Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 5)
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Nhờ sự giúp đỡ của một đồng nghiệp làm ở báo Jahng, một tờ báo lớn xuất bản bằng tiếng Urdu phát hành hằng ngày ở Pakistan, tôi đã gặp được tướng 3 sao Hamid Ghull, cựu Cục trưởng Cục tình báo Pakistan trực thuộc Bộ quốc phòng (Inter Services Inteligence - ISI) đồng thời là một trong những thành viên lãnh đạo của tổ chức Jihad - một tổ chức Hồi giáo cực đoan mà Mỹ coi là khủng bố quốc tế.
Trao đổi với Tướng Hamid Ghull, cựu Cục trưởng Cục Tình báo quân đội Pakistan
Nhờ sự giúp đỡ của một đồng nghiệp làm ở báo Jahng, một tờ báo lớn xuất bản bằng tiếng Urdu phát hành hằng ngày ở Pakistan, tôi đã gặp được tướng 3 sao Hamid Ghull, cựu Cục trưởng Cục tình báo Pakistan trực thuộc Bộ quốc phòng (Inter Services Inteligence - ISI) đồng thời là một trong những thành viên lãnh đạo của tổ chức Jihad - một tổ chức Hồi giáo cực đoan mà Mỹ coi là khủng bố quốc tế. Ông Hamid Ghull mới nghỉ hưu được vài tháng vì vậy tình hình chính trị, quân sự của Pakistan ông vẫn nắm rất chắc.
Ông tiếp tôi tại tư dinh trong một phòng khách nhỏ và bày biện đơn giản. Vật biểu trưng cho quyền lực của một vị tướng là cây gậy bịt bạc dài khoảng 1m dựng cạnh bàn và một thanh kiếm bạc treo trên tường. Sách của ông bày kín một bên và trên bàn chỉ có hai chiếc máy điện thoại cổ lỗ và một máy Fax. Có mấy quân nhân cũng là cỡ cao cấp đang làm việc với ông. Nhìn ông, tôi nhận ra ngay vì hôm trước, trong chương trình của Đài truyền hình BBC, ông có trả lời phỏng vấn rất ngắn. Nom ông hiền lành, phúc hậu và tiếp đón tôi rất thân tình.
Vốn biết "dân" tình báo là kín miệng kín mồm nên tôi dè dặt hỏi ông là những vấn đề sẽ trao đổi tới đây, nếu đăng báo thì có vấn đề gì không, ông cười :
- Nếu ngại thì tôi sẽ không gặp nhà báo. Những gì tôi đã nói thì đều có thể thông tin cho mọi người cùng biết.
Tôi đề nghị ông cho biết về tình hình cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan và những khả năng trong thời gian tới, ông nói:
- Nói chung những đợt oanh kích dữ dội vào Kabul, Jalalabad, Kadahar... cơ bản là không đạt được mục đích như Mỹ nói là tiêu diệt những doanh trại quân đội Taliban, những nơi đào tạo, huấn luyện quân khủng bố, bởi lẽ quân Taliban không dại dột như người Mỹ tưởng và họ có kinh nghiệm chắc chắn là hơn Mỹ nhiều trong việc ngụy trang quân, đặc biệt là địa hình phức tạp ở đây là những nơi che giấu vũ khí, phương tiện lý tưởng. Muốn bắt được Binladen và làm sụp đổ chính quyền Taliban, Mỹ phải đổ quân vào và dựa vào sự hỗ trợ của Liên quân phương Bắc. Tôi cho rằng họ không dám đưa quân vào nhiều và phải dùng lính biệt kích. Hiện nay, lính biệt kích, lính đặc nhiệm của của Mỹ đang huấn luyện lại Nevada. Cuộc chiến này sẽ kéo dài và không thể dừng được. Tuy nhiên, quân Taliban cũng bị thất bại vì khả năng quân sự của họ quá yếu và điều quan trọng là họ không còn được ủng hộ của dân chúng cũng như quốc tế.
