Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Trong những ngày này, thế giới lại phải chú ý vào tình hình ở Afghanistan, khi mà nước Mỹ phải rút lui một cách nhục nhã, sau 20 năm đổ tiền của và cả xương máu vào đất nước này. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu lại phóng sự "Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á", của nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong viết tháng 10-2001, trên báo An ninh thế giới. Ngày ấy, ông và nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có mặt ở Pakistan, quốc gia láng giềng với Afghanistan và chứng kiến cuộc tấn công của Mỹ vào Kabul. Và đây là chuyến đi nước ngoài " vô tiền khoáng hậu" của hai nhà báo.
Chuyến xuất ngoại "tù mù"
Nước Mỹ vĩnh viễn không bao giờ quên cái buổi sáng ngày 11-9 năm mở đầu cho một thiên niên kỷ mới - một nước Mỹ vẫn tự vỗ ngực cho mình là hùng mạnh, một nước Mỹ bấy lâu vẫn tự cho mình là có quyền cao giọng dạy bảo người khác; một nước Mỹ mà vẫn tự hào là kiểm soát được hoạt động của từng con vi trùng; một nước Mỹ mà tự cho là có hệ thống tình báo mạnh nhất thế giới, có hệ thống nghe trộm hoàn hảo nhất hành tinh... đã bị một cú đấm thẳng vào mặt và gục ngã ngay lập tức.
Vụ khủng bố bằng máy bay chở khách vào hai tòa nhà của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc vào ngày 11-9-2001 sẽ được ghi vào lịch sử nước Mỹ như một trang đẫm máu nhất và nhục nhã nhất.
Phải thừa nhận rằng những kẻ khủng bố đã vạch ra được một kế hoạch tấn công vào WTC và Lầu Năm Góc hết sức tỉ mỉ, chi tiết, đồng bộ, chính xác như máy đồng hồ. Và không thể không thừa nhận kế hoạch đó được vạch ra bởi những bộ óc cực kỳ thông minh, có ý chí mãnh liệt trong việc quyết tâm trừng phạt nước Mỹ và dĩ nhiên đó là những kẻ coi cái chết nhẹ như không nếu không muốn nói tới cái chết đối với họ là biểu hiện của sự trung thành với Đấng tối cao.
Hơn 225 năm qua, kể từ ngày lập quốc đến nay, nước Mỹ là kẻ chuyên mang quân đi xâm lược, khủng bố và gây rối cho những quốc gia khác và họ chưa bị một đòn giáng trả nào trên lãnh thổ của mình, vì thế họ không biết tới sự đau khổ do chiến tranh gây ra. Lần này thì họ đã phải trả giá và biết thế nào là chết chóc, là tàn phá, biết thế nào là đầu rơi máu chảy... Chính vì vậy, nước Mỹ như phát rồ lên mà người đầu tiên thể hiện cho sự ngông nghênh đó chính là Tổng thống George W.Bush.
Bằng lối nói rặt giọng "anh chị", "chợ búa", chiều ngày 11-9 W.Bush nói: "Tôi đã điều động mọi nguồn lực tình báo và cơ quan công quyền để tìm cho ra thủ phạm và đem chúng ra xét xử. Chúng ta sẽ không phân biệt những tên khủng bố trực tiếp tiến hành và những ai che chở cho chúng ...". Vậy là ngoài Afghanistan là nơi được coi là chốn nương thân của Bin Laden và chính quyền Taliban là chính quyền giúp đỡ cho khủng bố còn có Iraq, Pakistan, Sudan, Libi... được Mỹ đưa vào diện nghi can. Tiếp theo W.Bush, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Rumsfeld cũng hung hăng không kém, ngày 16-9, ông ta nói như sau: "...Một số nước đang chứa chấp bọn khủng bố. Trong một số trường hợp, các nước này tạo thuận lợi cho chúng, một số khác cung cấp tài chính, một số khác chỉ dung chứa thôi. Thế nhưng bọn khủng bố đã không thể hoạt động toàn cầu một cách thành công như thế trừ phi chúng có sự giúp đỡ của những nước này. Và các nước này có quân đội, có hải quân, có không quân, có thủ đô, có những mục tiêu có giá trị lớn. Chúng ta hành động để buộc các nước này ngừng khoan dung cho bọn khủng bố". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn có câu nói khá nổi tiếng vào ngày 28-9: "Tôi muốn có cái đầu của Bin Laden để ngay trên bàn ăn của mình".
