"Cuộc đời với những chuyến đi" - Ký ức của CCB – Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo 08)

Ngày đăng: 07:27 19/08/2021 Lượt xem: 373
        Sự kiện Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Đây là hoạt động biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
         Thiếu tướng Hoàng Kiền – Một Cựu chiến binh từng mang cái tên “người lính của một thuở Trường Sơn, một thời Biển đảo” đau đáu theo dõi và hướng về sự kiện của tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" mà lịch sử chỉ có giữa toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hai nước Việt – Lào…
         Và đây – Dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền về những chuyến đi, về những tháng năm ông gắn bó với mảnh đất, con người của đất nước “triệu Voi”, với con đường Trường Sơn vắt ngang qua hai nước Việt - Lào đã tuôn trào để rồi ông ngồi viết – viết cả loạt bài từ dòng ký ức ấy…
         Trường Sơn xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc loạt bài viết từ dòng ký ức của Cựu chiến binh – Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG CHUYẾN ĐI
(Tiếp theo 08)
Bài số 13

NHỮNG CHUYẾN Ô TÔ ĐÁNG NHỚ BÊN LÀO
Chuyến Ô Tô đặc biệt - Đưa cả gia đình sang thăm nước Lào, Thăm Chiến trường xưa.
       Tháng 8 năm 2000 kỷ niệm 30 năm ngày nhập ngũ, 30 năm vào chiến trường Trường Sơn mở đường đánh Mỹ, khơi dậy những kỷ niệm trong lòng. Thế là thống nhất trong gia đình tổ chức chuyến đi đặc biệt Thăm nước Lào, Thăm chiến trường xưa. Bốn bố con ở Hà Nội, mẹ còn đang dạy học ở Đà Nẵng ra thăm, kết hợp chuyến công tác vào miền Trung, bố đưa cả nhà đi chuyến xe Ô Tô xuất ngoại sang "Tây". Đến Quảng Trị lên cửa khẩu, vào thăm đồn Biên phòng Lao Bảo, tôi giới thiệu đang là Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoạt động bên Lào khu vực Bản Đông, hôm nay nhờ các đồng chí cho gia đình sang thăm nước Lào một chút rồi về. Đồng chí Đồn trưởng nói phải báo cáo với Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Tôi tham gia đoàn khảo sát rà phá bom mìn phục vụ phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc các năm 1999 - 2000, có thành phần Bộ Tư lệnh Biên phòng nên quen thân với các anh Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thế là điện thoại nhờ, được giải quyết ngay. Đồn biên phòng hướng dẫn đổi biển số xe Lào, một sỹ quan ngồi lên dẫn đường và yêu cầu đi về trong ngày, chỉ đến được Sê Nô - Thị xã của tỉnh Sa va na Khét trong phạm vi quan hệ của Đồn Biên phòng Lao Bảo thôi.
       Đoàn tham quan có: Hoàng Kiền, Ngô Thị Khiếu, Hoàng Thu Hà, Hoàng Quốc Hoàn (toàn), Hoàng Quang Huỳnh và lá xe Trần Công Quy. Cả nhà qua cửa khẩu không phải mang hộ chiếu, được cả phía Việt Nam và Lào giải quyết cho đi ngay. Thế là từ năm 1970 tôi sang Lào đến nay đã ba mươi năm, từ khi về nước năm 1976 đến nay gần phần tư thế kỷ được sang thăm lại nước Lào.