|
Một người đàn ông Pakistan |
Về vấn đề này, Tướng Ghunll giải thích:
- Ngày trước, quân Mujahitdin và Taliban chiến đấu được với quân của Liên Xô là vì họ có Mỹ ủng hộ cung cấp tièen bạc, vũ khí, họ có một hậu phương là Paskistan rộng lớn... Nhưng bây giờ, họ chẳng có gì cả vì vậy, bị tiêu diệt là điều khó tránh khỏi. Nhưng Mỹ không dám đưa quân vào khi mà chưa biết chắc chắn lực lượng quân đội của Taliban đã bị tiêu diệt đến đâu. Các cuộc oanh kích kéo dài nhằm mục đích phá hủy tiềm lực quân sự của Taliban, nhưng không thể phá được hết, đó là điều chắc chắn, bởi họ làm gì có những cơ sở lớn như Mỹ... Lợi thế của họ là chiến tranh du kích và tinh thần thánh chiến có thể biến một ông già 80 tuổi, một đứa trẻ lên 10, những phụ nữ choàng áo kín đầu thành những chiến sĩ dũng cảm. Các cuộc tấn công bằng tên lửa, bom còn nhằm làm suy sụp tinh thần quân Taliban, làm nảy lên những mầm mống nổi loạn trong nước và buộc Taliban phải tính về số phận của Bin Laden... Sẽ không có chuyện giao nộp Bin Laden cho Mỹ và cũng không bao giờ Taliban cũng như rất nhiều người Hồi giáo khác trên thế giới lại ngây thơ tin rằng Mỹ sẽ dừng tay nếu như bắt được Bin Laden. Họ biết rõ mục tiêu của Mỹ là muốn có một chính quyền mới ở Afghanistan, chính quyền đó phải do Mỹ dựng, nghe theo lệnh Mỹ, có như vậy, Mỹ mới có thể không chế vùng Trung á, Trung Quốc, ấn Độ và dĩ nhiên có cả Pakistan. Mục tiêu này, họ muốn từ lâu rồi nhưng chưa có cớ. Mỹ vẫn có tham vọng làm bá chủ hoàn cầu và cuộc tấn công vào Taliban lần này là mở màn cho việc thực hiện chiến lược đó. Nhưng sau hơn 10 ngày tấn công, Mỹ đã giúp Taliban làm được những điều mà trước đây Taliban thấy rất khó khăn - đó là lôi kéo thế giới Hồi giáo đứng về phía mình và khêu lên ngọn lửa căm thù trong nhân dân Afghanistan.
Với Pakistan cũng vậy, tôi không tin vào thiện chí của Mỹ sau những lời hứa viện trợ và những khoản tín dụng lớn dành cho. Đất nước tôi đủ lực, đủ tài nguyên và đủ người có tài để xây dựng một nền kinh tế giàu mạnh.Có sự giúp đỡ của Mỹ cũng tốt nhưng không có cũng chẳng sao.
Sau Afghanistan là ai? Là Pakistan, là Iran, Iraq... Chúng tôi sẽ không tránh được cuộc đụng đầu với Mỹ nếu như Mỹ làm chủ được Afghanistan. Anh hãy nhớ lấy ý kiến này của tôi.
Về tình hình Pakistan từ sau vụ khủng bố ngày 11-9, Tướng Ghull cho biết là Chính phủ đang phải đối phó với nhiều vấn đề quá phức tạp. Các tổ chức Hồi giáo, các đảng phái không ngừng công kích chính phủ và phản đối các quyết định của tổng thống, họ cho rằng tổng thống đã đi ngược lại quyền lợi của dân tộc. Ông cho biết hiện nay Pakistan có 623 tổ chức chính trị, xã hội, trong đó có 4 tổ chức lớn như Pakistan People Party (PPP); Pakistan Muslim League (PML), Mohajir Quami Movement (MQM) và Awami National Party (ANP)... và 65% số dân tham gia các tổ chức này. Rồi ông giở tờ báo The New, là tờ báo tư nhân rất lớn ở Pakistan chỉ cho tôi thấy cuộc điều tra mới của báo: 87% số người được hỏi phản đối cuộc tấn công của Mỹ. Ông cho biết năm nay kinh tế sa sút và sự phát triển càng lâm vào tình trạng tồi tệ kể từ trung tuần tháng 9. Nhiều công trình lớn phải ngừng lại, thương mại và du lịch đứng ở con số 0; số người tị nạn ngày một đông mà không thể không cứu giúp họ...
