Tôi đi tải thương, dự thi Hào khí Trường Sơn của Lê Thuần

Ngày đăng: 05:30 15/03/2019 Lượt xem: 977

Bài dự thi “ Hào khí Trường Sơn”

                                           TÔI ĐI TẢI THƯƠNG

       Những ngày cuối năm 1970,để chuẩn bị cho chiến trường đường 9 Nam Lào đơn vị chúng tôi được lệnh nhận nhiệm vụ chiếm đánh sườn Bắc từ Ta-púc đến Tây Bắc điểm cao 530 (Đông Bắc Sê pôn).

     Hôm ấy, sau khi toàn bộ đơn vị đã vào vị trí chốt chặn, ta triển khai ém quân ở thế cài răng lược với địch, để nhằm hạn chế rũi ro, thương vong khi địch bắn pháo chi viện. Bộ phận trinh sát lo chuẩn bị chiến trường . Khoảng 9 giờ sáng, bỗng nghe súng nổ ran ở mạn bên sườn đồi bên cạnh, đơn vị báo động chuẩn bị chiến đấu. Trong chốc lát tiếng súng im bặt. Lúc sau, đại đội trưởng báo tin do tổ trinh sát của ta gặp bộ phận tiền tiêu của địch, hai bên trạm chán và bên ta có một chiến sỉ đã hy sinh. Sau đó các nhóm thay nhau đi lấy thi hài tử sỹ, nhưng đều gặp địch phải quay trở lại.

          Lúc bấy giờ, tôi là Tiểu đội trưởng. Lần này vào chiến trường đường 9, tuy bỡ ngỡ vì nhiệm vụ mới, chúng tôi được giao nhiệm vụ vừa bảo vệ đường vận tải vừa phải đánh giữ chốt tại điểm cao . Chổ đơn vị đóng quân xen kẻ với địch, nên việc giữ bí mật rất quan trọng, Chiều tối hôm đó, ban chỉ huy đại đội gọi anh Phượng, trung đội phó, tôi và hai chiến sĩ là Kích và Việt lên giao nhiệm vụ. Sau khi phổ biến tình hình đang diễn ra tại chiến trường. tình hình bố phòng của địch. Chúng tôi cùng đồng chí Độ, chiến sĩ trinh sát đại đội dẫn đường bí mật vào cứ điểm địch để đưa thi hài đồng đội ra ngoài. Chúng tôi mỗi người trang bị rất gọn nhẹ và mang theo cáng võng.

          Trên đường đi, năm chúng tôi đã nhanh chóng hội ý, quyết tâm đưa bằng được liệt sĩ về tuyến sau, nhưng phải bảo toàn lực lượng để tiếp tục tham gia chiến đấu. Anh Phượng phân công đồng chí Kích và Việt mang võng và đòn cáng. Toàn tổ tranh thủ lúc trời nhập nhoạng, khẩn trương vượt suối, vừa đi vừa ăn lương khô lót dạ.

          Trời tối, mưa lất phất, đường trơn lầy lội, bùn  loét nhoét. Lần mò mãi đến gần 8 giờ tối, chúng tôi đến bờ suối, cả tổ tổ chức vượt suối sang bên kia. Khi đã gần với vị trí trạm súng buổi sáng ; một khoảng cách không xa  nằm giữa các điểm hoả lực của địch, mọi động tỉnh dù rất nhỏ sẽ bị địch phát hiện.

           Sau  khi trao đổi cho nhau về ám hiệu hành động. Chúng tôi phân công nhau đi tìm kiếm. Trời tối đen như mực, mưa rầm rề, tuy gian khổ rét mướt, nhưng lại có phần thuận lợi cho chúng tôi khi mò mẩm trong đêm tối tìm kiếm Liệt sĩ. Đang mò mẩm tìm kiếm, bổng tôi vấp phải vật gì cản trên đường bên bụi cây ven đường. Định thần trở lại. Đúng là một xác người, tôi lần tìm các di vật còn lại xung quanh: Một mũ giải phóng, một bi đông và…đúng rồi.
 
            Thú thật, lúc đó tôi rất hoảng hốt, người run bắn lên, trời mưa, quần áo ướt lạnh cóng, thế mà tim tôi đập loạn xạ, người nóng ran, mồ hôi  nhớp áo, suýt nữa tôi mất bình tỉnh la rú lên. Sực nhớ là mình đang nằm trong lòng địch. Sau một hồi chấn tỉnh, tôi ra hiệu gọi anh em lại. Chúng tôi thận trọng xem lại một lần nữa ở xung quanh xem có mìn của địch gài không?. Khi biết rõ là an toàn tuyệt đối, chúng tôi nhẹ nhàng đưa liệt sĩ ra một bãi đất đủ rộng và tôi làm một số việc gọi là thủ tục ban đầu. Sau đó lấy vãi bằng chiếc võng và tấm nilon để bó chặt thi thể liệt sĩ để chuẩn bị khiêng. Tôi gọi cậu Việt mang cáng lại, Cậu Việt đi lại nhưng tay không có gì, Tôi hỏi giọng hơi gắt:" Đòn cáng đâu?

          Nhìn bộ dạng lúng túng của Việt tôi chợt hiểu ra. Do cậu Việt tưởng rằng trong rừng thì thiếu gì cây làm cáng? Đến lúc đó chặt có sao?. Bực với đồng đội, nhưng lại tự trách mình chủ quan không kiểm tra kỹ trước khi xuất phát. Rồi tôi rút dao găm lần mò xuống suối, đến một bụi giang to, tôi chọn cây và dùng dao găm tiện dần từng tý một (để không phát ra tiếng động). Song xuôi chúng tôi bắt đầu rút quân ra ngoài trận địa.

          Đi mới được vài trăm mét, bỗng từ hai sườn đồi bên cạnh địch bắn mấy tràng tiểu liên và pháo sáng tung ra sáng rực cả một vùng. Chúng tôi quyết định cắt rừng xuyên núi để đảm bảo an toàn.

          Trời mưa, đường trơn, cây cối bên đường rậm rạp, lau sậy um tùm. Chúng tôi cử cậu Độ đi trước định hướng mở đường, còn bốn chúng tôi thay nhau khiêng liệt sĩ.

          Đi được một lúc, ánh sáng le lói của các quả pháo sáng dần tắt . Trời lại tối đen. Chúng tôi cứ dò từng bước một, đi theo lối sáng mờ trên miếng MINƠ gắn sau mũ của Độ.

          "Đường về đội hậu phẩu trạm xá Trung đoàn, đi lối này phải vượt qua con suối và dảy núi đá hiểm trở''. Độ nói nhỏ với  tôi. Quay lại hai cậu khiêng cáng:"Các anh phải bám sát gần tôi và không được bước ra lề đường mòn, kẻo dẫm phải mìn lá thì khốn''.Còn anh Phượng đi sau để chăn địch nếu có.  Cứ thế chúng tôi lần mò đi trong đêm .

          Trời vẫn mưa, đường trơn, cây cối hai bên đường rậm rạp, lâu ngày không có người qua lại nên càng hẹp, cái cáng hình như ngày một to ra, nặng trĩu. Cây đòn bằng giang thì dẽo như cây cần câu. Cái đầu đòn cáng phía trước cứ vướng luồn vào các nhánh cây lùm lùm. Vì thế tôi lại phải cùng Độ vừa đi vừa gỡ các cành cây ra khỏi đầu cáng thì hai cậu Việt và Kích mới qua được.

          Trong tình thế này, không thể chần chừ mãi được, nếu không đi nhanh chân lên thì còn qua suối, trèo núi… đến sáng mà chưa về được đơn vị thì không biết hậu quả ra sao?

          Tôi quyết định phải vác liệt sĩ, vì trong năm người chúng tôi, các em đều nhỏ yếu hơn và có ý sợ hãi nữa.

         Lần đầu tiên trong đời, tôi được tiếp xúc với người chết. Lại phải vác trên vai một thân hình liệt sĩ khá to lớn, ướt át, trơn nhầy, lạnh cóng và tanh tưởi của mùi máu trộn với nước mưa và bùn đất.
Nhưng rồi như có trời phù hộ, với tình thương và trách nhiệm. Tôi cứ băng băng vượt đường trơn, hướng theo bóng  ánh sáng của miếng MINƠ có gắn lân tinh đeo sau mũ của Độ mà đi. Phía sau Kích và Việt bám sát tôi, có thế mà hai đứa thở hổn hển, mồ hôi toát ra như tắm. Anh Phượng vẫn đi sau cùng để bảo vệ mọi người.

