Kỷ niệm Trường Sơn một thời máu lửa - Phạm Thị Nhung

Ngày đăng: 04:10 26/06/2019 Lượt xem: 2.896

    KỶ NIỆM TRƯỜNG SƠN NHỮNG NGÀY MÁU LỬA.

                                                     PHẠM THỊ NHUNG
                        Hội Trường Sơn Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh
 
      Năm 1969 tôi còn là một cô bé mười tám, mười chín tuổi. Theo tiếng gọi của non sông, cùng bạn bè trang lứa tôi đã chững chạc là một chiến sỹ quân y sỹ đứng trong đoàn quân của Bộ đội Trường Sơn, còn trẻ, trẻ lắm!. Mùa hè năm ấy chúng tôi được lệnh lên đường cùng với đồng đội nam giới vào tăng cường cho chiến trường B. Tạm biệt mẹ, cha anh em, người thân gia đình và làng quê thân yêu, chúng tôi vượt hàng ngàn cây số qua dải Trường Sơn đến với mặt trận chia lửa cùng đồng đội ngoài chiến trường, lúc đó với một cô gái chưa tròn mười chín tuổi.
Sau chặng đường hành quân dòng dã cả mấy tháng trời trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ngày đơn vị tập kết trên đỉnh Trường Sơn,  chúng tôi được tin Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc đã mất. Chẳng ai bảo ai mà cả đoàn nam, nữ Bộ đội Trường Sơn trong đơn vị cứ òa lên khóc thút thí như con trẻ. Nhớ thương Bác khôn nguôi.
Nhưng không ai biết được, chính niềm thương nhớ Bác vô bờ bến ấy đã tiếp cho chúng tôi thêm nghị lực, sức mạnh vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành mọi nhiệm vụ quân đội và nhân dân giao phó.  Đối với nam giới vượt Trường Sơn đã là một thử thách lớn, nữ chúng tôi “chân yếu tay mềm” theo anh em khá mệt. Nhưng đứng vào đội ngũ những người lính Trường Sơn, đến chúng tôi cũng không thể ngờ được đôi chân nhỏ bé của mình lại dẻo dai đến thế? Có điều mỗi… “tháng” thiếu vệ sinh, thiếu nước, chúng tôi phải…giấu (!) để hàng ngày vẫn được cùng đồng đội trong đơn vị hành quân ba, bốn mươi cây số đường rừng Trường Sơn. Gian khó là vậy nhưng không một ai kêu ca, lùi bước. Trái lại trong mỗi chúng tôi ai cũng thầm thấy vinh dự và tự hào. Vì rằng nơi gian khổ nhất, khó khăn nhất trên tuyến đầu Tổ quốc mình đã có mặt.
     Những lúc như thế tôi thường nhớ, thương nhất về người mẹ già ở hậu phương. Quê tôi gần sân bay Kép huyện Lạng giang, Bắc Giang, từng  được “hưởng” nhiều đạn, bom, rốc két của máy bay giặc Mỹ.
     Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu vào quân ngũ. Sau hơn bốn tháng trời hành quân bộ dòng rã, chúng tôi đến một vùng đất có những cái tên nghe đến lạ mà thân thương, đấy là: “Đèo Long”, “Sông Bạc..” thuộc đất bạn Lào. Đó chính là Binh trạm 35, thuộc Sư đoàn 471 Binh đoàn Trường Sơn. Tôi được điều về Đội điều trị Tiền phương. Đội đóng quân dưới tán rừng săng lẻ, bên cạnh một vạt chè xanh bát ngát. Kể cũng lạ, giữa nơi “sơn cùng thủy tận”, giữa nơi đạn nổ bom rơi… lại có một rừng chè đẹp và nên thơ đến thế. Về đứng chân tại đơn vị chúng tôi nhanh chóng “tìm hiểu” và làm quen với nhau. Thì ra cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại đã hội tụ về đây những người con ưu tú từ khắp mọi miền Tổ quốc. Ai nấy còn rất trẻ: Chính trị viên Nên (ở Bắc Giang); y sỹ Loan (Bắc Ninh); tay dao mổ cừ khôi Phạm Minh Chánh (Cần Thơ); bác sỹ Tài, y sỹ Lợi (Thanh Hóa); dược sỹ Nguyễn Thị Định (Nam Hà); dược sỹ Nguyễn Thị Tuyết Băng (Quảng Bình); các y sỹ, y tá: Lương Thị Lả (Cao Bằng), Đãi (Vĩnh Phú), Nga, Đàm (Hà Tây), Trọng (Nam Hà), Bàng, Nhung (Bắc Giang), Xuất (Hải Hưng), Nôm, Thía, Nguyệt vv... Nhiều tuổi nhất là bác sỹ đội