"Phải cắt cổ nó, lấy máu cúng Giàng cứu con tao" - Ký ức của ThS - Nhạc sỹ Vũ Minh Vỹ

Ngày đăng: 08:42 17/08/2021 Lượt xem: 480
PHẢI CẮT CỔ NÓ,
LẤY MÁU CÚNG GIÀNG CỨU CON TAO

         Vùng núi phía tây Trường Sơn là nơi cư trú của dân tộc Lào Thơng, một trong ba nhóm dân tộc chính của Lào. Đa số đàn ông Lào Thơng mặc khố, phụ nữ mặc váy, rồi kéo váy cao lên để che bầu ngực, song cũng có nhiều người để ngực trần.
         Buổi trưa hôm đó, khi đội Văn nghệ Sư đoàn 471 hành quân sắp đến Tiểu đoàn Công binh thì gặp một tốp ba phụ nữ Lào đi ngược chiều. Mỗi người đeo sau lưng một chiếc gùi đựng mấy quả bí các loại, chắc là họ vừa đi nương về. Cả ba người đều để ngực trần, trong đó có một người bụng chửa vượt mặt, cạp váy trễ xuống dưới rốn một đoạn khá xa. Cánh nam chúng tôi vốn đã gặp những trường hợp tương tự nên không ngạc nhiên. Cánh nữ thì chắc là lần đầu tận mắt thấy hình ảnh lạ lùng ấy, nhất là nhìn cái bà bụng chửa to lặc lè, váy trễ xuống quá xa dưới rốn, và dường như sắp tụt đến nơi, các em vừa ngượng ngùng, vừa khôi hài, nháy mắt nhìn nhau, lấy tay bưng chặt miệng, cố nhịn để khỏi bật ra tiếng cười. Họ vừa đi qua hết thì anh Thanh chuyên hề chèo, vốn là cây tiếu lâm của đội liền so sánh:
- Hương ơi! Trông bà “đeo trống” (chửa) cứ hình dung sau này em cũng vậy. Nhưng lúc ấy nhớ mặc áo xống hẳn hoi, với lại phải làm quai đeo váy lên, đừng để nhỡ tụt thì khối anh cứ gọi là chạy mất dép!
         Đang cố nhịn, nghe anh Thanh trêu chọc Hương hài hước như vậy, tức thì các em nữ không nén được nữa, phá lên cười giòn giã. Một số nam cũng hưởng ứng cười theo. Ngay lúc đó đội phó Điếm (thay quyền đội trưởng Quý đang nằm viện) quát to:
- Im ngay! Người ta đang phản ứng kia kìa.
         Mọi người quay lại, thấy tốp phụ nữ Lào một tay níu quai gùi, một tay đang chỉ trỏ các em nữ, miệng nói những câu gì đó không ai hiểu, ánh mắt có vẻ rất giận dữ. Lập tức mọi người im bặt. Đội phó liền nhanh trí nắm hai tay vào nhau, vừa mỉm cười vừa nói thật to để họ nghe rõ, nhằm mục đích dàn hòa với họ:
- Xam ma khi! Xam ma khi! (Đoàn kết! Đoàn kết!)
Lập tức không ai bảo ai, cả đội cũng làm theo đội phó, cùng vui vẻ nói:
- Xam ma khi!
         Đội phó Điếm lại vừa huơ tay vừa nói to:
- Xa bai đi! (Xin chào/ Chào nhé)
         Rồi anh giục mọi người khẩn trương tiếp tục hành quân.
      Sân khấu Tiểu đoàn Công binh chuẩn bị cho đội biểu diễn là một bãi đất trống kề bên chân ngọn núi đá. Chúng tôi đến nơi, đơn vị đón vào xếp chỗ ngủ xong, đội phó phân công nam ra căng phông hậu, treo cánh gà rồi treo hai “bát sen” (micro hồi đó), đặt hai chiếc đài Lido làm “loa” phía trước sân khấu. Nữ dùng vải quây hai buồng thay phục trang. Công việc sắp xong thì xuất hiện ba người đàn ông Lào, hai người cầm gậy, một người cầm con dao quắm chuôi dài, lưỡi dao sáng loáng. Họ vừa nói tiếng Lào, tay vung dao, vung gậy, vừa tiến đến phía trước sân khấu với vẻ mặt vô cùng tức giận. Đang thử chỉnh volume hai cái loa bằng đài Lido, nhìn thấy họ, tôi đoán ngay là liên quan đến ba bà vừa gặp lúc trưa, tình thế có vẻ khá nguy cấp, liền gọi to báo đội phó:
- Anh Điếm ơi! Hình như mấy ông Lào đến bắt vạ vì tưởng hồi trưa nay ta cười chê các bà vợ của họ đấy. Anh ra tìm cách dàn hòa với họ đi.
         Có lẽ cũng đã thấy tình cảnh đó, nên anh Điếm nhanh trí phản ứng, kịp thời ra lệnh:
- Đồng chí Hương dẫn chị em nữ về Tiểu đoàn bộ, báo anh Quỳnh (Chính trị viên Tiểu đoàn, người vừa tiếp đón chúng tôi lúc nãy) cho người ra can thiệp giúp. Tất cả nam tập trung về sân khấu.
         Lập tức các em chạy theo Hương về Tiểu đoàn bộ cách sân khấu chỉ hơn trăm mét. Chín nam chúng tôi tụ về sân khấu. Mấy anh tiện tay rút luôn các đoạn tre luồn chân cánh gà, giống như đang dở căng phông màn, chứ thực ra là để sẵn sàng thủ thế. Đội phó vừa tiến đến gần tốp ba ông Lào, vừa ra vẻ hồ hởi nói to bằng tiếng Lào pha lẫn tiếng Việt (vì cũng như chúng tôi, vốn liếng tiếng Lào chỉ biết loanh quanh một số từ thông dụng cần thiết):
