Tôi chuyển từ Sư đoàn 471 sang Sư đoàn 472 tháng 9/1973 và ở 472 đến tháng 5/1977. Vì thế chỉ là ở “khúc giữa của 472..., mặt khác do thiếu tư liệu về lịch sử Sư đoàn 472 nên có thể có lầm lẫn chút ít. Mong các đồng đội thông cảm. Vào dịp Hội TTTS Sư đoàn 472 tổ chức vào nơi đóng quân (1974- 1982) khánh thành Bia Lưu niệm BTL Sư đoàn 472 tại xã Cà Ry (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Nhân sự kiện đó, bài thơ “Theo dấu chân Sư đoàn” của tôi được ra đời để chào mừng và cũng là nén hương lòng tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh để có những chiến công hôm nay...
Xin trân trọng chia sẻ cùng những người đồng chí, đồng đội Hội TS Sư đoàn 472 và đồng đội TS toàn quốc thân yêu của tôi!
Phạm Quang Giáp
(Phòng Vận chuyển, Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 472)
Chân dung tác giả
THEO DẤU CHÂN SƯ ĐOÀN
Chia nhau lửa đạn một thời
Bốn khu vực(1), bốn khoảng trời mênh mông.
Từ nam đường Chín ngoảnh trông
Tới ngầm bắc Bạc núi sông trập trùng
Bốn bảy hai đó, một vùng
Rạng danh “vạn tấn” sáng bừng niềm tin
Bản doanh chốn ấy Mường Phìn
Đường giăng trăm ngả, thêu nghìn chiến công.
Ơi người chiến sĩ phòng không
Phơi thây “Ác điểu”(2) cuồng ngông đêm nào
Mấy chàng xế trẻ thở phào
Quay vòng, tăng chuyến trăng sao dẫn đường
“Trường Sơn Tuấn mã”(3) can trường
Văng Mu, Tha Mé tỏ tường chí trai
Sê băng hiên nhớ Thác Hài
Tà Lê nhớ trận bom ngoài Seng Phan
Lưng đèo ló một nhành lan
Chốt công binh vẫn trăng ngàn sao bay.
“Bốn nghìn” thoăn thoắt đôi tay
-Tôi nghe! Xin đợi (số này ưu tiên)
Cầu treo ghé trạm giao liên
Tiểu đoàn kho, Bệnh xá trên đầu nguồn.
Mưa ơi dừng khúc ru buồn
Ngầm N7 sóng dập dồn, lũ vây
Sư đoàn binh chủng từ đây
Sườn Đông lật cánh đợi ngày xuất quân
Khe Sanh, Lao Bảo dừng chân
A Sầu, A Lưới nàng xuân đang chờ
Sông Bung trải rộng đôi bờ
Trời xanh lộc thắm hồn thơ tìm về
Ngàn lau soi bóng trưa hè
Sông Thanh gom gió, nắng khoe ánh vàng
Về nơi “Trung dũng- Kiên cường”
Trao “nghiêng” Thạnh Mỹ vấn vương Bến Giằng.
Loòng boong ngọt lịm đêm trăng
Phím đàn giã bạn níu vầng mây trôi
Bản Rô, Khâm Đức bồi hồi
Đường thông “Thần tốc” rợp trời truy phong
Tung bay một dải cờ hồng
Mênh mang nước biếc, non Rồng thắm tươi.
Ba lăm, Hai chin, Ba mươi
Kìa Năm năm mốt, E Mười nhớ không(4)
-Đi đâu cô gái má hồng
Xanh xanh áo lính, chưa chồng hỡi em?
-Em là con gái đồng chiêm
Đi xây đại lộ giữ yên biên thuỳ!
-Rằng nghe con gái có thì
Ba năm “đập đá” còn gì là xuân?
Ửng hường đôi má bồ quân:
Nhẹ nhàng: Ai cũng..., nhọc phần cho ai?
Tuổi xuân, em hãy còn dài
Việc chung lo trước, rồi mai sum vầy.
Biên cương giặc cướp bủa vây
Mở đường lại nhớ những ngày năm xưa
Đạn thù quây kín như mưa
Lối thông giữ chốt, giặc thua chạy dài
Ai qua Sư Bốn bảy hai
Mà xem tuấn kiệt, anh tài Trường Sơn
Hy sinh, gian khổ chẳng sờn
Tuổi xuân xanh những đỉnh non, dốc đèo
Sương loang mỏm đá tai mèo
Đêm tiền phương tiếng suối reo trong ngần.
Tin về một sáng ngày xuân:
Sang làm kinh tế- việc quân thời bình(5)
Điện vươn xa, thắp công trình
Vùng cao đổi mới thắm tình quân dân
Công ty tiếp bước sư đoàn
Bốn bảy hai mãi vang ngân tiếng vàng.
Chiều thu rơi lá khẽ khàng
Đừng lay tia nắng muộn màng ngoài hiên
Nam Lào, xứ Quảng nào quên:
Sư đoàn Bốn bảy hai- viên gạch hồng,
Dựng đài huyền thoại con đường
Mang tên Bác, tỏa bốn phương lẫy lừng (6)
Trường Sơn một thuở hào hùng
Xứng danh “vạn tấn” ngàn trùng chiến công./.
Tháng 11/2021
Phạm Quang Giáp
-------------------------------
(1) 4 BTL khu vực: 470, 471, 472, 473.
(2) Máy bay AC 130.
(3) Danh hiệu D102 “Tuấn mã Trường Sơn”
(4) 5 Trung đoàn: 10, 30, 35, 529, 551 trong biên chế F472 khi đó. (E99 về sau)
(5) QĐ thành lập Công ty: tháng 4/1989.
(6) Dựa vào lời Đại tướng Văn Tiến Dũng viết trong Sổ vàng truyền thống sư đoàn