         Trời tối đen như mực, mưa nhỏ, đường trơn. Trên lưng tôi, người chết như càng nặng hơn, hai chân cứng đờ như que củi, nhiều lúc lại vướng vào cành cây hai bên đường nên rất khó đi. Cứ thế, lần mò trong đêm, lúc nào mệt quá thì ngồi nghỉ một lát, bụng đói, may nhờ còn bánh lương khô bên thắt lưng liệt sĩ chưa bị ướt, anh em chia nhau lót lòng lấy sức lại đi tiếp. Đi được khoảng hơn một giờ thì chúng tôi ra được bờ suối.

         Buổi chiều tối vượt suối, nước nhỏ, lội qua dể dàng, vậy mà nay nước suối dâng lên chảy xiết. Làm sao qua được? Nếu chỉ bốn chúng tôi thì còn dễ, nay thêm xác liệt sĩ nữa, biết xử lý thế nào?

          Sau một thoáng hội ý, tôi và Độ bảo Kích và Việt ở lại canh chừng Liệt sĩ, hai chúng tôi xuôi theo bờ suối tìm cây hoặc có nứa gì đó thì chặt, bó lại làm mảng chở liệt sĩ qua suối.

          Rất may cho chúng tôi, mới đi được một quảng thì thấy mấy bó nứa đã buộc cẩn thận, chắc của đồng bào hôm qua đi rừng chặt nhưng chưa kịp mang về.

          Tôi và Độ khẩn trương vác từng bó nứa lại vị trí vượt suối, anh Phượng tìm dây rừng bó lại thành một cái mảng chắc chắn. Tất cả quân trang, dụng cụ mang theo được đùm vào Nilon và bó chặt lại. Chúng tôi khiêng xác liệt sĩ nằm gọn lên mảng. Xuôi theo dòng nước, năm chúng tôi dựa vào mảng và đẩy sang bên bờ bên kia.

          Việc qua sông rất thuận lợi vì có mảng và chúng tôi lại rất thạo bơi lội.

          Sang đến bờ, chúng tôi có cảm giác như vừa thắng trận. Năm đứa nằm dài ra bên bờ suối. Lúc này mưa đã ngớt, trên bầu trời đã lác đác vài ngôi sao lạc, đang nhấp nháy như cùng chia vui với chúng tôi.

- Bây giờ đoạn đường ven suối để đến chân núi sang đội hậu phẩu Trạm xá tương đối bằng và rộng, ta buộc võng làm cáng để Kích và Việt khiêng, tôi và anh Phượng sẽ thay lúc có người mệt, ưu tiên cho tôi đi không, vác bao dụng cụ.- Độ lên tiếng phân công.

       Thế rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường, phấn đấu đến Trạm xá Trung đoàn trước khi trời sáng.
Đến khoảng nữa đêm, chúng tôi đến dốc núi đá. Tôi chợt nhận ra nơi đây đã có lần đơn vị đi lấy gạo đã vượt qua. Đó là lần đầu tiên tôi mới vào chiến trường, đơn vị đi lấy gạo và thực phẩm, mỗi người được giao đeo 30 kg gạo và 5 kg thực phẩm gồm mì chính, thịt hộp và rau khô… Lúc đó mới vào nên ai cũng còn khỏe, nên việc vượt dốc ba thang nham nhở đá tai mèo. Người đi sau đội chân người đi trước, ngước mặt lên chỉ thấy đèo và dốc đứng. Lúc lên đã mệt lữ cò bợ, lúc xuống còn khó hơn. Đầu người trước nối chân người sau, từng bậc thang giây mỏng manh mà các anh chị giao liên đã hàng ngày chăm chỉ khe đá, buộc chạc, làm từng bước thang dây trên sườn đá cheo leo. Có đoạn, giữa hai kẻ đá nứt ra một đường chỉ vừa một người lách qua; có đoạn lại phải luồn cúi người xuống như bò trong hang, phải bỏ ba lô ra khỏi vai mà đẩy , người trước kéo qua; có đoạn đường nhô ra mõm núi chênh vênh, đứng ở nơi đây nhìn xuống chân núi thấy một vực sâu thẳm. Nói dại nếu chẳng may trượt chân thì…..eo ơi!!! Không thể tưởng tượng được.

         Biết trước hành trình tiếp sau này là vô cùng vất vả và có phần nguy hiểm, nên tôi đề nghị anh Phượng trao đổi với cả tổ, xây dựng quyết tâm vượt núi trước khi trời sáng, nhưng phải thật an toàn.

       Anh Phượng phân công cậu Độ trinh sát đi trước, anh và Việt ; tôi và Kích, thành hai cặp khiêng liệt sỹ.

