CHỈ ĐẠO NỘI DUNG:
-Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội TSVN;
-Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội TSVN.
BIÊN SOẠN NỘI DUNG
Nhà báo – Nhà văn Phạm Thành Long.
LỜI NÓI ĐẦU
Ngày 1 tháng 3 năm 2023, chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng
Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên:
“Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội…Đặc biệt đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh…Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến.”
Với 97 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, tên tuổi và sự nghiệp của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên cương vị là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Có thể nói, gần 10 năm chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn, tướng Đồng Sĩ Nguyên trở thành vị tướng của Quân đội có thời gian trực tiếp chiến đấu trên chiến trường lâu nhất. Quãng thời gian chiến đấu ở Trường Sơn là thời gian đẹp nhất, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ mẫn tiệp và tài thao lược quân sự xuất sắc của ông. Trường Sơn đã làm cho tên tuổi Đồng Sĩ Nguyên rực sáng. Và chính ông đã góp phần quan trọng để làm nên một Trường Sơn huyền thoại…
Những người lính Trường Sơn hôm qua và hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hôm nay mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm mình hình ảnh vị Tư lệnh tài ba, đức độ, hết lòng yêu thương, gần gũi và chia sẻ khó khăn, gian khổ cùng cán bộ, chiến sĩ.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chúng ta học tập ở ông ý chí kiên định, sự tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc; ý chí sáng tạo; quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; sống nghĩa tình, trọn vẹn và có trách nhiệm với đồng bào, đồng chí, quê hương và gia đình…
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Hội Trường Sơn Việt Nam trân trọng giới thiệu với độc giả, với hội viên Trường Sơn cả nước cuốn
“Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên với Trường Sơn”.
Cuộc đời, sự nghiệp và hình ảnh trọn vẹn, nghĩa tình của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sống mãi với Trường Sơn, sống mãi với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thiếu tướng Võ Sở
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn
Đường Hồ chí Minh Việt Nam
TƯ LỆNH ĐỒNG SĨ NGUYÊN
VỚI TRƯỜNG SƠN
I-GIA ĐÌNH VÀ TUỔI THƠ CỦA TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (tên thật là Nguyễn Hữu Vũ) sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923 tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đồng chí xuất thân trong một gia đình trung lưu có truyền thống yêu nước. Song thân đồng chí là cụ Nguyễn Hữu Khoán và cụ Đặng Thị Cấp. Cụ Nguyễn Hữu Khoán, sinh 1884, mất 1933. Cụ sinh ra và lớn lên tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cụ là cháu nội sĩ phu Nguyễn Trọng Đạm, một chỉ huy Cần Vương bị Pháp xử bắn ở Cửa Giang, Quảng Trạch, Quảng Bình.
Cụ Đặng Thị Cấp, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1882 tại làng Kinh Châu, xã Châu Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình. Cụ mất tại quê hương Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngày 22 tháng 4 năm 1982, thọ chẵn 100 tuổi.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ngôi nhà của hai cụ Nguyễn Hữu Khoán và Đặng Thị Cấp là nơi cất dấu tài liệu, địa chỉ liên lạc và che dấu cán bộ, nơi tổ chức một số cuộc họp của các cán bộ Khu ủy, Huyện ủy. Ngày nay ngôi nhà của cụ Nguyễn Hữu Khoán và Đặng Thị Cấp tại Trung thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình được ghi nhận là di tích lịch sử - cách mạng, là “địa chỉ đỏ” ở quê hương Quảng Bình, nơi sinh ra và lớn lên của ba vị tướng Quân đội NDVN, hai đại biểu Quốc hội. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Ba và danh vị “Có công với nước”
Hai cụ sinh được 9 người con, (6 trai, 3 gái):
-
Bà Nguyễn Thị Cả, mất 1911.
-
Ông Nguyễn Thanh tức Nguyễn Hữu Chương, sinh 1913, mất 2016, (lão thành cách mạng, sỹ quan quân đội, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng).
-
Bà Nguyễn Thị Hoà, sinh 1915, mất 2012. (Kháng chiến chống Pháp là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ Việt Minh).
-
Ông Nguyễn Hữu Lương, sinh 1918, mất 1999, (lão thành Cách mạng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng).
-
Bà Nguyễn Thị Huyền, sinh 1921, mất 2015, (tham gia phong trào phụ nữ xã phục vụ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ).
-
Đồng chí Nguyễn Hữu Vũ tức Nguyễn Đồng, Đồng Sỹ Nguyên, sinh 1923, mất 2019, Ủy viên BCT, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng).
-
Ông Nguyễn Hữu Anh tức Nguyễn Thanh Long, sinh 1926, mất 2014, (lão thành cách mạng, Thiếu tướng QĐND Việt Nam, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng).
-
Ông Nguyễn Hữu Toản, sinh 1928, mất 1932.
-
Ông Nguyễn Hữu Ảnh, sinh 1931, mất 2015, (quân y sỹ trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 được nghỉ mất sức. Cán bộ Tiền khởi nghĩa).
Những người con trai của cụ Nguyễn Hữu Khoản và Đặng Thị Cấp (trừ một người con mất sớm khi mới 4 tuổi, 5 người con trai còn lại của hai cụ đều tham gia hoạt động cách mạng. Trong đó có 2 người con trai của hai cụ là tướng lĩnh Quân đội: Người con trai thứ 3 là Nguyễn Hữu Vũ tức Đồng Sỹ Nguyên là Trung tướng và người con trai thứ 4 là Nguyễn Hữu Anh, (Nguyên Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng) là Thiếu tướng.
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên từ nhỏ được cha dạy chữ Hán và theo học chữ Quốc ngữ bậc tiểu học tại Thọ Linh, nay thuộc xã Quang Sơn, huyện Quảng Trạch. Chịu ảnh hưởng từ truyền thống của gia đình, đồng chí sớm đã có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp. Năm 12 tuổi, đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng dưới sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Huyên, bí danh là Tế - một cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Vừa hoạt động cách mạng, đồng chí vừa theo học bậc trung học tại trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình.
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên kết hôn với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (1928-2012) người xã Quảng Hòa, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông bà sinh được 6 người con:
1- Nguyễn Sỹ Hưng (sinh ngày 11-2-1949). Trung tá - Phi công tiêm kích, Trung đoàn Không quân 921, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, nguyên là Chủ nhiệm Khoa - Học viện Không quân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Nghỉ hưu năm 2011.
2- Nguyễn Quang Việt, (sinh 7-1952). Đại úy - Cán bộ Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, Phó Giám đốc Công ty Saigon Ship. Nghỉ hưu năm 2012.
3- Nguyễn Thế Bắc (sinh 7-1952). Đại úy - Cán bộ Bộ Tư lệnh Thông tin, Bộ Quốc phòng. Chuyển ngành làm Vụ phó thuộc Bộ Nội vụ. Nghỉ hưu năm 2012.
4- Nguyễn Tiến Quân, Trung úy, Đại đội trưởng pháo binh, Liệt sĩ - hy sinh tại biên giới phía Bắc, tháng 2-1979.
5- Nguyễn Thị Thu Hà, sinh tháng 10 năm 1956. Cán bộ thuộc Trung tâm máy tính Quân đội, chuyển ngành làm cán bộ Bộ Thông tin và Truyền thông.
6- Nguyễn Thị Minh Hiền, sinh tháng 7 năm 1959. Cán bộ Tổng công ty Thuỷ điện Hoà Bình, Công ty FPT. Đã nghỉ hưu.
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, 6 người con của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đều được học hành, phấn đấu rèn luyện và trưởng thành trong môi trường Quân đội. Nguyễn Tiến Quân – người con thứ 4 đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
II- SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ ĐỒNG SĨ NGUYÊN
Tháng 12 Năm 1939, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Đồng chí trở thành đảng viên khi chưa đầy 17 tuổi và đang học trung học. Năm 1940, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ Trung Thôn. Năm 1941, đồng chí làm Phủ Ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1942 đến tháng 2-1945, đồng chí làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Những hoạt động của đồng chí đã bị thực dân Pháp theo dõi. Vì vậy, khi đang học năm thứ 3 Thành chung, đồng chí bị thực dân Pháp truy nã. Cuối năm 1942 địch khủng bố, cơ sở bị vỡ, đồng chí phải sang Thái Lan và Lào tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở trong Việt kiều.
Tháng 3 năm 1945, đồng chí về nước tham gia thành lập Ban Cán sự tỉnh Quảng Bình (sau là Tỉnh ủy lâm thời), lập chiến khu Trung Thuần, huấn luyện quân sự, chuẩn bị lực lượng để tham gia tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Tháng 8 năm 1945, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, giành chính quyền tại thị xã Đồng Hới và toàn tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1946 đến năm 1948, đồng chí làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đồng chí được cử đi học lớp Nguyễn Ái Quốc khóa I năm 1946.
Ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946 đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.
Kháng chiến bùng nổ, đồng chí là Tỉnh ủy viên, được phân công làm Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình.
