"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 06)
Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 06)
Bài số 9
NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Tay cầm vô lăng "Vọt tiến".
Ban Công binh Binh Trạm 32 - Sư đoàn 472 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn được trang bị chiếc xe ô tô hai cầu "Vọt Tiến" của Trung Quốc viện trợ. Là chiến sĩ khảo sát, sau làm nhân viên thống kê Ban Tham mưu Công binh của Binh trạm, tôi thường đi phụ cùng anh Trần Văn Xuân là lái xe chở vật tư khí tài Công binh cấp cho các đơn vị. Binh trạm 32 phụ trách khu vực Bắc - Nam đường 9 có các trọng điểm: Văng Mu, Phú Kiều, Tha Mé rất ác liệt, nhiều chuyến hút chết, nhất là máy bay AC -130 đuổi bắn xe.
Mùa khô năm 1970 – 1971, Mỹ dùng máy bay AC-130 cải tiến lắp thiết bị hồng ngoại, máy phát hiện nhiệt của động cơ xe, máy khuếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối. Dùng các loại súng 40 ly, 20 ly 6 nòng bắn liên thanh, tên lửa tầm ngắn có khả năng bắn phá sát thương trên diện rộng, thời gian hoạt động dài. Kết hợp với mạng lưới trinh sát điện tử ở mặt đất, loại máy bay này nhanh chóng phát hiện mục tiêu cho dù mục tiêu đó di động trong đêm tối trong rừng cây rậm rạp, xe chạy bằng đèn rùa chúng vẫn phát hiện ra. Đêm đêm chúng sử dụng AC-130 “túc trực” trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực nam, bắc đường 9. Mỗi đêm 2 chiếc thay ca trong một khu vực, mỗi chiếc có thể bay liên tục 6 - 7 giờ. Lúc đầu chúng bay muộn về sớm, sau khi phát hiện ta chạy lấn sáng lấn chiều, khoảng 5 giờ chiều nó đến, nửa đêm cái khác ra thay cho đến sáng mới về. Không một đoàn xe nào không bị chúng phát hiện và tấn công. Các đơn vị xe đều bị tổn thất, mỗi Binh trạm có đêm cháy tới hơn chục xe. Số xe bị bắn cháy tăng vọt, số lái xe bị thương ngày càng nhiều. Bộ Tư lệnh khu vực 472 đã chỉ đạo cho lực lượng Công binh các Binh trạm dùng thùng phuy rải dọc đường 9 cho củi vào đốt lửa để nhử máy bay địch, chỉ được ngày đầu sau nó cũng phát hiện ra và không bắn vào đó nữa. Lực lượng Công binh làm các đường tránh gọi là đường mang cá, khi có báo động AC-130 lái xe cho xe lao vào mang cá mà nó vẫn bắn trúng. Tăng cường dùng cành cây nguỵ trang xe cũng vẫn bị bắn cháy.
Tình hình đó gây lo ngại cho cán bộ, chiến sỹ. Một số thoái thác không muốn nhận chở vũ khí, chất nổ, xăng dầu. Các đơn vị đã ra sức động viên Bộ đội nâng cao ý chí chiến đấu, đánh địch mà đi, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng cường che chắn bảo vệ cho xe và lái xe như: Các xe ô tô đều làm giàn mướp che ca bin, lái xe đội mũ sắt, mặc áo giáp chống đạn, tổ chức đội hình vừa và nhỏ, theo dõi quy luật hoạt động của AC-130 để tổ chức chạy tránh thời gian cao điểm hoạt động của địch; tăng cường nguỵ trang nghi binh; tổ chức trinh sát báo động chặt chẽ hơn tạo điều kiện cho Bộ đội xe chủ động tránh đòn tấn công của địch; tăng cường thợ sửa chữa đi cùng để phục hồi xe khi bị địch đánh hỏng. Nhưng tất cả các biện pháp trên vẫn nằm trong thế bị động, chỉ có tác dụng hạn chế một phần rất nhỏ, chưa phải là biện pháp đối phó có hiệu quả. Đây là một trong những tháng ngày lao đao, gian khổ nhất của Bộ đội Trường Sơn.
Trước sự tổn thất nặng nề do máy bay AC-130 gây ra, trong nội bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp có sự nhìn nhận đánh giá khác nhau về địch và ta. Một số cho rằng máy bay AC-130 nhìn được ban đêm nên đánh rất trúng mục tiêu, một số lại cho rằng AC-130 chỉ đánh mò, do lái xe sợ đạn 40 ly bỏ xe chạy nên mới bị bắn cháy.
Để có kết luận chính xác, đối phó với máy bay AC-130, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cử các đồng chí trong BTL và cơ quan tổ chức một đợt đi thực tế trên đường để nghiên cứu địch. Các đồng chí Binh trạm trưởng và Chính uỷ trên toàn tuyến cũng được lệnh đi cùng đội hình xe. Trên cơ sở khảo sát trên tuyến đã xác định được là: Máy bay AC-130 có khả năng nhìn rõ ô tô đang di động trong đêm. Chúng bay cao trên 3 km, chủ yếu bắn đạn 40 ly kéo dài, gây sát thương trên phạm vi rộng. Các đội hình xe khi gặp máy bay AC-130, dù tắt đèn chúng vẫn phát hiện và đánh trúng. Trong tổng số xe bị đánh hỏng có khoảng 60-70% do AC-130 gây ra. Số lái xe bị thương vong từ 10- 20%. Trừ trường hợp đội hình xe đã dừng lâu, máy nguội thì chúng bay bên trên cũng không phát hiện ra. Chúng cố tránh hoả lực của pháo cao xạ, vì vậy các cụm pháo cao xạ 37 ly chốt ở các trọng điểm không có tác dụng đối với chúng.
Từ ý kiến của những cán bộ thực tế chiến đấu trên đường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thống nhất kết luận: Máy bay AC-130 là đối tượng cực kỳ nguy hiểm đối với đội hình xe chạy ban đêm. Vì vậy toàn tuyến phải có biện pháp đối phó sáng tạo, táo bạo, linh hoạt, đa dạng, vững chắc, chủ động, bí mật, bất ngờ và cơ bản. Trước hết phải nắm bắt được quy luật hoạt động của chúng trên địa bàn từng khu vực, từng Binh trạm, chủ động thay đổi cách hoạt động của ta: Chạy lấn sáng, lấn chiều sớm hơn; thiết kế đội hình xuất phát của đội hình xe tiến lên phía trước sâu hơn; chia đội hình nhỏ xuất phát nhiều hướng. Tổ chức cung ngắn, làm nhiều hầm mang cá cho xe ẩn nấp khi bị tấn công, tăng cường vật che chắn cho xe và lái xe; tăng cường các tổ cảnh giới dưới đất và trên xe. Sử dụng súng 12,7 ly hoặc pháo 37 ly bắn báo động, tích cực cơ động pháo để bảo vệ đội hình xe, tích cực nổ máy các xe vận tải hoặc các động cơ cũ. Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thí điểm chạy ngày ở những đoạn đường kín để rút kinh nghiệm.
Rất nhiều chuyến tôi ngồi trên xe cạnh tài Xuân chở thuốc nổ, khí tài, máy bay AC - 130 đuổi bắn mà vẫn thoát được. Khi ngồi xe tôi quan sát, để ý như học lái xe đi thực tập vậy, cũng thích cầm tay lái.... cắt ly hợp, vù ga lấy đà sang số, thuộc lý thuyết làu làu.
Một hôm Ô Tô chở thuốc nổ , bị AC - 130 nó đuổi "Xin thùng ", thế mà thoát được về đến kho an toàn, nhập hàng xong là trời sáng. Tôi nói với anh Xuân cho cầm lái một đoạn, đi đường khi có tình huống tôi còn giúp Anh được. Tôi cầm vô lăng, tài Xuân ngồi giữa, cậu Hào nhân viên thống kê ngồi sát cửa bên phải. Nổ máy lên nhấn ga cho xe chạy, bỗng nó lao băng băng lên sườn đồi, càng đạp phanh nó càng phóng hăng đè dạt hết cây nhỏ leo lên ầm ầm. Anh Xuân hô đạp phanh đi, càng đạp mạnh xe càng lao lên, cánh cửa bên phải bung ra, Hào văng ra lăn xuống đất, chiếc xe đổ nghiêng, may có cây to bên cạnh chặn thùng xe lại, nếu không có cái cây ấy, xe tôi lái sẽ đè chết cậu Hào. Hoá ra mình không đạp vào chân phanh mà đạp nhầm sang chân ga, càng đạp nó càng lao. Bài học nhớ đời.
Mấy hôm sau thủ trưởng Ban Công binh biết do cậu Hào bị đau nên lộ ra. Bí thư chi đoàn Hoàng Kiền làm kiểm điểm trước chi đoàn , xin hứa từ nay không bao giờ cầm vô lăng bất cứ loại ô tô nào.
Chuyến lái xe Ô Tô đầu tiên cũng là cuối cùng trong đời nhớ mãi. Cách đây mấy năm tôi tìm lên thăm anh Xuân ở Hoàng Kênh - Trung Kênh - Gia Lương- Bắc Ninh, anh ấy về xây dựng công trình Thủy điện Hoà Bình rồi ở lại đó, tôi lên thăm, gặp nhau ôn lại chuyến lái xe Ô Tô "Vọt Tiến" ấy một kỷ niệm thật sâu sắc trong đời.
Ảnh minh họa
Bài số 10
NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Đi tìm mỏ đá ở Nam Lào
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa ri ký kết, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn chuyển sang giai đoạn mới, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai làm đường cơ bản ở phía Đông và cải tạo đường bên phía Tây Trường Sơn. Lực lượng được tổ chức lại thành các Sư đoàn binh chủng, trong đó có ba Sư đoàn Công binh và một số Trung đoàn cầu độc lập. Lực lượng tập trung chủ yếu làm đường cơ bản bên phía đông. Bên Tây Trường Sơn chỉ để lại Sư đoàn Công binh 472 thi công, Trung tá Đào Kim Sơn làm Tư lệnh, Thượng tá Võ Sở làm Chính uỷ. Lực lượng của Sư đoàn 472 lúc này gồm hai Trung đoàn 34, 35 và 3 Tiểu đoàn trực thuộc: 29, 41, 71. Nhiệm vụ của Sư đoàn vừa phải sửa chữa đường, bảo đảm giao thông phục vụ cho vận chuyển, vừa triển khai cải tạo xây dựng tuyến đường Tây Trường Sơn .
Toàn bộ nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến phía tây do Sư đoàn 472 đảm nhiệm. Lực lương sử dụng 3 Tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn do Phòng Công binh chỉ đạo bao gồm: Tiểu đoàn 29, Tiểu đoàn 41 và Tiểu đoàn 71, từ Việt Nam sang đi theo đường 9 đến Mường Phìn đi theo đường 23 vào đến Phi Hà nối sang Công Tum. Hai Trung đoàn tập trung sửa chữa nâng cấp đường từ Bản Đông theo đường 22 - Sa ra Van. Sư đoàn bộ chuyển về đóng tại bờ nam sông Sê la Nông.
Là Trợ lý kế hoạch của Phòng Công binh Sư đoàn, miệt mài, trách nhiệm, tính toán nhanh, cẩn thận nên được Tư lệnh Đào Kim Sơn, Phó Tư lệnh Nguyễn Đức Lợi, Trưởng Ban Kế hoạch Nguyễn Viết Toàn tín nhiệm giao cho tôi xây dựng kế hoạch thi công toàn tuyến đường Tây Trường Sơn. Kết cấu mặt đường gồm ba loại: Đá dăm nước, Cấp phối đồi, Cấp phối sỏi suối trên cơ sở khai thác vật liệu khu vực tại chỗ. Trưởng Ban kế hoạch Nguyễn Viết Toàn báo cáo được Bộ Tư lệnh Sư đoàn đặc biệt là Tư lệnh Đào Kim Sơn và Chính uỷ Võ Sở đánh giá cao.