- Quân đội ủng hộ các quyết định của tổng thống và sự an nguy của đất nước lúc này tùy thuộc vào thái độ của quân đội - Ông khẳng định như vậy - Vừa qua, quân đội được đưa vào kiểm soát một số cuộc biểu tình nhưng được lệnh không dùng biện pháp mạnh và chỉ hỗ trợ cảnh sát phần nào. Quân đội tăng cường tuần tra, bảo vệ các mục tiêu quan trong với mục đích nhằm chống khủng bố. Lúc này, quân đội không được gây mâu thuẫn với dân chúng.
Tôi hỏi ông về chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, ông giơ tay nhìn đồng hồ:
- Chắc máy bay của ông ấy sắp hạ cánh rồi nhưng không phải sân bay Islamabad bởi vì tôi vừa qua đó nhưng thấy việc bảo vệ hầu như không có gì?
Có lẽ ông ta sẽ xuống một sân bay quân sự khác. Người Mỹ bao giờ cũng chỉ tin vào chính sự bảo vệ của họ, nhưng cuộc khủng bố vừa qua cho thấy hệ thống CIA, FBI và Echolon của họ không phải là ghê gớm. Không bắt được Bin Laden thì nước Mỹ cũng mất mặt. Ông Powen muốn Pakistan và ấn Độ nên dàn hòa với nhau, tạm gác vấn đề Kashmir lại để làm giảm bớt tình hình căng thẳng ở khu vực và tập trung vào chống khủng bố. Tuy nhiên, ông Powell cũng sẽ có cuộc trao đổi với tổng thống về tình hình Afghanistan và muốn Pakistan ủng hộ Mỹ toàn diện, đồng thời muốn Pakistan giải thích với thế giới Hồi giáo là Mỹ chỉ chống bọn khủng bố là người Hồi giáo chứ không chống thế giới Hồi giáo.
Ông cũng cho tôi biết là CIA rất muốn tình báo Pakistan hợp tác với họ trong việc cung cấp thông tin về các tổ chức khủng bố cũng như về Taliban, Bin Laden:
- Cứ để cho họ tự làm, đó là cách duy nhất để họ rút ra bài học là đừng có coi thường các dân tộc khác.
Tướng Ghull nói gọn ghẽ như vậy và trước khi kết thúc cuộc gặp, ông hỏi tôi có cần ông giúp đỡ việc gì không, tôi trả lời là mọi việc đều ổn cả, xin cảm ơn ông. Ông mỉm cười, kéo tôi đứng dậy và bảo người chụp cho bức ảnh ngay dưới chân dung ông mặc quân phục cấp tướng. Rồi ông bảo:
- Tôi tin là anh sẽ lại đến đây lần nữa.
Lúc ấy, tôi không hiểu điều ông nói. Chả lẽ lại đến để nói chuyện phiếm ư, hay xin ông cho biết về các điệp vụ lừng danh của Pakistan trong việc lấy cắp bí mật làm vũ khí nguyên tử của quốc gia khác? Vả lại thời gian ở Pakistan của tôi đâu còn nhiều, nhưng hóa ra ông nói đúng. Ngay hôm sau tôi phải trở lại gặp ông vì một việc khác...?
***
Có lẽ hiếm một sứ quán nước ngoài nào lại nghèo nàn, nhếch nhác và có một lề lối làm việc tùy hứng đến như sứ quán của chính quyền Kabul tại Islamabad, và thảm hại nhất là nơi nhận làm các thủ tục xuất nhập cảnh nằm ở phía sau trụ sở, nom hệt ngôi nhà bỏ hoang và chả hiểu sao luôn nồng nặc mùi nước... tiểu. Chỗ để nhận hồ sơ là một gian nhà nhỏ thấp lè tè và có lỗ cửa tò vò nhưng được bảo vệ bằng chấn song sắt phi 18. Tuy nhiên, các nhân viên Taliaban ít khi ngồi trong phòng mà thường ra ngoài để nói chuyện với những người đến làm thủ tục.
Thông thường 9 giờ sáng, các nhân viên bắt đầu đến làm việc và nếu không có gì thay đổi thì sau đó nửa tiếng, công việc của một ngày mới được thực hiện.
