Những năm tháng Trường Sơn

“Tôi nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã bước vào giai đoạn cuối. Chúng tôi hành quân cơ giới thần tốc vào giải phóng miền Nam nên không có cơ hội đặt chân lên con đường mà vợ tôi cùng đồng đội từng đặt những viên đá đầu tiên mở đường. Nhưng Trường Sơn trong câu chuyện kể của Phượng và những dòng lưu bút em ghi trong cuốn nhật ký bé nhỏ này hình như đã hòa cùng với máu thịt của chúng tôi bao nhiêu năm qua”, vừa nói, CCB Bùi Văn Thuân-nguyên trợ lý Chính trị Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị-vừa đưa cho chúng tôi xem cuốn nhật ký được bà Nguyễn Thị Phượng viết trên đất lửa Quảng Bình từ mùa thu năm 1972.

Những kỷ niệm ở Trường Sơn được cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Phượng ghi chép tỉ mỉ trong cuốn nhật ký. 

Thấy kỷ vật của mình gần nửa thế kỷ qua vẫn được chồng nâng niu gìn giữ, bà Phượng không khỏi xúc động. Bà cho biết, cuốn sổ tay nhỏ bé ấy là người bạn để bà gửi gắm tâm tình trong những năm tháng nhiệt huyết của lớp thanh niên mạnh mẽ nơi tuyến đầu, sẵn sàng đối mặt với gian khổ và cả hy sinh nơi tuyến lửa Trường Sơn. CCB Bùi Văn Thuân bùi ngùi kể: “Thật khó hình dung những cô gái mảnh mai như Phượng làm cách nào có thể vượt qua những ngày tháng đó. Tôi đọc nhật ký mà nhiều lần không cầm được nước mắt. Nhưng có lẽ để Phượng trực tiếp chia sẻ sẽ chi tiết hơn!”. Tiếp lời chồng, bà Phượng cho biết, tháng 6-1971, vừa học xong cấp II, bà cùng 120 nữ thanh niên của tỉnh Thái Bình gia nhập Đại đội 3 dân công hỏa tuyến, sau lại chuyển sang đơn vị TNXP, hành quân vào tăng cường cho Bộ đội Trường Sơn mở đường chi viện chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ của các nữ TNXP là phá đá mở đường đoạn từ Km 6 đến Km 12 (thuộc Đường 10), khu vực phía tây tỉnh Quảng Bình. Đáng ra người đi chuyến này là chị gái của Phượng, nhưng nghe nói cuối năm bạn trai của chị sẽ trở về làm đám cưới nên dù chưa đủ tuổi, lại chỉ nặng 39kg, Phượng vẫn đăng ký tình nguyện đi thay chị. Chẳng ngờ, mới vào Trường Sơn được hai tháng, Phượng nhận được tin buồn, bạn trai của chị gái mình đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Bà Phượng xúc động bộc bạch: “Chiến tranh là thế. Chính tôi cũng nhiều lần đối mặt với đau thương, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc!”.

Trong cuốn sổ nhỏ, Nguyễn Thị Phượng đã ghi lại khá chi tiết những kỷ niệm đáng nhớ ở Trường Sơn. Sâu sắc nhất có lẽ là lần bà phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của nhiều đồng đội, bản thân cũng phải chịu sức ép của bom đạn kẻ thù bất ngờ giội xuống đội hình đơn vị. Lần giở những trang viết ngày 11-9-1972, dường như nét chữ trên giấy đã phai nhòe do nước mắt của người viết: “Đêm ấy, có 6 trận bom B-52 thì 3 loạt đầu đánh rất gần. Chúng tôi tự hỏi sao tối nay hắn đánh gần thế, phải thật cẩn thận mà phòng tránh... Tôi và Hải đang ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng gọi giật giọng của các anh cùng trung đội sang chơi. Chúng tôi nói chuyện trong khi chị Nhài đang viết thư về nhà. Nghe tiếng pháo báo hiệu có B-52, chúng tôi khẩn trương xuống hầm. Các anh nhường cho chị em xuống trước. Mọi người chưa kịp xuống hết thì bom đã nổ ngay bên cạnh. Chỉ trong mấy phút, chúng đã cướp đi 3 đồng đội của chúng tôi là Nhài, Hải, Hoàng. Nhưng chúng vẫn tiếp tục trút bom... Hình hài bao đồng đội không còn được nguyên vẹn... Kết thúc trận bom thì 10 đồng chí đã hy sinh”.

 Trang nhật ký của cựu thanh niên xung phong Trường Sơn Nguyễn Thị Phượng.