Đá là nhu cầu hàng đầu của mặt đường đá dăm nước. Mặt đường rải đá dăm tưới nước lu lèn hai lớp. Bấy giờ còn khó khăn nên cũng chả có nhựa tưới. Một hôm Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh và Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh gọi anh Toàn và tôi lên báo cáo nhu cầu đá hộc, đá dăm cho thi công hàng tháng. Nghe xong Tư lệnh hỏi khối lượng lớn như thế giải quyết ra sao.
- Báo cáo Tư lệnh, phải tổ chức khảo sát tìm mỏ đá, mỏ cấp phối đồi, mỏ cấp phối sỏi suối, ưu tiên mỏ đá trước.
- Thế mai tôi sẽ trực tiếp đi khảo sát mỏ đá.
Hôm sau một đoàn cán bộ đi tìm mỏ đá lên đường. Lần đầu tiên được Tư lệnh cho ngồi Xe Con, trên xe Bắc Kinh đít vuông Có ba thủ trưởng đều dân Hà Bắc: Trung tá Đào Kim Sơn - Tư lệnh, Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh, Đại uý Nguyễn Viết Toàn - Trưởng Ban kế hoạch, chỉ có Thượng sĩ Hoàng Kiền - Trợ lý kế hoạch là dân Nam Hà, nghe các thủ trưởng nói chuyện rất vui, thật thân tình. Chiếc xe 2 cầu nên cũng leo khoẻ, lên gần đỉnh đèo Phu la Tuya, hôm ấy vào tháng 7, mùa mưa đã được gần hai tháng, bỗng dưng trời đổ mưa như trút, mưa rừng Trường Sơn dữ dội như thế đấy. Đường đất trơn lầy, nhầy nhụa, thế là cả đoàn xuống đẩy xe toé mồ hôi ra. Vẫn không lên được đến điểm có mỏ đá. Cả đoàn leo bộ, hơn mười hai giờ trưa mới lên đến đỉnh đồi, đưa cơm nắm ra ăn. Vừa ăn vừa làm thơ, mỗi người thêm một ý, một câu thành bài thơ do Tư lệnh khởi xướng, cũng thấy hay hay và ý nghĩa.
Chống gậy lên non tìm mỏ đá
Gặp mưa rừng tầm tã không ngơi
Đường trơn xe hết hơi rồi
Chân ta đạp núi đội trời xông pha
Đã lên đỉnh tìm ra mỏ mới
Quá trưa rồi bụng gọi đòi ăn
Muối vừng, cơm nắm thơm ngon
Con đường ra trận mãi còn vươn xa
Trường Sơn Tây bao la hùng vĩ
Toàn Sư đoàn hào khí vươn lên
Quyết tâm ý chí vững bền
Con đường thống nhất nối liền Bắc Nam.
Từ đây công trường khai thác đá được mở ra với khí thế hừng hực, đường được xây dựng mặt rải đá dăm rồi tưới nước lu lèn, chèn ép lại, các cạnh đá vỡ ra thành bột có nước tưới thành chất kết dính chứ không có nhựa tưới.