Trong thời gian từ 1947-1948, đồng chí đã chỉ huy nhiều trận tấn cộng quân Pháp tại Quảng Bình. Vì vậy để tránh liên lụy đến gia đình, đồng chí đã dùng tên mới là Đồng Sỹ Nguyên – cái tên về sau đã gắn bó với đồng chí trong cuộc đời còn lại.
Từ năm 1949 đến năm 1950, đồng chí được Trung ương điều ra Việt Bắc và được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh. Sau đó được điều về công tác ở Phòng Đảng vụ, Cục Chính trị (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam).
Từ năm 1951 đến tháng 1 năm 1954, đồng chí làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào.
Từ tháng 2 năm 1954 đến tháng 3 năm 1956, đồng chí được điều về Bộ Tổng Tham mưu phụ trách Cục Động viên Dân quân. Đồng chí được giao phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết.
Từ tháng 4 năm 1956 đến năm 1960, đồng chí lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó rồi Cục trưởng Cục Động viên Dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; đồng chí được phong quân hàm Đại tá năm 1958.
Từ năm 1961 đến năm 1962, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Bắc Kinh.
Năm 1964, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng.
Năm 1965, đồng chí được bổ nhiệm là Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Hạ Lào.
Cuối năm 1965, đồng chí bị thương phải ra Hà Nội điều trị.
Đầu năm 1966, đồng chí làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 1967 đến tháng 5-1976, đồng chí được Trung ương điều vào làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 – Bộ đội Trường Sơn thay Đại tá Hoàng Văn Thái. Đồng chí còn kiêm Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân, dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào.
Đồng chí được phong quân hàm từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí tham gia Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
Tháng 6 năm 1976, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12 năm 1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.
Từ năm 1977 đến tháng 2 năm 1982, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, đồng chí được Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Tháng 8 năm 1979, đồng chí được điều trở lại công tác tại Bộ Xây dựng, giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
(nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1991, đồng chí thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”; Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Đồng chí được nghỉ công tác từ tháng 10 năm 2006.
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
III- CỐNG HIẾN ĐẶC BIỆT VỚI CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN CỦA TRUNG TƯỚNG TƯ LỆNH ĐỒNG SĨ NGUYÊN.
Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh.
Thời gian gần 10 năm ông đảm nhận cương vị chỉ huy là ngần ấy năm Bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt nhất của máy bay và bom đạn Mỹ; phải đối mặt với những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, đối mặt với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất mà Mỹ, ngụy sử dụng trên chiến trường Trường Sơn. Gần 10 năm làm Tư lệnh là quãng thời gian mà Trường Sơn nhận nhiệm vụ chi viện chiến trường nặng nề nhất, to lớn nhất và quy mô nhất. Và cũng ngần ấy năm, ông và Bộ Tham mưu của mình chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành xuất sắc sự nghiệp chi viện cho các hướng chiến trường trong cuộc chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành:
Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ; chúng trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn bằng nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức tàn bạo; Mỹ thả xuống Trường Sơn hàng chục vạn lít chất độc hóa học da cam – dioxin. Song Bộ đội Trường Sơn đã mở hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài hơn 17.000 km cho xe cơ giới; vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ năm 1973 đến 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 Quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiệu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại; mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và đưa hàng ngàn thiếu nhi vượt Trường Sơn ra Bắc học tập; xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki- lô- mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin thông suốt đến các hướng chiến trường; mở 1.400km đường ống xăng dầu, 600 km đường sông…Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn phối thuộc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
-
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN HỢP ĐỒNG BINH CHỦNG TRONG THỰC HIỆN CHI VIỆN
Ngày 1 tháng 1 năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chính thức nhận nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Nhưng những ngày trước đó, đồng chí đã có mặt tại Trường Sơn. Ngay sau khi ra mắt nhận nhiệm vụ, đồng chí đã tổ chức ngay một chuyến đi nghiên cứu và khảo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, từ đường 9 trở ra.
Với tác phong sâu sát, đồng chí đã có mặt tại nhiều trọng điểm, đến trực tiếp nhiều trận địa cao xạ, các đơn vị công binh, xe, quân y, thông tin…và Sở chỉ huy của các Binh trạm, Trung đoàn trên tuyến.
Sau đợt khảo sát này, với tư duy sắc sảo và sự nhạy cảm của một vị Tư lệnh chiến trường, đồng chí đã phát hiện ra nhiều bất cập, tồn tại cần có các giải pháp cụ thể nhằm thay đổi căn bản công tác tổ chức chi viện. Báo cáo được đồng chí trình bày trước Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đã đề cập về thực trạng của tình hình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chỉ ra những vấn đề cần nhanh chóng khắc phục. Kèm theo đó là những giải pháp khắc phục cụ thể, đặc biệt là ý tưởng về việc
triển khai tác chiến hợp đồng binh chủng:
Báo cáo chỉ rõ:
Do địch đánh phá liên tục nhiều ngày và ngày càng ác liệt, một số cán bộ, chiến sĩ mới chỉ thấy cái mạnh của địch mà chưa thấy những hạn chế của chúng, chỉ thấy hoặc quá nhấn mạnh cái khó khăn, yếu kém, mà chưa nhận rõ đánh giá đúng những mặt mạnh của ta. Từ đó, dẫn đến đánh giá cao địch, tư tưởng dao động, nặng về phòng tránh, làm ăn nhỏ lẻ, rụt rè, hiệu quả thấp, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng lớn của các chiến trường.
Đồng chí phân tích: …
Tư tưởng tiến công phải được cụ thể hóa, nhất là các binh chủng chủ yếu:
Đối với bộ đội cao xạ: Phải bố trí lại trận địa bám sát các mục tiêu bảo vệ, lấy chốt trọng điểm là chính, kết hợp cơ động thích hợp. Từ trận địa bám trụ ở trọng điểm mà đánh tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ đội hình hành tiến của bộ đội xe, đội hình tác nghiệp của công binh và cầu đường, làm cho xác suất của bom đạn giảm, tổn thất của ta ít, tốc độ vận chuyển tăng.
Đối với bộ động công binh: Phải xây dựng cộng sự bám trụ ở ngay trọng điểm, lấy chốt trọng điểm như trận địa chiến, tăng cường công cụ cải tiến, tăng máy húc, xe ben, thuốc nổ để giảm bớt người mà vẫn mở rộng được mặt đường, thực hiện “địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe càng nhanh”. Đồng thời mở các đường trách cục bộ ở từng trọng điểm sẽ nối dần lại thành một tuyến mới song song. Nắm vững quy luật đánh phá của địch, lợi dụng thời tiết, sương mù, mây thấp, từ lấn sáng, lấn chiều chuyển sang làm đường ban ngày là chính, ban đêm tập trung khắc phục hậu quả và ứng cứu đội hình xe.
Đối với bộ đội xe vận tải: Phải chuyển sang tổ chức thành đội hình nhiều thê đội quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn, có chỉ huy chặt chẽ; xóa lối đi tự do từng chiếc, từng tốp nhỏ. Xây dựng các căn cứ tập kết xuất phát an toàn với nhiều đường tiếp cận ra đường trục; tận dụng sương mù và thời tiết chạy lấn sáng để tăng thời gian xe lăn bánh, lợi dụng pháo sáng và quy luật đánh phá của địch, chủ động và liên tục tiến công, luôn đạt được hiệu suất cao, vượt cung tăng chuyến.
Tác chiến hợp đồng binh chủng:
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên sau khi phân tích đã khẳng định:
Tuyến vận tải chiến lược cần phải thực hiện tác chiến hợp đồng binh chủng chặt chẽ, hiệu quả.
Đồng chí chỉ rõ:
Không quân địch thường tập trung đánh vào trọng điểm nhằm tạo ưu thế chặn đứng đội hình xe tiến công, chia cắt hệ thống giao thông. Vì vậy, phải tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng tại nơi đó, đánh bật địch, bảo vệ đội hình xe vượt trọng điểm. Đây là hình thức tác chiến ở trình độ cao, bảo đảm thắng lợi cho từng chuyến vận tải.
Các Binh trạm phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của bộ đội hợp thành, biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào đặc điểm chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược, khắc phục cách làm cũ chỉ biết vận tải đơn thuần. Cơ quan Bộ Tư lệnh cũng chuyển hẳn sang chỉ huy hợp đồng binh chủng, không dừng lại ở chỉ đạo. Tăng cường nhanh trang thiết bị, xây dựng mạng thông tin đa phương tiện, thông suốt liên tục, đảm bảo chỉ huy trực tiếp của Đoàn với các Binh trạm phía bắc (từ cửa khẩu đến bắc Bạc), nắm trực tiếp từ một đến hai trọng điểm ở gần Văng Mu, Cốc Mạc. Sau đó khẩn trương triển khai bảo đảm chỉ huy trực tiếp của Đoàn với các Binh trạm phía Nam.
Vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phải biết tạo thời cơ và nắm thời cơ. Khi thời cơ đến phải huy động cao độ sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi…
Công tác chính trị, tư tưởng lúc này phải quán triệt, làm chuyển biến cho được tư tưởng tiến công, khắc phục tư tưởng dao động, phòng tránh đơn thuần, đồng thời đề phòng chủ quan, mất cảnh giác…
Trong bản Báo cáo, Tư lệnh còn đưa ra chủ trương:
Sở chỉ huy các cấp cần phải được xây dựng không xa trục đường, bám sát trọng điểm để chỉ huy tác chiến nhanh chóng và thuận lợi.
Báo cáo và đúc kết trên đây của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã được Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Vũ Xuân Chiêm đề nghị bổ sung, xây dựng thành một Nghị quyết quan trọng của Đảng ủy và cần được quán triệt ngay cho cán bộ các cấp. Tư tưởng và những giải pháp quan trọng ấy của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã tạo ra sự chuyển biến căn bản, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chi viện ở tất cả các đơn vị. Có thể nói quan điểm và các giải pháp trong báo cáo của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã tạo ra một bước ngoặt mới trong lãnh đạo, chỉ huy và điều hành toàn bộ tuyến chi viện chiến lược.
Trước yêu cầu thay đổi, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã quyết định mở Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn chiến trường nhằm quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập huấn chiến dịch, chiến thuật vận tải mới năm 1967 tại Hương Xuân, Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là Hội nghị vô cùng quan trọng trong việc chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng trong vận chuyển chi viện chiến lược.
Thắng lợi ngay năm đầu tiên nhận nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559
Nhờ thay đổi phương thức chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng, nhờ những giải pháp phù hợp được áp dụng từ đơn vị đến Bộ Tư lệnh nên Bộ đội 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược năm 1967.
Dù trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, sử dụng tới 17.027 lần chiếc máy bay các loại, ném 59.000 bom, gấp 1,7 lần mùa khô 1965-1966, riêng máy bay chiếc lược B52 tăng gấp 8 lần, nhưng các lực lượng của 559 đã giành được thắng lợi một cách toàn diện: Tổng khối lượng vận chuyển đạt 27.469 tấn, căn bản hoàn thành kế hoạch cả năm trên tất cả các hướng chiến trường của ta và bạn. Việc chỉ huy đảm bảo hành quân thực hiện vượt mức, đảm bảo cho bộ đội đi nhanh, an toàn, sức khỏe tốt, căn bản chuyển hết thương binh về hậu phương. Tổ chức đánh địch bảo vệ hành lang có hiệu quả, bắn rơi 163 máy bay, bắn bị thương 284 chiếc; truy lùng phá vỡ nhiều ổ gián điệp biệt kích và nhiều đợt tập kích bằng trực thăng của địch, diệt 393 tên, bắt sống 177 tên, bước đầu đánh bại âm mưu ngăn chặn của địch đối với tuyến hành lang, giữ được chủ động trong suốt mùa vận chuyển. Xây dựng cầu đường ngày càng hoàn thiện, mở thêm được 108 km đường mới và 248 km đường vòng tránh, tạo thành 2 tuyến vận chuyển song song ở phía bắc, giữ thế vững chắc trong cả mùa.
Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã rút ra một số kinh nghiệm quý báu từ hoạt động thực tiễn mùa khô năm 1967. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh về kinh nghiệm tác chiến hợp đồng binh chủng:
“Vận chuyển chi viện chiến lược bằng sức mạnh bộ đội hợp thành nhất thiết phải tổ chức các chiến dịch vận chuyển với quy mô thích hợp (nhỏ, vừa, lớn) đặt dưới sự chỉ huy thống nhất, trực tiếp, chặt chẽ, liên tục. Phải thực hiện vận chuyển với đội hình tập trung, quy mô thích hợp với đặc điểm địa hình, cầu đường và địch đánh phá. Triệt để xóa bỏ hình thức hoạt động đơn lẻ, rời rạc, khoán cấp theo thời gian…
Nắm vững phương châm đánh địch kết hợp với phòng tránh và nghi binh. Chố tập trung bảo vệ trọng điểm kết hợp với cơ động tiêu diệt địch, bảo đảm đội hình xe tiến công.
Đổi mới phong cách chỉ huy, thực hiện tác phong chỉ huy 4 trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp tổ chức chỉ huy, trực tiếp kiểm tra đôn đốc giúp đỡ, trực tiếp đánh giá, động viên, cổ vũ khí thế. Đó là bí quyết thành công của người cầm quân.”
Ngày 4 tháng 6 năm 1967, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã làm việc với Bộ Tư lệnh 559. Sau khi nghe Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên báo cáo hoạt động toàn diện mùa khô 1966-1967 của Bộ Tư lệnh 559, Đại tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp đã đánh giá:
“Đây là báo cáo đã khái quát được một số vấn đề mới. Điều quan trọng là Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 đã đánh giá đúng chỗ mạnh yếu của không quân Mỹ trên tuyến vận tải, đã lợi dụng thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, quán triệt tư tưởng tiến công và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của Đảng vào vận tải quân sự…Thắng lợi mùa khô 1966-1967 một lần nữa khẳng định chủ trương của Quân ủy cơ giới hóa tuyến vận tải chiến lược là chính xác…”
Sáng kiến mở đường kín để tổ chức chạy xe ban ngày và
đối phó hữu hiệu với máy bay AC - 130 của Mỹ
Từ năm 1967, Bộ Tư lệnh đã quyết định mở thêm nhiều trục dọc và trục đường ngang để đối phó với sự đánh phá ngăn chặn với số lượng và tần suất ngày càng tăng, ngày càng ác liệt của không quân Mỹ. Đặc biệt là các tuyến cửa khẩu và các trọng điểm. Do có thêm nhiều tuyến vượt khẩu, nhiều tuyến đường tránh trọng điểm được mở ra đã góp phần phân tán sự đánh phá, ngăn chặn của máy bay Mỹ, giải quyết ách tắc tại các cửa khẩu, tại các trọng điểm.
Từ đầu mùa khô 1969-1970, ngoài việc sử dụng tăng cường các loại máy bay tiêm kích, máy bay B52, Mỹ còn đưa vào sử dụng loại máy bay AC130 để tăng cường đánh phá, khống chế trọng điểm trên toàn tuyến. Máy bay AC130 có trọng tải 20 tấn, tốc độ tối đa 602 km/h; tầm hoạt động 7.876 km, trần bay 10.060 mét, tổng số nhiên liệu mà chúng mang 36.636 lít… AC-130 được trang bị vũ khí cực kỳ tối tân: Súng liên thanh cỡ đạn 20 ly, 40 ly và lựu pháo 105mm, máy ngắm hồng ngoại để phát hiện tia lửa điện và vật phát nhiệt của động cơ, ống xả ô tô; máy khuếch đại ánh sáng mờ (4.000 lần) nhìn vật trong đêm tối rõ gần như ban ngày; máy ngắm bằng tia laze…Loại máy bay này được Mỹ thử nghiệm lần đầu tiên trên Trường Sơn. Hằng đêm Mỹ đã sử dụng chỉ với 3 chiếc AC-130 đã có thể kiểm soát được toàn bộ tuyến đường Trường Sơn gần như suốt đêm. Thời gian đầu, AC-130 đã gây cho Bộ đội Trường Sơn những khó khăn và thiệt hại không nhỏ. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phát động phong trào nghiên cứu, tìm giải pháp diệt AC-130 trên toàn chiến trường.
Đối phó với AC130 và sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã có chủ trương:
Tăng cường mở đường kín (đường K) kết hợp với trồng cây ngụy trang, tăng cường làm dàn ngụy trang đường “hở”, tăng cường nghi binh… xây dựng thế trận chạy ngày. Đặc biệt là tận dụng chạy lấn sáng, lấn chiều.
Kết luận Hội nghị quân chính tháng 5 năm 1971, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã quyết định thực hiện ngay kế hoạch 3 điểm:
-Mở tuyến đường kín
-Mở tuyến Đông Trường Sơn.
-Rải đá trên các tuyến vượt khẩu.
Ngay từ đầu tháng 6, Bộ Tư lệnh đã quyết định triển khai ngay việc mở đường kín. Điểm xuất phát là tuyến đường cách nam ngầm Long Đại (Quảng Bình) 2km chạy vào tây Văng Mu, từ đó chạy song song với trục 128 vào tới ngã ba biên giới. Con đường kín này dài khoảng 800 km. Để bảo đảm bí mật, con đường kín này chỉ mở rộng 3,5m đủ cho xe đi một chiều. Cứ 10 km phải tạo một đường nhánh để cho xe tránh nhau. Những đoạn trống trải phải trồng cây và ngụy trang kín đáo. Bộ Tư lệnh đã huy động 4 trung đoàn công binh: 4, 10, 98 và 217, tiểu đoàn thuyền 73 cùng 6 tiểu đoàn công binh tại chỗ của các binh trạm có đường kín chạy qua và Binh trạm 30 được giao mở khẩn cấp con đường này. Con đường kín dài 800 km đã được thông tuyến vào giữa tháng 11 năm 1971.
Có con đường kín, Bộ Tư lệnh quyết định chạy xe ban ngày cung dài từ đầu tuyến theo đội hình lớn đến vùng ngã ba biên giới và hậu cứ Nam Bộ, xóa được phương thức đi ban đêm theo cung ngắn vừa chậm chạp, vừa tốn kém.
