“MỐI TÌNH BẤT TỬ” Ở TRƯỜNG SƠN

Ngày đăng: 04:21 29/05/2019 Lượt xem: 1.014
 
 “MỐI TÌNH BẤT TỬ” Ở TRƯỜNG SƠN 
     
                                                                             CAO THỊ NHU
                                                          CSTS Phường Thị Cầu TP. Bắc Ninh
 
      Đầu năm 1970.
           Vào một buổi sớm mùa Xuân, ánh sáng ban mai vừa lọt qua các kẽ liếp chiếu vào chiếc bàn con của Đội trưởng Lê Đính đang ngồi làm việc. Anh vươn vai đứng dậy, uể oải bước ra ngoài sân vặn mình vài cái rồi cúi xuống ngẩng lên làm động tác hít thở. Không khí trong lành mát rượi làm anh cảm thấy người nhẹ nhàng thanh thản hẳn. Định quay gót trở vào, chợt nghe tiếng chân người bước gấp.
     Báo cáo! Bác sĩ Dũng gửi thư cho thủ trưởng.
     Đỡ chiếc phong bì có chữ  “thượng khẩn” được đóng khung cẩn thận, Lê Đính vội bóc ra xem:
          Kính gửi Thủ trưởng Đính,
   Một giờ sáng nay, Đội phẫu thuật nhận một nữ TNXP bị thương rất nặng tên Quỳ, Bí thư chi đoàn cơ quan Đội 79, trên người bị nhiều vết thương bom bi, trong đó có một vết thương nghi thấu bụng. Chúng tôi đang tích cực chống choáng. Mấy năm học ở trường, tôi chưa được trực tiếp mổ ngực và bụng. Ban ngày không thể chuyển TB về Đ.Đ.T. Mời thủ trưởng lên mổ giúp chúng tôi ca này.
          T.B. Càng sớm càng tốt
                                                                   Kính thư
                                                                   Bs Dũng
            Lời lẽ trong thư khiến Lê Đính gờn gợn cảm giác lo “Để lâu liệu giữ nổi không? Phải đi ngay mới kịp”. Anh cùng Chính trị viên Nguyễn Ước và Bác sĩ Đội phó Đỗ Ngọc Kiểm hội ý. Sau đó gọi điện lên báo cáo Binh trạm rồi cùng Y tá Cậy đi theo đường tắt qua xóm Trứng vào rừng. Leo hết dốc này đến dốc khác. Nhiều lúc cứ đinh ninh đây là dốc cuối cùng, dè đâu leo lên tới đỉnh, nhìn sang trái núi trước mặt lại thấy nó cao hơn.
           -  Nghỉ một chút thủ trưởng ạ -  Cậy đề nghị.
   -  Mấy giờ rồi?
    - Tám giờ ba mươi thủ trưởng ạ. Như vậy là ta đi được hơn hai tiếng. Nhanh cũng phải hai giờ nữa mới tới. Thủ trưởng cần nghỉ một chút cho lại sức!.
    - Không! Phải tranh thủ đi ngay thôi. Anh rút khăn tay lau mồ hôi nói tiếp:- Giả thử cô ấy bị thương lúc 24 giờ, mười rưỡi ta đến nơi, mười một giờ bắt đầu mổ, như thế cũng chậm rồi. Vết thương bụng, ngực cần mổ sớm cậu ạ.
Hai người lại tiếp tục đi, không biết là đã lên xuống đến cái dốc thứ mấy rồi? Xa xa về phía dưới, qua một cái vực sâu là những dãy nhà lá cũ kỹ ẩn hiện dưới vòm cây cổ thụ. Cậy cho biết đấy là nơi ở của Đội 79. Ra khỏi rừng, hai người rảo bước trên con đường rộng rãi tràn đầy ánh nắng. Họ đến nơi sớm hơn dự kiến nửa giờ. Vào phòng mổ, Lê Đính vừa mặc áo choàng vừa hỏi: “Tình hình bệnh nhân sao rồi các bạn ?”. Bác sĩ Dũng đang đứng mổ, nghe tiếng hỏi mừng quá:  “Báo cáo thủ trưởng, vết thương ngực hở, tôi đã cắt lọc, khâu kín, hút địch và khí ngoài màng phổi, bệnh nhân dễ thở hơn, nhưng triệu chứng choáng mất máu vẫn còn. Bên phải có phản ứng thành bụng rõ. Hồng cầu một triệu tám mươi vạn, huyết sắc tố 60%. Chúng tôi đã mổ thăm dò, kiểm tra thấy cực dưới lách bị vỡ, máu từ đó vẫn chảy ra. Tôi mới khâu ép tạm thời. May quá, Thủ trưởng vào mổ giúp cho...