|
Nhà báo Nguyễn Như Phong tại Pakistan |
Và thế là Mỹ ùn ùn kéo tàu chiến, tàu sân bay, máy bay chiến lược B52 tới vùng Vịnh. Những chiến dịch mang tến rất chi là oai như "Đại bàng kiêu hãnh", "Công lý vô tận"... được triển khai. Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chạy khắp nơi tìm kiếm đồng minh... Bầu không khí chiến tranh bao trùm lên khắp hoàn cầu.
Cùng với việc triển khai quân đội với sức mạnh tưởng như có thể bóp chết chính quyền Taliban trong một ngày và có thể bắt sống Bin Laden ngay lập tức, Mỹ huy động gần như toàn bộ lực lượng Điều tra Liên bang FBI và CIA vào cuộc.
Khá khen thay cho FBI và CIA, chỉ hai ngày sau khi vụ khủng bố xảy ra, tên tuổi một số kẻ tình nghi đã được xác định và hai kẻ đầu tiên được "chỉ mặt đặt tên" là Adnan Bukhari và Abbas Bukhari. Đây là hai anh em ruột và là kẻ đã lái chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tháp đôi WTC. Khi khám nhà chúng, họ đã tìm ra nhiều chứng cứ quan trọng trong đó có việc chính chúng đã học lái máy bay ở Mỹ và điều đáng ngạc nhiên là chúng chỉ học bay chứ không học cất cánh, hạ cánh...
Một tháng sau vụ khủng bố, FBI đã bắt được 325 kẻ tình nghi... nhưng muốn giải quyết tận gốc chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thì nước Mỹ không thể không dùng mọi sức mạnh đập tan bộ máy chính quyền của Taliban, bắn chết hoặc bắt sống Bin Laden, và dĩ nhiên là phải tìm mọi cách dựng lên cho được một chính quyền do Mỹ điều khiển.
Cũng cần phải nói thêm rằng từ lâu, Mỹ vốn thèm khát đứng được một chân vào vùng Trung Á mà nơi lý tưởng nhất chính là Afghanistan. Nếu có được vùng đất này, ngược lên phía Bắc, Mỹ có thể làm cho nước Nga khốn khổ bởi họ sẽ điều khiển được các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) như Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan... Với tay sang phía đông bắc, có thể gây rối vùng Tây Tạng của Trung Quốc, ngoảnh sang phía tây, có thể khống chế Iran, Iraq; ngoảnh sang phía đông sẽ thu phục được Pakistan, gây mất ổn định cho Ấn Độ... Và có thể khẳng định rằng giấc mơ làm bá chủ hoàn cầu của Mỹ sẽ có cơ may trở thành hiện thực nếu như Mỹ khống chế được vùng Trung Á mà trọng tâm là Afghanistan, Pakistan. Chính vì thế mà dư luận cho rằng đối với Mỹ, chuyện bắt Bin Laden chỉ là cái cớ, mà chính là Mỹ nhân cơ hội này để "té nước theo mưa", đập tan chính quyền Taliban.
Lịch sử sau này chắc chắn sẽ phải ghi tên cha, con nhà Tổng thống Bush vào danh sách những tổng thống hiếu chiến nhất. 11 năm trước, Tổng thống Bush-cha đã ra lệnh tấn công Iraq và nay Bush-con lại ra lệnh tấn công Afghanistan: Cả hai cha con đều phát lệnh đánh vào các quốc gia Hồi giáo và cũng đều ở vùng Trung Á.