Những đoàn xe vận tải chạy ban ngày dưới những tán rừng kín đã đối phó hiệu quả với các máy bay Mỹ và đặc biệt với máy bay AC130.
“Mở đường kín là cuộc cải cách cực kỳ lớn của Tuyến vận tải cơ giới, là biện pháp tích cực nhất, chủ động nhất để chống thủ đoạn của máy bay AC130…” Đấy là đánh giá của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đối với giá trị của con đường kín.
2- ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC YẾU TỐ BẢO ĐẢM THẮNG LỢI
CHO CÔNG TÁC CHI VIỆN
“Phủ sóng” hệ thống thông tin toàn chiến trường
Khi thiết kế phương thức “tác chiến hợp đồng binh chủng” trong chi viện chiến lược của tuyến 559, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã chỉ rõ:
Muốn thực hiện thành công tác chiến hợp đồng binh chủng trong vận chuyển thì công tác thông tin liên lạc vô cùng quan trọng. Nó là yếu tố bảo đảm cho sự chỉ huy nhanh chóng, thống nhất và kịp thời. Vì vậy, Tư lệnh đã chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin tải ba, thông tin vô tuyến sóng ngắn và hệ thống dây thông tin dây bọc đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến. Đến đầu năm 1971 hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương. Bảo đảm sự chỉ huy từ Tổng Hành dinh tới tận chiến trường Nam Bộ. Hệ thống điện thoại đã được trang bị cho tất cả cấp đại đội và tương đương, tới các trọng điểm, các trạm phẫu thuật…của toàn chiến trường Trường Sơn.
Xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn.
Công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400 km. Đề xuất này được Đảng ủy – Bộ Tư lệnh thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn.
Tuyến đường ống xăng dầu từ Ra Mai vào nam Bản Cọ được xây dựng và khánh thành ngày 22/12/1969. Đồng chí Tư lệnh đã chứng kiến sự vận hành đầu tiên của tuyến đường ống xăng dầu do bộ đội Trường Sơn xây dựng.
Năm 1970, 2 Trung đoàn 592 và 532 đường ống xăng dầu được thành lập. Đây là lực lượng xây dựng đường ống xăng dầu cấp trung đoàn đầu tiên của Trường Sơn.
Ngày 20/1/1975, tuyến đường ống xăng dầu được Bộ đội Trường Sơn xây dựng đã vào tới Bu Pơ Răng thuộc Nam Bộ. Đến tháng 3/1975, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được 596 km đường ống trên Đông Trường Sơn kéo dài tới Bù Gia Mập cùng 12.525 m3 kho, hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn. Đồng thời đã xây dựng đồng bộ hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000 m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800 m3/ngày đêm trên một hướng.
Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia và các lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn. Đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Từ khi có tuyến đường ống xăng dầu, lực lượng vận tải của Trường Sơn chấm dứt một lực lượng lớn vận tải xăng dầu bằng xe téc và xe chở phi xăng. Và trên mỗi xe ô tô vận tải của bộ đội Trường Sơn không còn phải mang thùng phi xăng dầu dự phòng để dồn trọng tải cho việc chở hàng chi viện…
Nếu không có tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn thì Bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đánh giá:
“Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn”.
3-TẦM NHÌN VƯỢT THỜI GIAN TRONG XÂY DỰNG TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NGÀY CÀNG TO LỚN CỦA CÔNG TÁC CHI VIỆN
Phát triển mới đồng thời sắp xếp lại các Binh trạm
Năm 1967, trước thực tế tổ chức lực lượng và phân chia địa bàn phụ trách của các Binh trạm đã xuất hiện những hạn chế, tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác chi viện.
Với tầm nhìn sắc sảo, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đề xuất và được tập thể Đảng ủy Bộ Tư lệnh thống nhất thay đổi về tổ chức lực lượng, bố trí thế trận, phân chia lại phạm vi phụ trách của các Binh trạm một cách phù hợp và kiện toàn cán bộ chủ chốt và sắp xếp lại lực lượng tác chiến. Quyết định này được khẩn trương triển khai trong mùa mưa 1967, sẵn sàng cho nhiệm vụ mùa khô 1967-1968:
-Chia Binh trạm 1 thành 2 Binh trạm 31 và 32.
Binh trạm 31: Phục trách từ Mụ Giạ (cửa khẩu đường 12) đến Lùm Bùm (đường 128) và các tuyến đường 12 đi Kon Tum, đường 129 từ Ka Vát đi Na Phi Lăng.
Binh trạm 32: Phụ trách 3 trục đường: Đường 20 từ cụm C đến Lùm Bùm; đường 128A, từ Lùm Bùm đến Na Hy và tuyến đường 129 từ Na Phi Lăng đến Mường Phìn (đường 9).
Binh trạm 33: Đảm nhiệm từ Tha Mé (nam đường 9) vào La Hạp, và từ Bản Đông đi Khe Sanh.
Binh trạm 34: Đảm nhiệm từ La Hạp đến bắc Bạc và trục đường B45 từ La Hạp đến A Túc.
Binh trạm 35: Phụ trách từ nam Bạc đến nam Chà Vằn (km 120) và từ Bạc đến Pa Ca Don (cung này vận chuyển bằng ô tô và cả bằng thuyền).
Binh trạm 36: Phụ trách từ nam Chà Vằn đến nam Sê Ca Mán.
Binh trạm 37: Phụ trách từ Sê Ca Mán vào Tà Sẻng và tuyến đường C4 từ Phi Hà đến Tà Ngâu. Đường sông từ Tà Ngâu đến Nậm Công.
Binh trạm 44: Phụ trách tuyến đường B46 Chà Vằn đến Đắc Rao đầu đường 14.
Binh trạm 42: Phụ trách đường B45 từ A Túc đi hướng Trị Thiên đến Bù Lạch bắc Khu 5.
Đến năm 1969 thì liên tiếp thành lập thêm nhiều Binh trạm, nâng tổng số các binh trạm trên Trường Sơn lên con số 17. Và đến đầu tháng 7 năm 1971 thì tổng số Binh trạm đã là 26.
Cơ quan Bộ Tư lệnh cũng được xây dựng theo hướng chuyên sâu với 3 cơ quan Tham mưu:
Tham mưu Tác chiến, Tham mưu Vận tải, Tham mưu Công Binh.
Tổ chức mô hình mới: Bộ Tư lệnh khu vực để phù hợp với yêu cầu tác chiến binh chủng hợp thành trong điều kiện mới.
Việc vận chuyển chi viện tính đến đầu năm 1970 chủ yếu theo không gian của mỗi Binh trạm. Không gian tác chiến hợp đồng binh chủng cũng chỉ trong không gian địa bàn hoạt động của mỗi Binh trạm, cung độ vận chuyển ngắn, hàng hóa phải bốc vác lên xuống nhiều lần... Với phương thức vận chuyển này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Phải tăng cung độ vận chuyển vượt qua không gian của mỗi Binh trạm; việc chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng cần phải được mở rộng thì mới đáp ứng được yêu cầu chi viện của các hướng chiến trường ngày càng lớn hơn. Muốn phát triển, cần phải thay đổi về tổ chức lực lượng. Toàn tuyến Trường Sơn cần được chia ra 5 khu vực, mỗi khu vực được tổ chức thành một Bộ Tư lệnh khu vực (tương đương cấp sư đoàn) để chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng…Từ suy nghĩ ấy ông đã trình bày kế hoạch về thay đổi mô hình tổ chức lực lượng của Trường Sơn với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh. Ông chọn giải pháp “làm thử” việc tổ chức thành lập Bộ Tư lệnh 470 (tương đương cấp Sư đoàn) phụ trách địa bàn cuối cùng của Trường Sơn. Đề nghị đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê chuẩn. Và ngày 20 tháng 4 năm 1970, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470 (gồm các Binh trạm: 37, 50, 51, 52 và 53, Trung đoàn 4 công binh cùng một số tiểu đoàn trực thuộc khác). Và tháng 10 năm 1970, thành lập Đoàn hậu cứ 571 (tương đương sư đoàn).
Mô hình tổ chức Bộ Tư lệnh khu vực nhằm mở rộng không gian tác chiến hợp đồng binh chủng thống nhất trên một tuyến dài hơn của nhiều Binh trạm so với trước đây. Việc chỉ huy tác chiến trực tiếp hơn và thuận lợi hơn, phát huy được sức mạnh tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ chi viện một cách hiệu quả.
Mô hình tổ chức Bộ Tư lệnh khu vực đã phát huy hiệu quả, chứng minh hướng đi đúng theo đề suất của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên.
Rút kinh nghiệm thực tiễn, Đảng ủy Bộ Tư lệnh tiếp tục đề nghị tổ chức mô hình mới đối với những Binh trạm còn lại. Ngày 20 tháng 7 năm 1971, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê chuẩn phương án tổ chức thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực là: 471, 472, 473 và Bộ Tư lệnh hậu cứ 571 theo đề nghị của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Công tác vận chuyển chi viện từ tháng 7 năm 1971 được vận hành tác chiến hợp đồng binh chủng do các Bộ Tư lệnh khu vực đảm nhiệm. Cung vận chuyển được kéo dài, chỉ huy tác chiến tập trung hơn, giảm thiếu tối đa sự hao hụt, hỏng hóc của hàng hóa trong qua trình bốc xếp, vận chuyển. Năng suất vận chuyển chi viện tăng lên rõ rệt. Tính đến cuối tháng 6 năm 1972, tổng khối lượng giao cho các hướng chiến trường đã đạt 145% kế hoạch được giao. Khối lượng tạo chân hàng và vận chuyển nội bộ tăng lên nhiều lần. Tuyến vận chuyển đi Khu 5 tăng thêm 40 km; hướng vào Nam Bộ tăng thêm 50 km, Tây Nguyên 200 km và trực tiếp vận chuyển nhu cầu hậu cần đến tận chiến hào cho bộ đội chiến đấu ở đường 9 và bắc Quảng Trị.
Quân ủy Trung ương đã biểu dương:
“Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu xuất sắc, giành thắng lợi to lớn, toàn diện chưa từng có so với các năm trước. Vận chuyển chi viện, tổ chức bảo đảm đưa quân vào đạt kết quả rất cao trên tất cả các hướng, góp phần quan trọng cho các chiến trường Nam Đông Dương đánh mạnh cả mùa khô, mùa mưa”.
Tổ chức các Sư đoàn, Trung đoàn binh chủng đáp ứng tác chiến chi viện trong tình hình mới
Hiệp định Pari được ký kết (Ngày 27 tháng 1 năm 1973).
Ngày 22 tháng 2 năm 1973, Hiệp định Viêng Chăn được ký kết. Mỹ và tay sai thừa nhận độc lập, hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc của nhân dân Lào.
Lúc này Đế quốc Mỹ đã ngừng đánh phá bằng không quân trên toàn chiến trường Trường Sơn. Thời cơ mới đã mở ra điều kiện mới cho công tác vận chuyển chi viện của Bộ đội Trường Sơn. Mô hình tác chiến của Bộ Tư lệnh Khu vực đã không còn phù hợp trong điều kiện mới của chiến trường Trường Sơn. Nếu cứ giữ nguyên mô hình tổ chức Bộ Tư lệnh Khu vực thì sẽ là một cản trở. Cần phải thay đổi về tổ chức lực lượng phù hợp. Trong điều kiện mới, hệ thống đường Trường Sơn có điều kiện được cải tạo, nâng cấp chất lượng đường, vì thế tốc độ vận chuyển được tăng lên đáng kể; vận chuyển cung dài với đội hình lớn tập trung có điều kiện để thực hiện…Trên cơ sở phân tích ấy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã xây dựng đề án mô hình tổ chức các Sư đoàn và Trung đoàn binh chủng được hình thành. Kế hoạch của ông nhanh chóng được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đồng tình và đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho bỏ cấp Binh trạm và Sư đoàn Khu vực để thành lập các sư đoàn và trung đoàn binh chủng nhằm tạo được quả đấm mạnh thực hiện vận chuyển đường dài cũng như tập trung thực hiện các công trình trọng điểm.
Trong lúc chờ quyết định chính thức, được sự đồng ý của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã giải thể các Binh trạm, dồn các tiểu đoàn thành 15 trung đoàn binh chủng (công binh, pháo cao xạ, ô tô vận tải) trực thuộc các Bộ tư lệnh sư đoàn khu vực; đồng thờ thành lập thêm 5 trung đoàn binh chủng trong đó có 2 trung đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Trung đoàn 541 kho và 572 giao liên).
Ngày 11 tháng 5 năm 1973, Quân ủy Trung ương phê chuẩn thành lập Sư đoàn ô tô vận tải (571) và Sư đoàn công binh (473). Đây là 2 sư đoàn binh chủng đặc thù đầu tiên trong tổ chức của quân đội ta và chưa thấy có trong bất kỳ quân đội nước nào trên thế giới. Các Sư đoàn khu vực còn lại cũng được sắp xếp lại với các trung đoàn binh chủng trong đội hình.
Kết thúc năm 1973, với hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp, vận chuyển chi viện đạt kết quả 132% kế hoạch được giao (mặc dù khối lượng tăng gấp đôi so với năm 1972). Với các chiến trường đạt 147%. Việc bảo đảm xăng dầu cho các chiến trường tăng gấp đôi so với năm 1972…
Ngày 15 tháng 5 năm 1974, Quân ủy Trung ương đã phê chuẩn (theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn) thành lập thêm Sư đoàn ô tô vận tải thứ 2 – Sư đoàn 471. Chuyển các Sư đoàn khu vực 470 và 472 thành Sư đoàn công binh. Thành lập mới Sư đoàn công binh 565. Bộ Quốc phòng cũng đồng ý cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành lập thêm 6 trung đoàn công binh trực thuộc. Như vậy, tính đến tháng 5 năm 1974, lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn bao gồm 4 Sư đoàn công binh (470, 472, 473, 565), 2 sư đoàn ô tô vận tải (571 và 471), Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn phòng không 377 và Đoàn Chuyên gia cố vấn cùng 21 Trung đoàn binh chủng trực thuộc.
Việc thành lập các sư đoàn và trung đoàn binh chủng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo ra một bước ngoặt mới, đáp ứng yêu cầu ngày một to lớn của công tác chi viện chiến lược. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 2 Sư đoàn ô tô vận tải của Trường Sơn đã cơ động 10 sư đoàn của các Quân đoàn chủ lực của quân đội ta hành quân thần tốc từ hậu phương vào thẳng chiến trường để tham gia Chiến dịch. Với gần 7.000 xe ô tô, Sư đoàn 571 và 471 đã vận chuyển chi viện cho các hướng chiến trường một khối lượng vũ khí, đạn dược vô cùng lớn, đáp ứng mọi yêu cầu. Nếu không có các Sư đoàn công binh của Trường Sơn bảo đảm giao thông trên đường 1 và các tuyến đường khác thì các lực lượng chủ lực của quân đội ta không thể thần tốc giải phóng nhanh chóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung và các mũi, các hướng tiến công của Chiến dịch.
Thay đổi về tổ chức lực lượng để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chi viện ngày một to lớn, hiệu quả hơn của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thể hiện không chỉ tầm nhìn mà còn thể hiện sự sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược được Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng giao.
Với 2 sư đoàn xe ô tô vận tải chiến đấu (7.130 xe các loại) đã trở thành lực lượng cơ động hữu hiệu, bảo đảm cho các Quân đoàn chủ lực hành quân thần tốc, thực hiện thành công mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, tạo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất và toàn thắng!”.
Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Nếu không có 2 sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu (471 và 571) của Bộ đội Trường Sơn thì quân đội ta không thể “thần tốc” tiến công giải phóng Miền Nam như thực tế đã diễn ra. Và nếu không có 2 sư đoàn ô tô vận tải Trường Sơn thì các lực lượng của các hướng tấn công của các Quân đoàn chủ lực làm sao có thừa vũ khí, đạn dược để tấn công vũ bão xuống đầu kẻ thù khiến chúng kinh hồn bạt vía và tan giã ra nhanh chóng như thế…
4- TỔ CHỨC GIÚP BẠN LÀO MỘT CÁCH BÀI BẢN
Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên nhận thức: Nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
Địa bàn tuyến hành lang chi viện chiến lược 559 xuyên qua vùng giải phóng của 4 tỉnh: Khăm Muộn, Savannakhet, Tàvenoọc, Atôpơ. Dân số khoảng 82.000 người gồm trên 20 dân tộc, phần lớn là dân tộc Lào Thơng. Cơ sở chính trị về Đảng, chính quyền, mặt trận, dân quân du kích đã có tổ chức và hoạt động từ lâu nhưng còn yếu và rời rạc. Kinh tế còn ở trạng thái tự nhiên, nông nghiệp độc canh, lạc hậu; thủ công nghiệp đình trệ, thương nghiệp giao lưu phân phối hàng hóa chưa hình thành…Qua mấy năm hạn hán mất mùa và bị bom đạn của Mỹ tàn phá, nhân dân phải các bản làng dọc theo hành lang đều phải sơ tán vào núi rừng, hang đá, thường xuyên thiếu đói, bệnh tật phát triển, đời sống vô cùng cơ cực.
Cuối tháng 11 năm 1967, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thống nhất với Chính ủy Vũ Xuân Chiêm về kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai giúp bạn Lào. Ngay sau đó, Đảng ủy Bộ Tư lệnh tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn công tác giúp đỡ bạn. Hội nghị đã xác định nội dung, phương châm và phương pháp cũng như địa bàn hoạt động, tổ chức, lực lượng giúp bạn.