       Đến Bản Đông, thăm Bản Đông, điểm đầu của tuyến đường Tây Trường Sơn được cải tạo, xây dựng sau khi ký hiệp định Paris. Đến cầu treo Bản Đông vắt qua sông Sê Pôn, đứng giữa cầu bao kỷ niệm trào dâng trong lòng. Tôi giới thiệu với vợ và các con, đồng chí Đại uý Biên phòng và anh lái xe về những năm tháng trên chiến trường Trường Sơn rực lửa. Cuối năm 1970 tôi vượt Trường Sơn đến đường 9 Nam Lào dừng chân biên chế vào Ban Tham mưu Công binh Binh trạm 32, làm nhiệm vụ khảo sát đường, mở đường, rồi đi nhiều đơn vị, khắp các tỉnh Nam Lào, năm 1973 ở Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn 472 cải tạo xây dựng con đường từ Bản Đông đến Phi Hà ngã ba Đông Dương, tham gia xây dựng cầu treo Bản Đông này. Dọc theo con đường này tôi đã ở Sư đoàn Công binh 472, tháng 8 năm 1974 Sư đoàn chuyển sang phía đông, tôi trong bộ phận ở lại thành lập Ban chỉ đạo Mặt trận Miền Tây rồi về Trung đoàn công binh 34 tiếp tục tham gia xây dựng cơ bản con đường này. Tháng 1 năm 1976 tôi về tham gia thành lập Trung đoàn Công binh 576 bảo đảm đường vận chuyển cơ động trên đường này. Sau đó khi thành lập Sư đoàn Công binh 565 để bảo đảm đường vận chuyển cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tôi về Sư đoàn làm Trợ lý Ban Công binh, đầu tháng 4 năm 1975, tôi đi cùng Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn , tháp tùng Thượng tá Phạm Tề - Cục Phó Cục Chính trị, phái viên của Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo đốc chiến các lực lượng bảo đảm đường từ Bản Đông vào đến Phi Hà, con đường vận chuyển chính cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại đã đưa cả dân tộc ra trận để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đứng trên cầu treo Bản Đông hôm nay nhìn theo hướng con đường chạy suốt các tỉnh Nam Lào về đến Công Tum miền Nam Việt Nam, thật bồi hồi xúc động và tự hào.
       Đầu tháng 1 năm 1976 tôi được về phép, ô tô từ Sa la Van chở cán bộ đi phép trên con đường này về Việt Nam. Cuối tháng 1 năm 1976 trả phép, không có xe ô tô, lại đi bộ từ Lao Bảo sang Bản Đông theo đường này vào...  Tháng 4 năm 1976, Sư đoàn Công binh 565 rút quân về nước, tôi là Trợ lý Ban Công binh Sư đoàn, đi xe con giúp việc Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn kiểm tra cầu đường, đôn đốc các đơn vị hành quân, về nước sau cùng cùng đội hình của Trung đoàn Công binh 34. Những chuyến đi ấy hiện ra với bao cảm xúc trào dâng.
       Đến thị trấn Sê Pôn, giới thiệu lại Chiến thắng Đường 9 Nam Lào, tôi đi trinh sát đường, đi qua khu vực trận địa phòng không 12 ly 7 của Sư đoàn 2 đang phục quân địch đổ bộ đường không, được anh em báo cho địch sắp đồ bộ đường không, co chân phóng thật nhanh, trực thăng nó bay đến như chuồn chuồn, ta bắn rụng như sung, quân nguỵ vẫn có bộ phận đổ bộ sau lưng, may mình thoát qua được để về báo cáo tình hình đường xá...
Dừng chân giới thiệu cho cả nhà sơ bộ về chiến dịch Đường 9 Nam Lào mà bố đã tham gia năm 1971. Từ năm 1964 đến 1970, suốt hơn 6 năm sử dụng tối đa sức mạnh của không quân, Mỹ vẫn không ngăn chặc được sự chi viện của hậu phương lớn Miền Bắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Mỹ- nguỵ đã quyết định mở chiến dịch qui mô lớn bằng bộ binh tiến công đánh vào đường Trường Sơn. Lực lượng gồm quân Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn, quân Hoàng gia Lào và quân đội đội Thái Lan tham gia.
       - Ngày 30 tháng 1 năm 1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ miền Nam, 6.000 quân Mỹ, 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52). Cuộc hành quân được thực hiện bằng hai phương thức:
       Tiến công đường bộ: Đánh theo đường 9 mục tiêu là đánh tới Bản Đông, Sê Pôn trên đất Lào. Đổ bộ đường không: Đổ bộ xuống các khu vực trọng điểm để cắt đứt đường Trường Sơn trong một phạm vi có chính diện và chiều sâu khá lớn ở khu vực nam đường 9. Phối hợp ở phía tây, quân nguỵ Lào huy động 4 Tiểu đoàn từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, phía tây Mường Phìn, quân đội Thái Lan hỗ trợ, sẵn sàng tham chiến.
      Mục tiêu trong chiến dịch này là hành quân hòng cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá huỷ tối đa các kho chiến lược trên đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện các mặt cho lực lượng của ta ở các chiến trường.
      Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công. Lực lượng của Bộ được điều động đến phục sẵn như Sư đoàn bộ binh số 2 và một số đơn vị khác.
       Cánh đông Bắc thành lập mặt trận B70 bao gồm các Sư đoàn 304, 308, 320 và các Trung đoàn, Tiểu đoàn độc lập.
       Cánh phía tây giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách gồm: Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn 2, Trung đoàn 48, Trung đoàn 29, cùng một số Trung đoàn, Tiểu đoàn binh chủng. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng dự bị đánh địch tại chỗ trên toàn địa bàn chiến dịch. Các đơn vị của BTL Trường Sơn được trang bị vũ khí bộ binh để tham gia đánh địch.
       Ngày 3/1/1971, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào: “ .... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược....Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này”.
       - Ngày 23 tháng 3 năm 1971, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Quân đội Sài Gòn - nòng cốt của học thuyết Ních Xơn “Việt Nam hoá chiến tranh” bị giáng một đòn thất bại nặng nề. Hơn 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. 1.138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, 112 pháo lớn bị phá huỷ, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay trực thăng bị bắn rơi....
       Vừa trực tiếp bảo đảm cho Chiến dịch, vừa tham gia Chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 125 xe pháo các loại.
       Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược cho các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra.
       Sau Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn.
       Ngày 28/2/1971, giữa lúc chúng ta đang giành chiến thắng vang dội, chiến sự đang diễn ra ác liệt tại Bản Đông - Sê Pôn, đài AFP đưa tin: Quân Việt Nam Cộng hoà đã chiếm được thị trấn Sê Pôn, đích cuối cùng của cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gọi điện ngay vào Bộ Tư lệnh Tiền phương, cho là địch tuyên truyền xằng bậy. Tổng hành dinh từ Hà Nội gọi điện vào chỉ đạo cần xử lý vụ việc ngay. Tư lệnh đã cử người đi ghi âm tiếng nói của đồng chí Bun Đi - Chủ tịch huyện Sê Pôn ngay trong ngày. Qua hệ thống trực ban của Tổng cục Chính trị để truyền băng ghi âm về đài tiếng nói Việt Nam qua đường dây tải ba. Vào tối ngày 29/2/1971, Đài Tiếng nói Việt Nam, phát đi lời của đồng chí Bun Đi: “Thị trấn Sê Pôn chưa hề có một tên địch nào đặt chân đến, nhân dân vẫn làm ăn bình thường và sẵn sàng chiến đấu”. Địch bị đo ván trong cuộc khẩu chiến này.
       Thăm chợ Sê Pôn cho bốn mẹ con mua đồ kỷ niệm, lần đầu tiên đi "ngoại quốc".
      Tiếp tục đi theo đường 9 đến Thà Khống dừng lại, xuống thăm cây cầu, có biển đề: Công trình hữu nghị do chính phủ Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, đơn vị xây dựng là Binh đoàn Trường Sơn. Nhớ lại những năm tháng chiến tranh nơi đây là bến phà vô cùng ác liệt. Khi ấy bên miền Nam Việt Nam Mỹ ngụy đang lập ra hàng rào điện tử Mắc na ma ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố một con chuột nhắt cũng không chui qua được. Hàng vận chuyển vào chiến trường từ Việt Nam vượt qua các cửa khẩu phía Bắc đường 9 sang Lào, rồi đi dọc bên Tây Trường Sơn, về đến đường 9, một phần vận chuyển theo đường 9 ngược về miền Nam Việt Nam chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Bến phà Thà Khống qua sông Sê băng Hiêng địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt suốt ngày đêm, tạo thành một trọng điểm lớn ngăn chặn xe ta qua. Các chiến sĩ lái xe của Binh trạm 32 truyền nhau các câu thơ vui và cũng nói lên sự thật ác liệt của bến phà này.
" Em ơi đừng đợi làm chi
Anh đi Thà Khống mong chi ngày về".
       Nói thế thôi chứ máy bay địch đánh suốt ngày đêm, phà Công binh vẫn chở, Xe ô tô vẫn chạy mới chi viện cho chiến trường Đường 9 Khe Sanh, chiến trường Quảng Trị mà quân Mỹ nguỵ ôm đầu máu tháo chạy.
Tiếp tục hành quân, đến đầu đường 35 dừng chân, nhìn về hướng bên tay trái cách vài chục ki lô mét là sông Sê Băng Hiêng, có phà và ngầm Tha Mé, đèo Tha Mé, một trọng điểm vô cùng ác liệt mà mấy lần tôi đã vượt qua. Đi tiếp đến ngã ba Na Bo, một trọng điểm ngã ba đường 128 A và đường 9. Nhìn về phía đường 128 A, con đường nối từ Lằng Khằng trên đường 12 vào đường 9, trục dọc chính bên Tây Trường Sơn. Cách Na Bo gần hai chục ki lô là Trọng điểm Văng Mu vô cùng ác liệt, được các nhà văn gọi đây là " Cánh cửa thép Trường Sơn", tôi nhiều lần đi bộ trinh sát đường, may là đều vượt qua.
Đường 128 qua Văng Mu
Đêm đêm sáng trắng đèn dù
Đạn xới, bom cầy rừng tan nát
Đá hoá thành vôi, đất đỏ lừ.
Vách đứng vực sâu lượn vượt qua
Không lực Hoa Kỳ đánh xát trà
Mưu toan cắt chặn đường chi viện
“Cửa thép Trường Sơn” vẫn mở ra.
Công binh bám trụ quyết không rời
Chờ thời đợi lúc ngớt bom rơi
Xông lên tháo phá, san gạt lấp
Rầm rập xe lao chuyển đất trời.
       Phía Bắc Na Bo là Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Năm 1967 khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định chuyển Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh từ Quảng Bình vào đây để chỉ huy các lực lượng trên Chiến trường Trường Sơn.
       Nhớ đến đầu mùa khô năm 1971 tôi và anh Hưng ở Ban Công binh Binh trạm 32 đi trinh sát đường qua đây, máy bay địch ném bom, thả truyền đơn từng thùng rơi xuống đất vỡ văng ra, lấy một tờ xem
" Trưa hè trời nắng chang chang
Tiếng con chim gáy buồn ơi là buồn
Hỡi anh Bắc Việt lính trơn
Bỏ quân cộng sản về theo cộng hoà ".
       Đọc xong chúng tôi nói, văn chương của bọn giặc tâm lý chiến chả ra cái quái gì, ai mà nghe chúng mày lũ bán nước.
       Cũng tại đoạn đường 9 này, mùa khô năm 1970 – 1971, Mỹ dùng máy bay AC-130 cải tiến lắp thiết bị hồng ngoại, máy phát hiện nhiệt của động cơ xe, máy khuếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối. Dùng các loại súng 40 ly, 20 ly 6 nòng bắn liên thanh, tên lửa tầm ngắn có khả năng bắn phá sát thương trên diện rộng, thời gian hoạt động dài. Kết hợp với mạng lưới trinh sát điện tử ở mặt đất, loại máy bay này nhanh chóng phát hiện mục tiêu cho dù mục tiêu đó di động trong đêm tối trong rừng cây rậm rạp, xe chạy bằng đèn rùa chúng vẫn phát hiện ra. Đêm đêm chúng sử dụng AC-130 “túc trực” trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực nam, bắc đường 9. Mỗi đêm 2 chiếc thay ca trong một khu vực, mỗi chiếc có thể bay liên tục 6 - 7 giờ. Lúc đầu chúng bay muộn về sớm, sau khi phát hiện ta chạy lấn sáng lấn chiều, khoảng 5 giờ chiều nó đến, nửa đêm cái khác ra thay cho đến sáng mới về. Không một đoàn xe nào không bị chúng phát hiện và tấn công. Các đơn vị xe đều bị tổn thất, mỗi Binh trạm có đêm cháy tới hơn chục xe. Số xe bị bắn cháy tăng vọt, số lái xe bị thương ngày càng nhiều.
       Binh trạm trưởng Binh trạm 32 Đặng Văn Ngữ và Chính uỷ Phan Hữu Đại giao nhiệm vụ cho Ban Công binh và Ban Phòng không làm công tác nghi binh. Tiểu đội khảo sát của Ban Công binh chúng tôi và Tiểu đội trinh sát của Ban Phòng không phối hợp, đem các thùng phuy rải dọc đường 9, đêm cho củi vào trong đốt, ban đầu máy bay AC- 130 cũng bắn vào, sau nó phát hiện ra không phải, do bức xạ nhiệt của thùng phuy đốt lửa khác với bức xạ nhiệt của động cơ ô tô. Thằng Mỹ nó cũng khôn ranh lắm, chúng tôi không lừa được nó.
       Để tiêu diệt AC 130, Trung đoàn tên lửa đã cơ động vào phục kích ở phía Bắc đường 9. Nơi đây diễn ra cuộc đọ sức giữa lực lượng của ta với máy bay AC-130 của địch. Lúc này AC-130 vẫn đang làm mưa làm gió một vùng dọc theo đường 9. Theo tài liệu của Đại tá Bùi Thế Tâm: Binh trạm trưởng BT32 đã đến làm việc với đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn cao xạ 591, thống nhất để Trung đoàn 591 chỉ huy 3 Tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 tập trung đánh AC-130. Cuộc họp hiệp đồng bàn kế hoạch tác chiến diệt AC-130 đã diễn ra ngay sau đó.
Trung đoàn cao xạ 591 đón máy bay địch từ cánh phải. Ba tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 đón máy bay địch ở cánh bên trái. Trung đoàn tên lửa 275 sẵn sàng bắt mục tiêu, phóng tên lửa.
       Hôm ấy cuối tháng 11 năm 1971, trời quang mây tạnh, chiếc máy bay AC-130 theo đường cũ lù lù tiến ra. Hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con “quạ sắt” đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì tên lửa phóng đúng mục tiêu, máy bay AC-130 rơi tại chỗ ở khu vực Na Bo , 11 tên giặc lái Mỹ cháy thui. Theo lệnh của trên, Binh trạm 32 cho 6 xe ô tô chở xác máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu. Lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC-130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay.
       Đi tiếp đến ngã ba Đường 128 B, nhìn phía tay phải dọc theo đường hơn chục ki lô mét là trọng điểm Phú Kiều. Năm 1971 tôi đi trinh sát đường, đất bột ngập đến quá nửa ống chân, suốt năm ki lô mét chiều dọc, ba bốn ki lô mét chiều ngang không còn ngọn cỏ cành cây, các gốc cây cháy đen xì, dù pháo sáng bám trắng trên các gốc cây cụt cháy nham nhở bạt ngàn . Đêm đêm những khu vực trọng điểm, máy bay Mỹ thả pháo sáng không giây nào ngừng, quan sát phát hiện xe qua để đánh phá.
       Đi tiếp đến ngã ba đường 24, đường Kín được mở ra từ cuối năm 1971, tôi đã tham gia khảo sát mở con đường này. Sau đó giữa năm 1971, các Binh trạm chuyển sang các Trung đoàn binh chủng, dọc đường 24 vào mấy ki lô mét là Sở chỉ huy của Trung đoàn 30 tôi đã công tác ở đây.
       Đi đến gần Mường Phìn, bên phải đường 9 cách khoảng 10 ki lô mét là Sở chỉ huy của Sư đoàn 472 từ khi thành lập ngày 10 tháng 7 năm 1971, cuối năm 1972 tôi được về công tác tại Phòng Tham mưu Công binh Sư đoàn với rất nhiều kỷ niệm.
       Đến đầu đường 23 nhìn bên tay trái là ngầm Thác Hài và đèo Phù Viêng, một trọng điểm vô cùng ác liệt. Qua thác Hài đến Sa ra van nơi Bộ Tư lệnh Sư đoàn 565 đóng quân, với tôi cũng rất nhiều kỷ niệm, qua Sa ra van đến ngã ba Thà Teng, dẽ phải theo đường 18 là lên Cao nguyên Bô lô Ven. Nhớ lại năm 1973, sau khi hiệp định Paris ký kết, Bộ Tư lệnh Trường Sơn triển khai nhiệm vụ xây dựng Đường cơ bản. Đoàn công tác phía Tây Trường Sơn do Đại tá Đặng Tính - Chính uỷ dẫn đầu, vào thăm làm việc với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472, chúng tôi được nghe Chính uỷ phổ biến tình hình, nói chuyện thật vui mừng, phấn khởi. Từ Sư đoàn 472 đoàn đi qua Mường Phìn theo đường 23 đến Thà Teng dẽ theo đường 18 lên Pắc Sòong, trên đường đi, xe bị trúng mìn chống tăng của địch, Đại tá Đặng Tính và bốn đồng chí hy sinh, vô cùng thương tiếc.
       Xe tôi đi tiếp đến qua Mường Phìn khoảng chục ki lô mét đến Kê Pô, điểm cuối của đường 129, đường nối từ đường 12 ở Trung Lào xuống đường 9 nên có tên là đường 129. Đây là đường ô tô đầu tiên được mở ra bên Tây Trường Sơn từ tháng 4 năm 1961 do lực lượng Công binh và các địa phương của Quân khu 4 thực hiện.
       Đến Mường Pha Lan, nơi đây năm 1972 diễn ra chiến dịch rất quan trọng. Khi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra (2/1971), Mặt trận Y ở Hạ Lào là một hướng phối hợp chiến dịch quan trọng, đánh bại âm mưu của Mỹ - ngụy Lào định tấn công ra Salavan, Atôpơ, uy hiếp đường Trường Sơn ở phía Tây. Mặt trận Y bảo đảm an toàn cho tuyến vận chuyển Trường Sơn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đồng thời giải phóng cao nguyên Bô lô ven (trong đó có thị trấn trọng điểm Pắc Sòong ), mở rộng vùng giải phóng ở Hạ Lào. Ở Đường 9, Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 29 tình nguyện phối hợp với quân đội Pa thét Lào và Trung đoàn 48 (sư đoàn 320), lực lượng của Sư đoàn 472 đánh bại cánh quân ngụy Lào và lính Thái Lan có ý đồ tấn công ra Đường 23 và Mường Phìn - Đường 9, hòng cắt đứt đường vận chuyển chiến lược đoạn từ Trung Lào xuống Hạ Lào, phối hợp với cánh quân của Mỹ - ngụy Sài Gòn từ Bản Đông tiến lên Sêpôn hội quân với ngụy Lào kiểm soát hoàn toàn đường 9. Địch ở hướng tây không những không tiến đến Mường Phìn được mà ta đã giải phóng luôn Mường Pha Lan, Đồng Hến, uy hiếp Xê Nô, thị xã Xa Vẳn, hoàn thành nhiệm vụ hướng tây chiến dịch, góp phần vào chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
       Do thời gian có hạn, chúng tôi kết thúc hành trình quay về. Đến đồn biên phòng Lao Bảo, vào chào cám ơn Ban chỉ huy đồn, với chuyến đi Đặc biệt đã thành công tốt đẹp.
       Thế là trong chống Mỹ tôi hành quân vào chiến trường từ quê hương Nam Hà, đi tàu hoả, ô tô, ca nô, hành quân bộ sau gần một tháng rưỡi mới vào đến Đường 9 Nam Lào. Nay sáng sớm từ Hà Nội, trưa đến Lao Bảo, sang thăm nước Lào dọc đường 9 chiều tối về trong ngày. Một chuyến đi " Ngoại quốc" Đặc Biệt.

Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Việt Nam

(Còn nữa)
 
tin tức liên quan