***
Với người Việt Nam, Pakistan, Afghanistan và một vài nước vùng Trung á là những vùng đất xa lạ. Afghanistan thì còn có nhiều người biết bởi vì trước kia, Việt Nam và chính quyền cách mạng Afghanistan của Tổng thống Nadi Bula có quan hệ mật thiết, và sau này, những sự kiện diễn ra ở quốc gia Hồi giáo này cũng được người Việt quan tâm. Đó là cuộc rút quân của Liên Xô (cũ) khỏi Afghanistan, là những cuộc trả thù đẫm máu của chính quyền Taliban với những người chế độ trước, là những hành vi phá tượng Phật, ngăn cấm những gì gọi là biểu hiện của văn minh nhân loại... của chế độ hà khắc chưa từng có trong lịch sử loài người của Taliban.
Còn với Pakistan, thông tin về quốc gia này với chúng ta cũng là không đáng kể ngoài những chuyện chính trường như bà Butto làm Tổng thống, những cuộc đảo chính liên miên và sâu hơn một chút là quốc gia có quan hệ mật thiết với Taliban, là nơi có những căn cứ đào tạo chiến binh cho Taliban để chống lại quân đội Liên Xô (cũ)... Còn những vấn đề khác như văn hóa, kinh tế, đời sống xã hội thì tất cả là con số không...
Đối với chúng tôi cảm giác "ngài ngại" khi tới vùng lò lửa Trung Á là Afghanistan, Pakistan là bắt đầu lúc làm thủ tục lên máy bay đi Lahore, một thành phố lớn và đẹp có tiếng ở miền Trung Pakistan.
Nhân viên an ninh Hàng không Thái Lan dỡ tung tất cả hành lý xách tay của mọi người. Lục từng túi quần, túi áo, kiểm tra từng cây bút bi, từng viên pin của máy ảnh, máy ghi âm. Những tưởng chỉ có khách mới bị khám như vậy, nhưng khi thấy các thành viên tổ lái và cả các cô tiếp viên hàng không Thái Lan xinh như mộng cũng không thoát, rồi cả những phụ nữ theo đạo Hồi váy áo lòe xòe, khăn trùm kín mặt cũng bị nhân viên an ninh nữ sờ nắn khắp người thì chúng tôi biết sự cảnh giác cao độ ấy chính là "bước một" của cuộc chiến tranh trả đũa không thể tránh khỏi giữa Mỹ, đồng minh với Bin Laden mà đằng sau nó là Taliban và những người Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới sắp bắt đầu.
|
Nhà báo Nguyễn Như Phong tác nghiệp tại vùng Trung Á |
Trong phòng chờ, chỉ có tôi và nhà văn Quang Thiều là người Việt Nam, vì vậy không ít những ánh mắt nhìn sắc lạnh ẩn sau cặp lông mày rậm đen nhánh chĩa vào chúng tôi. Thế rồi chúng tôi thấy có mấy người đàn ông râu rậm trải mảnh giấy trắng xuống nền nhà và cúi rạp người xuống cầu kinh... Họ lẩm nhẩm đọc kinh Coran, rồi hai bàn tay vuốt mặt, quỳ xuống, trán chạm mảnh giấy... Động tác đó lặp đi lặp lại cả chục lần.
Nhìn những động tác đầy vẻ thành kính đó, tôi mới chợt hiểu ra rằng,vì sao đạo Hồi mới có từ thế kỷ thứ VII, sau đạo Phật, Thiên Chúa rất lâu vậy mà nay đã trở thành một tôn giáo có tín đồ đông thứ 2 trên thế giới. Bấy lâu nay người Việt Nam hầu như không mấy người hiểu biết về đạo Hồi bởi lẽ ở Việt Nam tín đồ Hồi giáo có rất ít (chưa đầy 80.000) và chỉ tập trung ở một số địa phương như TP.HCM, An Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Ngay bản thân tôi cũng vậy, trước sự kiện ngày 11-9, suy nghĩ của tôi về những người Hồi giáo vẫn đầy chất trẻ con như ngày xửa ngày xưa, tôi vẫn nắm vạt áo giả làm tai lợn vẫy vẫy trêu mấy ông người ấn Độ, đầu quấn khăn xếp mặc quần áo lụng thụng.