Không chỉ đối mặt với hy sinh, mất mát có thể xảy đến bất cứ lúc nào, cuộc sống ở Trường Sơn những năm kháng chiến còn muôn vàn khó khăn khác. Chuyện màn trời chiếu đất, những cơn sốt rét rừng hành hạ, cơm thì bữa đói bữa no, thiếu thốn trăm bề... là chuyện thường nhật. Nhưng cho đến tận bây giờ, bà Phượng cũng như nhiều đồng đội vẫn thấy tự hào về những ngày tháng đó. Bà vẫn thường nói với chồng con: “Trường Sơn một thuở em đi, đau thương mà cũng rất đỗi hào hùng. Đó mãi là ký ức không phai của tuổi thanh xuân chúng em!”.

Quả ngọt hạnh phúc

Cuối năm 1973, do chịu sức ép của bom, mặc dù được động viên ở lại quân đội nhưng e ngại sức khỏe khó đáp ứng được, Nguyễn Thị Phượng hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê và tham gia khóa đào tạo sư phạm 9 tháng để trở thành giáo viên mầm non. Cũng khoảng thời gian này, Phượng nên duyên với chàng thanh niên cùng quê Bùi Văn Thuân. Ông Thuân kém vợ một tuổi, biết vợ từng làm nhiệm vụ ở Trường Sơn, lại đang hừng hực khát vọng cống hiến của tuổi trẻ nên một thời gian ngắn sau đó, ngày 6 tháng Giêng năm Ất Mão 1975, Thuân tình nguyện lên đường đi B. Ở nhà, Nguyễn Thị Phượng thay chồng phụ giúp bố mẹ chăm sóc gia đình, không ngại khó khăn, vất vả sớm hôm chu toàn việc đôi bên.

Cựu chiến binh Bùi Văn Thuân và vợ. Ảnh: THANH TUẤN

Hai bạn trẻ Phượng-Thuân vui duyên mới chưa kịp bén hơi nhau đã phải chia xa nên mới có chuyện vui là 3 năm sau, anh bộ đội Bùi Văn Thuân về thăm nhà mà vợ không nhận ra. Bà Phượng nhớ lại: "Tối hôm ấy, tôi ra đóng cổng thì thấy có anh bộ đội khoác ba lô hỏi tôi: Đây có phải nhà anh Thuân không? Tôi liền mời anh vào nhà hỏi han xem chồng mình ra sao, có được về cùng đợt này không... Khi vào đến nhà, thấy mẹ chồng tôi, anh còn cất tiếng: "Cháu chào bác ạ". Mẹ tôi nghe giọng thì nhận ra anh ngay, còn tôi xấu hổ quá... Khi anh đi mới 18 tuổi, đang tuổi trưởng thành, giờ anh thay đổi nhiều. Anh cao hẳn lên, lại để râu...".

Vợ chồng xa cách đã lâu, nhưng ngày ấy quan điểm của các cụ còn rất phong kiến nên nhiều ngày sau hai người vẫn chẳng được gần gũi. Hết phép, Thuân quay về đơn vị nhận nhiệm vụ rồi lại đi liền 4 năm. "Thú thật, các cụ ngày xưa khó tính hơn bây giờ nhiều. Vợ tôi vất vả trăm bề mà tôi chẳng thể chia sẻ nổi. Đã vậy, lấy nhau gần chục năm mà chẳng có mụn con, khó tránh khỏi bị dằn hắt", CCB Bùi Văn Thuân tâm sự. Nghe chồng nói, bà Phượng đỡ lời: "Rất may là anh Thuân rất hiểu và chia sẻ với tôi, kiên quyết "không thay vợ" theo ý các cụ. Cũng không rõ có phải do ảnh hưởng của những năm ở Trường Sơn mà tôi khó có con chăng. Nhưng rồi trời cũng thương, chuyến về phép đầu năm 1981, vợ chồng đã chuẩn bị chia tay, song do thời gian thay đổi nên anh được ở lại thêm mấy ngày. Khoảng 9 tháng sau, tôi sinh con trai đầu lòng. Ít lâu sau đó, tôi sinh thêm con gái. Vậy là đủ cả nếp cả tẻ".

Giờ đây, các con của ông Thuân, bà Phượng đã trưởng thành, đều là những quân nhân công tác trong các đơn vị quân đội. Dù tuổi đã cao nhưng ông, bà vẫn tích cực tham gia công tác hội ở địa phương. CCB Bùi Văn Thuân hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thượng Thanh, còn bà Phượng cũng tham gia Ban chấp hành Hội cựu TNXP của phường. Mới đây, bà Phượng vinh dự là một trong những đại biểu của địa phương dự Đại hội đại biểu cựu TNXP quận Long Biên. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khó, bước vào cuộc sống đời thường, họ vẫn là những tấm gương tiêu biểu cho con cháu học tập, noi theo.

SONG THANH