân và cũng là dịp kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Công trình này tuy quy mô không lớn, nhưng ý nghĩa chính trị, ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau rất lớn. Tôi đã giao cho địa phương, các cấp, ngành liên quan sớm xác lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là di tích lịch sử cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia; để nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của địa phương. Sắp tới Hòa Thắng, Phú Hòa sẽ có một điểm du lịch mới và địa chỉ này là trung tâm. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương, tôi rất biết ơn tình cảm chân tình của những người lính, các CCB của Trung đoàn Ngô Quyền đã dành cho Phú Yên công trình tâm linh này”. Có được công trình này, là nhờ những con người hết lòng sẻ chia vì đồng đội như ông Mạo, cháu Khương, anh Châu Thanh, ông Thục, ông Thưởng... Ông Mạo đã có trên 15 chuyến từ thành phố Hồ Chí Minh ra Phú Yên, có nhiều chuyến ra Bắc, vào Nam kết nối thông tin của các liệt sĩ, lo tiền xây dựng, lộ phí, tiền ăn, tiền quà... Nhà ông Mạo như là một trạm khách của Trung đoàn Ngô quyền.
 
Trung tá,  anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Đình Kiền, cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền, hiện sống ở Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết: "Anh Mạo là một người tuyệt vời, trong chiến đấu dũng cảm có nhiều thành tích; thời bình sống trong sáng, có tình thương đồng đội sâu sắc, kể cả người đã mất, người đang sống. Mặc dù nhà không giàu có gì, thương tích đầy mình nhưng đã bỏ nhiều tiền của, công sức để lo phần tâm linh, tìm mộ, xây nhà bia và san sẻ vật chất cho đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ, không hề so đo, mưu lợi. Trong hoàn cảnh hiện nay thật khó có con người như thế, cả gia đình và vợ con ông ấy cũng vậy!". Công trình hoàn thành với tổng chi phí hơn 370 triệu đồng, trong đó ông Phạm Trung Mạo góp vào 150 triệu, anh Nguyễn Đức Phương góp 100 triệu, anh Châu Thanh góp 30 triệu, huyện Phú Hòa hỗ trợ 50 triệu, còn lại là sự hỗ trợ từ tấm lòng của các cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền. Trong số 370 triệu, chi phí trực tiếp xây nhà bia tâm linh 250 triệu, số còn lại hỗ trợ 14 gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh khó khăn... Đến nay (20/9/2018) có hơn 60 gia đình liệt sĩ đã gọi điện, tìm đến nhà ông Mạo, hết lòng cảm ơn các CCB Trung đoàn Ngô Quyền và chính quyền nhân dân địa phương. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã khóc nấc, họ xúc động vì từ nay cha, chú, anh em họ đã có bia mộ rõ ràng. Trong số gần 200 liệt sĩ hi sinh trong trận Mỹ Thành thì có 167 liệt sĩ có danh sách (đã ghi lên bia), đều là con em miền Bắc.

Đứng trước Nhà bia ai không dấu nổi niềm xúc động, xin bày tỏ lòng khâm phục trước những tấm lòng cao cả, nhân ái của CCB Trung đoàn Ngô Quyền, những người lính "Bộ đội Cụ Hồ"./.
 

Tác giả: Nguyễn Bá Thuyết
TT: 67 Nguyễn Văn Cừ, Phường 7, Thành Phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên
ĐT: 0944258548, Gmail: thuyetminh63@gmail.com
tin tức liên quan