        Đường vào sườn núi mỗi lúc mỗi hẹp. Bắt đầu vào đoạn leo dốc, tôi và Kích đổi cặp cho anh Phượng và Việt. Đường nhỏ ngoằn nghoèo uốn lượn, các hòn đá trên đường lô nhô; chiếc cáng bằng đòn cây giang cứ nhún nhẩy trên vai chúng tôi, thỉnh thoảng lại va vào lưng võng, lúc lại vướng vào cạnh bờ đá, khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn.

       Tôi bàn với anh Độ:'' Ta phải thay đổi phương pháp chuyển tải đi, nếu cứ dùng đòn khiêng thì chắc không qua được dốc núi này đâu" Và tôi đề nghị nghỉ một lát để chuẩn bị. Chúng tôi đi lấy dây rừng bó chặt xác liệt sỹ lại và các cặp tiến hành vừa vác lẩn khiêng.

        Sáng kiến này tỏ ra lợi thế, mọi người cứ thế đi trong đêm mờ ánh sao. Đến đoạn phải leo các bậc thang giây; người đỡ dưới, người lôi trên, nhịp nhàng như ngày nào vác gạo. Có cái là đây không phải là gạo, mà trong đó có cả linh hồn và tình thương đối với đồng đội, trách nhiệm của người sống và người chết. Chúng tôi nâng niu đỡ chuyền tay nhau thật cẩn thận để mong rằng đồng đội mình không bị đau thêm. Mặc dù trong mỗi chúng tôi ai cũng rất mệt, tay chân chầy sớt do bíu dây và va vào các cạnh nhọn sắc của các viên đá tai mèo cứ vô tình nhô ra. Khó khăn nhất vẫn là những lúc leo trên các đoạn thang giây; luồn qua đoạn đường nhỏ hẹp và khi qua đoạn  cửa hang chỉ có một người đi lọt…

       Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, khoảng hai giớ sáng chúng tôi cũng xuống được chân núi bên kia. Nơi đây có đường nhỏ ra đường ô tô, nơi đường tránh Đường Chín dẫn đến trạm xá Trung đoàn.

      Chúng tôi ngồi nghĩ xã hơi đỡ mệt để lấy sức đi tiếp.

     Nghĩ một lát, tất cả chúng tôi ai cũng bắt đầu thấy thấm mệt. Đói, khát bắt đầu thức dậy sau nhiều giờ tập trung ý chí căng thẳng. Nước ở các bi đông không ai còn một giọt. Tôi nói với anh Phượng bố trí cho hai người xuống tìm suối lấy nước và nhân thể chặt cây làm đòn khiêng, vì đoạn đường này đã dể và rộng hơn rồi.

       Độ và Kích được cử đi làm nhiệm vụ này. Chỉ một loáng, bóng hai đứa lẫn khuất vào bóng đêm bạc sương.

     Xung quanh ba chúng tôi vẫn là màn đêm lạnh lẽo. chúng tôi ngồi canh giấc ngũ cho đồng đội, chẳng có ai muốn nói lời nào. Ai cũng chung suy nghĩ mong trời mau sáng, để hoàn thành nhiệm vụ, trở về đơn vị ngày mai chuẩn bị cho chiến dịch Trị - Thiên.

     Tôi nằm gối đầu vào bụi sim ven đường.

     Tôi nằm ngữa, mắt lim dim nhìn lên trời sao. Lúc này mưa đã ngớt hẵn, trên bầu trời dãi Ngân hà đã sáng bạc. Nhiều ánh sao nhấp nháy…Tôi lại nhớ đến Mão. Mão ơi! Giờ này mày ở đâu? Có phải mày đã biến thành vì sao sáng trên trời kia đang nhìn tao đó không? Tôi thầm cầu nguyện cho Mão siêu thoát, và linh thiêng phù hộ cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đêm nay.

       Nhưng trời chẵng bao giờ chiều ý chúng ta, cứ luôn rình rập, cho ta thêm thử thách mới với đời. Không gian đang im ắng. Bỗng phía dưới sườn núi, một tiếng nổ nghe vang chắc như tiếng lựu đạn. Chỉ một thoáng, linh tính báo với tôi có sự chẳng lành. Tiếng mìn vướng!.Để Việt ở lại bảo vệ liệt sỹ. Anh Phượng và tôi vội lao đi theo hướng tiếng nổ. Trời tối mù sương, nhưng hai chúng tôi cứ băng băng chạy, đoán biết được việc chẳng lành với Độ và Kích.

