" Chỉ cần trong xe có một trái tim" - Dự thi "Hào khí Trường Sơn" của Phạm Hồng Loan - Hội viên Hội văn học nghệ thuật Nam Định

Ngày đăng: 08:30 22/11/2018 Lượt xem: 666
“CHỈ CẦN TRONG XE CÓ MỘT TRÁI TIM.”
Bút ký
(Viết về Anh hùng lực lượng vũ trang Đỗ Văn Chiến -Tiểu đoàn 101 - Binh trạm 31 - Đoàn 559 -
Quê quán: xã Hải Đông –huyện Hải Hậu –tỉnh Nam Định)


Chân dung tác giả
 
          Năm 2007, được tin nhà thơ Phạm Tiến Duật mất, khi giảng Bài thơ về tiểu đội xe không kính của ông, tôi bùi ngùi nói với học sinh: “Nhà thơ Phạm Tiến Duật, được ví như "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già”, là “ngọn gió của đại ngàn Trường Sơn”. Giờ đây ngọn gió ấy đã ngừng thổi.” Cả lớp lắng nghe trong niềm xúc động khi tôi đưa các em về thời kì chống Mỹ, cả nước lên đường: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sống lại những ngày gian khổ ác liệt của người lính trong những câu thơ đậm chất văn xuôi của ông: “ Không có kính rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước” nhưng: “..xe vẫn chạy..” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Lúc đó, tôi không nghĩ rằng có ngày được vinh hạnh nói chuyện với một trong những chiến binh quả cảm của “Tiểu đội xe không kính” trong "Tiểu đoàn Đại bàng xanh", mà anh được mệnh danh "Con chim đầu đàn”, là nguyên mẫu để nhà thơ Phạm Tiến Duật thể hiện trong bài thơ đi cùng năm tháng của mình, người xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang mà Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng. Đó là anh Đỗ Văn Chiến. Với chất giọng trầm ấm, hào sảng, anh kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng dầm mưa dãi nắng trên cung đường bão lửa.
         Năm 1966, Đỗ Văn Chiến (quê ở xã Hải Đông – huyện Hải Hậu – Nam Định) lên đường đánh Mỹ cứu nước. Sau đợt huấn luyện, anh về Trung đội 3 - Đại đội 2 - Tiểu đoàn 101 - Binh trạm 31- Đoàn 559  vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường. Cuộc sống chiến đấu đầy thử thách, gian khổ, hiểm nguy của người lính lái xe nơi mưa bom bão đạn bắt đầu từ đây.
         Địa điểm đóng quân của đơn vị anh gần trọng điểm Seng Phan với địa thế vô cùng hiểm trở, hai bên vách đá dựng đứng. Giặc Mỹ coi đây là yết hầu trên đường mòn Hồ Chí Minh nên bằng mọi giá chúng quyết ngăn chặn từng chuyến hàng của ta. Trên trời, tên chỉ điểm lợi hại OV10 hoặc L19 vè vè ngày đêm không ngớt. Sà thấp xuống từng ngọn cây, lượn qua, lượn lại những nơi nghi là mục tiêu, nó phóng ngay pháo khói. Một cột khói màu phụt lên hàng chục mét sẽ là tọa độ hứng đủ các loại bom trong chớp mắt. Không những thế máy bay AC130 được lắp máy ngắm bằng tia hồng ngoại, phát hiện  xe của ta bất cứ lúc nào. Vì thế, trên cung đường này, có biết bao chuyện xảy ra như huyền thoại với người lái xe anh hùng Đỗ Văn Chiến.
