Đôi điều cảm nhận - Bình sách: Hoàng Đại Nhân

Ngày đăng: 04:10 12/05/2024 Lượt xem: 72
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN
 
          Với tập truyện ngắn NHỮNG KHOẢNH KHẮC CUỘC ĐỜI của nhà văn Đỗ Thu Yên - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội- Hội viên Hội VHNT Trường Sơn.
 16h 40, chiều thứ Năm (01/02/2024), tôi nhận được tập truyện ngắn do nhà văn Đỗ Thu Yên từ Hà Nội gửi tặng. Cầm cuốn sách nhỏ nhắn, trang nhã trên tay, vô cùng xúc động.
          Tôi vốn mê đọc sách, nhất là truyện ngắn nên cơm nước buổi tối xong là tôi say sưa đọc luôn truyện đầu và truyện cuối của tập sách. Cả ngày hôm sau, vừa lo việc trong nhà, tôi vừa lo đọc tiếp cho hết cuốn sách. Cuốn sách mỏng, có 10 truyện ngắn, độ dài 108 trang nhưng có một sức cuốn hút lạ. Giọng văn chị viết rất nhẹ nhàng, chân phương, tình cảm, khiêm nhường như lời tâm sự của người phụ nữ miền thôn dã; đang trò chuyện với người lính nơi xa.
        Mỗi câu chuyện là một lời tâm sự làm ấm lòng người đọc. Cấu trúc mỗi truyện cũng nhẹ nhàng, bình dị, không cầu kỳ, lắt léo nên sự hấp dẫn là ở sự chân phương đằm thắm chứ không phải kiểu cấu trúc lắt léo dẫn dụ người đọc.
         Truyện ngắn đầu tiên là “Cô bé lọ lem”- một cô bé lọ lem đúng nghĩa. Em ngây thơ trong sáng quá, thánh thiện quá. Cứ vô tư lớn lên, cứ nghĩ “hình như mình đã yêu” mà vẫn chưa biết mình đã yêu. Vậy nên khi song ca cùng anh chàng Tùng mà vẫn “Anh ở đầu sông em cuối sông”.
         Sang truyện “Những khoảnh khắc cuộc đời” thì cô gái miền thôn dã đã lớn, đã ít nhiều cứng cáp hơn, từng trải hơn. Doan cũng thầm yêu chàng Quân nhưng luôn mặc cảm thân phận nên chấp nhận để “tùy duyên” chứ đâu dám quyết đoán, cứng cỏi giành lấy tình yêu của mình. Doan sống hết mình vì bạn bè, vì Quân, cô chấp nhận cái khoảnh khắc thiệt thòi một cách cam chịu. Nhưng đời đã dành cho Doan; con người có tấm lòng thánh thiện đạt được tình yêu trong khoảnh khắc tuyệt vời. Mỗi truyện là một vẻ đẹp về tâm hồn thánh thiện của các cô gái miền quê thôn dã mà lòng luôn ngời sáng.
        Truyện ngắn cuối cùng là “Bông cỏ may”, ta lại được gặp “cô bé nhà bên”; cô dân quân bé nhỏ thật dễ thương. Say mê luyện tập, học cách bắn súng, vào trận đánh trả bọn giặc trời mà hồn nhiên vô tư quá. Nhưng cũng đau xót vô cùng, khi người lính từ mặt trận trở về thì “Minh đã hy sinh ngay sau đêm các anh hành quân”. Thế là “Sao không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương tuổi xuân thì” (Lời bài hát “Những đồi hoa sim”).
        Nếu nói: “Văn là người” thì dẫu tôi chưa một lần được ngồi nói chuyện cùng chị nhưng qua các trang văn của Đỗ Thu Yên, tôi trộm nghĩ: Hẳn là Đỗ Thu Yên rất bình dị, khiêm tốn, nhẹ nhàng, luôn quan tâm, hết mình vì đồng đội, bạn bè. Mỗi lời văn của Thu Yên luôn như lời tâm sự chân tình của người phụ nữ thánh thiện miền thôn dã. Thu Yên luôn đẹp lên qua mỗi trang văn, qua những tấm ảnh bên các loài hoa và rực sáng hơn khi bên bông hoa chuối rừng đỏ thắm nơi bản làng Thái Hải- Thái Nguyên mà tôi đã thấy.
        Tôi là một CCB được sinh ra và lớn lên từ vùng châu thổ đồng bằng sông Hồng. Những lời nói, những câu hát, những kiểu chuyện trò của những chị, những em gái miền quê ấy luôn in sâu và theo suốt cuộc đời tôi. Đọc tập truyện của Đỗ Thu Yên, tôi xúc động bởi như mình được gặp lại, được tiếp chuyện với những người con gái hiền lành chân chất nơi quê tôi vậy. Trước nay, tôi chỉ quen với thơ và cũng tập tành sáng tác thơ nhưng không rành về mảng văn xuôi. Bởi xúc động khi đọc truyện ngắn của Đỗ thu Yên nên liều mình viết mấy lời cảm nhận.
         Chúc nhà văn Đỗ Thu Yên cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, đón xuân Giáp Thìn an lành, hạnh phúc. Mong đón đọc thêm những tác phẩm của Thu Yên ở những trang sách sau.
 
              Sài Gòn, 05/02/2024
                  Hoàng Đại Nhân
      Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan