NHỮNG DÒNG SÔNG, CON SUỐI, LÒNG HỒ
Tùy bút: Phan Vĩnh Điển
Ngày đầu Đức và đồng đội của mình đặt chân đến Tây Nguyên là vào giữa mùa mưa, mưa sối sả, mưa rả rích suốt ngày đêm. Những dòng sông, dòng suối đục ngầu màu nước đỏ, gần giống màu dòng sông Hồng thuở nhỏ ở quê nhà vào mỗi mùa nước lên. Sáng ngủ dậy, mở mắt ra là đã thấy rừng chắn ngay trước mắt, tầm nhìn bị hạn chế, ước muốn rất giản dị là được phóng tầm mắt ra xa mà cũng khó thực hiện, càng làm Đức nhớ tới dòng sông tuổi thơ ở quê nhà.
Khác hẳn với dòng sông về mùa đông, mùa xuân hay đầu mùa hè, nước thường trong xanh, hiền hòa với những bãi cát trắng trải dài tít tắp… Nhiều buổi sáng đầu mùa hè, bọn Đức thường rủ nhau ra bãi mía bên sông để chơi trận giả, dồn nhau trong bãi mía hoặc đắp những trận địa giả, những ụ pháo, hầm hào trên cát. Gần trưa mệt, bụng đói lả, thường chui vào vườn, bẻ trộm mía của các bác nông dân để ăn cho đỡ đói. Có hôm do háu ăn, rước mía bằng miệng bị rách mép, chảy cả máu…
Cuối buổi thường rủ nhau xuống sông tắm. Lúc đầu còn chưa biết bơi, chỉ tắm ở quanh bờ và tập bơi. Tập mãi mà chẳng biết bơi, nghe nói là bắt chuồn chuồn, cho nó cắn rốn để biết bơi. Thế là cả bọn, lại rủ nhau lên bờ bắt chuồn chuồn cho nó cắn rốn để nhanh biết bơi.
Công việc bắt chuồn chuồn không hề đơn giản, phải ngồi thật im trong các bụi cây chờ chuồn chuốn bay tới, hoặc phải lò dò thật thấp mới bắt được con chuồn chuồn bình thường. Có hôm ngồi rình bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng bị cháy cả da, phồng lên đỏ rát cả hai bên bả vai. Nhất là, muốn bắt được con chuồn chuồn Ngô càng phải kỳ công và khéo léo hơn nhiều. Phải cầm theo một cành cây làm ngụy trang cho chuồn chuồn Ngô không nhìn thấy, rồi lò dò tiến từng tí một thì mới bắt được chuồn chuồn Ngô.
Thế mà có hôm Đức cũng bắt được một con chuồn Ngô to đốm vàng, đen, mắt sáng, to như hai chiếc đèn pha ô tô ! Cả bọn reo lên mừng rỡ tranh nhau vạch rốn ra để cho nó cắn, cho nhanh biết bơi. Có đứa bị chuồn chuồn Ngô cắn rất đau, chảy máu rốn mà vẫn chẳng sợ. Thế rồi tự tập, đập tay, đập chân mãi rồi cũng biết bơi…
Nhưng về mùa nước lũ thì thật đáng sợ ! Cả một dòng sông đục ngầu, nước cuồn cuộn chảy, rộng mênh mông, nhấn chìm tất cả các bãi mía, bãi ngô đang sắp vào kỳ thu hoạch. Chỉ còn đôi chỗ phất phơ mấy ngọn hoa mía trắng xóa, đang lay động theo dòng nước mà thôi. Trên dòng sông cuốn theo biết bao nhiêu cây cối, củi, gỗ, người dân hai bên sông thi nhau ra vớt củi về đun. Đàn bà, trẻ nhỏ thì vớt những cành củi nhỏ, cây lau, cây sậy gần bờ. Có một vài anh thanh niên giỏi bơi lội thì bơi ra gần giữa sông, rìu được những cây gỗ lớn vào bờ; phải bơi xuôi dòng một đoạn xa mới có thể ép được những cây gỗ lớn vào bờ.