Theo thỏa thuận với Đoàn chuyên gia Nam Lào, Đoàn 559 sẽ giúp bạn trong 11 huyện trên hành lang. Do địa bàn rộng và phức tạp, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chủ trương mọi lực lượng trên tuyến đều phải tham gia công tác giúp bạn, lấy đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt, lấy Binh trạm là đơn vị tổ chức thực hiện từ một đến hai huyện trong địa bàn hoạt động của mình. Theo đó, Binh trạm 31 giúp huyện Lằng Khằng; Binh trạm 32 giúp 2 huyện Bua La Pha, Sa Nảm Xây; Binh trạm 33 giúp 2 huyện Sê Pôn, Mường Noòng; Binh trạm 34 giúp huyện Tà Ôi; Binh trạm 35 giúp 2 huyện Cà Lượm, Sê Kông; Binh trạm 36 giúp huyện Xăng Xây; Binh trạm 44 giúp huyện Đắc Chưng; Binh trạm 37 giúp huyện Phu Vông Nưa.
Phương châm công tác giúp bạn là
“Dựa vào đường lối chủ trương của Đảng bạn, hiệp đồng chặt chẽ với Đoàn chuyên gia Nam Lào, phát huy sức mạnh cùng bạn làm, tránh làm thay”.
Hội nghị cũng chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể giúp bạn về chính trị, về quân sự, về kinh tế, về văn hóa xã hội.
Trước yêu cầu phát triển của nhiệm vụ giúp bạn, Bộ Tư lệnh quyết định chuyển đội ngũ cán bộ dân vận của Đoàn thành cán bộ chuyên gia giúp bạn và tăng cường thêm cán bộ và tổ chức các lớp tập huấn, bảo đảm mỗi xã có 1 đội công tác từ 2-3 người, mỗi huyện có 1 tổ chuyên gia từ 3-4 người. Phòng Dân vận của Đoàn chuyển thành Phòng Giúp bạn có từ 10-13 cán bộ. Đồng chí Lê Nghĩa Sỹ, Phó Chủ nhiệm Chính trị được phân công đặc trách công tác giúp bạn.
Sau Nghị quyết, nhiệm vụ giúp bạn được triển khai đồng bộ dọc tuyến hành lang và phát triển tốt đẹp.
Tháng 7 năm 1970, Phòng Giúp bạn được Bộ Tư lệnh đề nghị Bộ phê chuẩn thành Cục Chuyên gia để đẩy mạnh công tác giúp bạn phát triển với tầm vóc mới.
Ngày 1 tháng 3 năm 1973, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh tiếp tục ra Nghị quyết xác định nhiệm vụ cơ bản trong tình hình mới. Trong đó xác định
“Giúp bạn Lào triển khai việc thi hành Hiệp định Viêng Chăn, xây dựng vùng giải phóng cả về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Trung – Hạ Lào trong kế hoạch 3 năm”…
Công tác giúp bạn Lào được Bộ đội Trường Sơn triển khai hiệu quả, đã góp phần tạo thế trận vững chắc cho tuyến hành lang chiến lược, góp phần không nhỏ trong chiến công của Bộ đội Trường Sơn.
Xúc động phát biểu tại Lễ gặp mặt Kỷ niệm 40 năm truyền thống đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào trên Trường Sơn”, (tổ chức ngày 8/9/2012) đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã nói:
“
Từ đáy lòng, tôi rất kính trọng và quý mến Đảng, Chính quyền, Quân đội, các đoàn thể và nhân dân các bộ tộc Trung- Hạ Lào nói riêng và nước Lào nói chung. Ở họ có sức cuốn hút về đoàn kết thương yêu, trung thực, giúp đỡ nhau như ruột thịt. Giúp nhau cụ thể không thể tả hết. Về mặt chiến lược, trong các cuộc chiến tranh trên thế giới, ít thấy có một nước nào cho nước khác mượn đất, để phục vụ cho cuộc chiến tranh nước mình. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nước Lào đã chủ động, tự nguyện cho Việt Nam mượn gần một nửa phần đất Trung – Hạ Lào…”
5- CÁI TÂM VÀ TẦM NHÌN CỦA TƯ LỆNH ĐỒNG SĨ NGUYÊN KHI QUYẾT ĐỊNH XÂY DỰNG NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, động đội tha thiết. Trong ông thấm đẫm truyền thống dân tộc. Ông hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, cùng những người thân yêu trong gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo mộ chí cho người đã khuất. Hàng vạn đồng chí, đồng đội của ông đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn, cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Vì thế, Hiệp định Pari tháng 1/1973 vừa ký, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, ông đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.
Với tầm nhìn nhạy cảm và chiến lược của người chỉ huy, ông bảo:
“Nếu không có kế hoạch đưa gấp hài cốt liệt sĩ Trường Sơn về nước thì chỉ một thời gian ngắn sau, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt của đại ngàn Trường Sơn sẽ là cản trở vô cùng lớn cho việc quy tập mộ liệt sĩ của chúng ta ở Tây Trường Sơn. Như thế là có tội với người đã khuất, có tội với người thân yêu của họ…”
Thế là từ tháng 3/1973, mệnh lệnh của ông đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn. Các đơn vị từ cấp trung đoàn, binh trạm, sư đoàn trên khắp chiến trường Trường Sơn trải dài trên địa bàn của 7 tỉnh Nam Lào đều phải tổ chức một lực lượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mang về đất Mẹ. Nhiệm vụ chi viện chiến trường thời kỳ này là vô cùng to lớn và khẩn trương. Việc cắt ra một lực lượng và phương tiện để làm nhiệm vụ đặc biệt này là một khó khăn rất lớn. Nhưng việc nghĩa thì không thể đừng… Tư lệnh chỉ thị:
Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được...
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được ông vạch ra. Ông chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng Nghĩa trang. Với tầm nhìn “đi trước thời đại”, ông đã chỉ đạo các nhà chuyên môn:
Phải thiết kế, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt…
Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, ông vẫn kiên quyết bứt thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Địa điểm Đồi Bến Tắt đã được ông lựa chọn. Và không phải ai cũng biết, trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thì ngày 24/2/1975, Lễ khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức trọng thể. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người bổ nhát cuốc đầu tiên động thổ xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – một nơi mà như chúng ta đã thấy sau này: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có một địa thế thật đắc đạo. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đẹp nhất, rộng lớn nhất đất nước.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các Anh hùng liệt sỹ hy sinh trên đường mang tên Bác của gần như mọi miền quê của Tổ quốc; nghĩa trang có tổng diện tích 140.000m
2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m
2, khu tượng đài 7.000m
2, khu trồng cây xanh 60.000m
2, khu hồ cảnh 35.000m
2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m
2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính...
Vị trí mà ông quyết định đặt nghĩa trang Trường Sơn ngày nào quả là linh thiêng. Người ta bảo: Cây Bồ đề là cây của nhà Phật. Nơi nào có nhiều cây Bồ là nơi ấy linh thiêng. Sau khi xây xong nghĩa trang Trường Sơn, ở đây xuất hiện rất nhiều cây Bồ đề không phải do người trồng. Đó là điều rất đặc biệt, có lẽ chỉ có ở nghĩa trang Trường Sơn.
Sau hơn 2 năm xây dựng, ngày 10/4/1977, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã hoàn thành. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ai đến đây cũng cảm nhận được vẻ đẹp không chỉ của kiến trúc mà còn đẹp về sự hài hoà, hợp lý của phong thuỷ. Chúng ta có thể khẳng định rằng, bất cứ ai khi đến viếng các anh linh liệt sĩ Trường Sơn cũng cảm nhận được sự linh thiêng bao trùm lên toàn bộ khung cảnh của Nghĩa trang. Người ta có thể cảm nhận điều đó qua từng gốc cây, ngọn cỏ và tầng tầng lớp lớp những ngôi mộ hàng thẳng hàng trên những khu đồi... Đi hết 10 khu vực của Nghĩa trang, chúng ta càng cảm phục tầm nhìn của vị Tướng Trường Sơn tài ba khi quyết định chọn nơi này để xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau về một thời kỳ oanh liệt, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Nhờ trái tim yêu thương, nhờ tầm nhìn của tướng Đồng Sĩ Nguyên, mà hôm nay chúng ta đã có Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - Nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất và đẹp nhất của Việt Nam và với tầm vóc, quy mô và sự linh thiêng không thể diễn tả hết bằng lời…
6- NHỮNG ĐIỀU ĐẶT BIỆT Ở TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN
Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, có khá nhiều điều đặc biệt:
-Tên thật của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Nguyễn Hữu Vũ (sinh ngày 1/3/1923). Cái tên khai sinh này chỉ được sử dụng công khai đến năm 1937. Năm 1939, khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương thì đồng chí lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng.
-Từ năm 1947, đồng chí lấy tên là Đồng Sĩ Nguyên để giữ bí mật trong hoạt động và để bảo đảm an toàn cho gia đình. Đồng Sỹ Nguyên trở thành tên chính thức của đồng chí đến cuối đời.
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi; vào Đảng khi mới hơn 16 tuổi (sinh năm 1923, vào Đảng năm tháng 12 năm 1939).
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 6/3/1946, khi mới 23 tuổi và hơn 6 tuổi Đảng. Đồng chí là 1 trong gần 5.000 đảng viên của Đảng lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
-Hơn 34 tuổi quân nhưng đồng chí Đồng Sĩ Nguyên chỉ 2 lần được phong quân hàm. Lần đầu tiên năm 1958 phong quân hàm Đại tá. Năm 1974 được phong quân hàm vượt cấp lên Trung tướng. Trong Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam cho tới nay thì đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là 1 trong 2 đồng chí được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Và đây cũng là lần phong quân hàm cuối cùng của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên.
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên vừa là một cán bộ chính trị vừa là một cán bộ quân sự xuất sắc: Sau cánh mạng Tháng Tám là Chỉ huy trưởng Bộ đội tỉnh Quảng Bình. Toàn quốc kháng chiến (12/1946) đồng chí là Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Năm 1950 được Trung ương rút về Tổng cục Chính trị làm Phái viên Mặt trận Trung Hạ Lào. Sau năm 1954 được điều về Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách Cục Động viên Dân quân, sau đó là Cục Phó Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị. Năm 1964 được đề bạt là Tổng Tham mưu phó, sau đó làm Chính ủy Quân khu IV, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào. Đầu năm 1966 đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Tiền phương. Từ 1/1/1967 là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn).
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một cán bộ có tầm tư duy chiến lược, sâu sát thực tế, rất sắc sảo trong chỉ đạo. Khi được giao phụ trach bất kể lĩnh vực nào, từ chỉ huy tham mưu, chính trị, hậu cần, kinh tế đều có những phát hiện, đổi mới có tính chiến lược. Như khi ở Cục Dân quân đưa ra tư tưởng:
“Xây dựng làng chiến đấu, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong nhà máy, công xưởng, thành phố”…Khi là chính ủy Quân khu 4, đồng chí đã đưa ra tư tưởng:
“Các lực lượng phòng không cần cơ động, không cố định một chỗ, tạo bất ngờ cho máy bay địch, bảo vệ lực lượng ta”…
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên và đồng chí Đặng Tính là hai đồng chí, hai người bạn thân thiết từ sau năm 1954. Đầu năm 1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi về việc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng muốn điều động cho Trường Sơn một Chính ủy xứng tầm và hỏi đồng chí Đồng Sĩ Nguyên:
“…Trong số cán bộ các Tổng cục và các Quân binh chủng, anh muốn tiến cử ai?”. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên không ngần ngại mong muốn được Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân bổ sung cho Trường Sơn. Và như chúng ta được biết, đầu tháng 10/1971, Trung ương đã cử đồng chí Đặng Tính vào Trường Sơn sát cánh cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trên cương vị là Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên từ trần 11 giờ 42 phút ngày 4/4/2019. Thì Chính ủy Đặng Tính hy sinh trưa ngày 3/4/1973 tại Pắc Sòong, Nam Lào. Ngày 4/4 và ngày 3/4 - ngày hy sinh (tính theo ngày và tháng dương lịch), thì đồng chí Đồng Sĩ Nguyên ra đi sau đồng chí Đặng Tính đúng một ngày!
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên sinh ra trong một gia đình khá đặc biệt: Khi kỷ niệm 115 năm ngày sinh mẹ đồng chí, gia đình đã tổng kết có 214 người là con, cháu chắt, chút, dâu, rể nội ngoại. Có 6 anh em ruột và 32 cháu tham gia quân đội, trong đó có 52 đảng viên; có “3 vị tướng”: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là con thứ 5 trong gia đình. Người em ruột kề sau đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (đồng chí Nguyễn Hữu Anh) là Thiếu tướng, Phó Viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần. Người cháu ruột đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là Nguyễn Hữu Cường, là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu IV (con trai ông Nguyễn Hữu Lượng – người anh ruột thứ 3 của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên).
-Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên hoạt động trên đất Lào 3 thời kỳ: Lần thứ nhất là Phái viên, biệt phái tham gia Bộ Tư lệnh cánh phối hợp Trung Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954. Lần thứ 2 làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung Hạ Lào (năm 1965). Lần thứ 3 từ ngày 1/1/1967 làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 – Bộ đội Trường Sơn hoạt động tại chiến trường Tây Trường Sơn – Trung -Nam Lào.
-Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người xây dựng và triển khai nghệ thuật quân sự:
“Tác chiến hợp đồng binh chủng” trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
-Ngay từ khi nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã có chỉ đạo mang tầm chiến lược, khi phát biểu:
“Coi Trường Sơn không chỉ là tuyến vận tải mà là một chiến trường, chống lại hai cuộc chiến tranh” và
“Đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến!”là tư tưởng xuyên suốt trong thực hiện chiến lược vận chuyển.
-Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người đề suất tổ chức các sư đoàn, trung đoàn binh chủng của lực lượng của Bộ đội Trường Sơn
(tổ chức lực lượng này chưa có tiền lệ của Quân đội ta) tạo bước ngoặt lớn giúp Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho các hướng chiến trường; góp phần quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
-Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hôm nay đã trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh, “địa chỉ đỏ” đặc biệt và vô cùng có ý nghĩa của đất nước. Người đề suất xây dựng, quyết định chọn vị trí và chỉ đạo xây dựng là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên.
Cái tâm và tầm nhìn của ông đã để lại cho đất nước một công trình văn hóa tâm linh vô cùng quý giá cho hôm nay và cho muôn đời sau.
7- TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN VÀ NHỮNG CÁI NHẤT
CỦA CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Ngày 29 tháng 7 năm 1970, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định Trường Sơn trở thành một chiến trường – Chiến trường Trường Sơn.
Từ ngày 1 tháng 1 năm 1967, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên nhận nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 và đảm nhận chức vụ này cho đến hết cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã xuất sắc góp phần làm nên tầm vóc và chiến công vĩ đại của Trường Sơn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến trường Trường Sơn có rất nhiều cái nhất mà không có chiến trường nào trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước có được. Đó là:
1-Là chiến trường rộng lớn nhất, trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Trung – Nam Lào và 4 tỉnh Đông bắc Campuchia.
2-Là chiến trường chiến đấu trong một thời gian dài nhất – 16 năm từ tháng 5 năm 1959 đến 30 tháng 4 năm 1975.
3-Là chiến trường mà bộ đội công binh phải mở nhiều con đường nhất: 5 trục dọc và 21 trục ngang với tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô tô các loại.
4-Là chiến trường mà điện thoại được mắc tới tất cả các đơn vị cấp đại đội và tương đương, rất thuận tiện cho việc chỉ huy chiến đấu.
5-Là chiến trường bắn rơi nhiều máy bay nhất của đế quốc Mỹ và tay sai: 2.454 máy bay các loại - chiếm ½ tổng số máy bay Mỹ bị quân - dân miền Bắc Việt Nam bắn rơi trong chiến tranh.
6-Là chiến trường có nhiều bài hát nhất, nhiều bộ phim, nhiều cuốn sách ca ngợi về Trường Sơn.
7-Là chiến trường có nhiều trường ca ca ngợi về Trường Sơn nhất.
8-Là chiến trường phải hứng chịu bom đạn nhiều nhất (một nửa trong tổng số 8 triệu tấm bom đạn Mỹ thả xuống toàn bộ chiến trường Việt Nam).
9-Là chiến trường có số lượng người bị nhiễm chất độc hóa học nhiều nhất.
10-Là chiến trường có bộ đội nữ và nữ TNXP nhiều nhất.
11-Là chiến trường có nhiều lực lượng làm văn công, làm tuyên truyền xung kích nhiều nhất: Tất cả các Binh trạm, các Sư đoàn đều có “văn công”.
12-Là chiến trường có nhiều ô tô vận tải làm nhiệm vụ chiến đấu nhất. Thời điểm cao nhất là hơn 7.340 xe ô tô vận tải chiến đấu
(chưa kể xe của các lực lượng binh chủng khác của Trường Sơn).
13-Là chiến trường có lực lượng hùng hậu nhất: 9 sư đoàn và tương đương sư đoàn cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc.
14-Là chiến trường có Bộ Tư lệnh đông nhất (thời điểm năm 1973 có 13 người, gồm: Tư lệnh và các Phó Tư lệnh, Chính ủy và các Phó Chính ủy).
15-Là chiến trường có lực lượng quân y hùng hậu nhất: Tính đến năm 1972, hệ thống Quân y Trường Sơn gồm: 4 bệnh viện, 30 Đội điều trị, 90 Đội phẫu thuật, 16 Bệnh xá. Quân số: 5.749 cán bộ quân y, trong đó có: 214 bác sĩ, 1.188 Y sĩ, 4.018 Y tá, 14 Dược cao, 131 Dược trung, 184 Dược tá.
16-Là chiến trường có lực lượng cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm công tác dân vận lớn nhất
(Bộ đội Trường Sơn có Cục Chuyên gia. Ở tất cả các Binh trạm, Sư đoàn, Trung đoàn đều có lực lượng giúp bạn. Mỗi bản ở 18 huyện của 7 tỉnh Trung Hạ Lào đều có một tổ dân vận 2-3 người ở trực tiếp tại cơ sở. Mỗi huyện và tỉnh đều có lực lượng chuyên gia giúp bạn).