Từ hôm 13-10, khi chính quyền Kabul đồng ý để cho một số nhà báo mà chủ yếu là các hãng truyền hình đến Afghanistan để đưa tin về những hậu quả đối với dân thường qua những cuộc tấn công liên miên của Mỹ, thì sứ quán của họ tại Islamabad nhộn nhịp, đông vui như... hội. Từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, trước cổng sứ quán lúc nào cũng đông nghịt các phóng viên... Họ đến để xin visa vào Afghanistan, đến để quay phim chụp ảnh và đến để gặp nhau, tìm kiếm "new good" - những tin mới có giá trị... Để giúp đỡ cho các phóng viên của mình, các sứ quán tấp nập gửi thư, công hàm và dĩ nhiên bằng những lời lẽ rất chi là "lễ phép" đầy sự "tôn trọng, thông cảm với Afghanistan", trên những tờ giấy sang trọng thậm chí còn thơm phức mùi nước hoa; mặc dù chính quyền của họ chửi Taliban không còn lời nào mà nói, thậm chí còn cả bằng hành động.
Cũng giống như rất nhiều nhà báo khác đang "cay mũi" vì không sang được Afghanistan, tôi và Quang Thiều nghĩ đủ mọi mưu kế để có được một chuyên đi hợp pháp sang Afghanistan, kể cả việc tìm người môi giới... hối lộ. Việt Nam không có cơ quan nào đại diện ở đây cho nên chúng tôi phải bươn chải bằng mọi cách và không thể trông mong vào bất cứ sự trợ giúp nào của cơ quan ngoại giao nữa. Có lẽ lá thư của Tổng biên tập Báo ANTG gửi sứ quán xác nhận tôi và anh Quang Thiều là... xấu nhất thế giới bởi vì phải gửi qua đường fax. Do tín hiệu đường dây quá tồi nên bản nhận được đen nhem nhẻm, chữ nghĩa có dòng biến dạng loằng ngoằng như chữ Urdu... Nhưng với những nhân viên có trách nhiệm chọn lựa người đi thì những lá thư dù trên giấy trắng hay đen cũng chỉ có giá trị... tí ti. Còn trừ vài hãng lớn như CNN, BBC được ưu tiên hơn, còn tất cả hãy ra... cổng sau theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó. Cho đến ngày 19-10, đã có 600 đơn của nhà báo xin visa vào Afghanistan, nhưng đợt đầu chỉ chọn khoảng 15 đến phóng viên (nghe nói các nhà báo của Mỹ, Pháp, Anh là bị gạt gần sạch), vì thế phóng viên đã chạy vạy đủ mọi cửa để kiếm được "vé" vào chốn bom rơi đạn nổ đó. Thế mới biết cái sự đam mê nghề nghiệp của các nhà báo - đặc biệt là báo chí Phương Tây ghê gớm đến thế nào.
Một lần khi thấy tôi và thư ký của sứ quán bắt tay nhau rồi ôm nhau có vẻ thân mật "hơi quá mức cho phép"; nhiều phóng viên nước ngoài tưởng tôi là nhân vật "ghê gớm" lắm nên ngỏ ý nhờ tôi "giúp" với giá cả "chấp nhận" được.
Vậy giá chấp nhận được ở đây là bao nhiêu? Chắc Thánh Allah, người biết được mọi việc trên thế gian này cũng không biết nổi. Muốn dùng "đạn" để bắn, điều đầu tiên là phải lần đến được các đường dây mafia nằm ngay trên đất Pakistan rồi từ đó họ sẽ giải quyết mọi việc. Theo những thông tin kiểu "báo... hại" thì giá một visa khoảng từ 3.000 đến 5.000USD! Dĩ nhiên là nhiều báo dám bỏ tiền ra để "chạy", nhưng không biết có kết quả gì không. Có nữ phóng viên còn hùng hồn tuyên bố sẵn sàng làm "vợ ngắn hạn" với bất cứ ai nếu như kiếm cho cô ta một thị thực nhập cảnh vào Afghanistan.
