"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 07)

Ngày đăng: 07:04 18/08/2021 Lượt xem: 370
        Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 07)
Bài số 11

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Đi thành lập Trung đoàn Công binh 576.
       Do yêu cầu nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ bản đường Đông Trường Sơn, tháng 8 năm 1974 Sư đoàn 472 lật cánh sang phía đông, để lại một bộ phận cơ quan thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây do Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn làm Trưởng ban. Đơn vị có Trung đoàn Công binh 34, Thiếu tá Đào Minh Trình - Trung đoàn trưởng, Thiếu tá Hoàng Ngọc Quỳnh - Chính uỷ, Thiếu tá Phạm Minh Chính - Phó Chính uỷ, Đại uý Nguyễn Duy Nghênh - Trung đoàn Phó Tham mưu trưởng. Trung đoàn tiếp tục cải tạo nâng cấp đường 22 từ Bản Đông đi Sa ra Van. Tôi là trợ lý Kế hoạch của Phòng Công binh, nay xuống làm trợ lý của Ban chỉ đạo kiêm trợ lý Kế hoạch của Trung đoàn 34, lúc này anh Cường vẫn là trợ lý Kế hoạch chính của Trung đoàn 34. Khi làm đường cơ bản, Trung đoàn được tổ chức theo mô hình đặc biệt, bỏ cấp Tiểu đoàn mà có 17 Đại đội theo các chuyên ngành trực thuộc Trung đoàn, do đó công tác Kế hoạch khá nhiều việc.
       Đang tập trung xây dựng kế hoạch, tôi được triệu tập lên hội trường nghe phổ biến, điều một bộ phận cán bộ của Trung đoàn Công binh 34 đi thành lập Trung đoàn Công binh 576, do Trung tá Nguyễn Văn Hiểu thay mặt Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây giao nhiệm vụ. Sau này mới biết là để chuẩn bị cho chiến dịch Tiến công giải phóng Tây Nguyên, cần tăng cường vận chuyển chi viện cho mặt trận Tây Nguyên theo đường Tây Trường Sơn, cần thêm lực lượng Công binh bảo đảm đường cơ động.
       Cuối tháng 1 năm 1975, chuyến xe Ô Tô xuất phát từ Sở chỉ huy Trung đoàn 34 ở nam đèo Phu la tuya theo đường 22 vào qua Sa ra Van qua Bản Phồn mấy ki lô mét dẽ vào rừng phía bắc đường 16 dừng chân bên bờ suối, là địa điểm lập Sở chỉ huy của Trung đoàn Công binh 576. Khẩn trương chặt gỗ tre nứa làm lán trại bước vào nhiệm vụ ngay, cán bộ từ các đơn vị bên Đông Trường Sơn và các đơn vị của bên Tây Trường Sơn được điều động về. Thiếu tá Nguyễn Đình Xường mới đi học ở Học viện Công binh Quy bư Sép Liên Xô về vào làm Trung đoàn trưởng, Thiếu tá Phạm Quang Tuấn làm Chính ủy, Đại uý Đỗ Mạnh Quỳ làm Trung đoàn phó Tham mưu trưởng. Các đơn vị có 3 Tiểu đoàn đang bảo đảm giao thông trên tuyến: Tiểu đoàn 29, Tiểu đoàn 35, Tiểu đoàn 41 trực thuộc Sư đoàn 472 trước đây, khi Sư đoàn rút sang phía đông ba Tiểu đoàn vẫn ở lại, do Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây quản lý. Đồng thời trên điều gấp hai Tiểu đoàn tân binh nữ của Nghệ An và Ninh Bình vào bổ sung. Toàn Trung đoàn tập trung triển khai sửa chữa đường, bảo đảm giao thông cho xe chở quân, tăng, pháo ngày đêm rầm rập cơ động hướng về mặt trận Tây Nguyên. Lúc này Mỹ đã ngừng ném bom toàn chiến trường Đông Dương, xe ta chạy cả ngày cả đêm, qua những cánh rừng khộp, trời nắng chang chang, khe suối khô rang, bụi cuốn lên bám vào lá cây như rừng cây lá đỏ trên đại ngàn Trường Sơn. Trung đoàn 576 cùng với Trung đoàn 34 tập trung bảo đảm vận chuyển, cơ động lực lượng tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Tôi là trợ lý Kế hoạch của Trung đoàn, do thiếu uý Nguyễn Ngọc Cường phụ trách, tập trung xây dựng kế hoạch, điều động lực lượng toàn Trung đoàn sửa chữa đường, bảo đảm giao thông từ Sa ra Van vào đến Phi Hà ngã ba Đông Dương. Công việc khẩn trương, Bộ đội bám mặt đường không kể ngày đêm .
       Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975), mật danh Chiến dịch 275, là chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Với cuộc tiến công của phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 10 tháng 3 năm 1975 vào Buôn Ma Thuột, cánh Nam quân nguỵ Sài Gòn đã bị sụp đổ. Những nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuật của quân nguỵ Sài Gòn trong các trận phản công ngày 11 và 13 tháng 3 đều thất bại. Mất bình tĩnh sau các thất bại dồn dập, Ngày 14 tháng 3, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, kiêm luôn Tổng tư lệnh "Quân lực Việt Nam Cộng hoà" ( quân nguỵ Sài Gòn) đã có một bước đi hết sức sai lầm khi quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung Bộ. Việc rút quân tiến hành rất kém, nên chỉ ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II ngụy với 60.000 quân đã bị tiêu diệt, đầu hàng hoặc tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7.
       Chiến dịch này đã tạo nên một lỗ hổng rất lớn trong tuyến phòng thủ quân sự của quân nguỵ Sài Gòn tại địa bàn Quân khu II - Quân đoàn II ngụy . Chiến dịch này mở đầu cho những thất bại quân sự khó có thể cứu vãn nổi của quân nguỵ Sài Gòn . Cùng với những sai lầm có tính chiến lược trong phương án và cách thức điều quân, bố trí lại lực lượng của các cấp chỉ huy quân nguỵ mà đứng đầu là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chiến dịch này đã tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của quân nguỵ tại miền Nam Việt Nam chỉ trong 55 ngày mùa xuân năm 1975, dẫn đến sự kết thúc Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) và tái thống nhất Việt Nam sau 21 năm bị chia cắt.
       Những kỷ niệm với Trung đoàn Công binh 576 rất nhiều. Một đêm tôi và anh Vi Văn Chúm đi săn đêm, soi đèn xuống suối cạn, thấy các chấm sáng li ti dày đặc, cúi xuống nhìn, trời ơi , tôm cờ nhiều thế. Mắt con tôm nó cũng bắt đèn đỏ như chấm than nhỏ vậy, thế là hôm sau chúng tôi xin được mấy cái màn cũ, cắt ra làm vó tôm, rang gạo giã ra làm mồi, cập quạng tối hai anh em đi cất vó tôm. Cả con suối lớn, dài mùa khô nước cạn, tôm cá dồn về đây, mỗi mẻ cất lên tôm nhảy rào rào nặng trĩu vó. Mỗi đêm được tới dăm bảy cân tôm bảo đảm cho cả bếp ăn Trung đoàn bộ trong mấy tuần cho đến lúc hết tôm.
