TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN SỐNG MÃI VỚI TRƯỜNG SƠN

Ngày đăng: 04:55 28/02/2023 Lượt xem: 289
                 TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN SỐNG MÃI VỚI TRƯỜNG SƠN

 Thiếu tướng Võ Sở
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam



Thưa các đồng chí đại biểu khách quý,
Thưa các đồng chí.
Hôm nay, những người lính Trường Sơn và Binh đoàn 12 chúng ta họp mặt tại đây để Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên – vị Tư lệnh kính yêu của Bộ đội Trường Sơn.  
Thưa các đồng chí!
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923 trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nước tại Trung Thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. 12 tuổi đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12 năm 1939 đồng chí trở thành đảng viên cộng sản khi chưa đầy 17 tuổi. 
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước và Quân đội trao nhiều trọng trách: Đại biểu Quốc hội Khóa I (năm1946), Khóa VI, VII, VIII, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy Khu IV, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Trưởng Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Cố vấn Thủ tướng Chính phủ…Ủy viên BCH Trung ương Khóa IV, V và Khóa VI, Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị Khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị Khóa VI.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Từ hoạt động chính trị đến hoạt động vũ trang và nhiều lĩnh vực Chính trị - Kinh tế - Xã hội – Quân sự - Hoạt động quốc tế. Có thể nói, dù ở cương vị nào, trên lĩnh vực nào đồng chí cũng ghi dấu ấn, thể hiện một chiến sĩ cộng sản kiên cường, tài năng và đức độ.
Gần 10 năm đảm nhận cương vị Tư lệnh, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu Trường Sơn của mình đã chỉ huy một lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt lên tất cả, để hoàn thành xuất sắc sự nghiệp chi viện to lớn cho các hướng chiến trường trong cuộc chống Mỹ, cứu nước của 3 nước Đông Dương.
Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là vị chỉ huy đã góp phần đặc biệt to lớn vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn, làm nên “Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.   
Hôm nay, nhìn lại, chúng ta càng tự hào khẳng định những đóng góp đặc biệt to lớn ấy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với chiến trường Trường Sơn.
Khi được Đảng và Quân đội giao trọng trách Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (1/1/1967), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã nhận thức sâu sắc về vị trí và tầm quan trọng to lớn của Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.  
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí đã tổ chức ngay một chuyến đi nghiên cứu và khảo sát tình hình chiến đấu của các đơn vị trên tuyến.
Từ nghiên cứu thực tiễn với nghiên cứu tổng kết công tác chi viện từ năm 1961 đến 1966; nghiên cứu và phân tích sâu sắc sức mạnh của ta và của kẻ thù, những phương sách đối phó của ta trên chiến trường…Với tư duy sắc sảo và sự nhạy cảm của một vị Tư lệnh chiến trường dày dặn kinh nghiệm, đồng chí đã phát hiện ra nhiều bất cập, tồn tại cần phải có các giải pháp cụ thể nhằm thay đổi căn bản công tác tổ chức chi viện. Đồng chí đã đề xuất bằng tư tưởng chỉ đạo, bằng những giải pháp khắc phục cụ thể cho tất cả các binh chủng một cách cụ thể (xe, pháo, công binh, bộ binh, giao liên và các lực lượng đảm bảo khác), đặc biệt là việc triển khai tác chiến hợp đồng binh chủng trong công tác chi viện chiến lược, lấy tư tưởng tiến công làm chủ đạo…
Tư tưởng chỉ đạo của đồng chí là: xây dựng và tổ chức lực lượng Tuyến chi viện chiến lược 559 phải vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, vừa là hậu cứ chung cho các chiến trường Miền Nam Việt Nam và cả Lào, Campuchia. 559 phải xây dựng bằng được thế trận của tuyến hậu cần chiến lược đồng thời là thế trận chiến lược chống đế quốc Mỹ ngay trên chiến trường này để làm nhiệm vụ chi viện.
Vì vậy và trước tiên phải xây dựng thế trận cầu đường một cách vững chắc: Đường cho xe cơ giới loại trọng tải lớn, tận dụng ưu thế địa hình địa vật của núi rừng và không gian dài, rộng của Trường Sơn; xây dựng đường hở, đường kín, khai thác triệt để vận tải đường sông… hình thành một hệ thống đường ngang, đường dọc như “một trận đồ bát quái” trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn…
          Báo cáo từ thực tiễn với những giải pháp cụ thể sau chuyến đi thực tế của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã trở thành nội dung Nghị quyết quan trọng của Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 và được quán triệt ngay cho cán bộ các cấp triển khai thực hiện.  
          Ngay từ năm 1967, đồng chí Tư lệnh đã chỉ đạo mở thêm nhiều trục dọc và trục đường ngang để đối phó với sự đánh phá ngăn chặn ngày càng ác liệt của không quân Mỹ, đặc biệt là các tuyến vượt cửa khẩu và các trọng điểm. Do có thêm nhiều tuyến vượt khẩu, nhiều tuyến đường tránh trọng điểm vượt khẩu được mở ra đã góp phần phân tán sự đánh phá, ngăn chặn của máy bay Mỹ, giải quyết ách tắc tại các cửa khẩu, tại các trọng điểm.
Dù trong điều kiện địch đánh phá, ngăn chặn tăng gấp 1,7 lần, riêng máy bay B52 địch sử dụng tăng gấp 8 lần…Do thay đổi phương thức chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng, nhờ những giải pháp phù hợp và toàn diện được áp dụng từ đơn vị đến Bộ Tư lệnh, ngay trong năm đầu tiên trên cương vị Tư lệnh của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Bộ đội 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược năm 1967 trên tất cả các hướng chiến trường, được Quân ủy Trung ương khen ngợi…      
 