   -  Chủ động xử trí sớm như vậy là tốt - vừa nói Lê Đính vừa nhanh chóng dùng hai miếng gạc to vén dạ dày lên trên và đẩy ruột sang bên phải. Bằng động tác khéo léo và chính xác, anh đã nhanh chóng tách được động mạch lách kẹp chặt lại. Bàn tay tay trái nâng lá lách lên, tay phải bóp nhè nhẹ trên nó. Anh nói với kíp mổ: “Làm như vậy để dồn máu còn lại ở lá lách về tĩnh mạch chủ bụng. Đơn giản vậy nhưng cũng tiết kiệm được hàng trăm mi-li-lít máu cho bệnh nhân. Sau đó anh kẹp cuống lách, tách và buộc, cắt riêng từng đầu của động mạch - tĩnh mạch. Cuối cùng lách được cắt đưa ra ngoài, lau rửa ổ bụng, đặt xông dẫn lưu và đóng thành bụng.
           Bảy ngày trôi qua, Quỳ nằm liệt trên giường bệnh. Nhờ sự chăm nom ăn sóc tận tình, chu đáo của các chị y tá, hộ lý, vết mổ đã liền, sức khỏe hồi phục dần. Vì bị mất máu quá nhiều lại nằm lâu nên bệnh hay trở chứng. Thỉnh thoảng bụng Quỳ lại đau quặn, buồn đi ngoài mà không đi được, thậm chí trung tiện cũng không thông nữa. Cô cảm thấy trong người bứt rứt, lại thêm chứng nôn khan nên rất mệt. Nhiều đêm anh chị em y tá, hộ lý phải thay phiên nhau túc trực bên giường. Những lúc đó Quỳ vừa buồn vừa xúc động. Phần lo tương lai bệnh tật, phần lo công việc chưa làm trọn. Ngoài các y sĩ, y tá mỗi ngày mấy lần, bác sĩ Dũng đến thăm động viên an ủi vì cô là bệnh nhân nặng nhất lúc đó. Hôm nào bác sĩ Dũng bận cấp cứu nhiều không đến thăm được, Quỳ thấy lòng mình trống trải. Lúc đầu cũng tưởng chỉ là sự bình thường, nhưng lâu dần Quỳ cảm thấy sự mong đợi của mình đã vượt ra ngoài tình cảm thông thường. Mỗi lần Dũng vào buồng bệnh, dù bước chân nhẹ nhàng đến mấy cô cũng nhận ra ngay. Khi Dũng tươi cười, cô cảm thấy trong lòng thanh thản, quên hẳn mọi lo lắng riêng tư. Ngày tháng trôi đi, bệnh của Quỳ đỡ dần; nỗi nhớ đoàn, nhớ chị em thoắt trỗi dậy. Cô xin ra viện:
     - Em thấy khỏe rồi anh ạ. Khỏe thực mà. Ngày mai anh Dũng cho em ra viện nhé! Không thấy Dũng trả lời mà vẫn lặng im, nhìn mình đăm đăm, Quỳ bỗng ngường ngượng. Lát sâu cô mới hỏi:
     - Sao anh Dũng không trả lời em?
   Nghe Quỳ hỏi, Dũng luống cuống:
   - Em còn yếu lắm, cần phải đi an dưỡng thêm một thời gian nữa...
    Quỳ thấy Dũng nhìn mình không chớp mắt, miệng mấp máy như muốn nói điều gì. Cô vội nói như sợ không còn dịp thổ lộ:
    - Không! Em khỏe thật rồi. Em nhớ đơn vị lắm... mấy đứa bạn em...chắc giờ này chúng nó đang tranh thủ thêu áo gối hoặc khăn tay có đôi chữ “hạnh phúc” hoặc “nhớ thương mãi” mà cũng có khi là một bông hồng với vài ba cái nụ đang hé nở ở góc một chiếc chăn làm bằng dù pháo sáng...Khi nào anh Dũng lấy vợ, em sẽ thêu tặng một chiếc áo gối như thế nhá!
   Dũng bất ngờ vì câu nói đó, anh im lặng, tự nhủ lòng:
   - Thế còn em ? Anh sẽ chờ khi nào Quỳ... Có phải mình đã...rồi không? Thái Bình - Vụ Bản Nam Định có xa nhau là mấy ? Quỳ ơi, anh chỉ muốn em thêu đôi chim câu trắng bay đuổi theo nhau trên bầu trời xanh thẳm với ba chữ “nhớ thương mãi” ở phía dưới thôi em ạ. Giặc Mỹ còn đó thì làm gì có hạnh phúc, phải không em? Đạn bom như vậy, ai mà có thể đoán trước được?
   - Anh Dũng nghĩ gì mà đăm chiêu thế?
   Dũng không trả lời, vẫn im lặng nhìn Quỳ đắm đuối. Một lúc sau anh cố gắng xua đi những ý nghĩ không kìm nén được trong lòng, đứng lên buông một tiếng thở dài bước vội về phòng mình bỏ mặc Quỳ ngơ ngẩn nhìn theo.
    Thế rồi, một buổi chiều thật đẹp, bầu trời êm ả. Dũng một mình thơ thẩn bên bờ suối vắng. Gió thu mát rượi nhẹ nhàng mơn chớn da thịt như khêu gợi một nỗi buồn man mác không duyên cớ. Tiếng rì rào của những chiếc lá trên rặng cây bên lèn đá xen lẫn tiếng róc rách của dòng nước chảy qua những kẽ đá dưới lòng suối khiến lòng Dũng càng thêm xao xuyến nhớ nhung. Anh lững thững đi về. Hãy còn sớm, anh cầm chiếc đèn pin sang kiểm tra buồng bệnh. Đang nằm nghĩ ngợi mung lung, đột nhiên những luồng gió ào ào tạt vào làm ngọn đèn dầu hắt hiu tắt phụt. Tiếp theo là hàng loạt tiếng nổ dữ dội rung chuyển cả khu rừng. Quỳ bật dậy lao vội ra ngoài lo lắng: Bom tọa độ ở khu vực Bãi Dinh. Đường tắc mất! Dũng lao theo gọi với: Quỳ! Quỳ!  Nghe tiếng Dũng gọi, cô luống cuống vội đứng nép sang bên, ép lưng vào thân cây cổ thụ, hai tay quặt ra sau bám chặt. Dũng từ từ bước tới. Trước mặt anh, Quỳ bây giờ trở lại là một cô gái đẹp, nét duyên dáng của cô bỗng như có sức hút chinh phục lạ thường.
          -  Bom tọa độ ở trọng điểm thôi. Quỳ chạy đi đâu?  Dũng ngẩn nhìn cô - Ban đêm chạy ra rừng nguy hiểm lắm! Lúc đó trên vùng trời, ánh sáng chấp chới ma quỷ của pháo sáng rọi tới cả đây.
   Quỳ nói qua hơi thở gấp: - Anh để em đi! Đường tắc! Tụi bạn em đang chạy ra ngoài đó cả rồi...
   - Nhưng em đang là bệnh nhân cơ mà. Thốt nhiên, Dũng cảm thông mối lo của Quỳ, em là Bí thư chi đoàn TNXP mà. Sợ cô bị kích động nghề nghiệp vùng bỏ chạy, Dũng vội giữ lấy tay Quỳ. Lúc sau tiếng bom ngừng nổ. Ánh đèn dù chỉ còn nhấp nháy lụi dần. Quỳ hướng ra vùng trọng điểm ngóng nhìn, thở một hơi dài nhẹ nhõm. Anh chợt xúc động trước vẻ kiều diễm trang nghiêm của cô gái. Bất giác ngực Dũng như ứ nghẹn, thở dồn dập. Vô tình anh càng nắm chặt tay Quỳ. Dũng như cảm nhận trái tim cô gái cũng đang hồi hộp đợi chờ. Anh trấn tĩnh nhích lại gần Quỳ, đánh bạo thốt lên: “Anh yêu em!”
          Qùy bàng hoàng đón đợi cái điều bất chợt đến... bỗng nhiên hai tiếng súng nổ vang rền. Cô run rẩy gỡ tay Dũng vùng bỏ chạy ra nơi vừa báo hiệu tắc đường. Dũng sững sờ đứng nhìn theo suốt đêm hôm ấy. Tâm trạng Dũng xốn xang niềm vui kỳ lạ! Anh bác sĩ trẻ đứng một mình tĩnh lặng kéo dài trong màn sương đêm mát lạnh. Anh ngước lên bầu trời đầy sao, cảm nhận gương mặt nàng, hơi thở dìu dịu của nàng như còn mơn man da mặt mình. Dũng bỗng thấy tiếc, từ lâu mình ao ước được một nụ hôn lên đôi môi chín mọng ấy... Nhưng lúc đó...khỉ thật sao lại vụng về buông tay nàng ra nhỉ?... Dũng thẫn thờ một lúc rồi hấp tấp bước vội về nhà với bao ý tưởng mông lung...Phải chăng đây cũng là mối duyên tiền định?... Chao ôi, một cô gái tuyệt vời...Anh thốt tiếng thầm thì: “Quỳ ơi, anh yêu em vô cùng...”. Sau đêm đầy kỷ niệm ấy ít ngày, Dũng cùng Đội phẫu lên đường đi làm nhiệm vụ mới ở một địa điểm khác khá xa. Dễ đến mấy tháng hai người không gặp nhau, nhưng vẫn thường có thư qua lại. Hình ảnh Dũng hàng ngày choán cả tâm trí Quỳ. “Anh yêu em!” Câu nói đêm ấy lấp gấp qua hơi thở nóng hổi.