       Kỷ niệm với Trung đoàn Công binh 576, với cán bộ đặc biệt là anh Vi Văn Chúm thật là sâu đậm. Chúng tôi cùng ở Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472, gặp lại nhau tại Ban Tham mưu Trung đoàn 576, gặp lại nhau ở Phòng Tham mưu Sư đoàn 565, gặp nhau trên biên giới Cao Bằng, kết thân như anh em. Sau này tôi về làm Tư lệnh Công binh, giúp con trai anh vào học thành sỹ quan Công binh phục vụ trong Binh chủng. Tôi đưa đồng đội Ban liên lạc Phòng Tham mưu Công binh từ Hà Nội lên Thị trấn Nước Hai qua thị xã Cao Bằng 16 km về hướng Pắc Bó thăm gia đình Đại tá Lê Văn Chúm. Anh là người dân tộc Mông đen, tôi đưa anh gặp ông Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc của Chính phủ để đề nghị công nhận có một dân tộc Mông Đen với dân số khoảng hai nghìn người, khác với dân tộc Mông hiện nay, có trang phục và tiếng nói riêng, hiện nay chủ yếu sống ở Ka Liệng - Thạch An - Cao Bằng, có một số di cư tự do vào Tây Nguyên. Toàn bộ tiền lương Đại tá của Anh dùng giúp đồng bào dân tộc mình với muôn vàn khó khăn thiếu thốn.... Không được ông Giàng Seo Phử chấp nhận anh bực lắm, nói luôn: từ nay... không thèm gặp .... nữa. Từ quê, anh xuống Hà Nội thăm gia đình tôi tặng bức tranh thêu: Kính tặng Đồng chí Hoàng Kiền - Vừa là đồng chí - Vừa là anh em, đặt vào trên mặt bàn phòng khách dưới tấm kính luôn, mười mấy năm nay vẫn nguyên như thế . Anh ra đi khi mới hơn bảy mươi Xuân, tôi thay mặt Ban liên lạc Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472, anh em Ban Công binh Sư đoàn 565, Ban Tham mưu Trung đoàn 576 cùng Chị Mạc vợ anh Toàn, đều là đồng đội, anh Vi Ngọc Đón ở Lạng Sơn không đi được, chị đi thay. Đến viếng anh tôi đọc bài thơ vĩnh biệt Anh ai cũng cảm động. Bố mẹ mất sớm, 17 tuổi đi Bộ đội chưa biết chữ, là công vụ cho Tư lệnh Công binh Phạm Hoàng, công tác tốt, rồi phấn đấu học bổ túc, đi học sỹ quan Công binh, lên đến Đại tá, đứng đầu dân tộc Mông đen của Anh. Anh đã viết công văn gửi Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, các thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Thiếu tướng Hoàng Kiền....
Đêm nằm tâm sự với nhau anh nói: Chú Hoàng Kiền ạ, chú rất tốt, quan tâm đến nhiều người, cần ưu tiên cho người dân tộc và những người nghèo. Thật trân trọng tấm lòng của Đại tá Vi Văn Chúm đồng đội thân yêu của tôi.
Ngày 14 tháng 8 năm 2021
Hoàng Kiền

Bài số 12
NHỮNG CHUYẾN XE Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đáng nhớ - Đi tiền trạm di chuyển cơ quan làm mất bao măng khô.
       Tôi hành quân vượt Trường Sơn đến bắc Đường 9 nam Lào thì dừng chân, bổ sung quân cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn, được biên chế về Ban Tham mưu Công binh Binh trạm 32 vào cuối năm 1970. Đầu năm 1971 Tiểu đội khảo sát chúng tôi tham gia khảo sát mở đường tránh cho đường 35 tây Trường Sơn khi Mỹ nguỵ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra đường 9 Nam Lào. Chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào giành thắng lợi to lớn làm nức lòng quân dân cả nước. Chúng tôi tiếp tục khảo sát đường kín, đến giữa tháng 8 mưa to lắm phải tạm dừng. Mùa mưa Trường Sơn bắt đầu từ cuối tháng 5 kết thúc vào đầu tháng 11, mưa to nhất từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 10, mưa như trút suốt ngày đêm không ngớt. Toàn Tiểu đội khảo sát tập trung lấy măng, đeo ba lô, mang dao tông, thuổng, xỏ ghệt, đi dày bôi thuốc chống vắt dẫn nhau vào rừng đào măng. Rừng tre vắt nhiều vô kể, thấy hơi người là chúng ngóc đầu lên tua tủa như chông, ngoe ngoảy cái vòi nhìn cũng ngao ngán. Mang măng về ăn, đào lò sấy măng khô để dự trữ cho mùa khô. Suốt mấy tháng liền lửa lò không bao giờ tắt, mùa mưa lấy đâu ra củi khô! kinh nghiệm là cưa cây xăng lẻ tươi, bổ ra đốt nó cháy ầm ầm, rừng Lào loại cây này nhiều lắm. Sấy măng đến đầu tháng 11 năm 1971, mùa khô đến, mùa vận chuyển mới bắt đầu. Đoàn cán bộ cao cấp của quân đội Trung Quốc gồm 8 người vào nghiên cứu việc vận chuyển chi viện chiến lược trên đường Trường Sơn, đoàn dừng lại Binh trạm 32 khu vực bắc đường 9 nghiên cứu trong một tháng. Khi thấy chúng tôi mang măng về sấy, đoàn đến xem, tìm hiểu, hỏi rất nhiều. Trung Quốc viện trợ về hậu cần cho Việt Nam đánh Mỹ đứng hàng đầu các nước Xã hội chủ nghĩa, quân trang từ đầu đến chân, quân nhu: lương khô BA 70, thịt hộp, cá hộp, bột trứng, mì chính, rau củ cải khô còn gọi là Ca la thầu....đủ mọi thứ.
       Đoàn hỏi: sao các đồng chí còn phải sấy măng?
       Tiểu đội khảo sát đã lên đường làm nhiệm vụ, tôi chuyển sang làm nhân viên thống kê, tiếp tục sấy măng cho xong. Tôi trả lời: nhu cầu của Bộ đội chiến trường còn nhiều lắm, rau xanh không thể thiếu được, mùa mưa tìm rau tàu bay, môn thục, lá sắn, hoa chuối rừng, măng. Mùa khô rau rừng không có nên vẫn phải dùng măng khô.
Đoàn lấy sổ ghi chép rồi gật đầu chia tay.
       Tháng 11 xe bắt đầu chạy trên đường, máy bay AC - 130 bay ra hoạt động đánh phá. Tất cả các con đường vào chiến trường đều phải đi qua đường 9, máy bay AC - 130 bay dọc đường 9 để săn đuổi bắn đạn 20 ly, 40 ly đánh xe của ta. Có đêm Binh trạm 32 cháy gần hai chục xe ô tô, đồng chí Thắng - Chính trị viên phó Tiểu đoàn 102, là chồng của chị Kim Cúc thường xuyên ngâm thơ trên Đài tiếng nói Việt Nam hy sinh, thật đau thương. Máy bay AC - 130 làm mưa làm gió trên trời, chưa có cách nào chống lại hiệu quả. Ngày 20/7/1971 Sư đoàn 472 được thành lập, Sư đoàn chỉ đạo Binh trạm 32 di chuyển Sở chỉ huy vào sâu để chỉ huy bảo đảm cho các đoàn xe ô tô vượt qua đường 9. Đoàn tiền trạm do Đại uý Đỗ Xuân Diễn - Binh trạm phó Binh trạm 32 chỉ huy lên đường. Đêm hôm ấy giữa tháng 11 năm 1971 chiếc xe Ô Tô ba cầu từ Sở chỉ huy của Binh trạm cách ngã ba Lùm Bùm khoảng hai chục ki lô mét, phía bắc đường 128 B xuất phát. Mỗi cơ quan một người, tổ vệ binh đi cùng bảo vệ, tôi được thủ trưởng Ban Công binh cử đi mang theo một bao măng khô to. Trên đường đi máy bay AC-130 mấy lần đuổi bắn, nhưng may không sao. Dọc đường đi thấy một chiếc xe bị cháy vẫn còn đỏ ngùn ngụt, lái xe đứng vẫy. Binh trạm phó ngồi trên Ca bin xuống hỏi, không phải do AC -130 bắn, mà do anh em cho xe chạy qua suối, dừng lại xuống suối rửa, lấy nước, hút thuốc lá, thả que diêm xuống đất, thế là nó cháy theo vết xăng do xe chở xăng, có thùng phuy rò, lửa leo theo cháy mất cả xe cả xăng....