          Để đối phó với AC130 và sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã chủ trương: Tăng cường mở đường kín (đường K) kết hợp với trồng cây ngụy trang, tăng cường làm dàn ngụy trang đường “hở”, tăng cường nghi binh… xây dựng thế trận chạy ngày. Đặc biệt là tận dụng chạy lấn sáng, lấn chiều, mở ra thời kỳ đối phó hiệu quả trước các thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn của không quân Mỹ. Đồng chí yêu cầu cán bộ, chiến sĩ và các cấp trên toàn chiến trường quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công và tiến công liên tục trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng một cách hiệu quả. Lấy lực lượng xe là lực lượng chủ đạo, các lực lượng khác hiệp đồng chiến đấu phục vụ hiệu quả cho công tác vận chuyển chi viện.
Trong chiến đấu, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã dày công cùng các cơ quan nghiên cứu về các thủ đoạn và phương thức đánh phá tàn bạo của kẻ thù; nghiên cứu các loại vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị quân sự tối tân mà Mỹ sử dụng ở Trường Sơn, để từ đó có các giải pháp đối phó khôn ngoan, hiệu quả và phù hợp với điều kiện Trường Sơn. Những đối phó thông minh, hiệu quả của Bộ đội Trường Sơn đã làm thất bại âm mưu ngăn chặn của đế quốc Mỹ, hạn chế thấp nhất có thể cho tổn thất của ta…
Khi thiết kế phương thức “tác chiến hợp đồng binh chủng”, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã chỉ rõ: Muốn thực hiện thành công tác chiến hợp đồng binh chủng trong vận chuyển thì công tác thông tin liên lạc vô cùng quan trọng. Nó là yếu tố bảo đảm cho sự chỉ huy nhanh chóng, thống nhất và kịp thời. Tư lệnh chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin các loại đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến. Đến đầu năm 1971 hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của 3 nước Đông Dương. Bảo đảm sự chỉ huy thông suốt từ Tổng Hành dinh Hà Nội tới tận chiến trường Nam Bộ, bảo đảm chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng hiệu quả của Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Công tác bảo đảm xăng dầu trong vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã vạch kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn. Đề xuất này được Đảng ủy – Bộ Tư lệnh thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Đến tháng 3/1975, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn tất xây dựng đường ống xăng dầu hoàn chỉnh cả Đông và Tây Trường Sơn vào đến Nam Bộ, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho tất lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, của 2 nước bạn Lào và Campuchia, đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đánh giá: “Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn”.
Thưa các đồng chí,
Việc vận chuyển chi viện tính đến đầu năm 1970 chủ yếu theo không gian tác chiến và cung độ ngắn của mỗi Binh trạm. Vì thế đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng cần phải được mở rộng thì mới đáp ứng được yêu cầu chi viện của các hướng chiến trường ngày càng to lớn. Muốn vậy, toàn tuyến Trường Sơn cần được chia ra 5 khu vực, mỗi khu vực được tổ chức thành một Bộ Tư lệnh khu vực (tương đương cấp sư đoàn) để chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng…Từ suy nghĩ ấy đồng chí đã trình bày kế hoạch về thay đổi mô hình tổ chức lực lượng của Trường Sơn với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh. Ngày 20/4/1970, Bộ Tư lệnh 470 (tương đương cấp Sư đoàn) đầu tiên được thành lập. Sau đó Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp tục phê chuẩn phương án tổ chức thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực là: 471, 472, 473 và Bộ Tư lệnh hậu cứ 571.
Công tác vận chuyển chi viện từ tháng 7 năm 1971 được vận hành tác chiến hợp đồng binh chủng do các Bộ Tư lệnh khu vực đảm nhiệm. Năng suất vận chuyển chi viện tăng lên rõ rệt, đạt 145% kế hoạch được giao.  
Hiệp định Pari được ký kết. Tiếp đó, ngày 22 tháng 2 năm 1973, Hiệp định Viêng Chăn được ký kết. Đế quốc Mỹ đã ngừng đánh phá bằng không quân trên toàn chiến trường Trường Sơn. Thời cơ mới đã mở ra điều kiện mới cho công tác vận chuyển chi viện. Mô hình tác chiến của Bộ Tư lệnh Khu vực đã không còn phù hợp trong điều kiện mới của chiến trường Trường Sơn. Hệ thống cầu đường được nâng cấp, tốc độ vận chuyển được tăng lên đáng kể; vận chuyển cung dài với đội hình lớn tập trung có điều kiện để thực hiện…Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã xây dựng đề án mô hình tổ chức các sư đoàn và trung đoàn binh chủng. Kế hoạch này nhanh chóng được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Ngày 11 tháng 5 năm 1973, Quân ủy Trung ương phê chuẩn thành lập Sư đoàn ô tô vận tải (571) và Sư đoàn công binh (473). Các Sư đoàn khu vực còn lại cũng được sắp xếp lại với các trung đoàn binh chủng trong đội hình.
Kết thúc năm 1973, vận chuyển chi viện đạt kết quả 132% kế hoạch được giao (mặc dù khối lượng được giao đã tăng gấp đôi so với năm 1972). Với các chiến trường đạt 147%. Việc bảo đảm xăng dầu cho các chiến trường tăng gấp đôi so với năm 1972…
Ngày 15/5/1974, Quân ủy Trung ương đã phê chuẩn thành lập thêm Sư đoàn ô tô vận tải thứ 2 – Sư đoàn 471. Chuyển các Sư đoàn khu vực 470 và 472 thành Sư đoàn công binh. Thành lập mới Sư đoàn công binh 565. Như vậy, tính đến tháng 5 năm 1974, lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn bao gồm 4 Sư đoàn công binh (470, 472, 473, 565), 2 sư đoàn ô tô vận tải (571 và 471), Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn phòng không 377 và Đoàn Chuyên gia cố vấn cùng 21 Trung đoàn binh chủng trực thuộc.
Việc thành lập các sư đoàn và trung đoàn binh chủng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo ra một bước ngoặt mới, đáp ứng yêu cầu ngày một to lớn của công tác chi viện chiến lược.
 
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn đưa ra yêu cầu xây dựng bản lĩnh chỉ huy quyết đoán, thực hiện tác phong chỉ huy “4 trực tiếp” với các cấp chỉ huy: Trực tiếp chỉ huy, trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp động viên tư tưởng, trực tiếp kiểm tra. Coi đây là yếu tố cần thiết để giành thắng lợi.
Ở Trường Sơn, có nhiều lực lượng: bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến. Số chiến sỹ nữ cũng không ít. Vì thế, dù là Tư lệnh, nhưng đồng chí đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy sức mạnh về tinh thần, ý chí chiến đấu và lòng yêu nước. Đồng chí đã chỉ đạo việc xây dựng và phát triển lực lượng văn nghệ sĩ và báo chí của Trường Sơn, coi lực lượng này là một binh chủng đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi của công tác chi viện.
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên rất coi trọng công tác thi đua. Vì thi đua luôn tạo ra động lực. Bởi thế đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo việc tổ chức các đợt thi đua theo mùa và các đợt thi đua ngắn nhằm thực hiện các mục tiêu của nhiệm vụ chính. Đặc biệt, mở đầu cho mỗi mùa khô, đồng chí Tư lệnh đã đề suất việc tổ chức các chiến dịch vận chuyển mang tên khác nhau. Thông qua các chiến dịch, huy động sức mạnh tổng hợp và toàn diện toàn chiến trường thi đua dồn sức chiến đấu cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến dịch. Trong thực hiện chiến dịch, thường xuyên tổ chức các đợt “Tổng công kích”, dồn toàn lực để Chiến dịch về đích sớm nhất… Nhờ các chiến dịch vận chuyển này mà kế hoạch chi viện được thực hiện ngày một hiệu quả, năm sau to lớn hơn năm trước, thế trận và quy mô của chiến trường Trường Sơn ngày một phát triển… Và cũng vì vậy, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc trực tiếp chiến đấu và phục vụ chi viện cho các sự kiện chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong các chiến dịch: Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch Khe Sanh, Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên – Huế, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Là một vị tướng có trái tim thấm đượm truyền thống và đạo lý của dân tộc. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn thể hiện tấm lòng yêu thương cán bộ, chiến sỹ. Ông chăm lo từ đời sống vật chất đến tinh thần và xương máu của bộ đội. Đồng chí luôn trăn trở trước khó khăn, trước thủ đoạn của kẻ thù, trước sự ác liệt của bom đạn…Tìm mọi cách khắc phục nhanh nhất, hiệu quả nhất để giảm tối thiểu sự tổn thất về người và vật chất. Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn của chiến trường, đồng chí luôn chỉ đạo chỉ huy các cấp quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách đối với công tác thương binh, liệt sĩ của Trường Sơn và ở chiến trường. Đồng chí chỉ đạo việc ưu tiên, dồn sức cho các chiến trường.
Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ “giúp bạn là giúp mình”, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên khẳng định: giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang là trực tiếp giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.
          Cuối tháng 11 năm 1967, theo đề xuất của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên về kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai giúp bạn Lào. Hội nghị chuyên đề bàn công tác giúp đỡ bạn được tổ chức. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh phân công từng Binh trạm giúp đỡ trực tiếp, cụ thể và toàn diện cho 18 huyện của 7 tỉnh Nam Lào dọc tuyến chi viện. 
          Công tác giúp bạn Lào đã góp phần tạo thế trận vững chắc cho tuyến hành lang chiến lược, góp phần không nhỏ trong chiến công của Bộ đội Trường Sơn.
            Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, động đội tha thiết. Trong ông thấm đẫm truyền thống dân tộc. Vì thế, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh sau Hiệp định Pari, ông đã đề xuất chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt hàng vạn liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn đưa về nước. Tư lệnh chỉ thị: Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá Bộ đội Trường Sơn vẫn phải làm cho bằng được...
         Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được đồng chí vạch ra. Với tầm nhìn vượt thời gian, đồng chí đã chỉ đạo các nhà chuyên môn: Phải thiết kế, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt… Đồng chí đã trực tiếp chọn địa điểm đặt nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Và, ngày 24/2/1975, đồng chí đã bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
       Ngày 10/4/1977, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã hoàn thành.  
       Nhờ trái tim yêu thương và tầm nhìn của tướng Đồng Sĩ Nguyên, mà hôm nay đất nước chúng ta có Nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất và đẹp nhất, với tầm vóc, quy mô và sự linh thiêng không thể diễn tả hết bằng lời… 
         