         Mùa khô năm 1968. Một buổi tối, đơn vị anh nhận được lệnh: “Nhận hàng ở binh trạm 12 ”. Tất cả hối hả lên đường. Vẫn chi chít, nham nhở hố bom với suối sâu, vực thẳm, núi cao. Không quan sát kĩ, xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào. Đoàn xe lầm lũi đi. Những hòm đạn chuyển lên thùng xe nhanh chóng như giành giật từng giây, từng phút yên tĩnh trước trận đánh đến tay đồng đội, dội sấm sét xuống đầu kẻ thù. Công việc xong xuôi, cả đoàn xe quay ra đường 128. Niềm vui trào lên trong lòng những người lính. Hiếm có những chuyến hàng nào chót lọt, yên bình như thế. Mấy tiếng nữa, xe sẽ về nơi tập kết an toàn.
       Bất chợt, cả không gian rung chuyển trong tiếng gầm rú của máy bay. Tiếng bom nổ đinh tai, nhức óc. Bỗng “ục”. Một quả bom bi phát nổ trúng đầu xe. Chiếc xe khựng lại. Người phụ lái thảng thốt: “Em bị thương rồi, anh ơi.” Căng mắt, nghiến răng, nổ máy, vừa xoay tay lái  cho xe lượn qua hố bom sâu hoắm trên mặt đường, anh vừa nói đứt quãng: “Cố lên, Diếp ơi.”. Chợt cơn đau dữ dội ập đến. Phía sau gáy, máu chảy ướt đẫm áo. Trên cánh tay trái, máu tuôn ròng ròng. Vô lăng trơn tuột, nhầy nhụa khiến anh không điều khiển nổi xe. Mắt anh chợt hoa lên. Máu. Máu thấm ướt bàn tay, thấm đẫm vô lăng. Trong ánh sáng mờ ảo của đèn dưới gầm xe, anh thấy đốt ngón tay áp ngón trỏ ở bàn tay phải rủ xuống, lủng lẳng trước mắt, nối với đốt còn lại bằng một mảnh da. Không! Không thể dừng lại. Bằng mọi cách phải cho xe vượt trọng điểm càng nhanh càng tốt. Nếu không, cả đoàn xe sẽ dồn ứ lại. Bao nhiêu mồ hôi, công sức, cả tính mạng anh em sẽ là miếng mồi ngon cho lưới lửa của giặc trùm xuống. Anh chìa tay cho người phụ lái: “Cậu giật đứt ngón tay này.” “Ôi! Em sợ lắm!” Anh dừng xe, dứt đứt đốt tay, quẳng ra ngoài cửa kính: “Diếp đỡ tay lái với anh”. Lát sau, chiếc xe lại lao đi như  chưa hề có chuyện gì sảy ra.
          Nửa tháng sau,vừa ở Trạm phẫu thuật về, anh nhận được kế hoạch: Ra Bắc nhận xe mới để chuẩn bị cho chiến dịch năm sau. Những ánh mắt ngời sáng, những nụ cười hân hoan. Nhìn vào mắt đồng đội, anh hiểu cảm xúc đang bùng dậy trong lòng họ. Về Bắc là hy vọng được về nhà đang đến rất gần, bởi có nhiều người bao năm rồi không được nghỉ phép. Gia đình, bạn bè, quê hương đang chờ đón họ. Nếu anh về thì người ở lại tiếp tục công việc vận chuyển trong mùa mưa đầy gian nan, thử thách. Lặng yên trầm ngâm, lát sau  anh lên Ban chỉ huy xin ở lại. Người chỉ huy nắm chặt tay anh: “Hoan nghênh tinh thần của đồng chí. Chúng ta cùng chia lửa với anh em”