Đức còn nhớ rất rõ, mùa hè năm 1971 là một trận lũ lịch sử trên sông Hồng. Năm đó, đang nửa đêm thì nhiều nơi vỡ đê. Mọi người đang ngủ say, vì ban ngày mưa gió, lo phòng chống nhà cửa, cất giữ lương thực gác lên cao phòng lũ, mệt lử, tối đến là lăn ra ngủ mê mệt. Chỉ kịp gọi nhau, bồng bế trẻ con, chạy nhanh ra đê để tránh lũ, không kịp mang theo thứ gì… Sáng ra Đức đang ở độ tuổi thiếu niên, rất hăng hái ra sông để vớt củi giúp gia đình. Song nhìn thấy nước lớn quá, nước mênh mông chỉ nhìn thấy bờ đê bên kia, mấp mé nước, có nơi, sóng đánh, nước tràn qua cả mặt đê bên đê hữu ngạn. Những người đàn ông khỏe mạnh phải ở lại, thu vớt đồ đạc. Xa xa trông thấy họ đang khuân vác gường, tủ, lương thực, kể cả trâu, bò, lợn gà còn sót lại, chất lên đê. Một số người, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ được ca nô cứu hộ đưa sang bên bờ sông thị xã để ở nhờ.
Trên mặt sông lúc này không chỉ có gỗ, cây, củi cuốn theo dòng nước, mà nhiều nơi trên thượng nguồn bị vỡ đê; nước cuốn theo cả trâu, bò, lợn, gà... Có cả những ngôi nhà lợp lá cọ đang trôi bồng bềnh trôi theo dòng nước. Trên nóc nhà có cả đàn bà, trẻ em ngồi trên kêu khóc thảm thiết. Ban chỉ huy phòng chống bão lụt thị xã phải điều ca nô ra giữa dòng sông để cứu hộ, không biết có kịp cứu được họ không…?
Nhà Đức mặc dù ở xa bờ sông gần 1 km, song mẹ Đức quê ở bên kia sông, nên có nhiều bà con họ hàng sang ở nhờ nhà Đức. Mọi người trông ai cũng ướt át, đau khổ, nhiều người còn khóc lóc, than thở; lo cho chồng con, ở lại không biết có kịp lên ca nô để sơ tán sang bên này không. Trời vẫn mưa rả rích suốt ngày đêm, có người khi đi chỉ kịp mang theo một, hai bộ quần áo nhưng giờ đã ướt nhèm hết cả. Mẹ và bố Đức phải đưa quần áo cho họ mượn để mặc cho đỡ lạnh. Có cả những người phụ nữ lúc này cũng phải mặc quần áo đàn ông trông rất ngộ nghĩnh như là diễn hề vậy; nhưng khôn mặt thì lo âu, buồn chán, không cười tươi được như những chú hề !
Mẹ Đức huy động hết các nồi to, gạo và thực phẩm ra đề mấu cơm ăn cho mọi người. Thời đó khó khăn chủ yếu có cơm, rau muống luộc, chấm mari. Hôm nào sang lắm thì có thêm mấy miếng thịt mỡ luộc hoặc cá khô rán là cùng; mà mọi người vẫn ăn ngon lành vì đói mệt, lo âu. Thế mới thấm thía câu nói: “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” !
Mẹ Đức kể, đói khổ lúc này, chưa thấm gì so với vụ đói năm 1945, người chết đói đầy đường. Bà Ngoại phải mang nồi to ra nấu cháo cứu đói cho mọi người. Dòng người xếp hàng chờ lấy cháo cứ kéo dài mãi, nấu suốt ngày, đêm không kịp cho mọi người ăn cứu đói; nhưng cũng chỉ được vài ngày trong nhà đã hết gạo, không nấu được nữa đành đắng lòng nhìn cảnh người chết đói lả ngoài đường…
Một tuần sau khi nước rút, Đức được mẹ cho đi theo về quê thăm hỏi những người bà con bị ngập lụt vừa qua; đi qua những đoạn đê bị vỡ mới thấy sức hủy hoại của thiên nhiên thật là kinh khủng. Nhiều đoạn đê bị vỡ, nước cuốn phăng đi đâu mất cả một đoạn đê dài hàng trăm mét. Bên dưới chân đê ngày xưa hình thành một hố nước lớn sâu hoắm. Nhà cửa, cây trái bị cuốn đi đâu hết cả, còn lại là lớp phù sa mầu đỏ đặc quánh và còn một vài chiếc cột nhà trỏng trơ chỉ lên trời xanh !
Có đoạn đê bị vỡ, Đức nhìn thấy một ngôi nhà xây 2 tầng đổ nghiêng, bật tung cả móng, trôi xa khỏi vị trí cũ trên 10 mét. Hồi đó nhà nào có nhà xây 2 tầng như thế là vào loại giầu có nhất vùng nông thôn rồi; còn nhà tranh vách đất bị nước lũ cuốn trôi là điều hiển nhiên. Thế mới biết cả cụ có câu: “giặc hỏa, chưa sợ bằng giặc thủy” là hoàn toàn chính xác !
Khi vào Bộ đội trong thời kỳ huấn luyện bộ binh, rất ngắn chỉ có 3 tháng; nhưng cũng có những ngày kiểm tra và tập bơi trên sông vào các buổi chiều cuối mùa thu, rét run người. Dòng sông ở vùng đồng bằng trong xanh, không lớn nhưng được bao quanh các dãy núi đá, trông rất đẹp như những bức tranh thủy mạc, sơn thủy hữu tình. Chỉ tội không có bãi cát, thường hai bên bờ là ruộng lúa hay bùn lầy, dính vào dép và chân rất khó chịu…
Khi đã bơi tương đối thành thạo vào chiều đầu mùa đông, bên núi đá ở Ninh Bình; Đức và đồng đội có những buổi tập bơi mang theo quân trang và vũ khí. Tất cả quân trang, ba lô mang theo đều phải gói vào chiếc áo mưa, buộc dây thật chặt cho nước khỏi ngấm vào trong. Mặc nguyên cả bộ quân phục, đi giầy cao cổ lội xuống sông để bơi. Phải để cho chiếc áo mưa bên trong có trang phục nổi lên khỏi mặt nước; bên trên áo mưa để khẩu AK 47, phải giữ sao cho súng không bị ướt là cả một sự vất vả.
Phải bơi đứng một tay, một tay còn phải giữ áo mưa; chân đạp mạnh để đẩy người tiến lên. Nhưng phải mang theo cả đôi giầy cao cổ, cảm thấy như bị đeo đá vào chân vậy, rất khó khăn. Cuối cùng cũng sang được bờ bên kia sông, vì sông không rộng lắm; được nghỉ ít phút rồi bơi quay về. Trong lúc nghỉ giải lao Đức nằm luôn ra bãi cỏ, ngửa mắt lên bầu trời trong xanh; ngắm những vì sao và dải Ngân hà lung linh, sao mà đẹp và lãng mạn thế... Chẳng bù cho thân thể lúc này người ướt nhèm, lấm lem bùn đất; song vẫn thấy yêu đời làm sao, giá mà có em nào ở bên mà tâm sự thì hay biết mấy. Đúng là tuổi trẻ lãng mạn thật…!
Sau này khi vào đóng quân ở Tây Nguyên, Đức và đồng đội, ít có dịp đi qua các con sông lớn, chủ yếu là sống bên cạnh các con suối, giữa rừng, nước trong xanh. Có con suối tương đối lớn, có chỗ rộng cũng phải đến từ 15 đến 20 mét chiều ngang; nhưng thường thì chỉ rộng khoảng 10 mét. Hai bên suối có rất nhiều loại cây cổ thụ, cây con và dây leo chằng chịt. Có những dây leo ra hoa tím, hoa vàng rất đẹp, được ánh nắng vàng xuyên qua cành lá, im xuống mặt nước lung linh sắc mầu như một sân khấu quanh co, chạy dài bất tận. Tiếng chim hót lúc thì trong trẻo, lúc thì líu lô như một bản hòa tấu nhiều cung bậc âm thanh nghe rất vui tai… Có những đoạn rau cải soong mọc lan ra giữa dòng suối xanh tốt, là một loại rau rừng lý tưởng cho những bữa ăn của Bộ đội.
Tất cả sinh hoạt những ngày đầu của Bộ đội đều dựa vào con suối nước trong xanh và mát rượi ấy. Từ việc lấy nước nấu ăn, tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày. Sau này, khi đã xây dựng doanh trại ổn định, các đơn vị mới đào giếng để chủ động trong sinh hoạt vào mùa mưa và đảm bảo vệ sinh. Gần nơi đóng quân của Trung đoàn bộ có một đoạn lòng suối toàn bằng đá, được đồng bào dân tộc và sau này Bộ đội góp phần cải tạo thêm một chút; tạo thành một đường ngầm cho xe lội qua suối. Cũng là bến nước để các anh lính trẻ chiều đến ra tắm; bơi lội vui vẻ, sau một ngày làm lụng vất vả, toàn bụi đỏ, lem nhem dầu mỡ của cánh lái xe máy. Nơi đây quả là một nơi thư giãn lý tưởng cho những chàng lính trẻ. Có hôm còn tổ chức thi bơi, dồn và dìm nhau cho vui. Còn chị em ở đoạn trên, cách xa đường, không có được cái ngầm đẹp như thế !