          Thưa các đồng chí,
          Là người con của quê hương Quảng Bình yêu dấu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên dù ở đâu, giữ cương vị gì cũng luôn đau đáu làm điều gì tốt đẹp cho quê hương. Khi là Tư lệnh Quân khu IV cho tới Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí luôn có sự kết hợp giữa nhiệm vụ chung và nhiệm vụ của quê hương Quảng Bình một cách tốt đẹp. Quảng Bình vừa cửa khẩu vào chiến trường, nhưng cũng là hậu cứ trực tiếp vững chắc của chiến trường Trường Sơn. Vì thế, Quảng Bình có rất nhiều trọng điểm ác liệt mà đế quốc Mỹ đã tạo ra – nơi thử lửa ý chí thép của Bộ đội Trường Sơn, quân và dân Quảng Bình với đế quốc Mỹ, như: Đường 20 Quyết Thắng, Khe Ve, Khe Dinh, Cổng Trời, Đèo Đá Đẽo, Phà Sông Son, Phà Long Đại, Cảng Sông Gianh cùng hàng chục địa danh khác gắn liền với lịch sử Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Những địa danh, những trọng điểm ấy của Trường Sơn đã góp phần làm giàu thêm thành tích và chiến công to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của quê hương Quảng Bình Anh hùng.
 
Thưa các đồng chí,
          Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên tiếp tục dành tâm huyết cho Trường Sơn. Đồng chí là một trong những người có công trong việc đề suất ý tưởng và xúc tiến việc thành lập Hội. Đại hội thành lập Hội Trường Sơn Việt Nam (5/7/2011), đồng chí được suy tôn là Chủ tịch Danh dự của Hội. Đại hội nhiệm kỳ II (2016-2022), đồng chí tiếp tục được tín nhiệm suy tôn là Chủ tịch Danh dự.
Trường Sơn luôn đau đáu trong tâm can và tình cảm của Tướng Đồng Sĩ Nguyên.  Đồng chí không lúc nào không nghĩ tới việc sưu tầm, tôn tạo các di tích tiêu biểu của Trường Sơn. Thủ tướng Chính phủ đã có 2 Quyết định công nhận Di tích Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt với 46 Di tích Quốc gia Đặc biệt trải dài từ Nghệ An đến Bình Phước. Có thể nói đây là “thành quả” mà nguyên Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bấy lâu nay đau đáu, dồn tâm sức đã trở thành hiện thực.
          Dù tuổi cao sức yếu, đồng chí vẫn dành thời gian lắng nghe, nghiên cứu, tìm hiểu để cho ý kiến quý báu vào nhiều nội dung, kế hoạch hoạt động mà Hội Trường Sơn Việt Nam và Binh đoàn 12 tranh thủ tham khảo ý kiến của đồng chí.
          Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn nhắc nhở và tạo điều kiện để Hội có kinh phí hoạt động. Từ đầu năm 2013, hằng tháng, đồng chí còn chủ động trích một triệu đồng tiền lương hưu của mình ủng hộ quỹ của Hội. Một nghĩa cử cảm động là, sau đám tang của người vợ thân yêu của mình, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đã tặng Hội TSVN 100 triệu đồng (từ tiền phúng viếng) để Hội có kinh phí hoạt động…  
                   
          Thưa các đồng chí,
          10 năm chỉ là chặng đường của một đời người. Song chúng ta có thể nói, những năm tháng chiến đấu trên Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của trí tuệ, trách nhiệm và bản lĩnh của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên; thời gian ấy cũng đã làm cho tên tuổi của ông sáng nhất với tên gọi: “Tư lệnh của Trường Sơn huyền thoại! Trường Sơn đã gắn liền với tên tuổi của ông. Đồng chí là một chiến sỹ cộng sản kiên trung, có tài thao lược, óc sáng tạo và không chùm bước trước mọi khó khăn cho dù khó ấy tưởng như không thể vượt qua. Ông là một vị tướng như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thông minh - sáng tạo - trí tuệ và nghĩa tình.
Trường Sơn đã khép lại sứ mệnh lịch sử vĩ đại của nó. Hôm nay, cán bộ, chiến sĩ của Bộ đội Trường Sơn và Binh đoàn 12 mỗi khi nhắc về ông đều với sự kính trọng và yêu mến chân thành.  

          Tướng Đồng Sĩ Nguyên là “cây cao bóng cả”, “tỏa bóng mát” của Trường Sơn huyền thoại!

          Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sống mãi trong lòng các chiến sĩ Trường Sơn! Sống mãi với Lịch sử vĩ đại và huyền thoại của Trường Sơn!