Trước khi sang Pakistan tôi có một buổi làm việc với cộng đồng Hồi giáo tại TP.HCM và sau đó được họ tặng cho một quyển kinh Coran. Mấy ngày liền tôi chúi mũi vào đọc, cộng với một số tư liệu khác về Hồi giáo, từ đó tôi mới hiểu được một phần sự ra đời và phát triển của đạo Hồi cũng như hình dung ra được thế nào là một tín đồ Hồi giáo...
***
Hồi giáo xuất hiện ở bán đảo Arập bắt đầu từ thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.
Vào đầu thế kỷ thứ VI, trên vùng đất nằm giữa Châu Phi và Châu á tập trung những cư dân chủ yếu là người Arập Bêdoanh. Theo tiếng Arập cổ thì Bêdoanh có nghĩa là "dân sa mạc". Những người dân này sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và nói chung họ có một cuộc sống nghèo khổ. Vào giữa thế kỷ thứ VI đã hình thành một con đường buôn bán Tây-Đông giữa Địa Trung Hải với Trung Quốc, ấn Độ và sự phát triển của thương mại đã hình thành một số trung tâm kinh tế văn hóa như Mécca, Mêđina. Những thành phố này đã nhanh chóng phát triển và đã xuất hiện tầng lớp quý tộc giàu có. Họ làm giàu bằng cách thu thuế của các đoàn thương nhân đi qua, và thu thuế của những người đến dự các lễ hội tôn giáo. Tại Méc-ca có một ngôi đền cổ Ka-aba, trong này có một phiến đá đen được coi là vật thờ chung của người Arập.
Vào năm 571, tại Mécca đã sinh ra một người mà sau này tên tuổi của ông đã gắn liền với lịch sử phát triển của Hồi giáo - đó là Mohamed, tiếng Arập có nghĩa là "được ca ngợi, được vinh danh". (Cũng có một số tài liệu nói Mohamed sinh năm 569 hoặc 570). Theo truyền thuyết thì Mohamed là người của bộ lạc Kaureish, ông mồ côi cha mẹ từ bé nên phải đi chăn gia súc thuê hoặc dẫn đường cho những đoàn thương lái băng qua các sa mạc nguy hiểm để kiếm tiền. Mohamed không được đi học nên không biết chữ, không biết đọc nhưng lại là người rất khôn ngoan, thông minh, đặc biệt là có ý chí khác người. Mohamed không cao lắm, có bộ tóc đen xõa dài tới vai và bộ râu dài đến ngực. Với khuôn mặt đầy chất đàn ông như vậy nên Mohamed được các cô gái chết mê chết mệt. Năm 24 tuổi, Mohamed đến làm thuê cho một người góa phụ giàu có tên là Khadija, lúc đó đã gần 40 tuổi. Khadija là một thương gia lớn và là chủ một đoàn lạc đà chở hàng hơn 100 con. Được một thời gian ngắn bà Khadija đem lòng yêu người trai trẻ và thế rồi bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác Mohamed đã cưới bà làm vợ. Đó là người vợ đầu tiên và cũng là người vợ đã giúp cho Mohamed có sự độc lập về tư tưởng, ổn định về vật chất và tinh thần, đồng thời sau này đã giúp cho việc truyền đạo của Mohamed rất đắc lực. Có thể nói bà là người ảnh hưởng lớn nhất, thậm chí có tính quyết định trong sự nghiệp của Mohamed. Sau này Mohamed lấy thêm 4 người vợ chính thức và 4 người vợ không chính thức nữa nhưng không ai được ông coi trọng như bà Khadija.
Với tính tình hay suy nghĩ cộng với tư duy sắc sảo hơn người, tuy sống trong cảnh giàu sang phú quý nhưng Mohamed vẫn để tâm tìm hiểu về thế giới, về con người, đặc biệt là về đời sống tâm linh. Do làm kinh doanh nên Mohamed có điều kiện gặp gỡ với nhiều người Kitô giáo, Do Thái giáo. Những người này nói nhiều về một thượng đế duy nhất có quyền năng vô biên và Mohamed cũng bị ảnh hưởng bởi thuyết thờ nhất thần của họ.
Mohamed cũng luôn bị dằn vặt, đau lòng trước những hành động thiếu đạo đức hoặc cảnh bóc lột người nghèo một cách dã man của một số người giàu.Thế rồi, theo gương các nhà tu hành của Kitô giáo - đi sống trên các hoang mạc để có điều kiện suy ngẫm tìm ra chân lý cuộc đời - Mohamed đã đến một hang đá tên là Hira ở gần Méc-ca và tu ở đấy...
Chuyện kể lại rằng, năm 610, khi Mohamed 41 tuổi, đang ngồi suy ngẫm trong hang đá thì bỗng nghe thấy tiếng thiên thần Gabrien gọi: "Mohamed, ta thay mặt Thượng đế Allah báo cho ngươi biết là từ nay ngươi sẽ trở thành sứ giả của Người. Ngươi phải đưa những tư tưởng của Người đến dân chúng. Ngươi là sứ giả của Allah ở trần gian". Nói rồi thần Gabriel trao cho ông một phiến đá có khắc chữ và đọc cho ông nghe nội dung. Được thần lực của Gabriel truyền cho, Mohamed nhập tâm ngay những điều Allah dạy. Trở về nhà Mohamed rất sợ hãi và kể với vợ. Nhưng bà Khadija hết sức vui mừng và đã cùng với cô con gái lớn là Fatima đi truyền những lời của Mohamed cho mọi người.
Mohamed bắt đầu đi truyền giảng đức tin từ năm 612 luôn nuôi trong mình một hoài bão là tập hợp các bộ tộc Arập sống phân tán trong các vùng sa mạc ỏ bán đảo Arập trở thành một dân tộc thống nhất và có vị trí xứng đáng trên thế giới. Cũng phải mất gần 20 năm đấu tranh gian khổ, Mohamed mới xác lập vị trí của Hồi giáo. Hồi giáo tuy ra đời ở Mécca nhưng lại không được các bộ lạc ở đó chấp thuận bởi lẽ các chủ nô giàu có ở đây sợ rằng việc truyền bá Hồi giáo sẽ khiến họ bỏ đi việc thờ thánh thần địa phương mà việc buôn bán theo họ, dựa nhiều vào sự giúp đỡ của thần thánh. Hơn nữa những giáo lý mà Mohamed đưa ra ban đầu chẳng thấy đem lại bổng lộc gì cho họ ngoài việc hứa hẹn rằng nếu họ chết đi thì sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng ở thế giới bên kia, mà cái thế giới đó chưa thấy ai kể lại được. Vì bị tẩy chay Mohamed và một số cộng sự đã phải lánh sang thành phố Iaxrip. Mohamed đổi tên thành phố này thành Mêđina. Và tháng 7 năm 622 được coi là năm mở đầu của kỷ nguyên Hồi giáo. Một hội thánh được thành lập ở Mêđina mang tính chất của một tổ chức siêu thị tộc, vừa phục vụ tôn giáo vừa chuẩn bị lực lượng quân sự đánh chiếm Mécca. Để thực hiện mưu đồ của mình Mohamed đã tiến hành một cuộc hôn nhân chính trị đó là cưới cô Abusophi con gái của một thủ lĩnh có quyền thế ở Mécca. Chính cuộc hôn nhân này đã làm cho những người cầm quyền ở Mécca mất cảnh giác. Đến năm 630, Mohamed đã thôn tính Méc-ca. Một tôn giáo mới được ra đời có tên là Islam với thánh Allah là thượng đế và Mohamed là nhà tiên tri, là phái viên, là sứ giả của Thượng đế trên trần gian. Tất cả các tượng thần ở đền Karaba đã bị phá hủy, duy nhất chỉ còn lại một hòn đá đen được giữ lại làm biểu tượng thờ của người Islam. Vậy tại sao lại có tên gọi là "Hồi giáo"? Năm 710, khi đạo Islam truyền sang Tây Tạng (Trung Quốc). Vùng này có một dân tộc tên là Uighurs dịch ra tiếng Hán là Hồi Hột. Người Hồi Hột theo đạo Islam khá đông cho nên người Trung Quốc gọi đạo Islam là đạo của người Hồi Hột hay nói vắn tắt là "đạo Hồi" và người theo đạo gọi là "Hồi giáo".
Sau chiến thắng ở Mécca, và xác lập vị trí của đạo Hồi, Mohamed tấn công các vùng khác ở bán đảo Arập và thẳng tay tàn sát người Do Thái. Đi đến đâu Mohamed cũng bắt mọi người phải theo đạo Hồi. Năm 632, Mohamed bị chết đột ngột bên cạnh người vợ thứ 9, khi ấy mới 61 tuổi. Vì không có con trai thay thế cho nên khi Mohamed qua đời, các đệ tử của ông đã tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau gây ra nhiều cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và làm cho Hồi giáo bị chia thành 4 phái khác nhau.
Từ năm 636 Hồi giáo đã tiến hành những cuộc viễn chinh vượt qua biên giới nhiều nước và truyền bá vào các dân tộc khác nhau. Lịch sử đã ghi nhận đạo Hồi xâm nhập như sau: từ năm 622 đến năm 640 các đạo quân đạo Hồi làm chủ vùng bán đảo Arập gồm Palestine, Damascus, Syria. Về phía đông và đông bắc từ năm 640 đến năm 664 đạo Hồi xâm nhập sang các quốc gia như Iran, Banglades, Pakistan, Afghanistan, ấn Độ. Từ năm 710-751 thì xâm nhập vùng Tân Cương ở Trung Quốc. Còn về phía Tây thì từ năm 641-670 đạo Hồi xâm nhập toàn bộ vùng ven Địa Trung Hải ở châu Phi là Ai Cập, Algeria. Từ năm 653-732 đạo Hồi xâm nhập các quốc như Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Italia và sang cả nước Pháp... và đạo quân Hồi giáo đã bị chặn lại bởi vua Charles Martel.
Trong quá trình viễn chinh của mình, đạo quân Hồi giáo đã tiêu diệt đế quốc BaTư của dòng họ Sassanid vào năm 636 bằng những trận đánh hết sức lạ lùng.
Vào tháng 4-636, một đạo quân Hồi giáo chưa đầy 20.000 đã tiến đánh Bagdad. Với hơn 100.000 lính trong tay, Bagdad tin rằng sẽ nhanh chóng chiến thắng. Khi quân Ba Tư vừa mới bày trận xong thì một trận bão cát khủng khiếp ập đến khiên đoàn quân biến thành những kẻ mù dở và thế là họ bị quân Hồi giáo tiêu diệt không mấy khó khăn. Năm tháng sau, trong một cuộc chiến quyết tử, 30.000 quân Hồi giáo đã đánh cho 150.000 quân Ba Tư không còn mảnh giáp và đế quốc Ba Tư biến mất trên bản đồ từ đó.
Thế kỷ thứ 6, người Arập còn là những bộ tộc sống trong sa mạc nhưng đến thế kỷ thứ 8, người Arập Hồi giáo đã làm chủ một vùng rộng lớn trải dài từ Đông (bắt đầu từ một phần lãnh thổ Ấn Độ) sang phía Đông đến tận eo biển Gibranta.
( C. H sưu tầm)