Một hôm cánh lính trẻ đi làm về muộn, mặt trời đã lặn, trời trạng vạng tối. Mấy chàng lính trẻ nghịch ngợm, nghĩ ra trò chơi mới là tắm bài 3 ban đêm, đang nô đùa bình luận lẫn nhau sôi nổi… Thì bỗng dưng từ đâu ập đến hai chiếc xe Zin 3 cầu chở Bộ đội nữ đi qua ngầm. Chị em trên xe chỉ chỏ, cười đùa ầm ĩ, nhiều chàng trai trẻ vội chạy lên bờ tìm quần đùi mặc vào. Có anh không kịp mặc quần, sợ quá chui cả đầu vào bụi cây, bị muỗi Tây Nguyên đốt cho đỏ hết người.
Riêng một anh tuổi trung niên, cứ đứng im giữa dòng nước suối; chỉ vơ vội chiếc quần đùi cạnh đó đội lên đầu. Chị em đi qua cưới ré lên, anh cũng mặc kệ. Lúc sau xe đi qua, mấy chàng lính trẻ hỏi sao anh không trốn đi mà cứ đứng như trời chồng ấy thế ! Anh cười và nói: Các cậu ngốc lắm, việc gì phải chạy. Chỉ cần che lấy cái mặt còn thì… Mọi người hiểu ra, chỉ còn biết chắp tay bái sư phụ…!
Điều đặc biệt và vui nhất là vào đầu mùa mưa năm sau. Các con suối nhỏ nước lũ về, có rất nhiều cá suối ngược dòng nước lũ để đẻ trứng. Không biết ai nghĩ ra hay học tập đồng bào các dân tộc phương pháp bắt cá đơn giản, độc đáo mà hiệu quả. Một hôm, anh bạn thân của Đức rủ đi bắt cá suối về nấu ăn; nhưng đi bắt cá mà chỉ mang theo một con dao rựa và một chiếc xô nhựa. Lúc đầu, Đức hơi ngạc nhiên, định hỏi, sao đi bắt cá mà không mang theo lưới hay cần câu ? Song nghĩ có thể anh ấy mò cá trong hang chăng ?
Nhưng khi ra đến đoạn suối nhỏ và dốc, anh ấy chặt ngay một cành cây tương đối to, rồi nói Đức kéo cành cây đi chậm ngược dòng suối. Còn anh đi sau, cúi xuống cành cây bắt được rất nhiều cá suối to bằng một hoặc hai ngón tay. Thấy lạ, Đức nói anh thay đổi kéo cành cây cho mình bắt cá thử xem sao ? Qủa thật bắt cá theo kiểu này rất đơn giản mà thích. Khi thấy có cành lá đi qua, hàng đàn cá suối lách theo các nhánh lá, để đẻ trứng. Các chàng lính trẻ chỉ việc nhìn thấy và chụp lấy, hoặc chỗ sâu hơn thì mò là bắt được cá. Chỉ khoảng gần 2 tiếng bắt cá theo kiểu đơn giản này, hai anh em đã được gần đầy một xô cá suối. Mang về rán giòn hoặc kho nục làm thức ăn thì thật là lý tưởng; trong những ngày đầu gian khó ở Tây Nguyên.
Bước sang mùa khô, đất đỏ khô ran, bụi mù mỗi khi có xe máy chạy qua. Nhưng buồn hơn cả là các lô cà phê bắt đầu bói quả, cũng héo lá, khô ran buồn bã. vì không có nước tưới, nguy cơ rụng quả và chết cây là rất cao. Nhưng lấy nước và máy bơm công suất lớn ở đâu để tưới cho cây cà phê. Các dòng sông, dòng suối có nước thì ở xa hàng chục kilomet. Làm sao đây, các nhà chỉ huy và các kỹ sư nông nghiệp của Trung đoàn biết bao đêm trăn trở, suy tư, đắp đập chứa nước ư ? Việc lấy máy đắp đập thì có thể…
Nhưng các nhà khoa học thủy lợi ở Trung ương khẳng định, trên đất đỏ bazan ở Tây Nguyên không thể đắp được đập thủy lợi để chứa nước. Vì đây là lớp thổ nhưỡng xốp, và khô không thể trữ được nước ! Các lô cà phê cũ trước đây ở gần thị xã Buôn Ma Thuột, chủ yếu họ lấy nước từ các sông suối, hoặc giếng khoan. Còn đồng bào dân tộc họ trồng cà phê chủ yếu là bên cạnh các tán rừng rậm hoặc ở vùng đất trũng, ít khô hạn trong mùa khô…
Không lẽ để cà phê chết sau 2 năm trồng thí điểm, tốn biết bao nhiêu công sức, khó nhọc của Bộ đội thậm chí cả xương máu. Vì đã có một số chiến sỹ Bộ đội tử vong vì sốt rét ác tính ở Tây Nguyên. Sau nhiều đêm trăn trở đồng chí Trung đoàn trưởng cùng Ban chỉ huy Trung đoàn quyết định, giao cho Ban Kế hoạch và Đại đội xe máy khảo sát và thi công đắp thử nghiệm một con đập lớn gần Trung đoàn bộ.