       Đến đoạn đường gần suối, nghe tiếng kêu cứu của Độ. Chúng tôi áp lại hiện trường. Một quang cảnh vô cùng thương tâm. Chẳng là, sau khi xuống suối lấy nước và chặt cây làm đòn cáng xong. Độ và Kích đang trên đường về. Độ đi trước, Kích vác đòn đi sau. Nhưng do kinh nghiệm chiến trường chưa có nhiều, cậu ta vác ngang cây đòn, thỉnh thoảng gặp cây ven đường lại thuận tay phạt vào bụi cây một cái. Không may, đoạn này do không có người qua lại nên mìn vướng bọn địch thả mầy ngày trước sót lại, cây gậy của Kích vướng vào một sợi của nó. Thế là….Kích nằm bất tỉnh, người đầy máu. Bên cạnh Độ đang tìm cách xoay sở xung quanh, cố đưa Kích sang bên chổ bằng. Vừa may chúng tôi đến kịp thời.Lúc mìn nổ, Độ đi trước cách Kích khoảng mười mét, nên chỉ bị ít mảnh nhỏ chầy sớt chảy máu, nhưng vẫn tỉnh táo đúng với con nhà trinh sát. Độ vừa kêu cứu, vừa xem xét hiện trường, vừa tìm cách cứu Kích.Tôi và anh Phượng cùng lại giúp Độ ôm Kích lên. Sau khi xem xét vết thương, thấy tay phải Kích bị giập nát, đầu và toàn thân cũng bị nhiều mảnh gây chảy máu, đang trong tình trạng hôn mê.Chúng tôi lấy băng gạc cá nhân của ba người ra. Sau khi làm sạnh vết thương trên người Kích, tôi ga rô cầm máu tay phải cho Kích xong, tôi bảo Độ tình hình sức khoẻ, thương vong ra sao. Độ nói:" Em vẫn đi được, các anh tập trung lo cho Kích đi".Tôi cõng Kích chạy băng băng như dưới chân không có sức cản nào. Đến chổ nghỉ, Việt chạy lại hỏi thăm Kích. Thấy Kích quá yếu, máu ra nhiều. Việt đề nghị:" Em là bạn thân nhất với Kích kể từ ngày nhập ngũ. Các anh cho em cùng được đưa Kích đi trước  đến trạm xá cho kịp cấp cứu".Sau một thoáng suy nghĩ, tôi hội ý với anh Phượng:" Tôi và anh lớn tuổi hơn và sức khoẻ còn dai hơn hai cậu Việt và Độ, chúng ta cùng nhau đưa Kích đến bện xá càng nhanh càng tốt" .Tôi quay sang Việt và Độ:" Hai cậu có thể độc lập đưa liệt sĩ đến trạm xá được không? Nếu được thì hai đứa vừa đi vừa nghỉ. Thẳng đường này khoảng 5km nữa là tới nơi. Còn hai anh khẩn trương đưa Kích đi trước càng nhanh càng tốt."Chẳng còn cách nào, Việt và Độ miễn cưỡng nhận lời. anh Phượng dặn thêm:" Cứ đi thật cẩn thận, hai anh đến trước sẽ có người về đón các em".Đặt Kích vào võng và buộc hai đầu đòn khiêng cẩn thận. Tôi và anh Phượng tức tốc lên đường ngay. Việt và Độ cũng rão bước theo.

        Mới được một lúc mà tôi và anh Phượng đã bỏ xa Việt và Độ. Chúng tôi cứ cắm đầu mà đi, thỉnh thoảng lại sờ vào mũi Kích xem thế nào. Lạy Trời Phật, Kích đã hơi tỉnh lại.Anh Phượng và tôi quyết định không đi thẳng ra đường ô tô, mà theo đường tắt đến Trạm xá cho gần.Do đoạn đường rộng và bằng nên chúng tôi đến Trạm xá chỉ mất hơn một giờ.Đến nơi, chúng tôi tranh thủ làm thủ tục cấp cứu cho Kích ngay. Sau đó tôi nói với anh Phượng ở lại cùng Kích, còn tôi lại tức tốc quay lại đón hai đứa. Thế mà cũng gần nữa giờ tôi vừa đi vừa chạy, mới gặp Việt và Độ.