- Xa bai đi, xa bai đi! Chốc nữa, bốn giờ chiều, (anh chỉ vào đồng hồ đeo trên cổ tay trái, rồi giơ bốn ngón bàn tay phải lên làm hiệu), bô eng hong ten, hong ten! (xem hát múa, hát múa). Bốn giờ...
        Tốp đàn ông Lào đứng khựng lại, trao đổi với nhau, rồi thi nhau nói gì đó với đội phó, liên tiếp chỉ trỏ về hướng các em nữ vừa rút đi, điệu bộ và ánh mắt vẫn rất tức tối. Anh Điếm và chúng tôi đều không hiểu họ nói những gì, nhưng anh cũng gật gật đầu rồi nói tiếp, cốt để dàn hòa:
- Bốn giờ (anh lại chỉ vào đồng hồ và giơ bốn ngón tay lên dứ dứ trước mặt họ). Ten hong, lăm vông. Hắc man, hắc man! (múa hát, lăm vông, thích lắm, thích lắm).
         Lúc này người đàn ông cầm dao quắm vẫn hằm hằm tiến thẳng đến chỗ đội phó, chúng tôi đang rất bối rối chưa biết xử trí cách nào thì anh Quỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn cùng với một người trẻ hơn, thắt lưng đeo súng ngắn K59 xuất hiện. Thì ra người trẻ hơn vốn là cán bộ thuộc lực lượng Chuyên gia, làm công tác dân vận, ăn ở cùng dân bản, thông thạo tiếng Lào. Chắc anh công tác dân vận ở chính khu vực này, nên nhóm đàn ông Lào kia đã nhận ra anh là người quen, ánh mắt và thái độ của họ dần dần bình tĩnh lại. Anh và tốp người Lào nói chuyện trao đổi với nhau khá lâu. Có lúc thấy anh chỉ vào chúng tôi, lúc chỉ về hướng nhà D bộ, chỉ lên mấy cái bát sen treo trên sân khấu, rồi chỉ thẳng tay lên trời. Thế rồi, cả ba người đàn ông Lào vác gậy, vác dao quay gót ra về. Anh Quỳnh, anh Điếm hồ hởi bắt tay cám ơn đồng chí Chuyên gia. Chúng tôi trút được nỗi lo sợ, cùng thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy đồng chí Chuyên gia mới giải thích:
- Họ bảo trưa nay, các anh chị của đội ta đã cười chê vợ của họ khi đi nương về. Theo quan niệm của dân bản ở đây, đàn bà chửa mà bị cười chê, đứa con trong bụng sẽ chết. Ông cầm dao là chồng của bà chửa, nhất định đòi “Phải cắt cổ lấy máu của đứa đã cười chê để cúng Giàng mới cứu sống được con tao”. Tôi bảo: “Cả đoàn người ta cười thì biết lấy máu của ai”. Ông ta nói: “Con vợ tao nó bảo cái đứa mặc áo hồng đi sau cười nhiều nhất, phải cắt cổ nó, lấy máu mang về để người nhà Giàng (cách gọi cung kính thầy Mo, người chuyên cúng lễ cho dân bản) cúng Giàng cho con tao khỏi chết”. Tôi bảo: “Ô, thế là giết người, là không tốt rồi”. Ông ta liền nói : “Người nhà Giàng bảo nếu nó không muốn chết thì phải đền một con trâu lớn. Không có trâu thì thay bằng ba con lợn to với bảy con gà đẻ để người nhà Giàng giết cúng Giàng 7 ngày... ”. Tôi đã nghe qua cô Hương kể vắn tắt chuyện xảy ra trưa nay, khi cô tới cầu cứu anh Quỳnh, nên nhẹ nhàng giảng giải, bảo họ rằng: “Bộ đội cười trêu đùa nhau, không cười dân bản đâu, mà rất quý mến dân bản. Nếu mày còn chưa tin thì chốc nữa đến đây xem. Bộ đội cũng cúng Giàng đấy, cúng theo kiểu Việt Nam, nhiều người cúng nên Giàng giúp nhanh hơn, chứ không phải chỉ một người cúng như người nhà Giàng ở bản đâu (ý anh chuyên gia bảo họ rằng chốc nữa chúng tôi diễn văn nghệ là cúng Giàng). Tao sẽ nhờ nhiều nhiều Bộ đội kêu Giàng giúp con mày, Giàng sẽ nghe, sẽ cho con mày sống khỏe”. Họ tin là tôi nói thật nên đồng ý ra về.
         Buổi diễn chiều hôm đó, ngoài Bộ đội của Tiểu đoàn Công binh, cũng có nhiều dân bản Lào đến xem, nhưng không thấy ba người đàn ông đến đây đòi cắt cổ lấy máu cô Bộ đội mặc áo hồng cùng các bà vợ của họ. Trong buổi diễn, em Linh, người mặc áo cánh màu hồng hành quân hôm đó, ngoài hát hợp ca, tốp nữ, còn tham gia điệu múa “Việt - Lào - Căm-pu-chia xam ma khi”. Em đóng vai cô gái Khơ Me cùng múa điệu Lăm-vông với cô gái Lào do em Đức thủ vai, và anh Bộ đội Việt Nam do cậu Hùng đảm nhiệm. Điệu múa được nhiệt liệt hoan nghênh. Chương trình biểu diễn cũng rất thành công. Khi kết thúc, Chính trị viên Quỳnh cười tươi như hoa bước lên sân khấu, bắt tay đội phó thật chặt, phát biểu cảm ơn toàn thể diễn viên nam nữ trong đội. Riêng anh Chuyên gia thì không thấy đâu. Sau đó anh Quỳnh cho biết: đồng chí Chuyên gia có việc đột xuất cần giải quyết ở một bản khác nên đã gửi lời la con (chào tạm biệt) đội Văn nghệ và rời đi trước lúc đội biểu diễn.


Chị Ngọc Linh - người mặc áo cánh màu hồng trong câu chuyện,
nay là hội viên CLB Nghệ thuật Phong Lan Trường Sơn (ảnh minh họa)
         Sáng hôm sau, khi chuẩn bị hành quân sang phục vụ đơn vị tiếp theo, đội phó đã nghiêm khắc phê bình anh Thanh, người châm ngòi trận cười không đúng lúc đúng chỗ trưa hôm qua, suýt nữa thì gây ra tai họa lớn cho đội. Cũng nhắc nhở toàn đội phải hết sức cẩn thận, nghiêm túc thực hiện chính sách dân vận với nhân dân Lào, chú ý cả từ lời nói, tiếng cười, quan hệ, cư xử, không để mất lòng dân, bởi không có sự ủng hộ của họ, đường Trường Sơn sẽ gặp muôn vàn khó khăn, công cuộc giải phóng miền Nam không thể giành thắng lợi được.
        Kể từ đó, toàn đội không bao giờ còn vô ý cười đùa trước bất kỳ người dân Lào nào. Có hôm đi gặp một người đàn ông còn trẻ đang chổng mông đào hố, hình như đào củ mài hay đào hang bắt dúi gì đó. Cái khố anh ta mặc che kín phía trước, nhưng nhìn từ phía sau khi anh cố chúi đầu xuống hố sâu thì lộ hết cái cần che. Mấy cô nhìn thấy vội quay mặt đi, lấy tay bịt miệng, suýt bật cười thành tiếng, lập tức bị các anh nam dạn dày kinh nghiệm nghiêm khắc nhắc nhở. Thế là mỗi khi gặp nhau chỉ còn vang lên tiếng chào ngân nga như câu hát: “Xa bai đi! Xa bai đi!” rộn vui cả một đoạn đường rừng. 

ThS - Nhạc sỹ Vũ Minh Vỹ
Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật Phong Lan Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
(Rút trong tập truyện “Lên rừng thời chiến”) 

tin tức liên quan