“Anh yêu em!” làm nàng không thể nào quên. Quỳ bỗng cảm thấy bớt cô đơn phiền muộn, vợi cái đau thể xác, nên rất phấn chấn tập luyện điều trị. Quỳ chứa chan hy vọng lúc nào cũng mường tượng Dũng đang yêu mình say đắm, luôn cổ vũ mình lao vào công việc cho dù rất nặng nhọc và vô cùng nguy hiểm. Trừ những lúc cặm cụi làm việc cực kỳ căng thẳng trên mặt đường cùng chị em trong tổ, nơi mà bom đạn bất kỳ lúc nào cũng có thể trút xuống... Còn những lúc nghỉ, tính nết Quỳ càng thay đổi. Khi thì nói cười vui vẻ, lúc lại thẫn thờ như bị ai bắt mất hồn. Có khi nửa đêm Quỳ tự nhiên vùng dạy ra ngồi thừ bên gốc cây ven suối.
    - Làm gì mà ngồi thừ ra thế Quỳ ơi? - Liên, người bạn thân cùng tiểu đội nói trêu - chắc lại nhớ người yêu phương xa hẳn.
   - Lâu lắm rồi mình không nhận được thư Dũng - Quỳ nói thật lòng.
   - Thôi đi, nửa tháng một cái mà lâu ư ? - Chả bù cho mình, cả năm nay mất hút. Bọn đàn ông đều thế cả. Xa một cái là mất tăm luôn!
   Quỳ không tin lời Liên. Anh Dũng không thế. Nhưng sao lòng cô vẫn như có lửa, mặc dầu đã thuộc từng câu chữ, cô vẫn giở những lá thư Dũng gửi từ mấy tháng trước ra đọc lại. Từng nét chữ thân quen, những từ ngữ ngọt ngào cứ nhòa dần trước cặp mắt đẫm lệ của nàng. “Dũng ơi ! Bây giờ anh ở đâu? Chắc anh bận lắm? Mấy tháng rồi em chẳng nhận được thư anh. Hay là...anh...đã...quên? Có phải thế không? Anh nói đi...”
  Bỗng bên ngoài có tiếng huyên náo. Quỳ chưa rõ nguyên nhân. Chợt Ngọc Lan (cô bạn thân nhất) hớt hải chạy vào ôm chầm lấy Quỳ nói đứt quãng:
 -  Anh Dũng ... hy... sinh rồi!
  - Cái gì hở? Quỳ hét lên - ai hy sinh?
 -  Bác sĩ Dũng! Anh bị nhiều viên bi lắm. Hai Đội phẫu cùng đi bộ từ tờ mờ sáng đến chiều tới nơi thì anh Dũng tắt thở.
          Như có những hòn đá vô hình lạnh buốt ép chặt lấy tim Quỳ. Nàng ngất xỉu trên tay bạn. Mọi người xô lại. Không khí buồn thảm rờn rợn. Nhiều ngày liền, Quỳ tỉnh rồi lại ngất. Đôi lúc mở mắt nhìn thấy toàn những khuôn mặt buồn thiu của các bạn, cô lại ngơ ngác như mơ. Suốt thời gian dài, Quỳ chỉ như cái máy. Thần kinh rã rời, luôn chìm đắm trong cơn ác mộng. Quỳ bỗng ân hận nuối tiếc “sao lại giật khỏi tay anh từ chối nụ hôn đêm ấy”. Anh vừa là ân nhân, vừa là người mà ta yêu quý nhất đời, mặc dù chưa được một lần cùng anh ...
   Sự mất mát to lớn bất ngờ càng làm tăng thêm nỗi đau dằn vặt. Nỗi cô đơn ùa đến xâm chiếm trái tim Quỳ không sao khỏa lấp được. Nàng thổn thức nghẹn ngào “Dũng ơi ! hãy thông cảm cho em! Thông cảm cho em!”... và Quỳ lại ngất đi trong vòng tay bè bạn.
                                                                  Trường Sơn  1970
 
                                         
 
 

tin tức liên quan