     Hai đứa gặp được tôi mừng rỡ như ngày nhỏ gặp mẹ đi chợ về. Cả hai đứa cùng reo lên:" Anh Thuần! Anh Thuần ". "Ừ!... anh đây" Tôi đáp trong giọng như hụt hơi. Tôi nói hai đứa hảy nghỉ lao một lát. Sau độ mười phút, thấy đã hoàn hồn, làm một ngụm nước, chúng tôi tiếp tục lên đường.
Nhập vào đoàn đi với hai đứa một lúc, thấy cả hai đều rất mệt. Tôi động viên và nói rằng chỉ còn hơn hai cây số nữa thôi, và tôi bảo hai đứa về một phía cáng, còn một bên để tôi cáng cho.

      Cứ thế cả ba người lầm lũi đi trong đêm, dưới làn sáng mờ bạc của những ngôi sao xuyên kẻ lá rừng. Thỉnh thoảng lại gặp vài chú gà rừng lạc lối ăn đêm. Xa xa đã có tiếng gà gáy điểm canh, tiếng con vượn đầu đàn đang đánh thức bầy đàn dậy chuẩn bị đi kiếm ăn.

      Chúng tôi đến Trạm xá đã gần năm giờ sáng. Mọi người trong Trạm xá đã thức dậy, không khí ngày mới lại tấp nập. Cũng như chúng tôi, các đoàn khác, từng đội, từng nhóm cáng thương binh, liệt sĩ vào nhập trạm.

     Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết . Chúng tôi lại tìm anh Phượng và thăm Kích hiện tình trạng sức khỏe ra sao. Nhưng tìm mãi mà không thấy đâu. Sau đó chúng tôi được biết, do vết thương khá trầm trọng nên Trạm xá đã chuyển Kích lên tuyến trên rồi.
Nghỉ một lát, ba chúng tôi lên đường trở về đơn vị.

     Hai hôm sau, ngày 01/4/1972. Chiến dịch Trị - Thiên chính thức mở màn. Do chủ động được trận địa, nên đơn vị đã khống chế được các hỏa điểm của địch, đẩy lùi được các đợt phản công của bọn Thủy quân lục chiến. Quần nhau gần ba ngày đêm, địch đã không ngừng tăng viện, nhưng vẫn không thể nống ra được. Chúng co cụm lại và gọi pháo tầm xa liên tiếp nã đạn vào trận địa của quân ta. Vì đã nắm được ý đồ của chúng,  ta đã trở lại phòng thủ, nên đã hạn chế được thương vong.

       Sau khi Trung đoàn chiếm được cao điểm 544, quân ta làm chủ được cả một khu vực rộng lớn. Một  tháng  sau tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Đơn vị chúng tôi được lênh chuyển quân ra bờ Bắc sông Bến Hải để cũng cố, bổ sung lực lượng.

      Trong đợt tổng kết chiến dịch, tôi được Ban chỉ huy Đại đội gọi lên làm báo cáo toàn bộ sự việc chuyến đi lấy thi thể liệt sĩ và tải thương vừa qua. Đặc biệt khi nói đến tình tiết tôi vác liệt sĩ để đi cho kịp thời gian đã được các đồng chí lãnh đạo tán thưởng và khen ngợi. Sau đó tôi vinh dự được cử đi dự Hội nghị mừng công chiến dịch mở màn chiến trường Trị -Thiên . Tại đây tôi được tuyên dương là:" Chiến sỉ biết xả thân vì đồng đội".

      Đã hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được kỷ niệm sâu sắc ấy. Không biết Liệt sĩ mà chúng tôi đưa về hậu cứ và những anh em hy sinh sau này trong những ngày đầu ra quân giải phóng Quảng Trị của cánh quân Trung đoàn tôi, đến nay họ đã được quy tập về quê hay vào các nghĩa trang liệt sĩ hết chưa? Dẫu biết rằng dù nằm ở đâu, xương máu của các Anh cũng hòa trong lòng đất mẹ.

       Chúng tôi, những đồng đội của các anh, đã may mắn đi qua cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Hôm nay chứng kiến những thay đổi kỳ diệu của Tổ quốc quê hương, đất nước ta. Nhân ngày Thương Binh Liệt Sĩ (27/7), xin thắp nén tâm nhang gửi tới các anh. Kính viếng hương hồn các Anh đời đời sống mãi với non sông đất nước./.
                                                                                          Lê Thuần
 
 

Lê Thuần, Thị trấn Thọ Xuân Thanh Hóa. ĐT 0932361950.

tin tức liên quan