        Được tôi luyện trong bom đạn, anh nắm rõ những hành động gần như qui luật của máy bay. Một lần, khoảng 19h, đơn vị anh chở hàng tiếp cận trọng điểm phải dừng lại. Cả đoàn xe tập kết ở chân dốc 75. Xe của anh dẫn đầu. Đất trời im lặng. Lệnh của Tiểu đoàn trưởng: “Tiếp tục lên đường”. Đỗ Văn Chiến lên tiếng: “Thưa đồng chí, theo tôi, ta không nên đi vào giờ này.” “Tại sao đồng chí lại chống lệnh?” “Thưa Thủ trưởng, tôi không chống lệnh. Nhưng sau 21 giờ, dù Thủ trưởng không ra lệnh chúng tôi cũng đi”. Cả đoàn xe lặng phắc. Đúng 21 giờ, máy bay B52 ào đến trút bom. 23 giờ, Công binh thông báo:Thông đường. Hôm sau, đích thân Chính ủy Binh trạm tặng cho anh chiếc đồng hồ Fonzot và một tấm Bằng khen - Một phần thưởng xứng đáng cho người chiến binh dạn dầy bom đạn, đầy bản lĩnh.
         Một đêm không trăng. Đoàn xe của anh qua Seng Phan. Trước mắt, ngầm 51A bị tắc, đoàn xe rẽ vào bãi tập kết thì bị địch phát hiện. Phía trước, bom bi, bom Napan chùi chũi lao xuống. Đỗ Văn Chiến mở cửa xe nhảy xuống. Bất chợt phía bên trái lửa cháy rực lên: “Cháy xe rồi”. Anh thầm kêu trong sự xót xa. Chạy được vài bước, anh dừng lại. Không! Không thế để chiếc xe cháy lan sang xe khác, lan cả sang cả đoàn xe phía sau mới đưa từ miền Bắc vào. Đó sẽ là mục tiêu lộ liễu cho bầy quạ sắt đang hung hãn gầm rú thản nhiên trút bom. Không chần chừ, anh quay ngược lại, đến bên chiếc xe cháy, nhảy lên, đập tan cửa kính, lao vào. Chiếc xe rừng rực như một bó đuốc lao đi trong đêm, thu hút sự chú ý của giặc. Lửa cháy lan sang buồng lái, táp vào mặt anh bỏng rát. Chiếc xe có thể nổ tung trong vài giây nữa. Nhưng bánh xe vẫn nhịp nhàng quay đều, quay đều.
        Đưa xe đến vị trí an toàn, anh bung cửa, lao ra ngoài. Vẫn còn hai chiếc có nguy cơ bốc cháy bởi bao ngọn lửa tử thần bốc lên từ những mảnh bom Napan trên mặt đất có thể bén vào xe bất cứ lúc nào. Anh nhảy lên chiếc xe thứ hai, nổ máy vượt qua những đám cháy tiếp tục lao đi. Quay trở ra, anh đến bên chiếc xe của mình. Dưới tay lái điêu luyện của anh, chiếc xe luồn lách qua những vệt lửa ma quái trên đường. Tiếng máy bay nhỏ dần. Không gian im ắng nhường chỗ cho màn đêm. Đoàn xe hối hả lên đường.

 

Ảnh minh họa
 
        Cuộc chiến tranh ngày càng diễn ra ác liệt. Đêm nay, anh cùng đồng đội vận chuyển hàng trăm tấn hàng đến địa điểm mới. Qua Cổng trời Cha Lo, cả đoàn dừng lại. Công binh cấp báo. Giặc mới rải bom từ trường. Còn ba quả chưa có cách gì phá được. Làm sao bây giờ? Không thể để cả đoàn xe lừng lững mỗi xe 4-5 tấn hàng phơi mình ra dưới cái nhìn soi mói của kẻ thù. Anh nhảy xuống xe, quan sát địa hình rồi nói với đồng đội: “ Không thể ở đây mà chờ bom nổ. Phải tìm cách vượt lên. Xe tôi chở gạo. Tôi sẽ lái xe vượt qua ba quả bom này.” “ Nguy hiểm lắm, đồng chí ơi”. “Nếu Công binh phá bằng bộc phá và dùng xe phóng từ cũng không được thì ngay bây giờ xe mình đi qua chưa chắc bom đã nổ.” Không gian chợt lặng yên. Anh lên xe, nổ máy lao về phía trước. Chiếc xe xa dần, xa dần. Những người lính nín thở dõi theo người đồng đội quả cảm. Xe vượt qua quả bom thứ nhất. Sự im lặng nghẹt thở bao trùm. Vượt qua quả bom thứ hai, lồng ngực mọi người như vỡ òa trong bao cảm xúc. Chiếc xe từ từ đến gần quả thứ ba. Nó vẫn im lìm. Có lẽ chưa lúc nào anh bình thản đến thế.  Phía trước là đồng bào miền Nam đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược. Phía sau là đồng đội đang đỏ mắt chờ trông. Đến ngang quả bom, anh nhấn ga. Chiếc xe lao nhanh về phía trước. Một tiếng nổ xé rách màn đêm ngay phía sau thùng xe. Cả chiếc xe chở 5 tấn gạo bị hất tung lên. Tuy vậy, bom đạn kẻ thù lại tránh anh. Với  người lính lái xe: Xe còn - hàng còn - người còn. Người còn - hàng còn - xe còn.
         Cứ như thế, ngày cũng như đêm, dù có hôm sốt rét đến trên 40 độ, anh vẫn cần mẫn chở từng chuyến hàng vượt qua mưa bom bão lửa. Theo yêu cầu của đơn vị, mỗi chiến sĩ chỉ vận tải 3 đêm/1 chuyến, nhưng người chiến sĩ trẻ này kiên cường trong 3 năm, không đêm nào vận tải dưới hai chuyến. Có tháng, anh vận chuyển 32 chuyến, đưa hàng đi đến nơi, về đến địa điểm tập kết an toàn.
        Sau 27 năm liên tục cống hiến, đại tá Đỗ Văn Chiến về nghỉ hưu. Lúc này anh mới có thời gian đi lễ, bình tâm bước vào Thánh đường, nghiêng mình dưới chân tượng Chúa cầu cho quốc thái dân an. Anh luôn quan niệm Chúa ở trên cao nhưng Chúa ở tại tâm mỗi người. Phải sống sao cho tốt đời đẹp đạo. Với phương châm sống ấy, người chiến binh can trường trong chiến đấu, sau đó lại đắm mình trong bao công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó: Chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam(1977-2003), Ủy viên BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam khóa II và III. Ủy viên BCH Trung ương đoàn(1977-1986). Ở bất cứ lĩnh vực nào, công việc nào, bản chất anh lính Cụ Hồ vẫn ngời sáng trong anh.
         Tôi tò mò:
         - Nghe anh kể về những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà cứ bình thản như không? Vậy điều gì giúp anh và đồng đội có được tinh thần ấy?
         - Điều gì ư? Anh cười  - Năm 1984, có một đoàn Nhà báo Mỹ sang thăm nước ta. Một Nhà báo từng là Phi công tham chiến ở Việt Nam tiến đến, bắt tay, nhìn vào ngón tay tôi:
         - Anh chỉ mất bằng này thôi à?
         - Bằng này thôi ư? Máy bay của các ông đốt của tôi 7 xe, còn tôi 5 lần bị thương.
        - Có một điều tôi không thể hiểu được là tại sao chúng tôi đánh nhiều thế, bom trên trời dội xuống bất cứ lúc nào mà xe của các ông vẫn chạy?
       - Chúng tôi chạy là để thắng các ông. Các ông không đủ khả năng đánh hết đường Trường Sơn đâu. Các ông đánh đường này, chúng tôi chạy đường khác. Nhiều khi chúng tôi phải chạy đua với thời gian, chạy đua với các ông. Ông biết rằng trong cuộc sống, cái gì cũng có qui luật. Nhưng qui luật của cuộc sống dễ hơn qui luật của chiến tranh. Và  để chiến thắng, chúng tôi đã tìm ra không phải một mà là nhiều qui luật để vượt lên bom đạn của các ông mà đi.
         Tôi lặng im trong miên man suy nghĩ. Làm sao người phóng viên Mỹ hiểu được trong mỗi chiếc xe ấy “có một trái tim” (Phạm Tiến Duật).Trái tim của tình yêu thương, lòng căm thù, của ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trái tim ấy hướng đến chân lí của thời đại: Sức mạnh chiến đấu, chiến thắng kẻ thù của dân tộc ta đâu chỉ là do phương tiện, vũ khí mà nằm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Những con người ấy là Đỗ Văn Chiến, là biết bao những người lính ra trận dấn mình vào hiểm nguy nhưng vẫn ca vang: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật)

 
Phạm Hồng Loan
(Hội viên Hội văn học nghệ thuật Nam Định)
Đ/c liên hệ: Phạm Thị Hồng Loan
82H - Ô17 - Phường Hạ Long - tp Nam Định - tỉnh Nam Định
ĐT 0913 515 562

tin tức liên quan