17-Là chiến trường duy nhất mà từ đồng chí Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng vào thị sát, thăm và động viên bộ đội.
18-Là chiến trường duy nhất vinh dự được Thủ tướng – Bí thư thứ Nhất Đảng Cộng sản Cuba Phidencatro vào thăm.
19-Là chiến trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận nhiều Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt nhất: 46 Di tích trên tổng số hơn 100 di tích Quốc gia Đặc biệt của cả nước.
20-Là chiến trường có Nghĩa trang liệt sĩ rộng nhất, đẹp nhất – Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
IV- TƯỚNG ĐỒNG SĨ NGUYÊN VÀ HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN – ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên tiếp tục dành tâm huyết cho Bộ đội Trường Sơn. Đồng chí là một trong những người có công trong việc đề suất ý tưởng và xúc tiến việc thành lập Hội. Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ Nhất (2011-2016), đồng chí được Đại hội suy tôn là Chủ tịch Danh dự của Hội. Đại hội lần thứ 2 của Hội, đồng chí tiếp tục được tín nhiệm suy tôn là Chủ tịch Danh dự.
Trường Sơn luôn đau đáu trong tâm can và tình cảm của Tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ông không lúc nào không nghĩ tới việc sưu tầm, tôn tạo các di tích tiêu biểu của Trường Sơn. Ông luôn căn dặn lãnh đạo Hội và lãnh đạo Binh đoàn 12:
“Thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết Trường Sơn không cho phép chúng ta chần chừ thêm nữa đâu. Chỉ ít năm nữa thôi chúng ta có muốn thì cũng không bao giờ còn có thể nhìn thấy những di tích gắn liền với sự huyền thoại của Trường Sơn Anh hùng đâu…”. Bởi thế mà ông luôn hối thúc những người có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện Đề án trình Nhà nước công nhận Di tích Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Ông đã gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ nguyện vọng về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Quyết định công nhận Di tích Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Là vị Thủ tướng có tầm nhìn về vị trí và tầm vóc đặc biệt của Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong toàn bộ di sản vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Vì thế, Thủ tướng đã nói với Tướng Đồng Sĩ Nguyên:
“Trường Sơn có vị trí và tầm vóc lớn lao như thế nào không ai phải bàn cãi nữa. Chú cứ yên tâm. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Đề án ngày nào, cháu sẽ ký ngay ngày ấy”.
Và như chúng ta đã biết, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận Di tích Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt
(với 37 điểm tích tại 11 tỉnh từ Nghệ An tới Bình Phước. Đợt 2, ngày 9/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công nhận thêm 9 Di tích lịch sử Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt, nâng tổng số Di tích Quốc gia Đặc biệt Trường Sơn lên 46 Di tích). Đây không chỉ là sự vinh danh mà còn là sự đánh giá đúng vị trí và tầm vóc của Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc; đồng thời là tin vui và niềm vinh dự tự hào to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Việc Thủ tướng Chính phủ công nhận 46 Di tích Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt là “thành quả” mà nguyên Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bấy lâu nay đau đáu, dồn tâm sức đã trở thành hiện thực.
Không chỉ có vậy, nhiều vấn đề về xây dựng tượng đài đoàn kết hữu nghị của Bộ đội Trường Sơn với Bộ đội và nhân dân các bộ tộc Lào ở Tây Trường Sơn; việc xây dựng đề án bảo tồn đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn; việc triển khai Dự án xây dựng bảo tàng Trường Sơn ngoài trời ở Đường 20 Quyết Thắng; việc bổ sung, sửa đổi Lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn; Đề án xây dựng “Công viên Đồi Hoa Trắng”… mà Lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam và Binh đoàn 12 báo cáo, xin ý kiến, ông đều dành thời gian lắng nghe, nghiên cứu, tìm hiểu để cho ý kiến quý báu.
Đặc biệt, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên rất quân tâm đến kinh phí hoạt động của Hội. Ngày còn là Ban Liên lạc toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, đồng chí chân thành trao đổi với các đồng chí Thường trực Ban Liên lạc:
“Không có kinh phí thì các cậu không hoạt động được đâu”. Thế là nguyên Tư lệnh đã ký nhiều bức thư gửi các cơ quan, đơn vị để vận động ủng hộ kinh phí cho Ban Liên lạc. Và sau này, đồng chí cũng ký nhiều thư đối ngoại, nhiều thư vận động tài trợ các hoạt động của Hội. Ngay trong năm đầu tiên thành lập Ban Liên lạc toàn quốc (năm 2007), Thường trực Ban Liên lạc đã tổ chức Hội nghị (thao gợi ý của đồng chí) gặp mặt các đơn vị doanh nghiệp và doanh nhân đầu tiên đã nhận được ủng hộ hơn 600 triệu đồng. Một nghĩa cử cảm động là, sau đám tang của người vợ thân yêu của mình - bác Nguyễn Thị Lan, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã tặng Hội TSVN 100 triệu đồng (từ tiền phúng viếng) để Hội có kinh phí hoạt động. Từ đầu năm 2013, đồng chí còn tự nguyện hàng tháng trích một triệu đồng từ lương hưu của mình để ủng hộ Hội.
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên còn luôn quan tâm theo dõi và nắm tình hình hoạt động của Hội. Đồng chí trực tiếp đề nghị Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội thông tin để nắm tình hình. Những hoạt động lớn, những nội dung Hội nghị Ban Chấp hành, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đều đến nhà trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Danh dự Hội Đồng Sĩ Nguyên…
Sau này dù tuổi cao, sức yếu nhưng không chỉ đến dự Đại hội lần thứ Nhất, Đại hội lần thứ Hai, mà nhiều Hội nghị Ban Chấp hành của Hội, ông cũng dành thời gian đến dự và có những phát biểu đầy tâm huyết, có những đề suất rất thiết thực. Tại Lễ kỷ niệm
“40 năm đoàn kết chiến đấu Việt Lào trên Trường Sơn”, đồng chí đã tới dự và có bài phát biểu tâm huyết thể hiện chí nghĩa, chí tình của một người từng có 3 thời kỳ hoạt động, chiến đấu trên đất bạn Lào.
KẾT LUẬN
Gần 10
năm chỉ là một chặng đường của một đời người. Song những năm tháng chiếu đấu trên Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của trí tuệ và bản lĩnh của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên; và cũng là thời gian làm cho tên tuổi của ông sáng nhất với tên gọi: Vị tướng – Vị Tư lệnh của Trường Sơn huyền thoại! Trường Sơn trở thành máu thịt và trong từng hơi thở của ông. Có thể nói, Trường Sơn đã gắn liền với tên tuổi của ông: “Trường Sơn – Đồng Sĩ Nguyên” và “Đồng Sĩ Nguyên – Trường Sơn”. Ông là một trong ít vị Tướng của Quân đội ta đã sống và chiến đấu trực tiếp trên chiến trường gian khổ và ác liệt với thời gian dài nhất.
“Trên mọi cương vị chiến đấu, công tác và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên luôn thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sự quyết đoán, gan dạ, mưu trí, thao lược trong lãnh đạo, chỉ huy trên các chiến trường, các mặt trận. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn ghi nhớ và mãi tự hào về một vị chỉ huy dũng cảm, một Tư lệnh chiến trường tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, với những câu chuyện đã trở thành giai thoại, như quá trình xây dựng “Đường kín” Tây Trường Sơn - một kỳ tích của quân và dân ta…Những bài học kinh nghiệm, tổng kết công tác chỉ huy trong chiến đấu, lãnh đạo điều hành trong xây dựng và phát triển đất nước của đồng chí Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn còn nguyên giá trị, là di sản quý giá cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo” (Trích Điếu văn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc trong Lễ truy điệu đồng chí Đồng Sĩ Nguyên).
Trường Sơn đã khép lại sứ mệnh lịch sử vĩ đại của nó. Thời gian đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng hôm nay, cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn mỗi khi nhắc về ông đều với sự kính trọng và yêu mến chân thành. Ai cũng thích gọi ông bằng cái tên thân mật năm xưa: “Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên”! Mặc dù sau này ông được Đảng và Nhà nước trao cho những trọng trách rất cao, nhưng đồng đội và những người lính của ông vẫn dành cho ông tình cảm gần gũi, yêu thương, kính trọng vẹn nguyên của một thời rất đẹp và hào hùng trên Trường Sơn vĩ đại. Điều đó không phải ai cũng có được. Đó là phần thưởng vô giá đối với một CON NGƯỜI – MỘT VỊ TƯỚNG như ông. Thật trân quý biết bao!
Người ta đã ví: Có rất nhiều tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp là “cây cao, bóng cả” của Trường Sơn. Nhưng Tướng Đồng Sĩ Nguyên là “cây cao bóng cả” nhất, “tỏa bóng mát” lớn nhất của Trường Sơn huyền thoại!
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sống mãi trong lòng các chiến sĩ Trường Sơn! Sống mãi với Lịch sử vĩ đại và huyền thoại của Trường Sơn!
Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2022
P.T.L