Chúng tôi đã "chạy" mọi cửa và qua một nhân viên tình báo do tướng Ghull giới thiệu, chúng tôi đã đến với một ông trùm buôn lậu ôtô ở Pakistan và là người sửa chữa xe, cung cấp xe cho một số nhân vật cao cấp của Taliban. Ông tên là Hazip.
|
Nhà báo Nguyễn Như Phong cùng người phiên dịch và vợ chồng Chánh VP phủ Tổng Thống |
Theo như lời giới thiệu của nhân viên tình báo nọ và được xem những bức ảnh ông chụp với một số quan chức của chính quyền Taliban thì ông là bạn thân của chính quyền Taliban, đặc biệt là với giáo chủ Oma. Ông đã nhiều lần ăn cơm với Bin Laden, còn với đại sứ Zaep tại Islamabad, ông là chỗ thân tình. Trong suốt 5 ngày, chúng tôi hết sức cảm động về sự nhiệt tình của ông già. Có những hôm ông chầu chực ở sứ quán từ 9h sáng đến 3 giờ chiều chỉ để đưa bằng được tên tôi và Quang Thiều cho vị đại sứ. Bằng nhiều nỗ lực của ông, tôi và Quang Thiều được đưa vào danh sách cấp visa đầu tiên, nhưng không biết bao giờ mới được vì mọi việc phụ thuộc vào Bộ Ngoại giao Afghanistan. Thấy chúng tôi sốt ruột, ông bèn vạch kế hoạch đưa chúng tôi sang Kabul bằng con đường không chính thức và hứa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chúng tôi đối với chính quyền Taliban, còn chuyện bom Mỹ thì... chịu.
Một kế hoạch vượt biên sang Afghanistan được ông và nhân viên tình báo nọ vạch ra hết sức tỉ mỉ và đầy mạo hiểm. Chúng tôi cũng "máu" đi lắm và chuẩn bị mọi thứ như quần áo người Hồi giáo, để râu dài và định cả ngày giờ lên đường. Nhưng suy đi tính lại thấy có điều không ổn lắm bởi lẽ nếu mình đi chui, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì, bọn báo chí phương Tây lại lu loa lên rằng "công an Việt Nam cử người...snag gặp Taliban" thì có mà đại họa. Thiệt thân mình đã đành nhưng hậu quả của nó thì thật khôn lường. Chúng tôi gửi thư về xin ý kiến Tổng Biên tập và ngay tức khắc, anh Hữu Ước báo cáo lên Bộ trưởng Lê Minh Hương. Là người từng hoạt động ở Pakistan nhiều năm, nên Bộ trưởng Lê Minh Hương quá hiểu đất nước này. Đúng thời điểm đó, thì có tờ báo nước ngoài đưa tin " Bộ CA Việt Nam cử hai sĩ quan sang …" .Thế là Bộ trưởng bảo anh Ước gọi chúng tôi về ngay. Còn chúng tôi thì nhận được điện thoại của Tổng biên tập ra lệnh "cấm" đi chui và bắt quay về nước càng sớm càng tốt. Khi chúng tôi nói lại với ông Hazip về lệnh cấm của Tổng Biên tập, ông rất buồn và lúc chia tay, ông chảy nước mắt vì đã không đưa được chúng tôi đi Afghanistan như lời ông đã hứa.
***
Các nhà báo chầu chực ở sứ quán đã tạo "công ăn việc làm" cho nhiều người, trước hết là bọn trẻ đánh giày. Mỗi đôi giày ở đây được chúng "chém" đắt gấp 3 lần ngoài đường nghĩa là khoảng 15 rupi. Sau lũ trẻ đánh giày là đến những người bán ngô rang, lạc rang và nhiều thứ hạt linh tinh khác giúp cho các nhà báo đỡ... buồn mồm.
Ngoài cổng sứ quán luôn có mấy nhân viên Taliban ngồi bên cạnh chiếc điện thoại Siemen bẩn cóc cáy. Bất chấp "nghi lễ ngoại giao", các nhân viên thường trực này luôn gác chân lên chiếc bàn con và hơi tý là quát mắng phóng viên, kể cả những nữ phóng viên xinh như mộng. Thường thường họ chỉ đứng dậy khi có chiếc xe Mercedes màu đen mang biển đỏ CD 01-10 đi vào. Chịu nhục để kiếm được thông tin đó là đức tính quý báu của dân làm báo, vì thế cái họ vẫn rất mềm mỏng, ngọt nhạt với những nhân viên Taliaban đang ngồi ngất ngưởng, coi thiên hạ bằng nửa con mắt kia.