trưởng, người Hà Nội. Anh có nước da trắng, rất hiền, tính nết trái ngược với tên gọi: Trần Mạnh Chí. Sau này anh trở thành Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân, Viện trưởng Viện quân y 103. Chúng tôi đã tự “thiết kế”, thi công và cải tạo: hầm chỉ huy, hầm phẫu, hầm nội, ngoại, nhà bếp, nhà bảo vệ, hầm ở…phòng tránh máy bay địch không kích hàng ngày. Chỉ ít ngày đứng chân trên địa bàn, những bàn tay mềm mại của các chiến sỹ quân y lại lên rừng đẵn cây, sẻ gỗ, đục đẽo, đào hầm, dựng lán… Cơ ngơi nơi ăn, chỗ ở đều do chúng tôi tạo ra, khá khang trang và đẹp mắt. Đơn vị đã nhiều phen hú vía vì vắt, rắn và ong độc ở rừng khộp. Gặp chúng, mấy “cô thầy thuốc” chỉ biết…chạy là thượng sách. Nhiều lần có trường hợp về đến nhà mặt mũi ai cũng húp híp, môi sưng vều, mồm méo xệch, lại được tiếng “khen”: Trông các “nàng y” càng béo đẹp, trắng trẻo, ưa nhìn hẳn ra (!).  Gian khổ là vậy, nhưng thú vị và cũng nhiều điều lý thú lắm những ngày ở rừng Trường Sơn. Cho tới bây giờ chúng tôi vẫn thầm tự hào “thời con gái kiêu sa” năm xưa mình đã được hiến trọn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đó cũng chính là những ngày tháng huy hoàng nhất của tuổi trẻ chúng tôi ở thập kỷ 60 (thế kỷ 20) trên đỉnh Trường Sơn huyền thoại. Chính tại Đội Điều trị khiêm tốn, nhỏ bé này chúng tôi đã cấp cứu, điều trị, cứu sống hàng ngàn lượt thương bệnh binh; đảm bảo trở lại sức khỏe tiếp tục bổ sung cho các mặt trận; hàng ngàn thương bệnh binh nặng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được trở về hậu phương đoàn tụ cùng gia đình. Đội Điều trị Binh trạm 35 chúng tôi cũng đã từng mang lại cuộc sống cho nhiều tù hàng binh Mỹ - ngụy, giúp họ có cơ may trở về đoàn tụ với gia đình. Tại đây, cũng có biết bao kỉ niệm bi hùng theo tôi suốt cả cuộc đời không bao giờ quên.
     Câu chuyện xảy ra vào mùa khô năm 1971. Đêm trên đại ngàn Trường Sơn tĩnh lặng như đắm chìm vào giấc ngủ với những người lính Trường Sơn. Bỗng có những ánh chớp chói sáng đến nhức mắt, thế rồi tất cả hầm, lán trại cả đơn vị rung lên bần bật, đất trời ngả nghiêng, khói bụi bay mù mịt, đất đá rơi rầm rầm, mùi thuốc súng khói bom sặc sụa đến ngạt thở. Chúng tôi hiểu ra ngay. Đó là B52! Hết loạt bom, những người còn sống sót đều nhô ra khỏi hầm kêu gọi nhau đến khản cổ, nhiều tiếng kêu rên tuyệt vọng của những người đang thoi thóp, hấp hối, những tiếng kêu đau đớn của các đồng chí bị thương đén lần thứ hai, thứ ba. Âm thanh hỗn loạn, tiếng người kêu cứu trong đám khói lửa bốc cháy rần rật, tre nứa nổ lốp đốp…
     Đang trong nỗi kinh hoàng, hoảng loạn, chợt vang lên tiếng thét rành rọt đến lạnh lùng của đồng chí Đội trưởng:
          - Chúng mày có câm đi không? Hãy nhanh chóng cứu lấy thương binh!
       Như một mệnh lệnh. Nghe lời “mắng mỏ” của anh, chúng tôi như bừng tỉnh cơ mê, cùng nhất loạt lao tới các lán ở của thương bệnh binh: sốt rét, thần kinh, sọ não…
       Trời ơi!…Không thể tin được?
      Tất cả chỉ còn là những hố bom sâu hoắm. Thi thể các anh đã tan nát vào cát bụi, một vài người còn thoi thóp đang quằn quại trong những vũng máu loang nổ. Chúng tôi băng bó cấp cứu cho Thương binh; dùng tay không cào bới đến tóe máu để tìm nhặt từng mảnh thịt, từng cẳng chân, cánh tay, bả vai…chắp vào thân mình cho các liệt sỹ, toàn đội vừa làm vừa khóc nức nở bởi thương xót đồng đội.
     Công việc tuy vậy vẫn rất khẩn trương và chính xác. Ai cũng biết bọn giặc Mỹ khát máu điên cuồng kia chúng không chờ đợi, chỉ mươi, mười lăm phút nữa chúng lại sẽ rắc xuống đây hàng loạt bom tọa độ thứ hai, thứ ba... Tất cả thương binh, liệt sỹ đều được chúng tôi đưa xuống hầm dự phòng, được bảo vệ an toàn.
     Đúng như dự đoán. Chỉ trong phút chốc, thân thể, ruột gan, tim phổi những thầy thuốc, thương binh, liệt sỹ lại được một phen chao đảo, quăng quật trong lòng đất, nhiều người bị máu rỉ qua tai, máu trào qua mồm, qua mũi, rồi mật xanh, mật vàng thi nhau tứa ra. Sau loạt bom vừa dứt chúng tôi lại lao ra khỏi hầm tìm cứu Thương binh, rồi cứu nhau. Lại tìm, đào, bới, tay, chân đến tứa máu, lại khiêng vác thương binh, liệt sỹ…
     Đêm ấy trời tối đen như mực. Tôi cùng hai chiến sỹ cảnh vệ được lệnh bồng súng canh thi hài các liệt sỹ. Thi thể các anh được chúng tôi tắm rửa, khâm liệm cẩn thận, bên ngoài bọc tăng võng. Chúng tôi đặt các anh nằm xếp từng hàng bên bờ sông Bắc Bạc thuộc đất ban Lào. Đêm đại ngàn Tây Trường Sơn âm u tối đen như mực, đầy bí ẩn, những đốm sáng hương đỏ lập lòe, lập lòe như muốn tâm sự điều gì. Tiếng nước sông chảy mải miết theo điệp khúc rì rầm, róc rách; tiếng kêu rùng rợn eng éc! eng éc!... của con chim lợn như rạch đôi mảnh trời đêm. Chúng tôi không hề thấy sợ hãi là gì,  chỉ thương các anh, nhớ các anh - những đồng đội thân yêu của chúng tôi vừa bị quân thù giết hại, đang phải nằm lại vĩnh viễn nơi đây. Cha, mẹ, vợ, con giờ ở nơi đâu? Chúng tôi là những người thân yêu, gần gũi nhất, đang thức trắng đêm, canh cho các anh yên giấc ngàn thu trong đêm đại ngàn Trường Sơn này.
     Cái đêm ấy chúng tôi vẫn còn gặp may mắn. Bọn giặc lái “Huê Kỳ” không đến rải tiếp loạt bom thứ ba nữa. Sau hai loạt bom, hầm phẫu thuật của Binh tram 35 chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Hầm y bác sỹ bị sập nhưng mọi người chỉ bị thương nhẹ. Tuy vậy những người thầy thuốc băng cuốn đầy mình, khắp đầu, mặt, chân, tay…vẫn đang cần mẫn, miệt mài mổ cấp cứu cho các thương binh. Nhiều ca đại phẫu chỉ dưới ánh sáng yếu ớt của đèn pin và đèn bão vẫn được tiến hành. Ngay trong đêm ấy chúng tôi đã thành công mở hộp sọ cứu sống một thương binh bị vết thương sọ não rất nặng, rồi tiếp mở lồng ngực lấy mảnh bom trong phổi cho một cán bộ đại đội và nhiều ca mổ phức tạp khác… kịp thời cứu sống hàng chục chiến sỹ thân yêu của chúng ta. Khâu xong mũi kim ca phẫu thuật cuối cùng, cũng là lúc chúng tôi lả đi vì đói và mệt..
     Đến giờ, những hình ảnh ấy vẫn cứ hiện về trong tôi, như mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia vậy, mỗi khi như thế là nước mắt tôi cứ ứa chảy ra không biết bao lần...
    Giờ đây sau hơn bốn mươi năm chiến tranh đã lùi xa, trở về với cuộc sống đời thường tuy còn khó khăn, vất vả. Nhưng những năm tháng có mặt ở Trường Sơn đánh Mỹ năm xưa vẫn  là niềm tự hào, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi.
    Chợt tôi nghiệm ra điều đúng như Nhà thơ Tố Hữu từng viết:
    Trường Sơn đông nắng tây mưa
    Ai chưa đến đó như chưa rõ mình
   Tôi đã đến Trường Sơn khi tuổi đời còn rất trẻ. Từ một cô bé nhà quê nhút nhát. Tôi đã trở thành một chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trở thành một người thầy thuốc vững vàng, dạn dày kinh nghiệm. Và, tôi đã vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ chính nơi tuyến lửa Trường Sơn ác liệt, trăm mến ngàn thương…
 
                                                           PTN
                          
 
 
 

tin tức liên quan