       Xe đến ki lô mét 86 đường 128 B thì rẽ theo đường 32A xuống nam đường 9 dăm ki lô mét dừng lại để đi bộ vào vị trí Sở chỉ huy. Tất cả xuống xe, trời tối đen như mực. Tôi soi đèn pin tìm bao măng khô không thấy đâu cả, kêu to hỏi mọi người không ai vác nhầm. Mất rồi, sao lại mất được nhỉ? Mang đèn pin tìm soi khắp nơi, không thấy đâu cả. Mất thật rồi, đường xóc quá bao măng văng xuống đường mất rồi. Bấy giờ khoảng ba giờ sáng, mắc võng giữa rừng nằm mà không chợp mắt được một tí nào. Sáng hôm sau đi nhận vị trí làm nhà cho Ban Công binh, để ý tìm cũng chẳng ra. Ban Công binh vào để làm nhà, tôi báo cáo mất bao măng khô, tất cả đều sững sờ, công lao cả Ban trong suốt mùa mưa vừa qua, mùa khô này, tết này lấy đâu ra măng khô mà ăn. Mỗi khi ngồi vào bữa cơm ăn lại nhắc đến măng khô mà nỗi buồn cứ day dứt trong lòng. Người phê bình nhiều nhất là Trung uý Kỹ sư cầu đường Phan Trí Hoà, trợ lý kế hoạch, tôi là nhân viên thống kê do anh trực tiếp phụ trách. Từ việc mất bao măng khô rồi công việc cũng có bất đồng ý kiến, thế là mâu thuẫn với nhau. Sau đó Binh trạm giải thể chuyển sang thành lập các Trung đoàn binh chủng. Binh trạm 32 chuyển thành Trung đoàn xe ô tô 32, tôi chuyển về Ban Tham mưu Trung đoàn Công binh 30, anh Hoà chuyển đi đâu không rõ.
       Năm 2004 Ban liên lạc Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày mở đường cơ giới Trường Sơn, do Đại tá Đặng Văn Phúc- Nguyên Tư lệnh Công binh, Trưởng ban liên lạc, tổ chức tại Hội Trường Bộ Tư lệnh Công binh. Tôi được mời dự với cương vị Tư lệnh Công binh. Tôi vào hội trường, anh Hoà kêu: Kiền, hai anh em đi nhanh bắt tay ôm lấy nhau thật là mừng, sau 32 năm xa Binh trạm 32 nay mới gặp lại. Thời gian qua đi, mọi vết thương rồi sẽ lành. Hôm sau tôi sang thăm gia đình anh chị bên Gia Lâm ngay đầu cầu Chương Dương, đường vào hẹp khó tìm, ngóc ngách mãi mới tới . Anh em ngồi nói chuyện, tôi vẫn nhớ quê anh ở Hoài Ân - Hoài Nhơn - Bình Định. Chị là Ngọc Thân - công tác ở ga Hàng Cỏ, số nhà 45B - Đường Nam Bộ - Hà Nội. Mấy mươi năm gặp nhau, chuyện không dứt ra được. Mấy tuần sau tôi gọi lại, điện thoại không liên lạc được, gọi mãi vẫn thế. Hỏi thăm mãi mới biết Anh Phan Trí Hoà đã đột ngột ra đi ở tuổi mới chưa đầy bảy mươi, thật là thương.
 
Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
(Còn nữa)
 
tin tức liên quan