Chúng tôi đến Trung tâm Thông tin báo chí của Chính phủ và thấy ở đây lúc nào cũng đông phóng viên đến xin gia hạn... visa mà chủ yếu là do nhỡ máy bay, hoặc cố nán thêm ít ngày chờ đi Afghanistan. Chúng tôi cũng trong dòng người đến xin gia hạn và không thể chịu nổi khi thấy ở đây chỉ có một nhân viên đánh máy công văn gửi cơ quan xuất nhập cảnh với tốc độ khoảng... 40 phút cho một người bởi vì ông ta phải xem xét, xăm soi rồi đối chiếu giữa ảnh thật và bản coppy với... người. Rồi xem từng dòng chữ trong hộ chiếu. Theo ông phụ trách nhân sự báo chí nước ngoài ở đây cho biết, hiện trên đất Pakistan đã có 2147 nhà báo của 592 hãng thông tấn, phát thanh, truyền hình, báo , tạp chí... lớn nhỏ của 70 quốc gia (trước ngày Mỹ tấn công có hơn 1.000 nhà báo), ngoài ra còn có 140 nhà báo tự do, tức là không thuộc quản lý của báo nào cả. Số nhà báo này cộng với hơn 4.000 nhà báo Pakistan của 90 tờ báo, tạp chí, 5 đài truyền hình, 3 đài phát thanh ở Islamabad đã tạo ra một hình ảnh khủng khiếp: Có những cuộc biểu tình, phóng viên đến đông hơn... người đi biểu tình! Và cũng chính những ống kính quay phim, chụp ảnh, những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đã góp phần làm cho những người biểu tình “hăng máu “ hơn. Nhìn phóng viên nước ngoài mang theo những máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ mà phát thèm. Các loại máy ảnh hiện đại trị giá từ 30 - 50.000USD một bộ thì hầu như phóng viên ảnh nào cũng có nhưng điện thoại liên lạc qua vệ tinh thì chỉ vài hãng lớn mới dám trang bị cho phóng viên. Chỉ gọn như chiếc cặp xách, nặng chừng 8kg, họ ngồi ngay xuống ven đường, mở chiếc cặp mà nắp là ăng ten... Họ xoay hướng ăngten cho trùng với vị trí của vệ tinh, thế là xong. Họ có thể tường thuật tại chỗ diễn biến của một cuộc biểu tình, hoặc tường thuật nguyên vẹn một buổi họp báo của Đại sứ Afghanistan.
Ngành du lịch Pakistan đang bị thất bát nặng nề vì không có khách, vì vậy hàng ngàn nhà báo kia là những "con gà béo" để họ làm thịt bằng đủ mọi cách.
Khách sạn Marriot có 285 phòng mà giá phòng rẻ nhất là 350 USD, cao nhất là 2.200 USD không còn một chỗ trống. ở đây có 4 đường dây Intenet cùng hệ thống thông tin hoàn hảo phục vụ các nhà báo. Các nhân viên bán báo ở đây cũng đã học được cạo giá tiền trên báo và thay vào đó là giá cao gấp... 4 lần. Một tờ báo Dawn hay The National, The New có 16 đến 24 trang khổ to hơn cả báo Lao Động của ta được bán với giá 45 rupi mặc dù giá in chỉ có 12 đến 13 rupi (tương đương 2500 đồng - giá quá rẻ). Chúng tôi ký hợp đồng với công ty du lịch Pakistan cho nên không bị "chém", còn như nữ phóng viên báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh khi sang, ở cũng chỗ với chúng tôi đã bị "băm" với giá 150 USD/ngày. Sau nhiều cuộc thuyết phục của ông Giám đốc Công ty du lịch và Quang Thiều, giá phòng đã được giảm xuống bằng giá chúng tôi đã thuê là 70 USD (dĩ nhiên là sau đó, chúng tôi xuýt bị tống đi khách sạn khác vì đã can thiệp vào công việc kinh doanh của họ). Một bữa ăn trong khách sạn ở đây cũng được nâng giá cao hơn nhiều so với ở ngoài. Bữa cơm cho hai người nếu như ở Việt Nam thì chỉ khoảng 30.000 thì ở đây lên đến 200.000 đồng.