Giao ban Trung đoàn về đồng chí Đại đội trưởng băn khoăn nói ra, điều trăn trở của mình: Trung đoàn giao cho Đại đội xe máy, huy động máy ủi, chuẩn bị thi công một con đập để tưới cho các lô cà phê mới trồng được 2 năm, đã ra quả bói. Nhưng nếu không có nước tưới, nguy cơ cây chết khô là rất cao, mà không biết có thành công không. Vì tiền lệ từ trước tới giờ chưa từng có ai đắp đập chứa nước trên Cao Nguyên đất đỏ ba zan…
Ngày phát động thi đua thi công con đập đầu tiên đã đến. Không khí thật náo nhiệt, băng cờ, biểu ngữ được chăng lên khắp nơi; loa phóng thanh phát đi những bản nhạc hào hùng. Và lời phát động thi đua sang sảng của đồng chí Trung đoàn trưởng với hy vọng thi công con đập thành công, mang lại dòng nước tưới mát cho cà phê trong giữa mùa nắng hạn. Đại đội xe máy thì san ủi mặt bằng, vét đi lớp cỏ và đất màu trên mặt đất đồi. Các nam nữ ở các Đại đội sản xuất thì xắn quần áo, lội xuống vét bùn, đào đất thủ công dưới đầm lầy và lòng suối để tạo thành một nền móng vững chắc cho thân đập sắp tới.
Đức tham gia ngày khai trương công trình với niềm vui phấn khởi và huy vọng về một đập nước trong xanh và thơ mộng trong tương lai. Lại ước mơ sau này khi nước dâng cao, mình sẽ đóng một con thuyền để trèo trên mặt hồ, trong xanh lăn tăn sóng lượn, thì thật là lãng mạn và thơ mộng biết bao !
Sau ba tháng thi công khẩn trương và chất lượng; có ngày Đại đội xe máy phải huy động gần như tất cả lực lượng xe máy và con người ra công trường làm 2 ca từ sáng sớm cho đến tật tối mịt. Máy húc thì ủi đất, máy kéo bánh to thì được huy động ra để thay xe lu lèn đất. Không khí thi công thật khẩn trương, náo nhiệt; không kể nắng gió, bụi đỏ phủ đầy người. Nhiều khi chỉ còn nhìn thấy đôi mắt đen láy, vẫn vui cười của các em phục vụ xe máy thi công…
Một tháng sau khi con đập được hoàn thành thì hồ nước trong xanh rộng gần 10 ha được hình thành, chứa hàng trăm triệu mét khối nước. Hồ nước trong xanh, ngút ngàn, nhìn sướng tầm mắt và cảm thấy trong tâm hồn cũng được tắm mát trong làn nước trong xanh rười rượi ấy. Nhưng cũng luyến tiếc lòng hồ đã nhấn chìm con suối thơ mộng và những ngày bắt cá bằng cành cây ngay đầu mùa mưa, cùng biết bao kỷ niệm về những ngày lao động khẩn trương, mệt nhọc dọn dẹp lòng hồ ngày nào. Những lúc giải lao, các chàng trai xe máy còn ngồi tán chuyện vui với các em Bộ đội dưới gốc sung già và ăn những trái sung chín mọng. Còn trêu đùa nhau, từ giờ đã được "ăn sung mặc sướng rồi"... Sau nước dâng lên nhanh quá, không kịp dọn dẹp sạch sẽ lòng hồ.