Chiều hôm ấy về đến cơ quan, ba anh em Ban Kế hoạch: Kiền, Cựu, Sơn rủ nhau đi câu cá. Lấy thanh sắt 6 nung đỏ uốn làm lưỡi câu, dùng dây cáp điện to làm dây câu, cắt ống tre nứa làm phao, lấy con gà nhỏ bị chết làm mồi. Trời tối ba anh em bơi ra giữa sông thả câu, nước sâu lạnh, chảy xiết cũng gợn cả người lên. Sáng hôm sau ra vớt, ba chàng thanh niên ôm lên con cá lăng khoảng ba chục ki lô gam, cả Phòng Công binh vui mừng liên hoan bữa trưa thật là ngon, ngon nhất là bộ lòng …
Đầu năm 1975, Sư đoàn Công binh 565 thành lập bảo đảm đường vận chuyển bên Tây Trường Sơn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Thượng tá Đào Kim Sơn về làm Tư lệnh, Trung tá Nguyễn Đức Lợi về làm Phó Tư lệnh, các Thủ trưởng lại đưa tôi về làm Trợ lý kế hoạch. Tháng 4 năm 1976, tôi được Trung tá Nguyễn Đức Lợi gọi lên cho đi ôn thi vào Trường đại học Kỹ thuật Quân sự.
...
Năm 1997 tôi được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh, tìm gặp lại anh em năm xưa, lập ra Ban liên lạc Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472. Tết nào chúng tôi cũng đến thăm chúc tết Đại tá Đào Kim Sơn, Đại tá Nguyễn Đức Lợi, vài năm lại lên thăm gia đình anh Nguyễn Viết Toàn và chị Phạm Thị Mạc cùng Phòng Tham mưu Công binh năm xưa thật thân tình. Mấy năm sau bác Đào Kim Sơn tự dưng bị mù cả hai mắt, đến thăm nghe tiếng thủ trưởng vẫn nhận ra, Kiền đấy à... Ông ra đi tết nào tôi cũng đến thắp hương cho ông và chúc tết bà.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của Sư đoàn 472, tôi đề xuất viết cuốn Lịch Sử Sư đoàn 472 và trực tiếp viết toàn bộ giai đoạn Tây Trường Sơn, viết say sưa quên cả thắp hương đêm giao thừa, thế là bà cháu giận.
VIẾT SỬ SƯ ĐOÀN
(Giai đoạn ở phía tây Trường Sơn)
Vợ giận cả tuần hết tết luôn
Bởi lũ văn thơ nó hút hồn
Đọc viết nghiền say như điếu đổ
Lịch sử Sư đoàn chảy trào tuôn
Mãn nhiệm xế chiều vui cháu con
Việc công cống hiến đã vẹn tròn
Việc đời dang dở đang chờ đợi
Nghĩa tình đồng đội dậy lòng son
Một thời rực lửa tuyến Trường Sơn
Bạt núi xẻ đồi đội mưa bom
Mở đường chiến lược ra tiền tuyến
Dâng hiến tuổi xuân chí vẹn tròn
Thôi thúc ngày đêm rộn tâm hồng
Hội Bốn Bảy Hai (472) đợi chờ mong
Xung phong cầm bút biên trang sử
Trường Sơn tây đầy ắp chiến công.
Tôi đến gia đình chụp tấm ảnh trên bàn thờ Đại tá Đào Kim Sơn và Đại tá Nguyễn Đức Lợi in ra chuyển cho Ban biên tập. Kỷ niệm xong tôi và chú Quyền thay mặt Hội truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 472 đến thăm gia đình tặng quà và quyển lịch sử. Bác gái mở ra xem hỏi: sao không có ảnh anh Kim Sơn, thôi tôi trả các anh...
Tôi mở xem lại kỹ không có ảnh cả Đại tá đào Kim Sơn và Đại tá Nguyễn Đức Lơi, ngẩn người ra nhận lỗi. Thế là cầm về, tự đi in lại hai tấm ảnh chèn vào đem tặng hai gia đình thủ trưởng cũ của tôi.
Những kỷ niệm đẹp với Trường Sơn với Sư đoàn Công binh 472, với Tư lệnh Đào Kim Sơn, Phó tư Lệnh Nguyễn Đức Lợi và các đồng đội lưu đậm mãi trong lòng.
Ngày 13 tháng 8 năm 2021
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
(Còn nữa)