|
Nhà báo Nguyễn Như Phong và Nhà văn Quang Thiều trong một bữa ăn tối với Chánh VP phủ Tổng thống |
Tài liệu thì ít, các quan chức chính quyền hầu như xa lánh báo chí và rất dè dặt khi phát ngôn; đi đến những nơi nước sôi lửa bỏng thì bị cấm... thế là phóng viên quay sang đi viết... bình luận. Thậm chí một ước mơ nho nhỏ của hầu hết phóng viên ở đây là được ra cửa khẩu Torkham để tận mắt nhìn thấy những binh lính Taliban bằng xương bằng thịt cũng trở thành xa vời. Có sang đây, mới thấy báo chí nước ngoài không từ một thủ đoạn nào trong hoạt động nghiệp vụ và họ cũng chẳng phải là "độc lập" lắm đâu, đặc biệt là truyền hình CNN. (Ai đó trông mong vào sự "khách quan" "trung thực" của truyền hình phương Tây thì quả là họ ngây thơ). Để tăng "uy tín" cho mình , có tờ báo Anh Tấm gương Chủ nhật còn dám bịa ra cuộc phỏng vấn với Abdull Ah Bin Laden là con trai của Bin Laden khiến anh chàng này nổi nóng và phải "chửi" lại trên tờ The News. Có phóng viên ở chung khách sạn với chúng tôi, không đi đâu hết và chỉ đọc báo địa phương, xem bản đồ và... phóng bút! Ngay truyền hình CNN cũng vậy, họ được sang Afghanistan, nhưng đố ai thấy được hình ảnh nào về các vụ máy bay Mỹ ném bom nhầm vào dân thường, hình ảnh trẻ em bị chết vì bom Mỹ...!
Nhiều hãng truyền hình và báo chí đã không đưa tin trung thực thậm chí còn lợi dụng những người phản đối Tổng thống Musaraf để đưa tin theo kiểu "lửa đổ thêm dầu", chính vì vậy, rất nhiều nhà báo không xin được ở lại Pakistan vì thời gian trong visa đã hết. Trung tâm báo chí của chính phủ từ chối thẳng thừng với những nhà báo mang quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp xin gia hạn
Tuy nhiên, cũng có những phóng viên mà chúng tôi thực sự kính nể, đó là cô Vaneesa, phóng viên tự do từ ấn Độ sang. Là người Mỹ nhưng ở Ấn Độ, Vaneesa làm phóng viên 3 năm nay và ký hợp đồng viết bài cho 15 tờ báo ở Ấn Độ và ba tờ báo tại Pakistan. Không viết được bài là... nhịn! Đơn giản có vậy thôi. Từ khi có vụ 11-9, cô đã sang Pakistan 3 lần, đi Peshawar 5 lần, Cashmir, Karachi, Lahore, Quetta, mỗi nơi đi hai lần và tất cả là bằng tiền cá nhân. Phóng viên báo chí ở Pakistan cũng chủ yếu sống bằng nhuận bút, hầu như không có lương cho phóng viên. Tuy nhiên, nhuận bút của họ cũng khá cao. Một bài bình luận in trang nhất trên tờ báo Dawn khoảng 500 chữ được trả 8.000-9.000 rupi (tương đương với 145- 160 USD). Một phóng viên cỡ "thường thường bậc trung" có thể kiếm được 14.000 rupi cho một tháng, thấp hơn rất nhiều so với ngạch lương của quan chức nhưng khá hơn nhiều so với các ngành nghề khác.
Các hãng hàng không hầu hết đã đóng cửa đường bay. Chuyến bay đưa chúng tôi từ Karachi về Bangkok có đến một nửa là nhà báo. Khi sang, các nhà báo chen nhau sang, và bây giờ lại ... chen nhau về? Nghề báo khổ thế đấy.
(Còn nữa)
( C. H sưu tầm)