Có những cây cổ thụ, bị ngâm nước lâu ngày đã bắt đầu ngả lá vàng úa. Chắc một vài ngày nữa là sẽ trụi lá và gục ngã trong dòng nước trong xanh và thơ mộng này. Cuộc đời nghiệt ngã là vậy đấy, có được hồ nước mới tươi đẹp; nhưng cũng phải trả giá bằng hàng chục ha canh tác và biết bao cây cối động, thực vật phong phú, giá trị… Lúc này được sự chi viện của Liên hiệp các xí nghệp Cà phê Việt Nam; Trung đoàn nhận được các dàn máy phun nước hiện đại, mang tên Sích Ma của Tiệp Khắc viện trợ để phun nước tưới cà phê.
Nhìn dòng nước đầu tiên được phun như mưa, quay tròn, thành từng hàng lấp lánh dưới nắng vàng trên lô cà phê, lòng không khỏi tự hào về thành quả lao động không biết mệt mỏi của mình và đồng đội. Chắc các đồng chí chỉ huy Trung đoàn cũng phấn khởi lắm ! Vì đã đưa ra được quyết định đột phá là những người đầu tiên đắp đập trên Cao Nguyên đất đỏ ba zan để tưới cho cà phê sai hoa, trĩu quả, hứa hẹn mùa vàng bội thu trên vùng đất mới… Và từ đây hàng chục con đập khác to đẹp đã ra đời để tưới mát cho vùng đất giầu đẹp của Nông trường cà phê 49.
Một vài năm sau, Đức được điều về làm Chính trị viên một Đại đội có hơn một trăm nữ Bộ đội. Cuộc sống lao động vất vả, ăn uống thiếu thốn, cộng với khí hậu khắc nghiệt ở Tây Nguyên. Nhiều chị em đã bị sốt rét ác tính, có người bị tử vong giữa lứa tuổi đôi mươi đẹp nhất của đời người, là một tổn thất rất lớn giữa thời bình. Đức bàn với Ban chỉ huy là phải thường xuyên nhắc nhở anh chị em Bộ đội đi tất và hun muỗi vào buổi tối để phòng chống sốt rét, Đồng thời phải bàn biện pháp cải thiện và nâng cao đời sống của anh chị em trong đơn vị.
Rất may đơn vị mới này của Đức được chuyển về địa điểm mới, ngay dưới chân một hồ nước lớn đang thi công. Đức bàn với anh em kỹ thuật thi công, lắp đặt một đường ống dẫn nước bằng đường ống của Bộ đội Xăng dầu trước đây, giúp Đại đội lấy được nước hồ tự chảy về để trồng rau, chăn nuôi cải thiện đời sống Bộ đội. Nhờ vậy, chỉ ít tháng sau vườn rau tăng gia của Đại đội vươn lên xanh tốt. Dòng nước tự chảy dẫn đến khu chuồng trại nuôi lợn để làm công tác vệ sinh sạch sẽ. Đàn lợn phát triển, lớn nhanh trông thấy !
Cô Bộ đội được giao làm nhiệm vụ chăn nuôi phấn khởi, khoe: Con lợn đực giống nhảy hết chuồng này sang chuồng khác nhanh như “con sáo” thật là cách ví von ngây thơ và khập khiễng, nhưng rất vui…
Mùa mưa đến, nhớ lại những ngày bắt cá đơn giản mà hiệu quả bằng cành cây; nhưng bây giờ suối nhỏ không còn, đóng thuyền lớn thì không có loại gỗ và kỹ thuật đóng thuyền… Đức bàn với anh em, lấy một tấm tôn ra gò thành chiếc thuyền nhỏ một người ngồi. Mua thêm một tấm lưới, chiều tối chèo thuyền đi thả lưới, sáng hôm sau ra kéo lưới lên là có cá ăn. Và quả đúng là như vậy phương pháp này rất hiệu quả, vào những ngày mưa bắt được khá nhiều cá để cải thiện bữa ăn cho Bộ đội.
Sau này Đại đội xin phép Nông trường cho mua cá giống về nuôi trong hồ, để có thực phẩm cải thiện đời sống cho Bộ đội. Từ đó, hồ nước trong xanh, không chỉ là trữ nước tưới cà phê mà còn là những hồ nuôi cá rộng lớn cung cấp thực phẩm thường xuyên cho Bộ đội và người dân vào xây dựng Nông trường ngày thêm trù phú và tươi đẹp này…
Phan Vĩnh Điển
Trưởng Ban LL Trung đoàn 49 – Hội TS Sư đoàn 471
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN